TIN TỨC » Dòng sự kiện

Vợ bí thư xã đốt xác: Thêm 1 vụ "Cát Tường"

Thứ bảy, 08/03/2014 08:14

Bà Lê Thị Hường, vợ nguyên bí thư xã Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn “nợ” một vụ án khác.

Mong mỏi được đón nắm xương mẹ về

Phiên tòa xét xử vụ trọng án Lê Thị Hường, vợ nguyên bí thư xã Kim Long, vừa kết thúc chiều qua với bản ánh tử hình giành cho người phụ nữ máu lạnh này.

Liên quan đến bà Hường còn một vụ án khác đầy bí ẩn và chưa tìm được hướng ra. Đó là vụ đốt xác thủ quỹ xã Kim Long, bà Dương Thị Thủy Bình Hà vào tháng 5/2012. Bà Hường có ra tay giết chết bà Hà như đã “xử” vợ chồng ông Nguyễn Chí Hùng hay đó thực sự chỉ là tai nạn?

Có mặt từ đầu đến cuối trong phiên xử ngày hôm qua 6-3, con trai bà Hà, anh Nguyễn Hải Sơn ngồi chăm chú theo dõi tòa phán quyết. Dù biết rằng vụ án của mẹ anh chưa được đưa ra xét xử, nhưng anh Sơn vẫn đến với hi vọng có được một chút thông tin về tung tích của mẹ. Đã hai năm trôi qua, từ khi mẹ anh mất tích, căn cứ trên lời khai của bà Hường thì mẹ anh đã thực sự qua đời. Thế nhưng ngay cả việc an táng cho bà gia đình cũng chưa thể làm được vì chưa có hài cốt.

Sau khi bà Hà mất tích, gia đình anh Sơn đã tỏa đi khắp nơi để tìm kiếm nhưng không có manh mối. Liên hệ những người bà con ở xa cũng không tìm ra. Thậm chí anh đã phải nhờ đến nhà ngoại cảm song vẫn bặt vô âm tín.

Mãi đến gần một năm sau, người ta mới tìm được một ít xương cốt - được cho là của bà Hà – trong vườn nhà bà Hường. Và hơn một năm sau nữa, cơ quan điều tra vẫn chưa kết luận được đây có phải là di thể của bà Hà hay không.

Viện Khoa học kỹ thuật hình sự cho biết phần hài cốt đã bị cháy đến mức không thể xác định được cấu trúc xương, nên không có căn cứ kết luận. Vì vậy, gia đình anh Sơn vẫn không thể “đón” được bà Hà về chôn cất tử tế.

Anh Sơn (bên phải) có mặt tại tòa từ đầu đến cuối phiên xử. Ảnh: TK

Chết vì bất cẩn hay bị giết bằng điện?

Được cho là đã mất hai năm nay, nhưng bà Hà vẫn chưa chính thức có được mộ phần; người thân ở lại vẫn đau đáu về nguyên nhân cái chết của bà, của mẹ mình. Anh Sơn đau buồn nói: “Gia đình tôi vẫn làm lễ cúng nhưng an táng phải đợi có xương, cốt. Tôi đã nhiều lần liên hệ với Cơ quan CSĐT để hỏi thông tin. Sau phiên tòa này, tôi sẽ tiếp tục làm đơn gửi cơ quan điều tra, đề nghị trả lời cho tôi về vụ án của mẹ tôi”.

Cảnh sát điều tra mò tìm xác bà Hà trong giếng ở vườn nhà bà Hường  

Theo lời khai của bà Hường thì chính bà đã đến tận nhà đón bà Hà sang nhà mình để làm thịt gà ăn. Được biết mối quan hệ trước đó giữa hai gia đình khá tốt. Tại nhà mình, bà Hường nhờ bà Hà sửa máy bơm, chẳng may bà Hà bất cẩn, bị điện giật chết. Do sợ tội nên bà Hường mới đốt xác phi tang chứ không phải là Hà chết do bị giết. Lời khai này của bà Hường có vẻ không hợp lý, vì công việc này lẽ ra nên để người đàn ông trong gia đình, hoặc thuê thợ về làm. Bà Hà là phụ nữ, liệu có biết sửa máy bơm hay không? Vài ngày sau khi bà Hà mất, bà Hường lại nhờ tiếp một người quen tới sửa cầu chì bị cháy. Người này từng khai thấy cầu chì cháy khá bất thường. Tuy nhiên chi tiết này cũng không đưa tới được một kết luận nào.

Về tin nhắn mà bà Hường ngụy tạo, giả danh bà Hà nhắn cho gia đình, anh nói rõ: “Tôi không tin. Mẹ tôi rất thương và quan tâm đến con, cháu, trong khi nội dung tin nhắn đó không hề hỏi han gì ở nhà dù mẹ đã vắng mặt hai ngày. Hơn nữa, đó cũng không phải là phong cách viết tin hằng ngày mà mẹ, con tôi dùng”.

Tin nhắn bà Hường mạo danh bà Hà nhắn cho anh Sơn 

Trong ngày mất, bà Hà có cuộc hẹn tại UBND xã với cán bộ đoàn kiểm tra của huyện để làm rõ vài chi tiết trong bản tố cáo bà gửi trước đó. Bà cũng đã hẹn với con trai sẽ đem tiền (đòi được của bà Hường) để đóng học cho anh. Thế nhưng bà đã ra đi mãi mãi, để lại rất nhiều công việc dang dở. Ngay cả sự ra đi ấy, đến nay cũng vẫn là một dấu hỏi.

Theo Pháp Luật TPHCM