Trao đổi với phóng viên, Thẩm phán Thân Quốc Hùng, Phó chánh án tòa hình sự Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang, người trực tiếp xét xử Lê Văn Luyện trong phiên xét xử sơ thẩm cho biết : "Trường hợp này, suy cho cùng, việc có mặt hay không có mặt của bé Bích không ảnh hưởng và không có gì khác đi cả và chính vì thế mà Tòa án nhân dân tối cao sẽ không triệu tập Bích lên".
Thẩm phán Hùng cũng cho biết, chắc chắn bé Bích không tham gia vì có nhiều người khuyên và bản thân gia đình cũng sẽ không cho đến.
Về mặt tòa, khách quan thì cũng sẽ không cho bé Bích vào. Nếu bé Bích tham dự sẽ phải đối diện một lần nữa với nỗi đau, khơi dậy lên nỗi đau. Rồi phóng viên báo chí, mọi người lại nhìn vào ... Kết luận là không nên tham dự.
Trường hợp này không thuộc xét xử kín. Những vụ án liên quan đến nhân phẩm, danh dự, cũng như an ninh quốc gia mới xét xử kín. Trường hợp này không thuộc diện xét xử kín kể cả khi có yêu cầu của đương sự. Tuy nhiên, trước đó, theo thông tin trên báo Vnxpress, Người Lao Động, Dân trí, Luật sư Phạm Văn Huỳnh, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bị hại cho biết gia đình cháu Trịnh Thị Bích đã thông báo sự thật về cái chết của bố, mẹ và em cháu.
Tâm trạng cháu Bích cũng đã bớt hoảng sợ và cũng sẵn sàng tinh thần để ra dự tòa với tư cách người bị hại và nhân chứng duy nhất trong vụ thảm sát này.
Còn theo các chuyên gia tâm lý phân tích, việc đưa bé Bích tới tòa là một việc không nên. Chuyên gia tâm lý Lê Khanh - Phòng khám Tâm lý trẻ em & gia đình cho biết việc đưa bé Bích đến tòa dù là phiên xử kín hay công khai thì cũng ảnh hưởng lớn tới tâm lý của Bích.
Trao đổi với PV, luật sư Trần Đình Triển cũng cho rằng, việc có mặt của cháu Bích tại phiên tòa là không cần thiết để tránh việc xúc động, tác động đến tâm lý của cháu.
Đối với việc lấy lời khai của Bích cũng cần phải cân nhắc bối cảnh, hoàn cảnh nào là cần thiết. Rất cần phải có người giám hộ, phải có luật sư bên cạnh để động viên cháu. Có thể ghi âm lời khai công bố tại phiên tòa để hội đồng và mọi người nghe, đánh giá lời khai của cháu và xem có tình tiết gì để định hình vụ việc này.
Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, vụ thảm sát tiệm vàng gây chấn động dư luận xảy ra lúc rạng sáng 24/8/2011, Lê Văn Luyện đã đột nhập vào tiệm vàng Ngọc Bích (Phố Sàn, Lục Nam, Bắc Giang) với mục đích cướp của.
Tại đây, Luyện đã ra tay sát hại vợ chồng chủ tiệm vàng là anh Trịnh Thành Ngọc (37 tuổi) - chị Đinh Thị Chín (35 tuổi), cháu Trịnh Thị Thảo (18 tháng tuổi) và chém nhiều nhát khác lên người cháu Trịnh Thị Bích (9 tuổi).
Sau khi gây ra vụ thảm sát, Luyện cướp đi một lượng vàng lớn, tổng giá trị ước tính khoảng 1,3 tỷ đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lê Văn Luyện bị tuyên phạt mức án 18 năm về tội giết người, 18 năm cho tội cướp tài sản, 9 tháng tù do lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt Lê Văn Luyện phải nhận là 18 năm tù giam (do khi gây án Lê Văn Luyện chưa đủ 18 tuổi). Các bị cáo liên quan đến vụ án lần lượt bị tuyên phạt: Lê Văn Miên (bố Luyện) 48 tháng tù, Trương Thanh Hồng 30 tháng, Lê Thị Định 15 tháng, Lê Thành Nghi 15 tháng, Trương Văn Hợp 12 tháng và Dương Thị Lược 9 tháng. Sau khi phiên xét xử kết thúc, gia đình bị hại đã rất bức xúc với kết quả xử án và đã lên tiếng phản đối, đòi tử hình Luyện. Gia đình bị hại đã gửi đơn kháng cáo bản án này. Cùng với đó, tất cả gia đình người bác họ của Lê Văn Luyện là ba bị cáo Trương Văn Hợp cùng vợ Dương Thị Lược và con trai Trương Thanh Hồng cũng gửi đơn kháng cáo vì cho rằng tòa tuyên tội "Che giấu tội phạm" và "Không tố giác tội phạm" quá nặng. Theo dự kiến, ngày 30/3 sẽ diễn ra phiên tòa phúc thẩm được TAND Tối cao mở tại thành phố Bắc Giang. Trong phiên tòa này sẽ có 3 thẩm phán thuộc TAND Tối cao ở Hà Nội về xét xử tại tỉnh Bắc Giang.