TIN TỨC » Dòng sự kiện

Tội ác đằng sau xác chết không đầu trôi sông

Thứ tư, 21/08/2013 17:08

24 năm về trước, người dân ấp Mỹ An (xã Mỹ Hòa- Bình Minh- Cửu Long) phát hiện một xác chết nữ không đầu nổi lềnh bềnh trên sông.

Sau 6 tháng trời ròng rã điều tra với bao gian khổ trên vùng sông nước miền Tây, lực lượng Công an tỉnh Cửu Long và Cần Thơ đã khám phá hàng loạt băng cướp có vũ trang khét tiếng mà băng cướp do Sơn “lụi” cầm đầu là một trong những băng có số má nhất, là thủ phạm của vụ án xác chết nữ không đầu.

Kể lại vụ án trong những ngày tháng 8 lịch sử này, Đại tá Phan Vĩnh Lạc- Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long (nguyên là Đội trưởng Đội Trọng án Phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh Cửu Long) cho đây là vụ án mà công tác điều tra vô cùng gian khổ, là một trong những chiến công xuất sắc của lực lượng Công an Vĩnh Long trong cuộc chiến chống tội phạm trên sông nước miền Tây.

Xác chết nữ không đầu trôi sông

Xuân Kỷ Tỵ 1989, sáng mùng 3 tết, trời trong xanh gió mát. Những ngôi nhà ven sông Hậu (thuộc ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa- Bình Minh) rộn rã tiếng cười ngày xuân với những lời chúc tốt lành đầu năm. Vừa bước từ chiếc “cầu tỏm”chỏi ra sông, ông Bảy Hoàng hốt hoảng khi phát hiện một xác chết nữ không đầu nổi lềnh bềnh trên sông.

Thất kinh hồn vía, ông Bảy Hoàng đi như chạy vào nhà loan tin dữ. Trong phút chốc tin tức lan nhanh, mọi người kéo đến bàn tán xôn xao. Vì nơi xảy ra vụ việc khá xa cơ quan công an xã, huyện nên trong khi công an chưa hay tin thì bỗng từ đâu một chiếc xuồng ba lá gắn máy chạy xồng xộc đến bên xác chết.

(Ảnh minh họa)

Một trong bốn thanh niên trên xuồng cho biết cô gái xấu số là người yêu của mình rồi hối hả cột xác kéo sau chiếc xuồng chạy đi. Người yêu sao không đưa xác lên xuồng đàng hoàng, người yêu sao anh chàng này không hề tỏ ra chút thương cảm?

Ông Bảy Hoàng cất tiếng hoài nghi. Đồng tình với ý kiến ông Hoàng, nhiều người định ngăn cản hành động của những thanh niên trên thì họ đã cùng chiếc xuồng lập tức vọt bay trên sông nước khuất bóng.

Tin tức về cái chết của cô gái và những nghi vấn trên được báo về Công an huyện Bình Minh và Phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh Cửu Long ngay trong buổi sáng hôm ấy.

Trinh sát có mặt tại hiện trường, những người chứng kiến kể lại, cô gái xấu số khoảng 24-25 tuổi, tay chân và phần bụng cô có 3 sợi dây, mỗi sợi đều có dấu khoanh tròn, chứng tỏ là dấu cột một vật gì đó. Còn 4 thanh niên trên đều nói giọng miền Tây, một tên to con có vẽ dữ tợn.

Trong khi lực lượng trinh sát hình sự tỉnh Cửu Long và Công an huyện Bình Minh đang khẩn trương mở cuộc điều tra, truy lùng dấu vết tội phạm thì tại một quán nhậu ven sông ở bến Ninh Kiều (Cần Thơ), một đám người đang ăn nhậu nói cười ngả ngớn.

Gã trông có vẻ dữ tợn cất tiếng với một gã đứng tuổi: “Đại ca yên tâm, bọn em đã cho xác nó “lặn” sâu rồi”. “Vậy tụi bây đi kiếm người đẹp Tây Đô “làm thịt” đi, anh chi đẹp luôn”. Tên đại ca đó chính là Sơn “lụi”.

