Lận đận hai lần đò
“Chè Thái, gái Tuyên” dường như đã trở thành một thương hiệu về một miền quê có nhiều cô gái xinh đẹp. Chẳng thế mà những kẻ “buôn phấn bán hương” thường lợi dụng mác “gái Tuyên” để chèo kéo khách, để được chú ý hơn và có thể nhận được nhiều hơn một chút những đồng bạc. Thế nhưng, người đàn bà ấy thì khác, chị ta chẳng muốn nói về gốc gác, xuất thân của mình với những gã đàn ông hay với bất cứ ai. Chị ta sợ, những nhơ nhuốc của chị ta chốn thị thành sẽ làm hoen ố chút danh dự gia đình.
Đào Bích Diệp (SN 1977, trú tại Tân Trào – Sơn Dương – Tuyên Quang) là tên khai sinh cha mẹ đặt cho chị ta. Diệp không chỉ là “gái Tuyên xịn” mà còn là một cô gái người dân tộc Tày mộc mạc, chất phác, sinh ra và lớn lên ở một bản làng heo hút, nơi có những nếp nhà sàn cao cao nơi chân núi. Vài lời giới thiệu về Diệp khiến tôi hình dung về một cô thôn nữ đậm chất quê nhưng tôi đã lầm.
Gặp Diệp trong một Trung tâm giáo dục lao động của Hải Phòng, Diệp hiện đại khác xa với hình dung của tôi. Ở Diệp nét đồng nội vốn có đã “bay đi” rất rất nhiều . Có chăng còn sót lại chỉ là dáng người hơi đẫy đà, sức vóc lao động của một thời lam lũ. Ngay cả đến giọng nói của Diệp cũng thế, chẳng còn cách phát âm lơ lớ như thường thấy ở các cô gái vùng cao nữa, Diệp nói chậm, cách “nhả chữ” như đếm giúp chị ta phát ra những âm ngữ phổ thông rất chuẩn mực.
Người đàn bà vùng cao xuất hiện trước mắt tôi với mái tóc nhuộm vàng và được cắt tỉa rất thời thượng. Phần tóc mái được cắt bằng, duỗi thẳng kiểu ma-nơ-canh, che trọn vẹn phần trán của Diệp, khiến cho gương mặt vốn bầu bầu nay như bị “cắt nửa vầng trăng”. Đôi mắt Diệp to, tròn nhưng ánh nhìn vô hồn, hoang dại. Có thể, thời còn son rỗi Diệp đẹp thật, nhưng khi ấy, ấn tượng về Diệp trong tôi là một người đàn bà chẳng xấu, chẳng đẹp. Những nét quê bị che đậy, tô vẽ đậm nhưng xét tổng thể, chẳng làm Diệp hiện đại, đẹp đẽ hơn mà trái lại khiến chị ta kệch cỡm trong một mớ những lộn xộn pha tạp.
Nhắc đến gia đình, Diệp thoáng trùng giọng và buồn. Diệp bảo, phải lâm vào hoàn cảnh hôm nay, với chị ta như một sự tất yếu bởi sự dẫn dắt, đẩy đưa của cuộc đời. Bố mẹ Diệp là những nông dân thuần phác và khá điển hình về số lần sinh nở. Nhà Diệp có những 8 anh chị em, trong đó có 5 chị em gái và 3 anh em trai. Đông con, nhà lại nghèo nên anh chị em của Diệp chẳng được chăm chút, cứ bữa đói, bữa no qua ngày. Học hết lớp 7 Diệp đã bỏ học để ở nhà phụ bố mẹ làm ruộng.
Rồi khi tròn 18 tuổi, Diệp khăn gói về nhà chồng. Chồng Diệp là một anh nông dân người cùng bản. Vợ chồng Diệp sinh đứa con trai đầu lòng ngay trong năm cưới. Nhưng rồi, hạnh phúc của người đàn bà vùng cao ấy “ngắn chẳng tày gang”, khi con trai còn nhỏ dại, người chồng của Diệp đột nhiên mắc bệnh hiểm nghèo và chết.
Chưa đầy ba mươi tuổi, Diệp trở thành góa phụ. Không đành lòng sống cảnh góa bụa khi mới bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, người đàn bà bản năng trong Diệp đã lạnh lùng gửi lại đứa con thơ cho ông bà nội chăm sóc và đi tìm hạnh phúc mới.
Người chồng thứ hai mà Diệp chọn và chọn Diệp là một gã nghiện ma túy. Cuộc sống ngày thường ở nông thôn, kiếm được vài đồng để mua thức ăn vốn đã xa sỉ, phải lo kiếm tiền để phục vụ cho nhu cầu trích hút của một con nghiện là một điều không tưởng. Có thêm một đứa con trai vơi người chồng thứ hai này, Diệp nếm trải sự tột cùng thiếu thốn, vất vả. Rồi gã chồng nghiện vì dính vào những lần buôn bán ma túy đã phải đi tù. Rồi Diệp gửi lại con trai ở nhà chị gái ruột, rời quê đi kiếm việc làm.
