Thời gian gần đây, tại Mỹ xuất hiện bệnh nhân bị một loại vi khuẩn “ăn thịt người” có tên Aeromonas hydrophila tấn công, gây thương tật nặng nề khiến dư luận thế giới hết sức lo lắng.
Gây tử vong gần 100%
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu - bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cung cấp tài liệu nghiên cứu khoa học về bệnh này do chính ông thực hiện. Theo đó, từ năm 2009 đến hết 2010, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã gặp 10 trường hợp nhiễm trùng huyết do Aeromonas hydrophila (vi khuẩn “ăn thịt người”), tất cả đều là nam giới, người trẻ nhất 34 tuổi còn bệnh nhân cao tuổi nhất 77 tuổi.
Trong số đó có đến 7 bệnh nhân đã tử vong tại bệnh viện, 1 trường hợp rất nặng khác được gia đình xin cho về, chỉ có 2 trường hợp được chữa khỏi. Về bệnh cảnh, cả 7 bệnh nhân tử vong đều có bệnh nền xơ gan, 6/7 bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết nhưng không có viêm hoại tử mô mềm, 5/7 bệnh nhân có diễn biến xơ gan tăng nặng dần dẫn đến sốc nhiễm trùng, suy đa phủ tạng…
Biểu hiện ban đầu của các bệnh nhân khá giống nhau, đều có triệu chứng sốt, vàng da, vàng mắt, một số kèm thêm đau bụng, tiêu chảy. Mới đây, ngày 12/4/2013, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương lại tiếp nhận thêm một bệnh nhân nam, 40 tuổi, ở Tiền Hải (Thái Bình) mắc vi khuẩn “ăn thịt người”, nhập viện trong tình trạng sốc nặng, viêm hoại tử khắp cánh tay trái. Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt, một ngày sau sưng nề ở cẳng tay trái và lan ra khắp cánh tay và lên vai. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân thoát khỏi tình trạng sốc và nhiễm khuẩn huyết nhưng hoại tử toàn bộ da cánh tay bên trái nên được chuyển đến Viện Bỏng quốc gia để ghép da.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, bệnh do Aeromonas hydrophila ở người tương đối ít gặp. Chúng có thể gây tiêu chảy ở người khi ô nhiễm nước uống do ngoại độc tố giống độc tố cholera toxin của vi khuẩn tả. Ngoài ra chúng có thể gây các bệnh khác ở người như nhiễm trùng mô mềm, nhiễm trùng huyết, và các ổ nhiễm trùng khu trú. Trước đây, tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân nhiễm trùng huyết do Aeromonas hydrophila lên tới gần 100%.
Nguồn lây bệnh có thể từ ao, hồ ô nhiễm
Lý do khiến Aeromonas hydrophila được mệnh danh là vi khuẩn “ăn thịt người” vì khi đã tấn công vào người bệnh chúng gây hoại tử rất nhanh chóng các ổ viêm, nhiễm trùng trên cơ thể người bệnh. Trong số những bệnh nhân phải nhập viện do vi khuẩn này tại Mỹ thời gian gần đây, không ít người đã bị cắt cụt chân, tay, có cả trường hợp tử vong, khiến người dân rất lo lắng. Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, các trường hợp ở Việt Nam nhiễm Aeromonas hydropilia nhập viện có biểu hiện đặc trưng hoại tử vùng cổ, ngực, chân tay… nhưng qua tìm hiểu thì không phải thể bệnh phát hiện trên nhiều bệnh nhân ở Mỹ.
Về yếu tố nguồn lây bệnh, nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chỉ ra, Aeromonas là họ vi khuẩn gram âm, nằm trong họ vibrionaceae. Chúng là những vi khuẩn phổ biến trong tự nhiên, thường có trong môi trường nước bề mặt và thường gây bệnh cho các loài cá, tôm, động vật lưỡng cư. Thực tế có đến 3/10 bệnh nhân nhiễm khuẩn này trong nghiên cứu của bệnh viện Bệnh nhiệt đới được xác định có yếu tố nguồn lây liên quan đến nước ô nhiễm, tiếp xúc với nước bẩn, cụ thể: 1 bệnh nhân lội cống nước thải, 1 bệnh nhân có làm việc ở khu vực nước ngâm bè tre nứa, 1 bệnh nhân bị ngạnh cá làm rách da và có ăn hàu sống. 7 trường hợp mắc bệnh còn lại không rõ nguyên nhân, yếu tố phơi nhiễm.
Theo GS.TS Phùng Đắc Cam, chuyên gia viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương,Aeromonas hydrophila là loại vi khuẩn dạng hình que, phổ biến trong tự nhiên và thường có trong môi trường nước ngọt và nước lợ. Đây là loại vi khuẩn độc, chúng có thể xâm nhập cơ thể người qua đường miệng khi uống nước, ăn rau, cá, hải sản… rồi đi vào máu.
Tuy vậy, Aeromonas hydrophila chỉ gây bệnh trong môi trường ô nhiễm, thay đổi nhiệt độ, trên cơ địa của những người bị suy giảm miễn dịch. Hơn nữa, đây là bệnh rất hiếm gặp ở người và tại nước ta cũng chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh giống với thể bệnh xuất hiện tại Mỹ nên người dân không nên quá hoang mang, lo lắng. Dù vậy, để chủ động phòng bệnh thì người dân cũng nên hạn chế tiếp xúc với các nguồn nước bẩn khi đang có vết thương, xây xát trên da.