TIN TỨC » Dòng sự kiện

Vì sao cơ trưởng QZ8501 bỏ ghế lái trước khi máy bay rơi?

Chủ nhật, 01/02/2015 14:51

Ông Iriyanto, Cơ trưởng chuyến bay QZ8501 rơi xuống biển Java ngày 28.12.2014 khiến 162 người thiệt mạng đã rời ghế điều khiển khi cơ phó mất kiểm soát máy bay. Đến khi ông Iriyanto quay lại thì đã quá muộn để cứu vãn tình thế.

Hãng tin Reuters ngày 31.1 dẫn nguồn tin bên trong cuộc điều tra thảm kịch QZ8501 đưa tin, các nhà điều tra Indonesia đến nay đã khẳng định rằng, phi công phụ Remi Emmanuel Plesel là người đã điều khiển máy bay trong những phút cuối cùng trước khi QZ8501 đột ngột tăng độ cao rồi chết máy giữa không trung và lao xuống biển Java ngày 28.12.2014.

Máy bay QZ8501 đã cất cánh với một máy tính điều khiển chuyến bay quan trọng bị dính lỗi. Trên thực tế, máy tính Tăng độ Ổn định bay (FAC) của QZ8501 đã xảy ra tình trạng lỗi từ hơn 1 tuần. Nguồn tin bên trong cuộc điều tra thảm kịch QZ8501 tiết lộ, Cơ trưởng Iriyanto đã lái chiếc máy bay với các thiết bị lỗi như vậy vài ngày trước khi vụ tai nạn xảy ra.

Chân dung Cơ trưởng Iriyanto.

Hiện các nhà điều tra đang tập trung xem xét vấn đề bảo trì FAC và cách các phi công máy bay phản ứng với lỗi này để tìm ra nguyên nhân thảm kịch cướp đi mạng sống của 162 hành khách và phi hành đoàn.

Trước đó, Bloomberg News hôm 30.1 đưa tin, các phi công máy bay QZ8501 đã ngắt mạch điện của FAC ngay trước khi thảm kịch xảy ra.

Ngày 31.1, Reuters dẫn nguồn tin bên trong cuộc điều tra cho hay, Cơ trưởng Iriyanto được cho là người đã thực hiện bước này trong khi cơ phó người Pháp Remi Plesel mất kiểm soát máy bay.

Theo đó, Cơ trưởng Iriyanto đã ra khỏi ghế điều khiển máy bay, vì thiết bị giống như "cầu dao" để ngắt điện máy tính điều khiển máy bay (FAC) ở ngay sau lưng cơ phó và khó có thể chạm tới từ chỗ ngồi của ông. Khi ông trở lại và lấy lại quyền kiểm soát thì đã quá muộn để cứu máy bay khi cơ phó đã lái máy bay lên cao bất thường khiến nó chết máy trên không và rơi xuống biển.

Theo nguồn tin, việc cơ trưởng ngắt điện thiết bị FAC "dường như đã làm cơ phó ngạc nhiên hoặc giật mình": “Có vẻ như viên cơ phó đã bị bất ngờ và giật mình trước tình huống đó”.

Được biết, cơ phó Remi Emmanuel Plesel mới có kinh nghiệm 2.247 giờ bay đã điều khiển máy bay tránh bão trong khi cơ trưởng Iriyanto có 20.537 giờ bay

Cơ phó người Pháp Remi Emmanuel Plesel là người có ít kinh nghiệm bay đã điều khiển máy bay QZ8501 vào những phút cuối.

Trong khi đó, hãng hàng không giá rẻ AirAsia tuyên bố sẽ không bình luận về việc liệu phản ứng của các phi công khi FAC xảy ra lỗi có phải là nguyên nhân dẫn đến thảm kịch hay không. AirAsia nhấn mạnh, Ủy ban Quốc gia an toàn giao thông quốc gia Indonesia mới là cơ quancó thẩm quyền đưa ra kết luận điều tra cuối cùng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã bất ngờ trước quyết định ngắt điện FAC vì quy trình bình thường để khởi động lại nó là ấn nút trên đầu bảng điều khiển.

"Bạn có thể khởi động lại FAC nhưng không được ngắt nguồn điện của nó... Bạn không tắt cầu dao thiết bị này trừ khi có tình huống cực kỳ khẩn cấp. Đây là chuyện rất bất thường”, một phi công máy bay Airbus A320 giấu tên cho biết.

Trong khi đó, John Cox, một cựu phi công máy bay Airbus A320 hiện đang là chuyên gia tư vấn an toàn hàng không chia sẻ, Airbus không khuyến khích phi công tắt bất cứ máy tính nào vì các hệ thống điện tử trên các máy bay hiện đại ngày nay đều được kết nối với nhau. Việc tắt một máy tính bày có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các hệ thống khác. Dù vậy, các quan chức Indonesia đến nay vẫn công khai nhấn mạnh nhấn mạnh rằng, còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về nguyên nhân máy bay QZ8501 rơi.

Theo các chuyên gia an toàn hàng không, thông thường tai nạn máy bay do một chuỗi các sự cố gây ra. Một sự cố chưa đủ để giải thích nguyên nhân sâu xa gây ra tai nạn.

Mảnh vỡ lớn của QZ8501 được trục vớt từ dưới đáy biển.

Trong khi đó, luật sư của gia đình viên phi công người Pháp cho biết, họ đã đệ đơn kiện chống lại hãng hàng không AirAsia tại Paris với cáo buộc "gây nguy hiểm cho tính mạng con người" khi tổ chức bay tuyến đường không được cho phép vào ngày 28.12.2014. Hãng AirAsia chưa đưa ra bình luận về vụ kiện trên.

Chuyến bay QZ8501 đã rơi xuống biển Java vào ngày 28.12 trong điều kiện thời tiết có bão khiến toàn bộ 162 người có mặt trên khoang thiệt mạng.

Chiến dịch tìm kiếm đa quốc gia sau thảm kịch QZ8501 đến nay mới vớt được 70 thi thể từ dưới biển Java. Lực lượng cứu hộ kỳ vọng sẽ tìm thấy nhiều thi thể hơn sau khi tìm thấy thân máy bay.

Tuy nhiên, thời tiết quá khắc nghiệt, cản trở tầm nhìn dưới nước khiến nỗ lực trục vớt thân máy bay cũng như thi thể các nạn nhân. Hiện quân đội Indonesia đã tuyên bố ngừng trục vớt thi thể và thân máy bay AirAsia QZ8501 trên biển Java sau những nỗ lực không thành công.

Theo Danviet.vn