Những thắc mắc này được Bác sỹ Phạm Xuân Toàn, quyền Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia giải thích.
Quá trình phân hủy dưới nước khiến đầu, tay, chân tự rụng ra
PV: Qua kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu thi thể người, theo ông thì thời gian bao lâu thi thể sẽ phân hủy hoàn toàn?
BS Nguyễn Xuân Toàn: Sau khi chết, các tế bào ngừng hoạt động, thi thể bắt đầu phân hủy. Việc phân hủy nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiệt độ, điều kiện môi trường. Nếu thi thể nằm trên cạn, quá trình phân hủy sẽ nhanh hơn. Trường hợp chị Huyền, nếu thi thể ở trong môi trường nước, nổi lên bề mặt sông Hồng, với điều kiện khí hậu ở Hà Nội thì sẽ bị phân hủy hoàn toàn sau ba đến bốn tháng. Khi đó, phần mềm thi thể tách hoàn toàn khỏi xương cốt. Như vậy, xương sẽ bị chìm xuống đáy sông, còn phần mềm nổi trên mặt nước. Thời gian sau, dưới tác động của ánh sáng mặt trời, sự phát triển của vi khuẩn, tác động của sóng nước, phần mềm sẽ dần dần hòa tan với nước sông không lâu sau đó, không còn hình hài.
PV: Khi phát hiện, thi thể nạn nhân Huyền bị mất đầu và tứ chi. Nhiều giả thiết cho rằng nạn nhân bị chặt ra trước khi phi tang?
BS Nguyễn Xuân Toàn: Khi giám định hệ thống xương cốt, cơ quan pháp y sẽ biết được các bộ phận như đầu, tay, chân bị Tường cắt hay tự phân hủy. Nếu trường hợp Tường phi xác nạn nhân khi tứ chi còn nguyên vẹn, thì quá trình phân hủy dưới nước cũng khiến các bộ phận đầu, tay, chân tự rụng rời ra. Quá trình này xảy ra chỉ sau khoảng hai tháng sau chết. Đầu tiên, thi thể bị bong tróc, tuột lông, tóc, móng. Sau đó, các tổ chức phần mềm dần bị thối rữa. Do không có hệ thống xương liên kết nên ở vị trí các khớp cổ, tay, chân sẽ bị rời. Trong môi trường dòng chảy của nước, những bộ phận này dần dần tách nhau ra. Thi thể chị Huyền được phát hiện sau quá trình trên, nên việc mất đầu và tứ chi là điều dễ hiểu.
PV: Như ông nói ở trên, thi thể sẽ phân hủy hết chỉ còn bộ xương sau thời gian từ ba đến bốn tháng. Vậy tại sao thi thể nạn nhân Huyền chết đã gần 10 tháng mà vẫn chưa phân hủy hết?
BS Nguyễn Xuân Toàn: Đấy là tôi nói với điều kiện thi thể ngay từ đầu bị phi tang xuống sông, và sau đó theo quy luật nổi lên mặt nước. Ở môi trường mặt nước, thi thể sẽ phân hủy hết sau ba đến bốn tháng, chỉ còn bộ xương. Nếu thi thể nạn nhân Huyền bị phi tang xuống sông, nổi lên mặt nước mà sau gần 10 tháng chưa phân hủy hết thì là trái với quy luật tự nhiên.
Thi thể có lẽ đã ở một môi trường “lý tưởng”
PV: Vậy thì theo ông, nạn nhân Huyền không bị phi tang xuống sông?
BS Nguyễn Xuân Toàn: Chưa thể khẳng định như vậy. Nếu thi thể nạn nhân bị phi tang xuống sông, nhưng bị mắc ở dưới lòng sông, không nổi lên được thì quá trình phân hủy có thể chậm lại. Đặt giả thiết ở điều kiện lí tưởng, nếu Tường cùng đồng sự bọc xác nạn nhân lại rồi phi tang xuống sông Hồng và bị mắc lại ở đáy sông. Lúc này, đáy sông sâu, nhiệt độ thấp hơn nhiều so với bề mặt nước, cộng với điều kiện thi thể được bao bọc kín đáo, không bị tôm, cua, cá rỉa thì quá trình phân hủy sẽ chậm lại. Trong điều kiện trên, thi thể chị Huyền sau gần 10 tháng chưa phân hủy là giải thích được. Chúng ta cần nhớ rằng, điều kiện quan trọng để thi thể phân hủy nhanh hay chậm là nhiệt độ. Nếu ở nhiệt độ cực thấp, như được ướp trong đá lạnh, máy lạnh thì quá trình phân hủy sẽ cực lâu.
Một số ngư dân sau khi phát hiện thi thể nạn nhân Huyền đặt giả thiết, nạn nhân được chôn ở gần bờ sông Hồng, sau đó đổ bê tông lên xác, lấp cát lên trên. Sau trận mưa bão vừa qua, nước sông dâng cao, xói mòn bãi cát khiến thi thể nạn nhân lộ thiên, trôi theo dòng nước. Giả thiết này nếu xảy ra, liệu có giải thích được việc thi thể sau gần 10 tháng chưa phân hủy?
Ngoài ra, nếu giả thiết trên là đúng, thì sẽ có những đồng phạm khác hỗ trợ Tường thực hiện việc chôn lấp, đổ tê tông chứ không riêng gì Tường và nhân viên bảo vệ thực hiện tội ác.
PV: Việc nạn nhân chết trước hoặc sau khi bị phi tang là chi tiết rất quan trọng quy định tội danh của bác sỹ Tường. Theo kinh nghiệm của ông, quá trình giám định liệu có chắc chắn kết luận được việc nạn nhân chết trước hay sau khi phi tang?
BS Nguyễn Xuân Toàn: Thi thể nạn nhân được phát hiện khi đã phân hủy quá mạnh. Điều này khiến việc giám định gặp nhiều khó khăn. Thông thường, khi nạn nhân chết trong môi trường nước, khi các bộ phận phủ tạng chưa phân hủy mạnh, nhất là hai lá phổi thì quá trình giám định sẽ cho kết quả với tỷ lệ chính xác cao. Với thi thể chị Huyền, sau gần 10 tháng mới được giám định sẽ khiến việc xác định nạn nhân chết trước hoặc sau khi phi tang trở nên khó khăn. Tuy nhiên, với việc tìm thấy thi thể, nạn nhân chết trước hoặc sau khi phi tang đều chứng minh Tường đã làm chết người.
PV: Ngoài kết quả giám định ADN của cơ quan điều tra, liệu người nhà nạn nhân có thể tự đem mẫu người thân đi giám định?
BS Nguyễn Xuân Toàn: Thông thường chỉ cần lấy mẫu người mẹ để giám định là đủ căn cứ kết luận. Nhưng trong vụ Cát Tường gây dư luận mạnh, cơ quan công an đã rất cẩn trọng khi không chỉ lấy mẫu người mẹ mà lấy cả mẫu từ người bố và con đẻ của nạn nhân để xác định. Kết quả ba mẫu trên đều trùng huyết thống với mẫu xương thi thể được phát hiện. Điều này chứng tỏ kết quả đã quá rõ ràng, khẳng định thi thể cụt đầu chính là chị Huyền.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền giám định độc lập. Do đó, gia đình chị Huyền, vì một lí do nào đó vẫn có thể tự đem mẫu người thân đi giám định.
PV: Cảm ơn bác sỹ về cuộc trò chuyện này!