Sau khi giải cứu thành công 12 công nhân, 17h giờ ngày 19.12, gia đình ông Phạm Viết Diệm (Nghệ An) vô cùng vui mừng khi cả nhà nhận được thông tin từ con trai thứ là anh Phạm Viết Bắc điện thông báo cả nhà 3 người gồm Phạm Viết Nam, vợ mình là chị Đặng Thị Hồng Ngọc và anh Phạm Viết Lành được đưa ra khỏi hầm an toàn.
Ông Phạm Viết Diệm chia sẻ một cách vui sướng: "Khi nghe được thông tin các con được ra khỏi hầm an toàn bà nhà tôi (bà Hoàng Thị Bình) đã ôm mặt khóc rưng rưng một cách vui sướng. Sau gần 4 ngày chúng nó thiếu ăn, thiếu mặc cũng là chừng đó ngày tôi thập thỏm đời chờ như ngồi trên đống lửa. Nay nó đã ra khỏi hầm tôi mừng khôn xiết. Thế là cả gia đình tôi lại được đoàn tụ rồi, cháu tôi lại không mất bố, mất mẹ rồi...".
Trong 2 mũi đào vào khu vực 12 nạn nhân, lực lượng công binh đã tiếp cận với các nạn nhân trước. Chị Ngọc được lực lượng công binh đưa ra, bệnh nhân này lập tức được đưa vào lán trại của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Binh Nhất Hoàng Văn Thảo, Lữ đoàn Công binh 293 - Bộ tư lệnh công binh C3, là người đầu tiên tiếp cận nạn nhân nói trong vui mừng: "Đang tối thấy ánh điện phía đối diện lóe lên và có tiếng động, vừa lúc đó tôi hô to "thấy rồi". Ngay lúc đó tôi và mọi người đã lập tức đào tới. Chỉ vài nhát đào nữa thì một lỗ thủng lớn xuất hiện. Tôi nhìn qua phía bên kia thấy nhiều người. Ngay lúc đó tôi lập tức bò qua tiếp cận với các nạn nhân. Ngay lúc đó, các nạn nhân bên trong reo vang lên "được cứu rồi"".
17h25: Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng xúc động nói: "Kết thúc có hậu này đã đền đáp xứng đáng những vất vả, hiểm nguy của gần 1.000 người tham gia công tác cứu hộ suốt 4 ngày qua.
Quan trọng nhất là các chỉ số sức khỏe cả 12 nạn nhân đều ổn, chỉ 4 người bị choáng nhẹ, được đưa lên xe cứu thương chuyển đi, các công nhân còn lại đều đang nằm theo dõi trong lán trại dã chiến.
17h20: Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó tham mưu trưởng Binh chủng Công binh cho biết, mặc dù dự kiến chậm nhất là sáng mai tiếp cận được tới chỗ 12 nạn nhân mắc kẹt, quá trình đào ngách hầm bên trái đã phát hiện một lỗ hổng bất ngờ nên đã nhanh chóng hướng đào về phía đó và lực lượng cứu hộ nhanh chóng bò vào cứu các nạn nhân ra.
Tại hiện trường, 10 người vẫn tiếp tục điều trị, ở bên ngoài lực lượng cảnh sát cơ động, bảo vệ nghiêm ngặt để lực lượng y tế chưa trị cho các nạn nhân. Người nhà nạn nhân vẫn chưa được gặp người thân của mình.
17h5, Theo quan sát của chúng tôi thì có nhiều người đang được các nhân viên y tế hỗ trợ, quấn chăn ấm đưa vào lán trại trong tiếng reo hò của mọi người tại hầm thủy điện. Người thân của các công nhân bị mắc kẹt đang có mặt tại hiện trường cũng đã bật khóc vì quá mừng và xúc động.
Có khoảng 10 xe cứu thương đang có mặt tại hiện trường để sẵn sàng đưa các công nhân gặp nạn về các tuyến bệnh viện theo kế hoạch để phục hồi sức khỏe. Qua quan sát, có thể thấy một số công nhân được giải cứu có dấu hiệu mệt mỏi, tuy nhiên sức khỏe của họ vẫn ổn định và đang được sự chăm sóc, hỗ trợ nhiệt tình của các nhân viên y tế tại hiện trường.
17h: 2 công nhân được đưa lên xe cứu thương, các công nhân còn lại vẫn tiếp tục được chăm sóc trong lán trại.
Giây phút các công nhân mắc kẹt được đưa ra ngoài, toàn bộ những người có mặt tại hiện trường đã vỗ tay và reo mừng, không ít những giọt nước mắt hạnh phúc đã tuôn trào.
16h50: Công nhân cuối cùng cũng được đưa ra khỏi hầm.
