Cũng bởi chữ “Duyên” đưa tới, tôi được xem qua Tuyển tập thi – họa “Rỗng” của tác giả Đoàn Quang Anh Khanh. Đây là một tác phẩm nghệ thuật hình thành từ sự phối triển giữa ngôn ngữ chắt lọc (thi ca) và sắc màu – đường nét (hội họa), nhằm diễn đạt những “cảm thức siêu nghiệm” tự thân của tác giả thông qua phương pháp thiền định. Với việc ấn hành tác phẩm “Rỗng”, hẳn Đoàn Quang Anh Khanh muốn chia sẻ cùng bạn đọc “hữu duyên” những trải nghiệm về dòng chảy miên viễn của tâm tưởng trong “một giai đoạn nhất định” hành thiền.
Chân dung tác giả Đoàn Quang Anh Khanh
Tôi đã cảm nhận khá nhiều điều sâu sắc, thú vị khi tác giả kiến giải về “tánh không” (sunyata) trong bài thơ “Không”, trích khổ 3:
“… Móng vuốt sắc nhọn chẳng cào cấu được cái Không
Rỗng để chứa đựng, rỗng khởi sinh tuệ giác
Rỗng để yêu thương, rỗng quay về Phật tánh
Chốn an lành không màu, không vị, không hương…”.
Sẽ không là chủ quan khi tôi nhận xét ý nghĩa nội hàm của bài thơ này cũng là ý tứ chủ đạo của cả tuyển tập. Từ đây, Đoàn Quang Anh Khanh dẫn lối cho chúng ta vào xem khu “vườn thiền” mà anh đã dày công chăm sóc…
Bìa tuyển tập thi họa Rỗng
• Xin hỏi tác giả Đoàn Quang Anh Khanh (ĐQAK) về bức tranh “Tỉnh giác” được xếp bên cạnh bài “Không”, phải chăng anh muốn diễn đạt một cách ước lệ về sự hòa nhập để đạt đến tánh không của cá nhân với đại thể vũ trụ, khi vẽ một con mắt nội tại có chấm đỏ và một vòng tròn (con mắt) thuần màu xanh ở ngoại giới?
ĐQAK: Phần đông con người chúng ta lớn lên với những giáo điều ngớ ngẩn nào đấy, càng lớn lên cái tôi con người càng to đùng khủng khiếp, tạo thành những ngọn lửa sân hận, lòng tham vô đối nó cứ che mất tầm nhìn hồn nhiên và Phật tánh trong mỗi chúng ta. Cho nên trong chính mỗi con người luôn có phần sáng và phần tối, cũng như thiên thần hay quỷ dữ cũng luôn tồn tại trong cùng một tâm trí. Vì thế, bức tranh “Tỉnh giác” đặt cạnh bài thơ “Không” cũng nhằm muốn chia sẻ ý niệm đó. Giữa thực và hư, phần ác và phần thiện, ánh sáng và sự che mờ… nó cứ vần vũ như hai mặt của đồng xu, nhưng nếu chúng ta biết tu tập, biết gạn bỏ những tạp niệm khổ đau mà sống trong tỉnh giác thì an nhiên và hạnh phúc sẽ lộ diện, cuộc sống bỗng trở nên thăng hoa.
Bìa và trang hình tranh trong tuyển tập thi họa Rỗng
• Chọn lối sống gần như khép kín, hạn chế tiếp xúc với chốn phồn hoa để hòa mình với thiên nhiên trong những năm gần đây, Đoàn Quang Anh Khanh khiến tôi liên tưởng đến nhà văn Mỹ - Jerome David “JD” Salinger (1919 – 2010), nổi tiếng với tác phẩm “The Catcher in the Rye” (“Bắt Trẻ Đồng Xanh” – Phùng Khánh dịch). Liệu có sự đồng cảm ở chừng mực nào đó giữa anh với J.D. Salinger?
