Trong lúc các cơ quan chức năng vẫn “mò kim đáy bể”, người nhà nạn nhân vẫn vô vọng trong việc tìm thấy thi thể, thì nghi vấn đó không phải không có cơ sở. Bởi trên thực tế, “thuốc chưa tiêu” được bày bán dù kín đáo nhưng vẫn có thể mua ở các nhà tang lễ, nghĩa trang trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
“Thuốc chưa tiêu” kỳ bí có thể hủy hoại nhanh chóng da thịt người là loại hóa chất gì? Công dụng thực tế của nó ra sao? Phóng viên (PV) đã tìm hiểu thực tế truy tìm loại hoá chất này và trao đổi với các chuyên gia.
Thuốc bí ẩn nhưng mua không khó!
Theo chỉ dẫn của những người phu đào mộ, PV dạo một vòng qua một số nhà tang lễ trên địa bàn Hà Nội. Không quá khó để tìm mua loại thuốc đặc biệt có tên “thuốc chưa tiêu”. Không dám bày bán công khai vì thuốc “không tên, thành phần thuốc lại độc hại, dễ bị thanh tra “sờ gáy”, xử phạt”, như lời nói của một người bán loại thuốc này, nhưng chỉ cần “đánh tiếng” với một số cửa hàng phục vụ tang lễ quanh khu vực nhà xác, dăm phút sau khách sẽ có đúng thứ mình yêu cầu.
Xung quanh nhà tang lễ Phùng Hưng có rất nhiều cửa hàng bán vòng hoa cùng các vật dụng phục vụ cho việc tang ma. PV quyết định vào ngẫu nhiên một cửa hàng. Thời điểm này không phải là “mùa” xây cất mồ mả nhưng khi đặt vấn đề “muốn tìm mua thuốc chưa tiêu, mang về quê cho người nhà bốc mộ”, PV ngạc nhiên khi chủ cửa hàng không hề e dè mà vẫn mời chào đon đả.
Sau khoảng 2 phút đi vào nhà trong, người chủ cửa hàng mang ra một gói hóa chất. Dù được bọc kín trong túi ni lông vẫn có thể quan sát thấy gói thuốc gồm những thanh nhỏ màu trắng và nhiều cục bột cũng màu trắng.
Nếu không phải được mô tả trước, người mua có lẽ sẽ khá hoảng hốt khi gói thuốc này quá giống… heroin.
Người bán ra giá là 150 ngàn đồng, sau khi nhận đủ tiền, còn chỉ cách pha chế cụ thể: “Nếu cất mộ lên mà thịt chưa tan hết thì cho thuốc cùng nước sôi vào một cái chậu, quấy đều. Sau đó đeo găng tay, che kín mặt, nhặt số xương chưa tiêu xếp vào chậu nước đã hòa thuốc xử lý từng phần, đầu tiên là xương mông, sau đến xương lưng, xương vai, thịt bám trên xương sẽ tan biến hết. Hiệu nghiệm lắm”.
Rồi chừng như thấy chưa yên tâm, bà chủ cửa hàng vòng hoa cẩn thận dặn dò thêm: “Nếu dùng không hết thuốc thì cho mấy người quản trang hay cho luôn người đi cất mộ thuê cho mình để họ dùng. Đừng vứt lung tung, trúng vào nguồn nước sẽ rất độc hại với môi trường”.
Có cả thuốc “made in Việt Nam”
Người chủ cửa hàng không tiết lộ nơi cung cấp loại thuốc này nhưng khẳng định thuốc có nguồn gốc “made in Việt Nam”. “Số lượng thì muốn mua bao nhiêu cũng có vì sản xuất tại Việt Nam, không phải hàng Trung Quốc như người ta đồn đoán. Tuy thế đầu năm, thuốc này tiêu thụ chậm hơn. Bởi theo phong tục, mọi người kiêng động đến mồ mả, thì cần gì thuốc.” - người bán hàng cho biết thêm.
