TIN TỨC » Dòng sự kiện

Tìm thấy số lượng đạn thật cực lớn tại nhà Phương 'khói lửa'

Thứ sáu, 08/03/2013 09:26

Cơ quan chức năng thu được 12 thùng chứa hàng ngàn viên đạn thật và đạn mã tử tại hiện trường vụ nổ.

Ngày 7/3, các cơ quan chứa năng của TPHCM đã đưa ra nhận xét ban đầu về vụ nổ tại số nhà 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 8, quận 3, TPHCM) làm 11 người chết và 3 người bị thương. Theo nhận định của cơ quan chức năng, vụ nổ xuất phát từ khu vực nhà bếp của nhà số 384/9.

Điểm phát nổ là dưới gầm cầu thang (diện tích 1,8m x 1,m) tầng trệt, nơi có đặt kệ sắt nhiều ngăn để chứa các loại thuốc nổ. Căn cứ kết quả giám định sơ bộ của Phân viện khoa học hình sự (C54B Bộ Công an) về các mẫu than, tro tại vị trí nổ cho thấy có các thành phần thuốc nổ quân sự (TNT), thuốc phóng (NC) và thuốc pháo (KCLO2).

Lực lượng chức năng tại hiện trường vụ nổ rạng sáng 24/2.

Về nguyên nhân nổ, cơ quan chức năng đưa ra 2 khả năng. Thứ nhất, trong quá trình chuẩn bị các dụng cụ cho việc gây hiệu ứng phim trường cho ông Lê Minh Phương (tức Phương “khói lửa”, người thuê nhà 384/9 để chứa đạo cụ làm phim và… chất nổ) đi công tác sớm tại TP Vũng Tàu vào sáng 24/2, bà Lê Thị Tuyết (SN 1970, em ông Phương) đã bất cẩn làm rơi, va đập mạnh tạo ma sát gây cháy, nổ lượng thuốc pháo. Đám cháy lan ra kích nổ một lượng lớn thuốc nổ TNT, thuốc pháo, thuốc phóng để trong tủ sắt gần đấy. Khả năng thứ hai, không loại trừ sự cố chạm, chập điện gây cháy lan vào khu vực chứa các loại thuốc nổ trong “kho” của ông Phương.

Đào bới hiện trường tìm kiếm nạn nhân.

Bên cạnh số đạn rất lớn nêu trên, trong quá trình khám nghiệm hiện trường lực lượng chức năng còn thu được 3 thùng trong đó đựng 1.000 viên đạn AK loại mã tử, 1 bao nylon đựng chất dẻo màu nâu (không rõ trọng lượng), 8 gói hình cầu được quấn băng keo có kích thước nhỏ nhất là 5,3cm, lớn nhất đường kính 7,5cm và 12 gói có hình bình hành được quấn băng keo. Hai bao nylon đựng loại kíp số 8 còn nguyên (mỗi bao 25 kíp), 3 hộp hình trụ có nhãn “nụ xòe vỏ đồng”, 3 hộp bằng nhựa có nhân ống nổ số 8. Ngoài ra còn một số súng mô hình, đặc biệt trong đó có cả súng thật, gồm: 1 khẩu MAT49 (không số), 1 súng ngắn nòng dài, 1 súng ngắn màu đen, 1 súng ổ quay, 1 bộ phận giảm thanh… và 20 bao tải chứa hạt nhỏ màu trắng.

 Cả kho đạn trong nhà

Sau khi tìm thấy xác người cuối cùng của vụ nổ, lực lượng chức năng đã thu được cả “hầm đạn” gồm 12 thùng trong căn nhà 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Thùng 1 có 6 dây đạn trung liên (498 viên đạn thật, 89 viên đạn mã tử), 379 viên đạn lẻ loại trung liên, 133 viên đạn carbin, 436 viên đạn hạt nổ, 100 viên đạn AK, 53 viên đạn Cotl, 1 viên đạn 919B50, 1 vỏ và 1 viên đạn AK đã thay đầu đạn. Thùng số 2 có 144 hộp đạn mã tử M16 (1 hộp 20 viên), 8 hộp tiếp đạn, 542 viên đạn AR15, 3 viên AK. Thùng số 3, gồm: 1 dây đạn trung liên 90 viên, 1 dây đạn mã tử trung liên 34 viên, 1 dây đạn AR15 có 100 viên, 137 viên rời loại AR15, 14 đít đạn. Thùng số 4 có 42 hộp (1 hộp 20 viên) và 92 viên đạn AR15 rời. Thùng số 5 có 37 hộp đạn mã tử. Thùng số 6 có 41 hộp đạn mã tử AK. Thùng số 7 có 1 dây đạn trung liên với 158 viên đạn mã tử và 1 hộp đạn mã tử AR15, 37 băng tiếp đạn mã tử với 296 viên. Thùng số 8 gồm 476 viên đạn colt 45. Thùng số 9 có 7 túi vải, 48 băng đạn mã tử trung liên (1 băng 8 viên). Thùng số 10 có 300 viên đạn rullo, 20 viên colt 45, 7 viên K54, 1 viên K59 và 20 hộp đạn mã tử AR15. Thùng số 11 gồm 100 viên đạn AR15, 30 viên carbin, 62 viên K54, 1 băng 8 viên trung liên, còn số đạn mã từ có 9 viên AK và 54 viên AR15. Thùng số 12 có 2 hộp tiếp đạn và 1 bọc vỏ đạn các loại.

 Trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn kém Sở Cảnh sát PCCC TPHCM cũng nhận định, trong quá trình cứu nạn, cứu hộ (CN-CH) có rất nhiều khó khăn như: công trình bị sập có diện tích rộng, khối lượng bê tông lớn, nằm chồng chất đan xen. Để cứu người nhanh và có hiệu quả phải có các trang thiết bị hiện đại như cần cẩu, xe phá dỡ, máy khoan cắt bê tông loại lớn và các thiết bị chuyên dùng khác. Trong khi đó trang thiết bị của lực lượng CN-CH thuộc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM còn hạn chế về số lượng, phương tiện chủ yếu xử lý những công trình thông thường nên gặp khó khăn trong quá trình CN-CH. Hiện nay lực lượng CN-CH làm việc chủ yếu bằng kinh nghiệm thực tiễn, trình độ chuyên môn về CN-CH còn hạn chế, thậm chí trong vụ CN-CH ở hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cán bộ chiến sĩ phải bò vào những khoảng trống để tìm kiếm nạn nhân rất nguy hiểm.

 

Người Lao Động