TIN TỨC » Dòng sự kiện

Vì sao mổ ruột thừa lại thành cắt 2 buồng trứng?

Chủ nhật, 18/05/2014 09:01

Trong cuộc gặp gỡ với người thân chị Lê Thị Ánh P. bị bác sĩ tự ý cắt 2 buồng trứng, Giám đốc BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã nhiều lần xin lỗi gia đình bệnh nhân.

Bác sĩ tước đoạt thiên chức làm mẹ

Tiết lộ với PV, em trai chị P. cho biết, buổi gặp giữa gia đình (ngày 9/5) với BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ có sự tham dự của GĐ Đặng Quang Tâm, PGĐ La Văn Phương và 2 ông Nguyễn Minh Vũ, Nguyễn Minh Nghiêm (Trưởng và Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp).

Người nhà chị P. đặt vấn đề, buồng trứng của người phụ nữ là cực kỳ quan trọng. Vì sao lại không thông báo cho gia đình được biết? Buồng trứng này có cứu được nữa hay không?

Ông Đặng Quang Tâm (ảnh nhỏ) – Giám đốc BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Ông Tâm cho biết: “Bác sĩ Khoa ngoại chẩn đoán là bị viêm ruột thừa, thấy xì thì bắt buộc phải mổ. Lúc đầu tính mổ nội soi thì nhẹ nhàng, mau bình phục. Khi đưa ống vào trong bụng thì phát hiện rất nhiều mủ, tìm ruột thừa thì thấy bình thường, không phải là ruột thừa bị vỡ. Tìm kiếm thêm thì phát hiện buồng trứng bị hoại tử, có nhiều mủ trong ổ bụng”.

Cũng theo vị giám đốc này, ê-kíp khoa ngoại đã mời ê-kíp khoa sản vào giải quyết 2 buồng trứng bị hoại tử. Bác sĩ khoa sản vào kiểm tra và cho rằng không thể mổ nội soi vì không thể rửa sạch ổ bụng.

Do vậy, cần phải mổ lớn giữa đường ổ bụng. Khi mổ ra thì phát hiện 2 buồng trứng đầy mủ? Bác sĩ đã cắt 2 buồng trứng.

Em chị P. tiếp tục khẳng định, lúc đầu ký văn bản đồng ý mổ nội soi, nhưng mổ xong thì thông báo mổ hở lại cắt hết buồng trứng mà không được sự đồng tình người nhà là sao?

Người chủ trì cuộc họp tiếp tục giải thích, về phương diện chuyên môn thì lúc đầu bác sĩ chẩn đoán viêm ruột thừa, việc chỉ định mổ ổ bụng là đúng hoàn toàn chứ không sai. Về mặt bệnh lý thì các bác sĩ đã làm đúng?!

Cái sai của bệnh viện là ở chỗ, khi mà bác sĩ Khoa ngoại mổ không phải là bị viêm ruột thừa rồi gọi bác sĩ sản vào. Ê-kíp sản phải gặp gia đình để thông báo thay đổi cách mổ từ cắt ruột thừa sang cắt 2 buồng trứng” - ông Tâm thông tin.

Ông Tâm chỉ ra những điểm sai của bệnh viện là: Thứ nhất, bác sĩ không gặp được gia đình. Thứ hai, không thông báo cho gia đình về phương pháp của bác sĩ thay đổi.

"Đây là 2 cái sai của kíp trực. Trên 2 cái sai này chúng tôi chỉ đạo làm kiểm điểm 2 ê-kíp sản và ngoại" - ông Tâm nói rõ.

Theo ông Tâm, quy định của bệnh viện là bắt buộc phải giải thích cho gia đình trước khi làm. Chỉ khi gia đình đồng ý thay đổi phương pháp thì bác sĩ mới được mổ.

Không phải bác sĩ chúng tôi tự ý cắt 2 buồng trứng đang bình thường?” - ông Tâm phân bua với gia đình chị P.

Chúng tôi xin lỗi gia đình!

Đại diện gia đình chị P. còn nhận định, nếu chứng minh mẫu bệnh phẩm buồng trứng chị P. bị ưng mủ, gia đình chúng tôi yêu cầu đưa mẫu bệnh đi xét nghiệm là có mủ hay không và kèm theo kết quả ADN.

Kết quả trả lời đơn khiếu nại của bệnh viện với gia đình chị P. trong khi chưa họp Hội đồng chuyên môn.

Ông Tâm tiếp tục biện giải: “Thực ra viêm ruột thừa không phải tất cả các bệnh viện đều chẩn đoán đúng 100%. Đây không phải là bệnh lý nặng. Viêm ruột thừa thậm chí các nước tiên tiến còn chẩn đoán sai. Chẩn đoán ban đầu chúng tôi thừa nhận sai rồi”.

Một người trong gia đình chị P. tại cuộc gặp cho biết, hôm 7/5, bác sĩ Vân trực tiếp mổ thông báo, người nhà đã giật mình vì người phụ nữ mà bị cắt đi 2 buồng trứng thì chức năng làm mẹ không còn.

Tiền viện phí trước khi ra viện thì trình văn bản lên Ban giám đốc xem xét. Chúng ta cố gắng tập trung chăm sóc sức khỏe sau mổ cho thật tốt. Những góp ý gia đình đối với bệnh viện từ lời ăn tiếng nói, chúng tôi xin lỗi gia đình.

Hứa với gia đình sẽ cố gắng giáo dục nhân viên để lần sau thực hiện cho tốt, mong gia đình thông cảm cho bệnh viện” - Giám đốc Đặng Quang Tâm nói.

Ngoài ra, người thân chị P. còn “tố cáo” tại cuộc họp, bác sĩ coi thường bệnh nhân như rơm rác, muốn chửi là chửi. Không biết học thức của những bác sĩ, điều dưỡng ở bệnh viện đây như thế nào?

Ông Tâm trả lời vấn đề này: “Chúng tôi cũng xuất phát từ nông dân, tôi quê ở Ô Môn. Quan điểm chúng tôi là phục cho người dân và xem người bệnh nhân là ân nhân của mình.

Vì có họ mới có mình, có họ mình mới tồn tại được. Để nhân viên của mình thực hiện được việc này là rất… khó khăn”.

Theo Vietnamnet.vn