Sáng nay, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến vừa ký văn bản số 4184/BYT-PC gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, báo cáo quá trình giải quyết tình tiết mới do Bộ Y tế kiến nghị trong vụ án chạy thận nhân tạo tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Công văn này được gửi đi ngay sau khi Viện trang thiết bị và Công trình y tế phục dựng lại được toàn bộ hệ thống RO của BV đa khoa tỉnh Hoà Bình, chạy thực nghiệm, đi tới kết luận rằng 8 nạn nhân tử vong do ngộ độc đa chất chứ không phải do tồn dư HF như trong kết luận điều tra và cáo trạng.
Toàn bộ hệ thống nước RO1 và RO2 tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình tại thời điểm xảy ra sự cố đã được Viện Trang thiết bị và công trình y tế tìm thấy, phục dựng lại hoàn chỉnh. Ảnh: T.Hạnh
Bộ Y tế cho biết, từ ngày 6/3/2019, Bộ đã gửi công văn 41 tới Thủ tướng báo cáo phát hiện tình tiết mới mang tính khoa học liên quan đến nguyên nhân tử vong trong vụ án khiến 8 nạn nhân tử vong.
Đến ngày 28/3, Văn phòng Chính phủ có công văn số 726/VPCP thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình gửi TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an và Bộ Y tế đề nghị xem xét giải quyết tình tiết mới này trong quá trình xét xử phúc thẩm theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó giao Bộ Y tế tổng hợp hồ sơ, tài liệu, chứng cứ khoa học mới phát hiện để gửi 3 đơn vị nói trên.
Ngày 26/4, Bộ Y tế đã có công văn số 69/BYT-PC gửi TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an để cung cấp bổ sung tài liệu, chứng cứ khoa học mới phát hiện.
Tuy nhiên, đến nay, sau hơn một tháng kể khi có bản án phúc thẩm (ngày 19/6), Bộ Y tế vẫn chưa nhận được phản hồi của 3 cơ quan nói trên.
Hàng loạt câu hỏi chưa được trả lời
Bộ Y tế cho biết, trong phiên xử phúc thẩm 13/6, Bộ đã cử một số chuyên gia, nhà khoa học giàu kinh nghiệm, tâm huyết và có trách nhiệm về hồi sức cấp cứu, pháp y, trang thiết bị y tế, hoá học, độc chất, pháp lý tham gia tố tụng tại phiên toà để làm rõ quan điểm của Bộ Y tế về phát hiện tình tiết mới mang tính khoa học liên quan đến nguyên nhân tử vong có thể do nhiễm đa chất vì hệ thống RO1 có 3 van bị hỏng, khiến nước ô nhiễm từ nguồn lọc thô chảy vào bồn nước thành phẩm dùng cho máy chạy thận chứ không phải do tồn dư HF (thời điểm đó mới phân tích trên lí thuyết, chưa tìm và phục dựng lại hệ thống RO).
Tại phiên toà, Bộ Y tế đã đặt ra nhiều câu hỏi để Hội đồng xét xử đề nghị Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hòa Bình làm rõ:
- Vì sao các lần trước bị cáo Quốc đã bảo trì, súc rửa hệ thống RO2 của BV đa khoa tỉnh Hòa Bình nhưng không xảy ra hậu quả mà lần này lại xảy ra tai biến, liệu bị cáo Quốc có làm gì khác so với các lần trước không?
Đại diện Bộ Y tế là TS Nguyễn Huy Quang, Vụ Trưởng Vụ Pháp chế có mặt tại phiên phúc thẩm ngày 13/6
- Vì sao những lần trước sau khi bảo trì, súc rửa hệ thống RO2 của BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, bị cáo Quốc không làm xét nghiệm AAMI mà người bệnh không chết mà lần này bị cáo Quốc cũng không làm xét nghiệm AAMI nhưng người bệnh lại chết?
- Vì sao BV đa khoa tỉnh Hòa Bình chỉ bảo dưỡng hệ thống RO2 trong khi cả 2 hệ thống RO1 và RO2 đều được kết nối với nhau nên không thể bảo đảm chất lượng chạy thận nhân tạo của cả hệ thống, hư hỏng của hệ thống RO1 có thể ảnh hưởng đến hệ thống RO2 và ngược lại?
