Luật sư đã phải lao tâm khổ tứ rất nhiều, thậm chí đã không ít lần rơi lệ trước hoàn cảnh thương tâm cậu thanh niên “trẻ người non dạ” bột phát sát hại mẹ nuôi, cũng là cô ruột, để rồi bị tuyên án tử hình .
“Nhờ có Luật sư tận tâm hết lòng bào chữa mà cháu được hưởng khoan hồng, được giảm án chung thân. Cháu hứa sẽ cố gắng cải tạo để xứng đáng với sự nhân đạo, bao dung của pháp luật” - bị cáo đã hứa với Luật sư của mình như thế.
Ngăn cấm hôn nhân vì “gái hư”!
Đó là vụ án Phùng Văn Tài (SN 1984, ở xã Giao Hà, Giao Thủy, Nam Định) phạm tội “Giết người” xảy ra cuối năm 2006, nạn nhân là cô ruột, cũng là mẹ nuôi của bị cáo.
Tài là con thứ 7 trong một gia đình nông dân nghèo, đông con có tới 9 anh em. Nhà nghèo nên Tài được cô ruột là bà Phùng Thị Loan ở gần nhà nhận làm con nuôi từ năm 6 tuổi, bà Loan cũng yêu thương, chăm sóc Tài chẳng khác gì con đẻ.
Bà Loan là giáo viên trường tiểu học xã Giao Hà, sống độc thân, tính tình hiền lành được bao thế hệ học trò kính mến.
Mẹ nuôi là giáo viên, có điều kiện quan tâm dạy dỗ đến nơi đến chốn nhưng vì nhà chỉ có một mẹ một con, hơn nữa lại là mẹ nuôi nên không tránh khỏi trường hợp “có mười thì tốt, có một vô duyên”.
Mặc dù Tài được tạo điều kiện cho ăn học đàng hoàng, nhưng do lười học, ham chơi nên Tài chỉ học hết lớp 9 thì bỏ học. Vào tuổi trưởng thành, Tài được bà Loan và gia đình cho đi học nghề nhưng Tài chẳng chịu tu chí vào một nghề nào, nay làm thuê, mai làm mướn.
Rốt cục, tiền làm thuê không đủ để Tài chi tiêu mua sắm cho bản thân và đi tán gái. Thậm chí có khi Tài còn nợ nần khiến cha mẹ đẻ và mẹ nuôi phải phối kết hợp trả giùm.
Khoảng đầu năm 2006, trong một lần đi ra bãi biển “đổi gió”, Tài quen và sau đó có quan hệ yêu đương với Phạm Thị Dung (SN 1987, người xã Hoành Sơn, Giao Thủy) làm nghề cắt tóc.
Chuyện này bà Loan và cha mẹ Tài đều không tán thành vì qua tiếp xúc thấy Dung là người lẳng lơ, nghề nghiệp lại không đàng hoàng. Mẹ Tài và bà Loan đã bàn nhau lựa chọn và mai mối cho Tài một cô gái “con nhà lành, nghề nghiệp ổn định” ở xã bên nhưng Tài lại cứ “đâm đầu” vào yêu Dung đến độ có ý định tiến tới hôn nhân khiến hai bà mẹ càng phát hoảng.
Thương con, bà Loan cũng đành chấp nhận vì “ trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”. Và, cũng như những bà mẹ quê hết lòng vì con nên rất duy tâm, trước ngày tính chuyện trăm năm cho con, bà Loan đã cẩn thận đi xem bói. Trước đây vốn đã không ưa Dung, nay nghe bà thầy bói nói rằng tuổi của hai đứa không hợp nhau, Tài tuổi con chuột còn Dung tuổi con mèo, nếu lấy nhau Tài là chuột sẽ bị mèo vồ chết sớm.
Về nhà bà Loan kiên quyết phản đối chuyện hôn nhân của hai đứa: “Nếu Tài cố tình lấy Dung thì sẽ trả về “nơi sản xuất”, không nhận làm con nuôi nữa. Còn nếu Tài nghe lời, thì cơ ngơi này (nhà hai tầng khang trang đầy đủ tiện nghi trong khuôn viên mấy sào đất thổ cư, xe máy, mấy sào ruộng khoán mà bà Loan từng hứa để cho Tài thừa kế) bà sẽ không cho lấy một xu”.
