Đầu hè đã ghi nhận nhiều ca tử vong vì bệnh dại
BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 7-8 ca tử vong vì dại. Riêng trong một tháng trở lại đây, bệnh viện đã tiếp nhận 5 bệnh nhân bị chó dại cắn. Tất cả các bệnh nhân này đều tử vong vì không đi tiêm ngừa vắc xin phòng dại dù đã được khuyến cáo phải tiêm vắc xin ngay sau khi bị chó cắn.
Trong tháng 5, Hà Nội cũng đã ghi nhận 2 ca tử vong do bệnh dại, trong khi 2 năm trước đó không có ca mắc nào. Trên cả nước, từ đầu năm đến nay cũng đã ghi nhận 14 trường hợp tử vong vì bệnh dại tại 10 tỉnh, thành phố.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có 2 trường hợp bệnh nhân bị tử vong tức tưởi vì người nhà tin lời thầy lang phán nhìn vết chó cắn đó không phải chó dại.
Trường hợp mới nhất là bệnh nhi N.H.H, mới 12 tuổi ở Kiến Xương, Thái Bình. Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, em bị chó nhà cắn vào bắp chân, sau 7 ngày gia đình định đưa con đi tiêm phòng vắc xin dại thì được một người quen giới thiệu thầy lang có khả năng biết được chó có dại hay không. Đưa con đến nhà thầy lang khám, nghe thầy lang phán: “bệnh nhân không phải do chó dại cắn” gia đình tin lời quyết định không cho bé H đi tiêm vắc xin phòng dại.
Trở về nhà, cả gia đình bé H cũng giết luôn con chó cắn ăn thịt, để không có thêm người bị cắn. Tuy nhiên, sau 20 ngày chó cắn, em H có biểu hiện lên cơn dại: không ngủ được, vật vã, kích thích, sợ nước, sợ gió. Lúc này, gia đình mới vội vã đưa em đi khám tại BV Nhi Thái Bình rồi chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tất cả đã quá muộn, bệnh nhi không thể được qua khỏi vì đã lên cơn dại.
Trước đó, một nam bệnh nhân ở Sóc Sơn, Hà Nội cũng đã tử vong vì tin lời thầy lang phán không bị chó dại cắn. Người nhà bệnh nhân cho biết, thầy lang này sau khi dùng một loại lá chà xát vào vết cắn, đã khẳng định vết cắn này không phải của chó dại. Cũng vì tin lời thầy lang bệnh nhân chủ quan không đi tiêm phòng vắc xin nhưng vài ngày sau phải nhập viện tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng lên cơn co giật, tụt huyết áp, sùi bọt mép và đã tử vong.
Đừng tưởng chó nhà không dại
Theo BS Cấp, vào mùa hè số lượng bệnh nhân dại phải nhập viện tăng lên nhiều hơn. Trong đó, BV ghi nhận cả những trường hợp bị mắc dại khi làm thịt chó dại (virus dại xâm nhập vào cơ thể qua những vết thương, vết xước nhỏ mà người làm thịt chó không để ý). Rất nhiều bệnh nhân bị có dại cắn đã không đi tiêm phòng vì tin lời thầy lang có thể nhìn vết cắn xác định được chó đó có dại hay không hoặc thậm chí có người bệnh dù nghi ngờ bị chó dại cắn nhưng vẫn chữa trị bằng đông y vì nghe theo lời thầy lang có thể chữa được bệnh dại.
“Những bệnh nhân đã bị virus dại tấn công vào não và lên cơn dại kịch phát thì chắc chắn sẽ tử vong, không thể cứu chữa được, dù bằng tây y hay đông y”, BS Cấp khẳng định.
TS Nguyễn Hồng Hà cho biết, nhiều người dân chần chừ không muốn đi tiêm vắc xin phòng dại vì lo sợ những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe theo lời đồn thổi như: ảnh hưởng đến sự phát triển trí não, khả năng sinh con … Tuy nhiên, BS Hà khẳng định trước đây việc dùng vắc xin dại sống nên có thể có nhiều tác dụng không mong muốn dù tỷ lệ rất thấp. Vắc xin phòng dại hiện nay hiện đại hơn, tỷ lệ tác dụng không mong muốn càng ít đi rất nhiều. Do đó, người dân cần phải chủ động đi tiêm phòng vắc xin dại sớm nhất. Người không may bị chó, mèo dại cắn nếu đã được tiêm phòng đúng theo chỉ định vẫn có thể tránh được tử vong. Còn khi không tiêm, khi đã lên cơn dại thì y học, dù đông hay tây y đều bó tay, bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong 100%.
BS Cấp cảnh báo nhiều người dân chủ quan cho rằng chó nhà nuôi nếu chẳng may bị cắn sẽ không bị dại. Đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm, bởi đến nay ở Việt Nam nguồn lây bệnh dại chủ yếu vẫn từ chó nhà, chiếm tới 96%, sau đó là mèo. Do đó, bác sĩ khuyến cáo tất cả gia đình nuôi chó, mèo nhất thiết phải cho chó, mèo đi tiêm phòng dại định kỳ và nếu chẳng may bị chúng cắn, người bị cắn cũng nên đi tiêm phòng vắc xin dại.
TS Nguyễn Hồng Hà, nguyên phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, nhiều người sau khi bị chó, mèo cắn theo dõi vài ngày thấy con chó, con mèo không có biểu hiện gì bất thường tưởng rằng mình không bị nhiễm bệnh dại nhưng sự thực không phải vậy. Người có biểu hiện bệnh dại sớm nhất cũng phải mất 2-3 tuần, tuy nhiên có người thời gian ủ bệnh lên tới hàng năm mới lên cơn dại.
“Thời gian ủ bệnh ở mỗi người lại khác nhau, tùy thuộc vào vị trí vết cắn. Vị trí vết cắn càng gần khu thần kinh trung ương thời gian phát bệnh càng nhanh. Cụ thể, nếu người bị cắn ở vùng đầu, mặt, cổ sẽ phát bệnh nhanh hơn người bị cắn ở tay, chân. Do đó, người bị cắn ở vùng đầu mặt cổ phải cố gắng tiêm sớm nhất và nên tiêm cả huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại. Huyết thanh kháng dại là kháng thể để chống lại virus dại, cần phải tiêm càng sớm càng tốt, trong vòng 12h từ khi bị cắn đưa kháng thể vào sẵn có thể trung hòa virus dại”, PGS Hà cho biết.
PGS.TS Hà cũng cảnh báo việc chờ đợi, theo dõi sức khỏe con chó, xem nó có ốm, bỏ ăn hay chết đi không mới đi tiêm là rất nguy hiểm vì lúc đó có tiêm phòng thì trở tay cũng không kịp, người bệnh sẽ tử vong khi đã lên cơn dại.
Khi chẳng may bị chó, mèo cắn người bệnh cần rửa kỹ vết thương bằng xà phòng, nước sạch và đến ngay cơ sở y tế để tiêm phòng vắc xin dại. Với con vật gây ra vết cắn đó cần phải nhốt ngay lại, theo dõi tiếp, tuyệt đối không để chúng chạy rông thì có thể truyền virus dại sang các động vật hoặc người khác.