16h35: Những công nhân đầu tiên đã được đưa ra ngoài an toàn và đang được sơ cứu trong lán trại.
Công nhân đầu tiên được đưa ra khỏi hầm an toàn là chị Đặng Thị Hồng Ngọc.
Một công nhân được đưa ra ngoài chỉ kịp nói: "Ra rồi! Ra rồi!", rồi nghẹn lại.
Tại hiện trường, rất nhiều lực lượng hỗ trợ tích cực đảm bảo cho công tác cứu hộ được diễn ra thuận tiện nhất.
15h20: Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, tình hình hiện tại hai đường hầm đang tiến triển khá nhanh, đường hầm bên phải đang đi được khoảng 20 mét, phía còn lại cũng đã được khoảng 10 mét.
Phía hạ lưu, mặc dù mũi khoan đã tiếp cận được hiện trường nhưng máy khoan vẫn tiếp tục để cho quay để đề phòng trường hợp nước dâng lên. Ở đường vào 2 máy bơm, trong đó có một máy bơm của lực lượng cứu hỏa đang bơm nước ra rất thuận lợi. Do đó nước trong hầm đã rút mạnh, hiện chỉ còn chừng 30 cm.
Chỉ có 2 mũi khoan trên đồi là xảy ra trục trặc. Song trước tình hình hiện tại, hai mũi khoan này không còn là mục tiêu chính. Tuy nhiên, phương án này vẫn phải tiếp tục để đề phòng những tình huống xấu.
14h20, lực lượng cứu hoả đã đưa thành công bơm nước vào và đang hút nước ra.
Theo phương án đã được thống nhất, để đảm bảo cứu người nhanh nhất, lực lượng cảnh sát cơ động sẽ tham gia đưa người ra ngoài.
14h, Các lực lượng bắt đầu diễn tập cứu hộ để đảm bảo không xảy ra sai sót khi cấp cứu các nạn nhân sau khi được giải thoát.
Theo ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng - người đã theo dõi trực tiếp công tác cứu hộ trong suốt buổi sáng, nếu công tác cứu hộ tiếp tục được đảm bảo với tiến độ nhanh và đạt kết quả như sáng nay thì nhanh nhất là đêm khuya hôm nay (19/12) hoặc chậm nhất là sáng mai (20/12), lực lượng cứu hộ có thể tiếp cận được những người mắc kẹt.
13h15: Ông Chung Việt Cường, Phó Giám đốc Viettel Lâm Đồng đã vào hiện trường để kiểm tra kết nối thông tin liên lạc. Ông Cường cho biết, đơn vị đang tăng cường băng thông tại trạm LDG 0499 để phục vụ việc liên lạc luôn được thông suốt. Đơn vị cũng đưa nhân viên kỹ thuật túc trực 24/24 giờ để kịp thời hỗ trợ.
Như vậy, ngày thứ 4 cứu nạn, tất cả phương tiện, thiết bị cứu hộ chuyên dụng tốt nhất đã được huy động đến hiện trường. Lãnh đạo cao nhất của địa phương xảy ra tai nạn - tỉnh Lâm Đồng - cùng 3 bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Bộ Y tế đã trực tiếp tới hiện trường chỉ huy cuộc giải cứu sinh mạng của 12 công nhân bị kẹt trong đường hầm công trình xây dựng thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo ở tỉnh Lâm Đồng.
11h45: Mũi khoan tại cửa xả đã khoan được tới vị trí các công nhân gặp nạn. Nước phụt ra từ lỗ khoan rất mạnh khiến các công nhân đang tiến hành khoan giật mình chạy thoát ra ngoài. Khi xác định được mũi khoan đã thành công, mọi người ôm nhau reo hò. Theo ông Trần Văn Tấn, Phó tổng giám đốc Công ty Sông Đà 10, người trực tiếp chỉ huy và chứng kiến thời điểm nước phụt mạnh từ mũi khoan, cho biết: "Cảm xúc lúc này rất khó tả, anh em chỉ biết ôm nhau vui mừng vì mục tiêu rút nước cho đoạn hầm sập đã thành công. Nước rút sẽ dễ dàng hơn cho việc đào hầm cứu hộ rất nhiều".
11h40: Đã chuyển được 8 bịch (mỗi bịch 1 lít) dung dịch dinh dưỡng đặc biệt vào trong hầm để giúp các nạn nhân nâng cao sức khỏe, sức đề kháng và khả năng chịu đựng.
11h30: Ban chỉ đạo cứu hộ cứu nạn vừa cho nổ 2 quả mìn ở hầm phụ bên để phá đá rắn.