Tái hiện tội ác

Đêm tháng Chạp dần trôi, Sơn “lụi” cùng đồng bọn rong xuồng trên sông Hậu tìm con mồi. Phát hiện chiếc xuồng của cô gái hối hả lướt nhanh trên sông, Sơn “lụi” lệnh cho xuồng đuổi theo ép sát. “Em buôn bán nhỏ chẳng có gì đáng giá, mấy anh tha cho em đi”- cô gái nói.

Cô gái vừa dứt lời thì hai tên đàn em nhảy qua xuồng của cô. Thấy bọn chúng vừa cướp tài sản vừa muốn sàm sỡ, cô gái lập tức quất tên đứng gần một cây dầm làm hắn té nhào xuống sông. Cú đá hiểm của cô làm tên thứ hai bay lộn xuống nước.

Thấy đồng bọn bị “nốc ao”, Sơn “lụi” đứng dậy rút cây phảng “phất” đầu cô gái rớt xuống sông. Hai tên bị “nốc ao” láp ngáp bấu thành xuồng trèo lên.

Cả bọn cướp lấy đầu máy dầu đưa sang xuồng mình tẩu thoát. Cô gái xấu số ấy là Trịnh Diệu Xuân- dân chài và buôn bán nhiều năm trên sông Hậu… Cái xác không đầu mà người dân Mỹ Hòa phát hiện chính là cô. 4 thanh niên đến kéo xác đi chính là đồng bọn của tên cướp khét tiếng Sơn “lụi”.

Sơn “lụi” là ai?

Do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án này và các vụ cướp đã xảy ra chưa khám phá được, lãnh đạo Ty Công an Cửu Long chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự tăng cường lực lượng phối hợp cùng công an các địa phương lật lại hồ sơ các vụ án trước đó. Lúc này “tổng hành dinh” của Ban chuyên án được cắm ở Công an huyện Bình Minh.

Khoảng gần một tháng sau, từ các tài liệu lưu trữ, các biện pháp nghiệp vụ hữu hiệu cũng như công tác trinh sát nắm tình hình xác định Sơn “lụi” tên thật là Nguyễn Văn Sơn (quê Vĩnh Châu, tỉnh [[Cửu Long)]] là bộ đội đặc công thời chống Mỹ, làm trưởng công an xã sau ngày giải phóng.

Sau vụ một mình diệt 6 tên phản động nổi loạn, tiếng tăm Sơn “lụi” nổi như cồn. Nhưng thái độ công thần, tự đại khiến hắn rẽ lối bất lương ăn chơi sa đọa, bị kỉ luật. Sau khi rời khỏi lực lượng công an, Sơn “lụi” xuống Kiên Giang tập hợp đàn em lập băng cướp.

2 lần cướp ở Kiên Giang hắn sa lưới nhưng đều trốn thoát. Năm 1982, lại sa lưới Công an Hậu Giang, một lần nữa hắn cũng “bùng” khỏi nơi giam giữ. Đầu tháng 5/1989, Sơn “lụi” quyết định quay về Bình Minh “làm ăn”.

Hoàng hôn buông dần trên sông Hậu, chị Lê Thị Thanh cùng hai đứa em nhỏ đang trên đường từ Trà Ôn về xã Tân Quới (Bình Minh). Chị Thanh cho ghe máy chạy chậm và khi vừa qua khỏi đầu cồn Lục Sĩ, bỗng từ trong đám bần, một chiếc ghe máy Kohler 7 phóng ra, trên ghe có 4 gã đàn ông lực lưỡng. Đó chính là bọn cướp Sơn “lụi”.

Nhiều tháng nay nghe đồn đại chuyện cướp bóc trên sông, chị Thanh càng cảnh giác hơn khi thấy chiếc ghe lạ đang chạy nhanh về phía mình. Chị bình tĩnh bảo cô em gái kéo hết ga để thoát khỏi sự đeo bám của chiếc ghe phía sau.

Chưa đầy 10 phút sau, chiếc ghe của chị Thanh đã mờ dần trong mắt Sơn “lụi” và đồng bọn. Biết không đuổi kịp ghe người phụ nữ nhưng vì nghĩ đây là miếng mồi ngon nên chúng cố chạy hết tốc lực.

Cuộc đua ghe bất đắc dĩ diễn ra vô cùng quyết liệt, gay cấn nhưng khoảng cách giữa hai ghe càng xa dần. Đến gần bến phà Bình Minh thì chiếc ghe người phụ nữ đã mất hút, Sơn “lụi” và đồng bọn đành bỏ cuộc trong ấm ức.

