Tính từ thời Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn phải mất hơn 600 năm, Việt Nam mới lại có một vị tướng được thế giới công nhận và biết tới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là học trò xuất sắc nhất của Hồ Chủ tịch, là người đặt nền móng cho chiến thuật du kích và chiến tranh nhân dân.
Việt Nam nói riêng
Trong bảng danh sách 10 vị tướng vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới, Việt Nam có đến hai người con ưu tú là: Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (1213-1300) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013).
Xem lại trận địa cọc ở các bãi lầy được khai quật từ di tích thuộc phạm vi trận Bạch Đằng 1288 của Trần Hưng Đạo có nhiều kích cỡ khác nhau, tận dụng từ nhiều nguồn, được cắm thành cụm dích dắc, theo nhiều hướng có tác dụng ngăn chặn thuyền nhỏ và đặc biệt là quân bộ. Việc bố trí các cánh quân bộ và các thuyền nhỏ ở ven sông và những khu vực gò cao giữa các bãi cọc này, cùng với các lực lượng tiếp ứng chủ lực chứng tỏ sự chuẩn bị rất công phu và tài tình cho một trận đánh lớn.
Những chiếc cọc gỗ được Trần Hưng Đạo bố trí làm thành trận địa mai phục kết hợp với việc vận dụng con nước thủy triều và địa thế lòng sông đã đưa toàn bộ đạo binh Nguyên-Mông vào tử địa, đập tan hoàn toàn tham vọng xâm lăng của kẻ thù, thể hiện huy hoàng tài thao lược và nghệ thuật chiến tranh nhân dân của một triều đại hiển hách nhất trong sự nghiệp giữ nước của dân tộc.
Dù có khoảng cách thế hệ rất lớn nhưng tài cầm quân, mưu lược, cũng như khả năng lấy ít địch nhiều,… của hai vị tướng vĩ đại này có nét tương đồng rất lớn. Chính vì thế, nói không ngoa Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể xem như người thừa kế được tài thao lược của tiền nhân, nhất là trong việc vận dụng triết lý chiến tranh nhân dân.
Trong khi Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông được xem là đội quân mạnh nhất thời điểm bấy giờ, thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chiến thắng được hai thế lực lớn là: thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Thế giới nói chung
Nếu so sánh ở phạm vi ngoài nước, trong lịch sử chiến tranh thế giới, hiếm có vị tướng nào chưa bao giờ nếm mùi thất bại, chỉ biết có chiến thắng, hết trận này đến trận khác. Tuy nhiên giữa rất nhiều tướng lĩnh nổi danh trong Thế chiến thứ hai, Nguyên soái G.K. Zhukov được xếp đầu bảng về số lượng trận thắng nhiều và quy mô lớn, chiếm bảng vàng về tài năng chỉ đạo chiến dịch, chiến lược.
Những chiến tích sáng chói của ông trở thành tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hoá nhân loại. Nó không những có ảnh hưởng lớn về lý luận quân sự của Liên Xô mà cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của lý luận quân sự thế giới.
Giống như Zhukov những lý luận quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng mang tầm ảnh hưởng đến lý luận quân sự thế giới, nhất là những nước thuộc địa chịu nhiều áp bức của các thế lực lớn. Những lý luận về chiến thuật du kích và chiến tranh nhân dân đã thành kim chỉ nan và cuốn sách gối đầu cho không ít dân tộc bị áp bức và các chiến lược gia quân sự vốn phải đương đầu với các thế lực mạnh.
Xứng đáng danh hiệu “Vị tướng năm sao”
Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam là cấp quân hàm sĩ quan Quân đội cao cấp nhất trong Quân đội Nhân dân Việt Nam với cấp hiệu 4 ngôi sao vàng. Theo quy định hiện hành, quân hàm Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam do Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia ký quyết định phong cấp.
Tính đến tháng 12 năm 2011, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có 12 quân nhân được phong quân hàm Đại tướng. Nhưng chỉ duy nhất có 2 quân nhân được đặc cách phong quân hàm Đại tướng không qua các cấp trung gian là đồng chí Võ Nguyên Giáp (1948) và đồng chí Nguyễn Chí Thanh (1959).
Tuy nhiên, trước những chiến công của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cả trong và ngoài nước thường gọi ông với cái tên trìu mến là “Vị tướng năm sao”. Trong danh sách 10 vị tướng vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người duy nhất còn sống nên sự ra đi của ông là một mất mát vô cùng to lớn.