11h20, trao đổi với PV, đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó tham mưu trưởng Binh chủng Công binh cho biết ống ngách bên trái do công binh đảm nhận đang tiến với tốc độ đều đặn. Tuy nhiên, hiện có một khối bê tông lớn đang chắn ngang hướng đào. Hiện công binh đang cho khoan, cắt khối bê tông này để đảm bảo tiến độ cứu hộ.
Phó giáo sư Trần Minh Trường, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, BV đã điều động 10 bác sĩ đến hiện trường. Cùng với đó các thiết bị cần thiết cho việc cấp cứu đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Ông Trường cho biết, dù thế nào thì việc cấp cứu tại hiện trường là hết sức cần thiết nên nếu cần thì sẽ bổ sung thêm trang thiết bị. "Khi các nạn nhân được đưa ra, phải bảo đảm mỗi người có một bác sĩ bên cạnh để kịp thời ứng phó với mọi tình huống" - ông Trường nói.
10h50, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đến thị sát hiện trường hầm thủy điện, nơi 12 công nhân mắc kẹt. “Với nỗ lực của lực lượng cứu hộ, chúng ta hy vọng các nạn nhân sẽ được đưa ra khỏi hầm trong thời gian sớm nhất”, bà Mai nói.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết: “Các công nhân bị mắc kẹt trong hầm đã có nhiều tín hiệu khả quan. Họ trả lời rành mạch tất cả các câu hỏi của nhóm cứu hộ".
Ông Hùng cho hay, hiện, bên trong hầm đã có ánh sáng, các nạn nhân dễ dàng di chuyển tới các vị trí cao hơn cũng như tương tác thông tin với bên ngoài được dễ hơn.
Hiện qua mũi khoan thoát nước phía hạ lưu, nước trong hầm đang thoát ra ngoài với lưu lượng khoảng 10m3/h. 2 hầm cứu nạn đang đào ở cửa hầm vào cả đường hầm bên trái và bên phải có tiến độ tương đối khả quan. Hiện lực lượng cứu hộ đào được hơn 10m. Sáng nay việc dùng thuốc nổ đã được thực hiện an toàn.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, hiện lực lượng tham gia cứu hộ đã lên 700 người.
Trong khi đó, một máy khoan đang được đưa đến hiện trường từ Đồng Nai. Ưu điểm của máy khoan này là có thể khoan sâu 300m và đường kính ống khoan rộng từ 20cm đến 30cm.
Khi đến nơi, máy khoan này sẽ khoan nhồi từ đỉnh đồi xuống, nhằm thông hơi, ánh sáng và tạo điều kiện để việc tiếp tế được dễ dàng. Như vậy, sẽ có hai máy khoan cùng thực hiện việc khoan nhồi từ đỉnh đồi.
Có mặt tại hiện trường, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng - Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh, người được giao nhiệm vụ chỉ huy toàn bộ lực lượng cứu hộ trong hầm xác nhận đã khoan thành công lỗ khoan từ cửa xả sau hầm thủy điện (phía đối diện). Việc bơm nước ra theo đường này sẽ được tiến hành ngay, đây cũng là mũi khoan giúp việc thông khí dễ dàng hơn.
10h00: Xe cứu hỏa đã được đưa xuống hầm. Lực lượng cảnh sát cơ động siết chặt an ninh hiện trường hơn trước. Trong khi đó, bên ngoài hầm, các công nhân đang trải những tấm thép lớn ra mặt đất.
Theo ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, dự kiến từ giờ đến chiều, nước trong hầm sẽ được rút ra hết và việc cứu hộ sẽ dễ dàng hơn.
Ông Tiến cho biết thêm, sau khi cấp dung dịch dinh dưỡng, sức khỏe các nạn nhân đã được cải thiện rất nhiều. Song song với đó, cháo, sữa, nước gừng vẫn tiếp tục được chuyển vào cho 12 công nhân trong hầm.
9h35: Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hưng đang có mặt chỉ huy ở hiện trường cho biết Ban Chỉ huy cũng đã liên lạc với các đối tác nước ngoài như Nhật Bản, Đài Loan... để nhờ hỗ trợ. Các đối tác này có công nghệ khoan kích đẩy.
"Có thể khoan đường ống phi 800-1000, khoan đến đâu đẩy ống kích đến đó, công nghệ này hoàn toàn làm được. Chúng ta đã chuyển bản đồ địa chất cho họ xem. Nhưng thời gian để họ sang đây làm phải mất cả tuần nên chúng ta vẫn tích cực làm và chuyển tài liệu để họ nghiên cứu. Nếu việc đào hầm của ta có trục trặc thì ngay lập tức họ sẽ đưa công nghệ sang giúp. Đây là phương án dự phòng" - ông Hưng cho biết.