Theo người bán vòng hoa ở nhà tang lễ Phùng Hưng, không chỉ ở đây mà nhiều nhà tang lễ lớn hay khu vực nghĩa trang ở Hà Nội đều có bán loại thuốc này. PV tiếp tục lên đường đến nghĩa trang Văn Điển. Không khác gì ở khu vực Phùng Hưng, người bán vòng hoa ở đây cũng rất thoải mái khi nói về loại thuốc đặc biệt này.
Theo đó, người chết nếu đem chôn cất ở quê, việc cải táng có thể tự chọn được. Gia chủ có thể xem ngày giờ, thậm chí để quá vài ba năm để chắc chắn thi thể người thân đã tiêu hết. Tuy thế, vẫn gặp trường hợp “mộ kết”, thi thể không tiêu, vì thế những người cải táng vẫn phải dự trữ thuốc này.
“Ở nghĩa trang còn eo hẹp hơn bởi theo quy định, chỉ 3 năm là bắt buộc phải bốc mộ. Nhiều thi thể khi đưa lên khỏi quan tài, gần như còn nguyên. Ngày trước, những người làm nghề cải táng sẽ phải bạo tay dùng dao, khéo léo tách từng bộ phận. Nhưng có cẩn thận, nhẹ nhàng đến đâu, người thân người dưới mộ vẫn xót ruột lắm.
Giờ có loại thuốc này thì đỡ rồi, ngâm vào chỉ khoảng chục phút, thịt tan hết, chỉ trơ lại xương. Thuốc này bán đắt hàng vào dịp cuối năm, lúc đó nhu cầu xây cất mộ nhiều” - một người bán hoa ở nghĩa trang Văn Điển cho biết.
“Thuốc chưa tiêu” cũng dùng để làm mềm thịt, bánh bao???
Với mục đích tìm hiểu thành phần của loại thuốc “ghê người” này, PV mang gói thuốc đến gặp PGS.TS Trịnh Lê Hùng - giảng viên khoa Hóa học, Chuyên ngành hóa sinh môi trường, Trường Đại học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Sau khi nghiên cứu, phân tích, ông Hùng cho biết: “Có thể đây là hóa chất NaHCO3 (natri hidrocacbonat). Nếu đúng thì không có gì là lạ bởi người ta vẫn thường dùng hóa chất này để làm mềm thịt, nấu bánh bao… Dùng hàm lượng nhỏ để chế biến thực phẩm sẽ không độc hại, tuy nhiên nếu dùng nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Lý giải tại sao những người làm nghề bốc mộ phải dùng thuốc này, ông Hùng nhận định: “Thi thể người chết sau khi chôn cất, vài năm sau sẽ có dấu hiệu thối rữa. Quá trình phân hủy bắt đầu từ nội tạng, sau đó đến thịt, mỡ và cuối cùng là xương.
Nếu chôn ở vùng đất thịt như miền Bắc, xác sẽ khó phân hủy, nhất là với những người khi còn sống phải uống nhiều thuốc kháng sinh để trị bệnh. Bởi vậy, dùng hóa chất này với hàm lượng lớn sẽ có tác dụng tẩy rửa thịt khỏi xương một cách nhanh chóng”.
Đặt nghi vấn của những người đào mộ cho rằng bác sĩ Tường dùng “thuốc chưa tiêu” hủy hoại xác nạn nhân, ông Hùng lắc đầu khẳng định: “Theo tôi rất khó. Đúng là hóa chất này có thể làm tan thịt nhanh chóng nhưng đó là xác chôn lâu dưới lòng đất đã phân hủy trong suốt thời gian dài. Còn người vừa mới chết, khó mà dùng hóa chất này làm tan ra được. Chỉ ngâm vào axit đậm đặc cùng với kiềm, thịt mới có thể tan ngay lập tức”.