Thợ lặn loay hoay tìm cách tiếp cận thân máy bay
Các thợ lặn đã cố tiếp cận thân máy bay xấu số vào buổi sáng và một lần nữa vào buổi chiều nhưng mọi nỗ lực của họ đều thất bại. Thân chiếc máy bay nằm ở dưới độ sâu khoảng 30m nhưng do thời tiết xấu khiến biển động dữ dội nên các thợ lặn đã không thể hoàn thành cuộc kiểm tra ban đầu.
"Các thợ lặn của chúng tôi bị thời tiết xấu cản trở. Lúc đó trời mưa rất to, sóng rất cao và dòng chảy siết. Khả năng hiển thị dưới nước ít hơn 2m", ông Supriyadi, người điều phối hoạt động tìm kiếm và cứu hộ chiếc máy bay QZ8501 của Indonesia cho hay.
Trong khi đó, các quan chức Indonesia nhấn mạnh, nếu thợ lặn không thể tiếp cận thân máy bay để vớt thi thể các nạn nhân còn mắc kẹt ở bên trong, lực lượng cứu hộ sẽ thực hiện phương án nâng thân máy bay lên từ dưới đáy biển tương tự như đã nâng phần đuôi trước đó.
Thân máy bay QZ8501 gắn liền với một phần cánh của chiếc máy bay và có tổng chiều dài 26 mét.
Lực lượng cứu hộ đã sử dụng các khinh khí cầu khổng lồ để nhấc đuôi của máy bay lên khỏi nước trước đó. Phần đuôi nằm ở vị trí cách phần thân máy bay khoảng 2km.
Thân nhân nạn nhân vẫn giữ hy vọng
Ông Aris Siswanto, có vợ trên chuyến bay xấu số mà đến nay vẫn chưa tìm được thi thể cho biết, việc tìm thấy thân máy bay dẫu sao cũng đã khiến ông cảm thấy nhẹ nhõm.
"Tôi đã đợi chờ 19 ngày nay, trong lòng như lửa đốt mà hy vọng thì rất mong manh. Việc tìm thấy thân máy bay khiến tôi có hy vọng mới. Đó là tìm thấy thi thể vợ tôi", người đàn ông 42 tuổi, sống gần Surabaya chia sẻ.
Trong khi đó, các quan chức Indonesia cho hay, quy mô của chiến dịch tìm kiếm hiện nay đã được thu hep lại, với hầu hết các tàu quốc tế đang rời khỏi vùng biển diễn ra hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, trong đó có tàu cứu hộ MV Swift của Singapore.
Còn người đứng đầu Ủy ban An toàn Indonesia Tatang Kurniadi công bố, các nhà điều tra đã tải được 174 giờ dữ liệu từ máy ghi dữ liệu chuyến bay và 2 giờ 4 phút dữ liệu từ ghi âm buồng lái.
Phần thân máy bay QZ8501 được một tàu Hải quân của Singapore phát hiện và định vị vị trí hôm 14.1 nhưng đến nay vẫn chưa trục vớt được.
Hôm 12.1 và 13.1, đội tìm kiếm và cứu hộ đã tìm thấy và trục vớt thành công cả 2 hộp đen máy bay.
Các hộp đen đã được đưa về phòng nghiên cứu ở Jakatar để phân tích dữ liệu. Giới chức Indonesia hy vọng, có thể nhanh chóng giải mã các dữ liệu và tìm ra nguyên nhân của vụ tai nạn trong vài ngày tới.
Máy bay QZ8501 của hãng hàng không giá rẻ AirAsia cất cánh lúc 5h20 ngày 28.12.2014 từ thành phố Surabaya (Indonesia) và theo dự kiến, phải hạ cánh tại sân bay Changi của Singapore lúc 8h30 cùng ngày.
Tuy nhiên, chiếc máy bay đã mất liên lạc khi ở giữa cảng Tanjung Pandan của Indonesia và thị trấn Pontianak, phía Tây Kalimantan trên đảo Borneo. Sau đó, chiếc máy bay được xác nhận đã rơi xuống biển Java khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Máy bay QZ8501 chở theo 162 người, trong đó có 2 phi công, 5 tiếp viên và 155 hành khách đến từ nhiều nước khác nhau, bao gồm một người Singapore, một người Anh, một người Malaysia, ba người Hàn Quốc và 149 người Indonesia.
Thảm kịch QZ8501 xảy ra vào những ngày cuối năm 2014 - được cho là năm khủng hoảng của ngành hàng không thế giới khi các vụ tai nạn máy bay thảm khốc liên tiếp xảy ra.
Đặc biệt là hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị mất hai máy bay trong năm này. Chuyến bay MH370 của hãng này đi mất tích cùng với 239 hành khách và phi hành đoàn ngày 8.3 khi đang thực hiện hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh.
Gần 4 tháng sau, ngày 8.3 chuyến bay MH17 của hãng này bị rơi xuống khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine - vùng đang xảy ra chiến sự ác liệt - cướp đi mạng sống của 298 người trên máy bay.