Sự kiện nghệ thuật lần đầu xuất hội tại Thủ đô này diễn ra vào 18h chiều nay, 7.9, tại khách sạn De L’opera (29 Tràng Tiền, Hà Nội).
1. Tấm giấy mời màu đen khổ ngang chạy dài, in chữ trắng bên trong; bên ngoài, từ “cân bằng” nhũ bạc in giữa hai tên tác giả, đọc xuôi thành “Ngọc Thái Cân bằng Đào Hải Phong”. HS Lê Thiết Cương lựa chọn hai tác giả thuộc hai loại hình nghệ thuật, mỗi người 15 tác phẩm, một cặp đôi tương phản hướng tới vẻ đẹp cân bằng của thiên nhiên, phong cảnh ngàn đời đang dần mất.
Những vết thương, sự mất mát của thiên nhiên cũng làm chấn động xây xước cuộc sống, tâm trí mỗi con người. Khát vọng cân bằng giữa các giá trị kinh tế - văn hoá, khoảng cách giàu nghèo, nông thôn - thành thị, cổ kính và hiện đại, chính là xu hướng toàn cầu phát triển bền vững. Vốn là khách sạn Dân chủ lâu năm, sau thời gian dài sửa chữa, công trình kiến trúc Pháp này đang nén mình chờ ngày khai trương sau chuỗi sự kiện văn hoá Davines, mở đầu với Cân bằng.
Hãng dầu gội - mỹ phẩm nổi tiếng của Ý Davines, doanh nghiệp đã tài trợ cho nhiều kỳ Đẹp Fashion show của tạp chí Đẹp mời HS Lê Thiết Cương từ 1 năm trước và tài trợ 120 triệu xuất bản 500 cuốn sách in trọn vẹn toàn bộ tác phẩm phát hành khai mạc. Là người giàu ý tưởng, một “thủ lĩnh” tổ chức các sự kiện bằng tinh thần liên tài rộng lớn (chuyên làm không công một cách tận tuỵ), Lê Thiết Cương đã nung nấu một “kịch bản” vừa thời sự vừa mơ mộng, dốc vào đây 3 tháng cật lực.
Lo từ việc lớn tới chi tiết nhỏ, bằng bản tính chu đáo, chính xác, công phu vì bạn hiếm thấy bây giờ. Đặt tên, viết bài cho triển lãm, chọn tác phẩm, in sách thiết kế khung bo, sắp đặt, chọn tiệc ... đạo diễn muốn đạt sự sang trọng và hoàn hảo tối đa, làm cho bạn hơn cả cho mình và tất nhiên, không lấy một xu thù lao nào cả.
Tất cả các tác phẩm được lồng khung mới: gỗ tần bì, đặt trên giá gỗ mới đóng, đưa người xem - đang đứng giữa trung tâm Hà Nội, được chu du các miền quê Bắc Bộ, chiêm ngưỡng và tìm lại những hình ảnh đã gặp, tiềm thức và cả xúc cảm tưởng chừng khuất quên trong sâu thẳm sau nhiều năm ồn ào bê tông khói bụi khu đô thị.
Cuộc duo của Đặng Ngọc Thái (1952) và Đào Hải Phong (1965) là đối thoại của ngôn ngữ “thời điểm - ánh sáng” với toàn bộ ảnh đen trắng và ngôn ngữ “hình - màu” với tranh rực rỡ, chói lọi, đối chọi. Họ tạo nên cái đẹp cân bằng của những đối nghịch.
Tình tự miền quê yên ả, thanh bình trong tâm thế nghệ sĩ Hà Nội ẩn chứa lo âu, họ muốn đánh thức, cảnh báo chúng ta về sự vô cảm lây truyền. “Âm dương cân bằng, thuỷ thổ hài hoà, động tĩnh hợp thời, đó là đạo lời cố nhân xưa ai lưu tâm hôm nay?. 250 giấy mời khai mạc, buffet 18 món “của ngon vật lạ” của De L’Opera với rượu Whisky, dự tiệc Tây để xem cảnh ta mà nối lại phối cảnh tâm hồn.
2. Quê cha Lạng Sơn, quê mẹ Sơn Tây, chàng miền núi và nàng xứ Đoài 60 năm trước gặp nhau tại Kinh Bắc; cưới, sinh con trai đầu lòng ở Bắc Ninh. Đặng Ngọc Thái có ấu thơ ở thị xã nên thơ này tới 6 tuổi mới về Hà Nội.
HS Lê Thiết Cương đến tận nhà riêng Ngọc Thái phố Trấn Vũ, chọn từ 18 dải phim ra 15 ảnh. Nét đặc biệt của toàn bộ ảnh này là tác giả chụp bằng phim to (6 x 4,5cm 6 x 9cm) Ilford và giấy ảnh Anh cùng loại, chụp bằng máy Rollei của Đức nguyên phim, chụp thế nào rửa đúng thế, không cúp sửa. Mỗi bức ảnh 40, 60 x 50, 8cm (16 x 20 inches) đều được HS Cương cho làm bo đen, các tác phẩm này chụp rải rác từ 1995 đến 2011, chiếm một nửa là chụp tại Bắc Ninh, còn lại là phong cảnh Hà Tây, Hoà Bình, Lào Cai.