ĐQAK: Tôi không nắm chắc được suy nghĩ của Jerome David vì sao chọn đời sống ẩn dật sau khi phát hành rộng rãi “The Catcher in the Rye”. Còn tôi là sống ẩn dật, sống trong tĩnh lặng sau đó mới cho ra đời “Rỗng”. Nhưng tựu chung lại, chắc có lẽ chúng tôi cùng sở thích là không muốn tham gia vào những tác động va đập của xã hội, những nhiễu nhương đối với tôi nó như những lưỡi dao cứ cứa rách tâm hồn. Tôi yêu mọi thứ thuộc về thiên nhiên, nhưng không thoải mái cho lắm những vấn đề do đám đông tạo ra. Tôi yêu sự tĩnh lặng!
Tác giả Đoàn Quang Anh Khanh
• Một trong những bài thơ mang ý nghĩa tự bạch khiến tôi xúc động là bài “Trở về” với đoạn trích sau:
“… Xin một lần dụi đầu vào vai Mẹ
Rồi òa khóc mà không phải nghĩ suy
Mong cánh rừng thật thà còn nguyên vẹn
Chỉ để gió thu về xỏ nắng thầm thì
Ôm yêu thương qua từng ngõ nhỏ
Dệt kiếp đời giữa cõi si mê
Cho thật thà mưa về đất Mẹ
Mát lòng người chân đá phẳng lì…”
Từ hình ảnh người Mẹ là đấng sinh thành nuôi ta khôn lớn (ở khổ 3), phải chăng trong cảm thức của người con đã thăng hoa cảm xúc, liên tưởng đến hình tượng người Mẹ chung của thế gian như Mẹ Thiên Nhiên, Mẹ Trái Đất?
ĐQAK: Chính xác là như vậy! Nỗi đau mà thiên nhiên ngày càng bị băm nát, bị dày xéo khốc liệt cứ khiến tôi bị ám ảnh day dứt. Sự tàn nhẫn của con người đối với thiên nhiên chẳng khác nào đứa con nghịch tử. Chỉ biết ích kỷ ham muốn những dục thể của xác thân, chỉ biết chiếm hữu để nuôi dưỡng lòng tham. Chính tâm hồn què quặt của đứa con mà làm cho Mẹ Thiên Nhiên tàn tạ đó là nỗi đau to lớn cứ dàn trải xuyên suốt theo dòng chảy của nhân loại. Cho nên tôi mong lắm sự thật thà, hồn hậu như cơn mưa tỉnh thức về trên đất Mẹ - “Người Mẹ Thiên Nhiên”.
Bức tranh “Tỉnh giác” của Đoàn Quang Anh Khanh.
• Sự sắp xếp về bố cục thơ và tranh xen kẽ hẳn đã được định hình từ trong tâm tưởng của anh như một diễn trình có chủ đích trước khi cho xuất bản tuyển tập thi - họa “Rỗng” đầu tay?
ĐQAK: Vâng! Hành trình diệt cái tôi, cái bản ngã nó cũng có những bước mà phải kiên định thì mới mong có một ngày tâm trí an yên được. Vì thế, cách dàn trải những bài thơ và đan xen giữa những bức tranh cũng dựa trên chuyến hành trình đó. Câu chuyện tỉnh giác bắt đầu từ “cái không” để trở về trong “cái rỗng” là hành trình của sự hồn nhiên rồi quay về với hồn nhiên đoạt lại. Sinh ra mọi tâm hồn đều có “Phật tánh” nhưng vì do bôn ba kiếp sống mà tâm hồn luôn bị héo úa, nhuộm tanh, khổ luỵ chốn trần gian… nên hành trình tìm lại sự hồn nhiên trong tâm, trở về với “Tánh không” thì phải biết tu tập, sống trong tỉnh thức thì mới mong tìm lại “Phật tánh” được.
• Cảm ơn tác giả Đoàn Quang Anh Khanh với những chia sẻ thật thi vị và triết lý!
Độc giả có thể đặt mua sách tại đây.
Ảnh: Nhân vật cung cấp