Nghe vậy, Tài tức tối vì cho rằng mẹ nuôi quá cổ hủ và độc đoán. Cũng từ đây giữa Tài và bà mẹ nuôi mâu thuẫn trầm trọng.
“Giận quá hóa cuồng”
Biết rõ gia đình không tác thành chuyện tình duyên của mình nhưng vào ngày cưới của người chị gái, Tài vẫn chở Dung đến giới thiệu với mọi người là vợ tương lai.
Thấy vậy, bà Loan tỏ thái độ tức giận, miệt thị Dung là “gái hư”. Dung “muối mặt” chịu trận nhưng sau đó đã chì chiết Tài vì chuyện bà Loan đã xúc phạm danh dự của mình và dọa chia tay, nếu bà Loan không xin lỗi Dung.
Sẵn lòng tức tối với bà Loan, lại bị người yêu “đổ thêm dầu vào lửa”, cộng với trong người đang sẵn hơi men. Tan tiệc cưới, bà Loan về nhà trước. 22h cùng ngày, Tài về nhà. Khi về thấy cửa nhà đã khóa, biết bà Loan đã ngủ nên Tài mở cửa rón rén lên phòng bà Loan dùng chày gỗ đập vào đầu; rồi dùng tay bóp cổ bà Loan cho đến chết.
Gây án xong, Tài sang nhà bố mẹ đẻ nói: “Bố mẹ ơi cô Loan làm sao ấy !”. Ông bà Chính chạy sang phát hiện bà Loan đã tử vong trên giường. Cơ quan Điều tra vào cuộc làm rõ sự việc. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Tài cúi đầu nhận tội về hành vi của mình.
Luật sư Đỗ Minh Thu, Cty Luật TNHH Minh Thu, Nam Định được TAND tỉnh Nam Định chỉ định bào chữa cho bị cáo Tài ngay từ phiên tòa sơ thẩm. Trong suốt quá trình tiến hành tố tụng, Tài thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Đại diện cho người bị hại xấu số - cũng là người cô ruột khác của Tài đã xin giảm nhẹ cho bị cáo.
Tuy nhiên, với hành vi “Giết người mang tính chất côn đồ” - giết người đã nuôi dưỡng mình và ngay sau đó lại phạm vào một tội nghiêm trọng khác là “Cướp tài sản”, Tài đã bị Tòa tuyên án tử hình.
Nghe Tòa tuyên, mặt Tài tái xanh, cha mẹ Tài thì ngất xỉu, người thân kêu khóc thảm thiết, cố bấu víu lấy Luật sư xin cứu giúp như một cứu cánh cuối cùng. Chính giờ phút đó, luật sư Thu thấy sứ mệnh bảo vệ công lý, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của công dân và pháp chế XHCN của người Luật sư thật vô cùng cao cả.
Bản thân luật sư thấy tội ác của Tài đáng bị trừng trị nhưng bị cáo Tài chưa hẳn đã hết khả năng cải tạo. Tài có nhân thân tốt, chỉ vì bột phát phạm tội, nếu pháp luật mở lượng khoan hồng cho một con đường sống chắc chắn bị cáo sẽ trở thành một con người có ích.
Với niềm tin nội tâm như thế, bằng nhiều kênh vận động của mình, luật sư đã lặn lội đi thu thập chứng cứ để chứng minh Tài không phải hết khả năng cải tạo thành công dân tốt, chưa đáng bị loại vĩnh viễn ra khỏi cộng đồng.
Luật sư đã viết giúp gia đình Tài bức “tâm thư” xin giảm tội cho bị cáo và tự nguyện bào chữa miễn phí cho thân chủ tại phiên tòa phúc thẩm. Và công lao của luật sư đã được đền đáp, TANDTC đã chấp nhận đơn kháng cáo xin giảm án, chấp nhận quan điểm của Luật sư tuyên giảm án cho Tài từ tử hình xuống chung thân. Bị cáo đã khóc, nói lời cảm ơn và hứa với Luật sư là sẽ cố gắng cải tạo để trở thành công dân tốt, xứng đáng với sự nhân đạo khoan dung khi pháp luật đã mở con đường sống cho mình.