9h ngày 19.12, một mũi khoan đã khoan thủng vách hầm, nước và bùn nhão từ trong hầm đang chảy ra rất nhanh.
Phạm Văn Thanh ( Công ty Kỹ thuật Trắc địa Sông Đà 10) cho biết, khi mũi khoan tiến sát vào hầm, vì lo sợ áp lực phía trong sẽ đẩy bung vách hầm, các công nhân phải dùng bạt che chắn rất cẩn thận, đồng thời sẵn sàng tinh thần tháo chạy nếu trường hợp đó xảy ra.
Hiện, một đường điện 3 pha đã được lắp và đưa vào trong đường hầm cho các nạn nhân.
Từ phía trong hầm, 12 nạn nhân cũng đang tích cực phối hợp với lực lượng bên ngoài để thoát nước trong hầm ra. Lưu lượng nước thoát ra lúc này là 1,5m3/h.
Sáng 19/12, ngày thứ tư của cuộc giải cứu, tại hiện trường nắng đã hửng lên, tiết trời khá ấm áp.
Thông tin từ Ban chỉ huy Cứu nạn cho biết, đến 8h30, ngách hầm bên trái đang được đào rất thuận lợi, đã đạt 11m. Trong khi ngách bên phải (đào trước) chậm hơn, hiện chỉ đạt hơn 12m.
Trên nóc hầm, mũi khoan bị kẹt tối qua cũng đã được khắc phục và đã đi được 40m, dự kiến còn hơn 20m nữa là đến được khu vực công nhân gặp nạn. Mũi khoan dự phòng trên nóc hầm hiện cũng đã đi được hơn 30m. Đây là 2 mũi khoan dùng để đưa ánh sáng, quần áo, thuốc men xuống hầm cho các nạn nhân.
Riêng đầu đường hầm phía hạ lưu, thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng 1m nữa là chạm đích. Tuy nhiên, nước bên trong đang chảy ra rất nhanh. Từ rạng sáng qua đến giờ, tuyến này đã giúp giải phóng nước nhanh chóng. Hiện mực nước phía bên trong nơi các nạn nhân đang trú chỉ còn khoảng hơn nửa mét.
Các nạn nhân hiện vẫn đang trong tình trạng sức khỏe ổn định. Điều kiện bên trong hầm đang tiến triển ngày càng thuận lợi hơn. Theo đó, mực nước ngầm đã rút xuống, từ đường ống tiếp oxy và thức ăn, các nạn nhân đã được luồn 1 bóng đèn nhỏ vào để có ánh sáng.
Đến hôm nay, 24 người thân của các nạn nhân từ các miền quê đã có mặt tại hiện trường để chờ đón chồng, con, em mình được giải thoát.
0h5 ngày 19.12: Thông tin từ lực lượng cứu hộ, 12 người gặp nạn cho biết, họ nghe rất rõ tiếng đào hầm từ bên ngoài.
Chất dinh dưỡng đặc biệt đang được để chuyển tới các nạn nhân bên trong hầm. Theo dự tính của lực lượng y tế bệnh viện Chợ Rẫy, trong đêm nay phải chuyển được 6 đến 8 bịch dung dịch dinh dưỡng đến với 12 công nhân mắc kẹt.
Danh sách 12 công nhân mắc trong hầm thủy điện Đạ Dâng được xác định như sau:
1. Phạm Xuân Đăng, 1964, Hợp Hòa, Tam Dương, Vĩnh Phúc 2. Nguyễn Anh Tuấn, 1981, Hà Tĩnh 3. Phạm Viết Lành, 1994, Nghệ An 4. Phạm Viết Nam, 1973, Nghệ An 5. Đặng Thị Hồng Ngọc, 1988, Nghệ An 6. Trương Tuấn Việt, 1984, Hà Nội 7. Nhỡ Văn Tường, 1986, Hà Nam 8. Hoàng Tiến Đoàn, 1989, Nam Định 9. Hoàng Anh Văn, 1980, Nam Định 10. Hoàng Đình Hường, 1984, Nam Định 11. Hoàng Đình Thịnh, 1986, Nam Định 12. Nguyễn Văn Quang, 1976, Hà Tĩnh
Vụ sập hầm xảy ra vào sáng 16.12 tại hầm thủy điện của nhà máy thủy điện Đạ Dâng-Đa Chomo (thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) khi các công nhân đang khoan hầm, khiến 12 công nhân mắc kẹt.
Ngay khi sự việc xảy ra, lực lượng cứu hộ đã được huy động đến hiện trường để giải cứu các nạn nhân.
Đến 9h ngày 19.12, tức là 4 ngày sau khi xảy ra sự cố, một đường hầm đã được thông.