Bất chấp hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, hoạt động kinh doanh dầu ăn bẩn tại Trung Quốc dường như vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Mới đây công ty Henan Huikang Oil Company tại tỉnh Hồ Nam đã bị phát hiện thu lợi hàng trăm triệu nhân dân tệ sau nhiều năm bán thứ dầu ăn làm từ chất thải dưới mác dầu đậu nành cho hơn 60 công ty dược phẩm và công ty thức ăn chăn nuôi.
Chia sẻ với tờ Guangzhou's 21st Century Business Herald, Wu Gang, một người trong nghề khẳng định dầu ăn thải thường chiết xuất từ rác thải nhà bếp của các nhà hàng. Theo người này, loại dầu ăn bẩn này chủ yếu được sử dụng trong sản xuất xăng dầu sinh học, xà phòng và các sản phẩm công nghiệp khác nhưng không được phép dùng như dầu ăn thông thường bởi có thể gây hại cho sức khỏe.
Hôm 3/9, tập đoàn thực phẩm hàng đầu Trung Quốc TRS Group cho biết một công ty con của họ là Zhongyuan Xiangda đã mua 7 lô hàng dầu đậu nành với tổng trọng lượng 34 tấn từ công ty Huikang trong giai đoạn tháng 6/2009 tới tháng 9/2010. Zhongyuan Xiangda đã kiểm tra các lô hàng và xác nhận chúng đúng là dầu đậu nành. Thế nhưng ngoài công ty này còn nhiều công ty thực phẩm khác đã mua dầu do Henan Huikang sản xuất.
Theo tờ The 21st Century Business Herald, dầu ăn bẩn mà Huikang sử dụng trong sản xuất dầu ăn có xuất xứ từ Gelin, một công ty đã bị phát hiện dùng dầu thải từ rác nhà bếp để sản xuất dầu ăn. Cụ thể Huikang đã mua dầu ăn từ Gelin với giá 8.100 nhân dân tệ/tấn (tương đương 1275 USD), rẻ hơn giá dầu đậu nành trên thị trường tới 2000 nhân dân tệ. Sau đó công ty này pha trộn dầu ăn bẩn với dầu ăn sạch để bán cho khách hàng.
Các cơ quan điều tra xác định từ tháng 12/2007 cho tới khi vụ scandal bị vỡ lở, Huikang đã mua tổng cộng 99,2 triệu nhân dân tệ (tương đương 15,6 triệu USD) dầu bẩn từ Gelin. Sau khi pha trộn và bán tới tay khách hàng họ thu lời bất chính 350 triệu nhân dân tệ (tương đương 55 triệu USD).
The 21st Century Business Herald khẳng định hơn 60 công ty dược phẩm và thức ăn đã vô tình hoặc cố ý mua loại dầu chất lượng kém này từ Huikang và sử dụng làm nguyên liệu. Cho đến thời điểm hiện tại các cơ quan chức năng vẫn chưa làm rõ liệu loại dầu ăn chất lượng kém mà Huikang bán có chứa các chất gây hại cho sức khỏe con người hay không. Ngoài ra Trung Quốc cũng chưa có quy định nào cụ thể cấm việc thêm dầu ăn chiết xuất từ rác vào dầu ăn thông thường trong sản xuất thực phẩm.
Cùng lúc với việc phanh phui hoạt động phi pháp của Henan Huikang Oil Company, cơ quan chức năng cũng phát hiện một công ty dược phẩm lớn của Trung Quốc đã mua và sử dụng dầu ăn bẩn để sản xuất thuốc kháng sinh. Đó là Joincare Pharmaceutical Industry Co., Ltd, có trụ sở tại khu kinh tế Shenzhen.
Các dữ liệu cho thấy trong giai đoạn từ đầu năm 2010 tới tháng 7/2011 công ty này đã mua 16.200 tấn dầu ăn bẩn từ công ty Henan Huikang Industrial, một công ty cung cấp vật tư xây dựng và các sản phẩm hóa chất tại tỉnh Hồ Nam. Tổng giá trị đơn hàng lên tới 145 triệu nhân dân tệ (tương đương 23 triệu USD). Theo tờ Tin tức Bắc Kinh, công ty này sử dụng dầu ăn bẩn trong bào chế loại kháng sinh trung gian có tên 7-ACA, vốn được bán tới hơn 100 quốc gia để sản xuất các loại thuốc cho người tiêu dùng.
Liu Deng, giáo sư của đại học Khoa học và Công nghệ Bắc Kinh cho biết dầu thải bị công chúng nhìn nhận một cách tiêu cực do tính chất độc hại. “Chính phủ chỉ cho phép sử dụng chúng trong nhiên liệu sinh học và một số ứng dụng khác”, ông Deng nói. “Nó không được phép xuất hiện trên bàn ăn của người dân chưa nói gì tới các quy định ngặt nghèo hơn nhiều của ngành dược”.