- Vì sao bị cáo Quốc sử dụng hỗn hợp Axit Flohydric (HF) và Axit Clohydric (HCl) để lau chùi, sục rửa các cột lọc mà khi xét nghiệm lại chỉ có HF (đơn chất), không có HCL (cả HF và HCL là đa chất)? HCL (tính axit cao hơn HF) có phải cũng là nguyên nhân nữa dẫn bệnh nhân đến tử vong của 8 bệnh nhân không?
- Vì sao vụ án chưa xét xử xong nhưng Cơ quan CSĐT, CA tỉnh Hoà Bình lại cho phép BV đa khoa tỉnh Hòa Bình phá bỏ hệ thống lọc nước RO (cả RO1 và RO2) để lắp đặt hệ thống mới, trong khi đây là vật chứng hết sức quan trọng của vụ án?
Sau đó Bộ Y tế kiến nghị cần thiết điều tra bổ sung thông qua các biện pháp khoa học, khách quan 6 nội dung chính:
- Thực nghiệm hiện trường pha loãng bao nhiêu lít axit HF với nồng độ bao nhiêu cho bể chứa RO dung tích 2.000 lít của BV đa khoa tỉnh Hòa Bình để đạt được nồng độ như trên (hàm lượng Florua cao gấp 245 - 260 lần mức cho phép), thực nghiệm hiện trường pha loãng bao nhiêu lít a xit HF để có được dung dịch có pH từ 2,69 - 2,72; có phù hợp với lượng axit mà bị cáo Quốc sử dụng để súc rửa màng lọc RO hay không?; Thực nghiệm dung dịch axit HF có pH 2,69 - 2,72 trên máy thận nhân tạo, đánh giá khả năng phá huỷ của dung dịch này với quả lọc thận ... và một số nội dung khác cần tham khảo các chuyên gia về lĩnh vực y học, trang thiết bị y tế, hoá học, pháp y ...
- Xác định rõ quy cách lấy mẫu, vị trí lấy mẫu nước như thế nào, quy trình lấy mẫu, người lấy mẫu có đúng quy định không; việc phân tích hàm lượng F- dựa trên phương pháp nào (dùng ICP phân tích các nguyên tố hay dùng phương pháp phân tích hóa học thông thường?) và được thực hiện ở phòng xét nghiệm nào?
- Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hoà Bình có thực hiện giám định chất lượng toàn bộ hệ thống lọc nước RO1 và RO2 không? Tại sao không có luận giải liên quan đến hỏng hóc 3 van của hệ thống RO1? Cần thiết dựng lại hiện trường và tổ chức thực nghiệm.
- Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hoà Bình giải thích ra sao về cơ chế tồn dư hóa chất HF trong hệ thống RO của BV đa khoa tỉnh Hòa Bình?
- Đồng hồ đo độ dẫn của hệ thống RO2 có được kiểm định không? Cơ quan và phương pháp kiểm định? 02 màng lọc RO của hệ thống RO2 có được kiểm định không, Cơ quan kiểm định và phương pháp kiểm định?
- Xem xét toàn diện việc điều tra các hư hỏng của hệ thống RO1, RO2 để tìm ra đúng nguyên nhân của sự cố.
- Tổ chức giám định lại pháp y hoặc trưng cầu giám định quốc tế trong trường hợp cần thiết.
Tuy nhiên tại phiên xử phúc thẩm ngày 13/6, Hội đồng xét xử không mời đại diện Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hoà Bình đến để làm rõ những nội dung trên mà chỉ mời đại diện một số các nhà khoa học của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an là cơ quan được trưng cầu giám định để phục vụ công tác điều tra.
Do đó, một số luận cứ then chốt liên quan đến nguyên nhân tử vong, con đường dẫn đến nguyên nhân tử vong vẫn chưa được làm sáng tỏ về khoa học.
