Làm lễ động thổ, phát lộ mộ cổ
Những ngày gần đây, nhiều người dân khu vực Cẩm Sơn vẫn chưa hết ngạc nhiên về chuyện gia đình anh Lê Kim Tân (SN 1963) đào móng làm nhà thì phát hiện ra 32 chiếc quan tài cùng hài cốt dưới ngôi nhà mình sinh sống đã hàng chục năm.
Anh Tân cho biết: Hôm 9/5, chúng tôi có mời một nhà ngoại cảm đến để làm lễ động thổ, tiến hành xây dựng ngôi nhà mới. Trước đây, trên nền đất này là ngôi nhà cũ mà chúng tôi mua lại từ năm 1980, rồi chuyển về đây sinh sống.
Khi đào đến lớp đất sâu 1,6 mét, có một lớp cát dày hơn 1 mét. Khi đào xuống qua lớp cát thì nhà ngoại cảm bảo thợ máy điều khiển nhẹ nhẹ hơn. Một lúc sau, những người thi công phát hiện ra rất nhiều bộ hài cốt dưới lớp cát.
Theo anh Tân thì vợ chồng anh đã sống tại đây hơn ba chục năm nhưng chưa từng thấy có chuyện gì đặc biệt xảy ra, mọi người trong nhà vẫn khỏe mạnh bình thường.
Một người họ hàng của gia chủ cho biết: Lúc đầu chú Tân có biết là dưới lòng đất có hài cốt đâu. Hôm động thổ, vô tình mời được nhà ngoại cảm. “Thầy” tới làm lễ trấn thạch, động thổ mới thấy lạ, cho đào sâu xuống và phát hiện ra có hài cốt.
“Tôi thấy cô chú ấy sống mấy chục năm nay vẫn bình thường, chăn nuôi lợn gà vẫn tốt, thường thì một năm mới bị “xui” một lần, thi thoảng người trong nhà hay ốm vặt hay nuôi lợn được khoảng một tạ tự nhiên lăn đùng ra chết”, người này cho biết thêm.
Khu đất của nghĩa địa xưa
Liên quan đến sự việc này, nhiều người đồn thổi khu vực này là một hố chôn tập thể, có 'cả kho báu'.
Bí ẩn về “kho báu” này chính vì thế đã kích thích sự tò mò của người dân nơi đây.
Bà Nguyễn Thị Hường, trú ở khu Địa Chất, phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả cho biết: Trong khoảng những năm 1945 trở đi thì khu đất này là một bãi tha ma, chỉ có một con đường nhỏ cắt ngang qua nghĩa địa. "Phía dưới nghĩa địa là một dải cát, mấy chị em chúng tôi còn về đây dùng xe bò để kéo cát về xây nhà, những cồn cát cứ trải dài mênh mông hàng cây số. Trẻ con chúng tôi mỗi khi đi qua đều phải rảo bước thật nhanh lúc đêm tối. Vì trước kia chưa quy hoạch cụ thể nên ai chết cứ đem ra đây chôn, không theo hàng lối. Sau đó những năm 1970 trở đi thì nước biển càng ngày bồi dần, người thì đổ đất cát từ trên xuống nên lấp dần đi, trong thời chiến tranh cũng bị vùi đi rất nhiều" - bà Hường kể. Sau đó, nhiều người đến khai hoang lập địa lại đổ đất, phủ dần lên. Từ năm 1980 những ngôi mộ dần biến mất và nhiều người tới đây sinh sống, làm nhà xây cửa dựng nên. Theo bà Hường, khi đi lại trên đường thì chỉ nhìn thấy nóc nhà san sát ở bên dưới, điều đó chứng tỏ là những ngôi nhà ở rất thấp so với mặt đường chứ không cao như hiện nay. Còn theo anh Tân thì những thông tin đồn thổi đây là hố chôn tập thể hay có chứa kho báu ở khu mộ là hoàn toàn không có thật!
Trong khi thi công, mọi người đã đào thấy một ngôi vòng và ba đồng tiền xu đều bằng vàng sáng chóe, nhưng sau đó đã được bỏ cùng hài cốt vào trong tiểu để an táng theo phong tục. Theo những người dân đồn thổi thì ngôi nhà ba tầng kiên cố của hàng xóm anh Tân trước đây làm không nhờ nhà ngoại cảm nên không biết, “thầy” nhân tiện xem luôn thì "trông thấy" dưới nền nhà còn gần chục bộ hài cốt nữa. Hiện 32 bộ hài cốt đã được chuyển tới nghĩa trang Cọc III – Chùa Phả Thiên, Cẩm Sơn để an táng. Được biết, gia đình chị An Thị Hiền ở thôn Đa Quang, xã Dị Chế, Tiên Lữ (Hưng Yên) đã tới đây để tìm hài cốt người thân bị thất lạc. Qua sự giúp đỡ của nhà ngoại cảm và theo mô tả từ gia đình thì chị Hiền đã tìm được hài cốt của ông nội An Văn Bật của mình.