Nhiếp ảnh gia Ngọc Thái cho biết : “Yêu Kinh Bắc, vùng quê gắn với ký ức gia đình, tôi đã có cả ngàn tấm ảnh đẹp về nơi này. Triển lãm này có phong cảnh Diềm - lãng quan họ cổ, làng gốm Phù Lãng. Trước kia, ảnh của tôi chụp không người sau này thì cảnh và người đan hoà nhau, không thể bỏ một”.
Tác phẩm của Ngọc Thái đã có mặt tại Pháp, Ý, Tây Ban Nha. Năm 2005, ông có triển lãm tại Berlin ; 30 tác phẩm cũng năm ấy ông sang Mỹ bày ảnh tại San Jose, nói bố ông đã sống. Nhận lời mời của Đại học Nghệ thuật Virginia triển lãm cá nhân trong 20 ngày vào tháng 1.2011, ông sang Mỹ từ tháng 11.2010 vì bố ốm nặng. Gặp được bố 1 hôm, thì hôm sau ông cụ mất, cuối đời vẫn nhớ quê nhà, mong trở lại Bắc Ninh.
Ngọc Thái khẳng định: “Tôi đã đi khắp nước và triển lãm cá nhân tại Hà Nội, TP.HCM, đây là lần đầu trưng bày ảnh cùng tranh. Theo tôi biết đây là sự kết hợp lần đầu tiên tại Hà Nội”. Năm 2008, HS Lê Thiết Cương đã tổ chức triển lãm Mắt vuông cho Đặng Ngọc Thái tại gallery 39A Lý Quốc Sư, trưng bày ảnh chụp bằng cả Rollei lẫn máy Contax phim vuông 6 x 6cm.
3. Đào Hải Phong, bạn thân Lê Thiết Cương đều là con nhà nòi điện ảnh, học thiết kế mỹ thuật ĐHSK - ĐA nhưng lại bỏ dở nghiệp thiết kế bối cảnh phim, chuyên tâm sáng tác độc lập. Đào Hải Phong là một trong các họa sĩ có giá tranh cao và bán đắt nhất Việt Nam, cũng là họa sĩ bị nhái tranh nhiều nhất. Không thể “dẹp” được sự đạo hoạ khó chịu kia, anh dồn tâm sức vẽ. Màu đỏ, vàng, nhất là xanh trong tranh anh Phong rất kỳ biệt, ở Việt Nam không ai dùng màu xanh ấy. Giữa hiện trạng thật - giả lẫn lộn, cách có được tranh thật là … gặp hoạ sĩ.
Với nhiều người mê tranh và sưu tập tranh, sở hữu tranh của Đào Hải Phong, như có được một món đồ hiệu xa xỉ. Lê Thiết Cương leo 5 tầng lên xưởng vẽ của Phong trên đường Lê Thanh Nghị, để chọn tranh 15 bức sơn dầu trên vải, đa số khổ 0,8 x 1,3m, là những bức đặc biệt thích mà HS không muốn bán, giữ lại cho mình; bình thường anh vẽ chẳng đủ nhu cầu người mua.
Lần triển lãm gần nhất của anh, chiều 2.9.2010 tại Nhà hát Lớn trong chương trình Điều còn mãi (VietNamNet tổ chức), để có 36 tranh trưng bày (vẽ 36 phố phường Hà Nội), anh phải đi mượn lại khách và các gallery. Sinh trưởng tại Hà Nội, vẻ đẹp nông thôn Bắc bộ trong tranh Đào Hải Phong là hồi sơ tán Hưng Yên và những lần theo cha HS, NSND Đào Đức đi làm phim.
Các tranh triển lãm được vẽ từ 1995, rải rác thập niên đầu thế kỷ này và 2 bức mới nhất sáng tác 2011. Sông Hồng, cây, triền đê, thuyền cô đơn, những ngôi nhà bình yên nhẫn nại, con đường miên man… Cảnh sắc Bắc Bộ vừa quen vừa lạ vẽ bằng phong cách đặc thù. Có cả cầu, sông Nhật Lệ - phong cảnh Quảng Bình, khi anh làm phim Chuyện tình bên dòng sông (ĐDNSƯT Đức Hoàn, DV chính Lê Khanh, Trần Lực).
Ba bức tranh của Đào Hải Phong mà Lê Thiết Cương cho rằng đẹp nhất series này, anh đặt tên bằng theo 3 tác phẩm của 3 tác giả sáng giá: Bến lạ (Đặng Đình Hưng) nước và cây màu xanh dương, mây tím; Sang sông (Nguyễn Huy Thiệp) với cây đỏ nhà đỏ triền đê xanh thẫm; Những con thuyền sông Đáy (Nguyễn Quang Thiều) màu vàng óng ả tràn khắp tranh khung cảnh quê làng.
Đặc biệt, triển lãm trưng bày tác phẩm sắp đặt Cây Davines của Lê Thiết Cương dùng 1 thân tre cao gần 5m chạm trần. Hoà nhịp tối đa trào lưu đương đại thế giới, Cương tận dụng vỏ sản phẩm làm nghệ thuật nhằm bảo vệ môi trường. Treo lên thân tre cao 5m gần chạm trần 150 lọ đựng dầu gội (đã dùng hết), anh đổ nước và cắm vào đó 150 bông sen trắng. Mua sen trắng lúc giữa Thu là một kỳ công. Đấy chính là Cương, luôn thừa khả năng gây ngỡ ngàng.