Lạc lối
Nếu như khi nói về cuộc đời mình, về gia đình, Diệp như trút bầu tâm sự trĩu nặng thì khi được hỏi về chuyện “làm nghề” dẫn đến kết cục phải vào trại phục hồi nhân phẩm, Diệp lại tỏ ra đầy mánh khóe để chối bỏ. Diệp bảo, chị ta tìm đến Thành phố Hải Phòng với hy vọng kiếm được ít tiền gửi về quê nuôi con. Theo lời giới thiệu của chúng bạn, Diệp được một bà chủ quán café kiêm dịch vụ masage nhận vào làm nhân viên. Khẳng định bà chủ quán chẳng ép nhân viên bán dâm mà giao kèo rõ ràng, nếu chỉ làm nhân viên masage đơn thuần thì tiền công nhận được là 50 nghìn đồng cho một lần phục vụ khách. Biết bản thân chẳng còn sức hấp dẫn qua hai lần sinh nở, Diệp chấp nhận làm nhân viên masage. Tôi hỏi Diệp, vậy tại sao lại bị bắt buộc đi cải tạo trong trại phục hồi nhân phẩm, nơi mà chỉ dành cho những cô gái trót bán dâm cải tạo. Diệp thanh minh: “Hôm bị bắt, em vừa mới xuống Hải Phòng được vài hôm thôi. Lúc công an ập vào quán, em đang ngồi đó thì bị bắt chung”. Rồi dường như nhận ra sự vô lý trong chính câu nói của mình, Diệp lại bảo: “Khi đó em đang lên phòng lấy café cho khách thì bị công an bắt…”. Thấy thái độ ấy ở Diệp, tôi chỉ bảo: “Sẽ chẳng ai có thể bắt em vào trại này nếu như em không bán dâm…”. Diệp không đáp mà cúi đầu im lặng. Gợi chuyện về một chủ đề khác, Diệp vui vẻ trò chuyện. Rồi khi vui câu chuyện, tôi hỏi Diệp về số tiền nhận được mỗi lần đi khách. Diệp rất tinh ranh trả lời: “Em thấy mấy đứa bạn cùng làm ở quán chúng nó bảo, giá một lần bán dâm là 150 nghìn/khách”. Số tiền đó được chia đôi, bà chủ hưởng một nửa. Ngoài ra, nếu làm như thế thì còn nhận thêm được tiền “bo” từ khách. Diệp vẫn một mực chối quanh về những việc chị ta đã làm. Thế nhưng, theo hồ sơ của Diệp, chị ta từng có thâm niên trong việc bán dâm. Sự lõi lọc, tinh quái trong cách trả lời khi được hỏi đến việc làm nhạy cảm ấy cũng đủ thấy, Diệp đã được “huấn luyện” nhuần nhuyễn đến mức nào. Hỏi về dự định cho cuộc sống sau này khi ra khỏi trại cải tạo, Diệp bảo sẽ về quê để làm ruộng nuôi con trai nhỏ. Chị ta chẳng muốn tiếp tục cuộc sống hôn nhân với gã chồng nghiện nữa, dù nay mai gã cũng sẽ mãn hạn tù trở về. Trong phút chốc, Diệp dường như đã trở về đúng với bản năng của người mẹ yêu con. Ngoài đứa con trai nhỏ với gã chồng nghiện, trong suy tính của người mẹ ấy còn ấp ủ cả những yêu thương dành cho đứa con với người chồng xấu số đoản mệnh. Năm nay con trai cả của Diệp đã 17 tuổi và sắp có gia đình riêng. Chị ta mong chờ ngày được ra khỏi trại cải tạo lao động để được về quê hương, sống những ngày tháng nghèo khổ nhưng thanh thản bên con cái, bên gia đình. “Có lẽ em sắp được lên chức mẹ chồng, em phải sống tử tế hơn…”, Diệp nói với tôi nhưng trên hết chị ta tự nói với chính lòng mình về điều thiêng liêng ấy. Những gái quê bước chân ra khỏi lũy tre làng và nhanh chóng lạc lối vào những con đường tù tội thực sự không hiếm. Dường như đã thành mô tuýp chung: bất hạnh, nghèo khổ cộng thêm chút nhan sắc trời phú sẽ thành ra một gái bán hoa giữa chốn thị thành. Và sau cùng, cũng giống như Diệp, họ đều khát khao được trở lại là chính mình. Nhưng ở đời, ai cho họ được nghị lực, bản lĩnh và cơ hội để thực sự trở về?