Đại diện Viện Khoa học hình sự đã giải thích bằng miệng (không có văn bản) tại Phiên tòa một số yếu tố khoa học có liên quan đến giám định nhưng không trả lời được các vấn đề mà Bộ Y tế đặt ra, chưa làm rõ được bản chất nguyên nhân tử vong do ô nhiễm đơn chất hay đa chất, chưa luận giải được một số nội dung về các kết quả giám định mẫu nước, dung dịch, hoá chất đã thu giữ, quy trình và thực thi quy trình lấy mẫu…
Đặc biệt, đại diện Viện Khoa học hình sự khẳng định trước tòa là đã phát hiện ra 3 van của hệ thống nước RO1 bị hỏng nhưng chưa nêu được căn cứ khoa học để xác định 3 van bị hỏng này.
Sau đó, Chủ tọa phiên tòa đã chủ động dừng, không cho tranh tụng khoa học tiếp về vấn đề này.
Bộ Y tế cho rằng, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hoà Bình và cơ quan giám định là Viện Khoa học hình sự đã phát hiện ra 3 van bị hỏng nằm trên con đường nối tắt Bypass thuộc hệ thống RO1 nhưng cơ quan CSĐT lại chưa điều tra, thực nghiệm điều tra hiện trường; chưa vẽ lại hoặc chụp ảnh toàn bộ hệ thống RO1, RO2 trong quá trình giám định; cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình dỡ bỏ vật chứng quan trọng của vụ án là hệ thống RO1, RO2 sai với quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Trong khi đây là điểm mấu chốt, có thể làm thay đổi bản chất vụ án nếu được chứng minh bằng thực nghiệm điều tra.
Sau tuyên án, toà mới thông báo ‘chứng cứ không có cơ sở’
Tuy nhiên đến ngày 3/7, Bộ Y tế mới nhận được Bản án Phúc thẩm số 20/2019/HS-PT ngày 19/6/2019 của TAND tỉnh Hòa Bình về xét xử phúc thẩm vụ án hình sự xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, trong đó có nội dung liên quan đến kiến nghị của Bộ Y tế về phát hiện tình tiết mới trong vụ án.
Trong đó nói rõ: “Quá trình xét hỏi, trình bày công khai tại phiên tòa phúc thẩm, sự đối đáp, trao đổi và làm rõ các vấn đề giữa đại diện Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự đã làm sáng tỏ các ý kiến mang tính giả thiết của Bộ Y tế, Viện Trang thiết bị thuộc Bộ Y tế về các nghi vấn về nguyên nhân tử vong của 8 bệnh nhân trong sự cố y khoa tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, về con đường tồn dư hóa chất và các đề nghị, kiến nghị của Bộ Y tế ... là không có cơ sở khoa học và không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án”.
Hội đồng xét xử phúc thẩm cũng cho rằng, các quan điểm và ý kiến của Bộ Y tế là chưa bảo đảm các thuộc tính của chứng cứ và không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về chứng cứ thì các quan điểm của Bộ Y tế, Viện trang thiết bị không được xác định là chứng cứ, nên không xét đến.
Bộ Y tế nhận định, việc Hội đồng xét xử chưa xem xét nghiêm túc tại phiên tòa các kiến nghị khoa học bằng các luận giải khoa học mà đã khẳng định các kiến nghị của Bộ Y tế "là không có cơ sở khoa học" là không bảo đảm khoa học pháp lý, khoa học xét xử. Thêm vào đó, Cơ quan CSĐT không trả lời kiến nghị của Bộ Y tế nhưng Hội đồng xét xử lại nhận định "Điều này bác bỏ hoàn toàn các lập luận, giả thiết mà Bộ Y tế nêu ra trong các văn bản gửi các cơ quan tiến hành tố tụng" là ngụy biện.
“Như vậy, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hoà Bình, VKSND tỉnh Hòa Bình và TAND tỉnh Hòa Bình đều chưa chứng minh được nguyên nhân tử vong, cũng như con đường dẫn đến nguyên nhân tử vong bằng khoa học từ kiến nghị của Bộ Y tế nhưng vẫn tuyên án. Do đó, bản án phúc thẩm này không có giá trị khoa học và không thuyết phục”, Bộ Y tế nêu quan điểm.
Trước đó tại phiên phúc thẩm ngày 19/6 vừa qua, TAND tỉnh Hoà Bình đã tuyên án Hoàng Công Lương 30 tháng tù giam với tội danh vô ý làm chết người.