Trong khi lực lượng công an đang ráo riết truy lùng thì một chiều tối đầu tháng 6/1989, Sơn “lụi” cùng hai tên đàn em tiếp tục rảo xuồng trên sông Hậu tìm con mồi. Qua ngã ba phà Bình Minh, phát hiện một chiếc xuồng đang chạy tới, Sơn “lụi” ra lệnh cho đàn em quay đầu ghe rượt theo.

Phải mất gần 10 phút sau, ghe của chúng mới áp sát chiếc ghe của vợ chồng thương hồ đường xa. Với kinh nghiệm trên sông nước và được nghe lực lượng công an thông báo nhiều về thủ đoạn của bọn cướp trên sông, cặp vợ chồng thương hồ này đã sớm nhận ra bọn cướp và chủ động đối phó. Khi một tên vừa bước chân qua xuồng, người vợ lập tức vung dầm đánh thẳng vào hông làm hắn “á” lên một tiếng rồi bay xuống sông.

Tên thứ hai định ra đòn với người phụ nữ thì bị người chồng đạp văng xuống nước. Và kẻ thứ ba xuất hiện đó chính là Sơn “lụi”. Hắn điên tiết lên giọng: “Đ. M! Gặp đối thủ rồi. Nhưng ông bà tận số rồi, dám giỡn mặt với Sơn “lụi” này thì chỉ có đi lặn sông thôi”.

“Được, lão già này sẽ cho mày lặn tìm 2 thằng đồng bọn mày luôn”. Nói rồi người đàn ông tuổi 50 vạm vỡ dồn hết công lực vào cú vụt nhanh cây dầm làm Sơn “lụi” bay xuống sông luôn.

Trong vòng chưa đầy 5 phút, tên cướp khét tiếng Sơn “lụi” và 2 tên đồng bọn đã bị vợ chồng thương hồ cho đi “mò tôm” dưới sông Hậu.

Nuốt hận vào lòng, liên tiếp những ngày sau đó, Sơn “lụi” cho người dò la tung tích vợ chồng thương hồ ấy để phục hận nhưng hắn không tài nào tìm ra. Uy danh của hắn cũng từ đó bắt đầu “giảm số” trong giới giang hồ sông nước Cửu Long.

Trong cuộc họp chuyên án tối 14/6/1989, nhiều biện pháp nghiệp vụ, nhiều phương án truy xét đã được bàn thảo. Trưởng Ban chuyên án Nguyễn Văn Ban phổ biến phương án “thả mồi bắt bóng” để sớm kết thúc số phận Sơn “lụi” và đồng bọn”. Song, do nóng vội, chủ quan của lực lượng phá án, phương án “thả mồi bắt bóng” không thành công. Sơn “lụi” và Trần Văn Huệ đã phóng tủm xuống sông lặn mất. Một cuộc vây ráp khu vực này diễn ra suốt đêm nhưng không tìm ra dấu vết Sơn “lụi” và đồng bọn.

Và sáng sớm, khi mặt trời vừa ló dạng trên sông thì tên Huệ từ dưới sông lóp ngóp bò lên rồi lê bước về phía cuối chợ, bị 2 anh dân phòng nghi ngờ bắt giải về Công an phường Cái Khế. Ngay sau đó hắn được giải giao cho Ban chuyên án tại Công an huyện Bình Minh.

Tại đây, sau một buổi sáng đấu tranh với nhiều biện pháp xét hỏi và các tài liệu chứng cứ, Ban chuyên án đã “cạy miệng” được tên Huệ và có những chứng cứ quan trọng về kẻ cầm đầu Sơn “lụi”.

Từ những lời khai tương đối chính xác của Trần Văn Huệ kết hợp với các tài liệu trinh sát có được, Ban chuyên án hạ lệnh bắt giữ các đối tượng liên quan, còn Sơn “lụi” thì vẫn bóng chim tăm cá.

Điều bất ngờ là trong những ngày truy lùng băng cướp Sơn “lụi”, trinh sát lại tóm được một băng cướp khác do Nguyễn Văn Hơn cầm đầu. Hơn cũng có một thời dưới trướng Sơn “lụi”.

Kỳ 2:  Thủ đoạn rửa tội của đại ca Chín Rồng

Theo Báo Vĩnh Long