Chúng ta đều biết rằng, cái chết thường được định nghĩa là sự chấm dứt các hoạt động của một sinh vật sống, hoặc ngừng vĩnh viễn mọi hoạt động sống của một cơ thể.
Sau khi chết, cơ thể chúng ta sẽ phải trải qua giai đoạn phân hủy. Vậy quá trình phân hủy thi thể trong nước sẽ diễn ra như thế nào?
Thông thường khi bị chôn trong đất, sau 5 - 10 ngày, quá trình phân hủy sẽ bắt đầu diễn ra. Lúc này, vi sinh vật cùng các vi khuẩn trong cơ thể bắt đầu “liên hoan”, tấn công các mô mềm, rồi sau khi lông tóc, móng tay rụng dần, vi khuẩn cùng các loài côn trùng sẽ tiếp tục khoét sâu vào cơ thể, cho đến khi chỉ còn lại bộ xương. Quá trình này có thể kéo dài hàng năm.
Nhưng khi thi thể được đặt lộ thiên thì lại khác. Các loài vi khuẩn cùng vô số côn trùng như giòi, bọ sẽ tấn công các mô mềm. Tùy theo điều kiện thời tiết, sẽ không ngạc nhiên khi bạn có thể tìm đến 250.000 con giòi trên một xác chết lộ thiên. Những loài động vật ăn xác như chó hoang, kền kền… cũng góp phần đẩy nhanh quá trình phân hủy. Và cuối cùng thi thể sẽ trơ xương chỉ sau nhiều nhất là 2 tuần.
Vậy còn thi thể đặt trong nước thì sao? Do không có sự xuất hiện của côn trùng và giòi bọ nên quá trình này chậm hơn so với thi thể đặt lộ thiên, nhưng xác chết dưới nước cũng có tốc độ phân hủy rất nhanh.
Khi bắt đầu được Thần Chết ghé thăm, tim sẽ ngừng đập, cơ thể lúc này sẽ thả lỏng. Sau vài phút, cơ thể sẽ trở nên lạnh (quá trình mát lạnh tử thi - algor mortis) do thiếu sự lưu thông của máu và cũng bởi nhiệt độ ở dưới nước thấp hơn bình thường.
Khi mới rơi xuống nước, thi thể sẽ chìm nhanh chóng do sự xuất hiện của nước trong phổi và dạ dày. Sau 30' - 1 giờ đồng hồ, da ở lòng bàn tay, bàn chân bắt đầu trắng nhợt vì ngâm nước. Vết hoen tử thi (là những mảng màu đỏ tím nhạt xuất hiện trên da và nội tạng sau khi cơ thể chết) xuất hiện nhanh và lan rộng.
Người chết đuối sẽ có bọt sùi ra tại khoang mũi và miệng, được gọi là nấm bọt, chỉ xảy ra khi hô hấp trong nước (nếu nạn nhân đã chết trước khi rơi xuống nước sẽ không có hiện tượng này).
Sau 15 đến 24 giờ, tử thi bắt đầu thối rữa. Lúc này, vi khuẩn trong cơ thể bắt đầu tự tiêu hóa, tạo ra khí gas khiến xác trương phềnh, nổi lên. Do đã ngâm nước quá lâu, da người chết nhợt dần, nhăn nheo, trắng bệch, mất đi sự đàn hồi và bong dần. Ngoài ra khi nổi lên, được tiếp xúc với không khí và ánh sáng, những vùng thi thể lộ ra chuyển màu xanh hoặc nâu đen.
Từ 24 - 48 giờ tiếp theo, lớp biểu bì trên cơ thể bắt đầu tách rời. Ở gan bàn tay và chân xuất hiện hiện tượng “lột găng” và “lột bít tất” (thuật ngữ khi khám nghiệm tử thi, ám chỉ sự lột da hoàn toàn ở 2 vùng này).
Trong khoảng thời gian 5 - 15 ngày tiếp theo là giai đoạn “rùng rợn” nhất. Lúc này lông tóc, móng tay thi thể đã rụng, còn lớp da đầu cùng lớp thịt bong hoàn toàn, còn trơ xương sọ. Các cơ quan nội tạng rữa ra, phân hủy dần.
Tuy nhiên, nếu môi trường nước có nhiệt độ khá thấp (dưới 21 độ C), thi thể sẽ hình thành một lớp “sáp mỡ tử thi”- chất adipocere (hợp chất hình thành từ chất béo do vi khuẩn phá hủy các mô tạo thành), đóng vai trò như một lớp bảo quản tự nhiên.
Nhưng trong khoảng thời gian này, cơ thể giống như bàn tiệc dành cho những loài thủy sinh nhỏ như cua, cá - chúng có thể đến rỉa những mô mềm trên khuôn mặt (mắt, môi...). Ngoài ra, những loài cá lớn hơn có thể xuất hiện, đẩy nhanh quá trình phân hủy xác, để sau cùng chỉ còn lại bộ xương.
Thông thường, quá trình xương hóa thi thể dưới nước kéo dài từ 1 - 2 tháng, nhưng cũng có thể sớm hơn. Năm 2002, một nghiên cứu đã được thực hiện tại biên giới Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha để tìm hiểu về 9 xác chết trôi dạt hàng trăm km.
Sau 20 ngày, chỉ 2 xác chết được tìm thấy và đã trong tình trạng phân hủy rất kinh khủng, chỉ có thể nhận dạng bằng công nghệ ADN. Còn năm 2008, một nghiên cứu khác ở nhiệt độ nước ấm hơn, 2 thi thể được tìm thấy sau 34 ngày trôi dạt đã bị xương hóa nhiều phần cơ thể, còn một thi thể trôi dạt sau 3 tháng đã bị xương hóa hoàn toàn.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: MNN, Wikipedia...