TIN TỨC » Dòng sự kiện

Vợ Đặng Trần Hoài một mực bênh chồng

Thứ sáu, 01/02/2013 14:18

Trong khi hàng trăm người tại phiên tòa và hàng triệu người theo dõi qua các phương tiện thông tin đại chúng ghê tởm với những hành vi của hắn thì người vợ trẻ vẫn tỏ vẻ rất thương cảm và quyến luyến.

Trong phiên xử phúc thẩm Đặng Trần Hoài, kẻ gây ra vụ án "hiếp và giết" trẻ em gây xôn xao dư luận người ta thấy một hình ảnh "chướng mắt": Trong khi hàng trăm người tại phiên tòa và hàng triệu người theo dõi qua các phương tiện thông tin đại chúng ghê tởm với những hành vi của hắn thì người vợ trẻ vẫn tỏ vẻ rất thương cảm và quyến luyến. Không ít người thắc mắc: Phàm là con người thì không thể không ghê sợ những gì Đặng Trần Hoài đã gây ra, cho dù có là vợ chồng hay người thân vì đó là ranh giới không thể nhạt nhòa giữa thiện và ác. Mang theo nỗi băn khoăn đó, tôi quyết định quay trở lại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội để gặp người vợ trẻ của "sát thủ cuồng dâm". Ngoài ra, có một điều cũng khiến tôi thắc mà trong cả hai phiên xét xử chưa thấy nhắc đến: Liệu Đặng Trần Hoài có tiền sử của một bệnh nhân có những hành vi biến thái về tính dục.              

Lý lẽ của người vợ một mực bênh kẻ triệu người ghê tởm

Tôi vẫn nhớ như in ánh mắt đau đớn, cùng tiếng gào thét như cào cấu tâm can của Nguyễn Thị Trúc trong buổi chiều lạnh lẽo diễn ra phiên tòa phúc thẩm xét xử chồng chị - "sát thủ" Đặng Trần Hoài (SN 1986, trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) về những tội ác ghê rợn mà anh ta đã gây ra gần nửa năm về trước. Khi HĐXX yêu cầu tất cả khán phòng đứng dậy để tuyên án, thậm chí Trúc chẳng còn sức để đứng, hai chân chị run lên từng chập, phải dựa vào người thân mới cố gắng gượng được. Hôm nay ngồi trước mặt tôi, người mẹ trẻ chưa đầy 23 tuổi vẫn không một giây ngăn được nước mắt. Chị nói không ghê tởm và vẫn một mực cho rằng chồng mình bị bỏ độc nên mới có những hành động điên dại như vậy (?!).

Vợ chồng Hoài tại phiên tòa phúc thẩm hôm 17/1.

Tôi tìm đến căn nhà riêng của vợ chồng Hoài vào đúng ngày thời tiết không thuận lòng người. Con ngõ hun hút và vắng lạnh không một bóng người qua lại vì mưa rét. Thi thoảng lắm mới thấy những tiếng xe đi lại chầm chậm trong ngõ hẹp, kéo theo những tiếng nước lép bép não nề, vọng lại từ những bức tường gạch đã cũ xỉn nhuốm màu rêu phong. Cảnh vật ảm đạm ấy càng khiến cho cuộc gặp gỡ giữa tôi và chị Nguyễn Thị Trúc (SN 1989, vợ của  Đặng Trần Hoài) trở nên u uất và buồn bã. Cả buổi trò chuyện, chị Trúc khóc suốt, chẳng mấy khi đủ mạnh dạn để nhìn vào người đối diện.

Trong tiếng sụt sùi, chị Trúc dần trải lòng với tôi những điều chưa từng bày tỏ cùng ai về quãng thời gian ngắn ngủi làm vợ rồi làm mẹ trong căn nhà của những con người họ Đặng hiền hòa. "Chồng tôi cũng rất tốt. Chỉ đến khi xảy ra chuyện thì Hoài mới trở thành con người xấu xa trong mắt mọi người. Trước đây anh ấy luôn là người chồng, người cha biết chăm sóc và lo toan đến gia đình", chị Trúc vừa khe khẽ mở đầu câu chuyện vừa đưa tay đẩy nhè nhẹ chiếc võng nhỏ mắc giữa nhà. Trên võng, cậu con trai của chị và Hoài mới được hơn 6 tháng tuổi, trắng trẻo, bụ bẫm lim dim ngủ. Đứa trẻ sinh đó ra được 15 ngày thì cha nó gây nên tội "trời không dung đất không tha".

"Tôi lấy anh Hoài được hơn 1 tháng thì mang bầu. Ngày cháu ra đời, cả gia đình vui mừng khôn xiết. Anh Hoài còn mừng đến phát khóc vì mẹ tròn con vuông. Vậy mà chỉ 15 ngày sau mọi thứ đã đảo lộn tất cả", nói đến đó chị Trúc nhìn con rồi ngẹn giọng. Dường như muốn tránh trực tiếp nói đến những chuyện kinh khủng mà chồng mình gây ra, chị Trúc lại hướng câu chuyện về đứa con. Chị cho biết, kể từ ngày xảy ra chuyện chị lại càng thương và chăm chút cho con hơn nhưng không hiểu sao đứa bé hay khóc, quấy. " Không biết cháu nó có cảm nhận được điều gì không nhưng kể từ sau phiên phúc thẩm, cháu càng hay khóc về đêm, nhiều hôm khóc ngằn ngặt cả mấy tiếng đồng hồ liền cho đến khi tím tái hết cả người".

Chị cho biết, ngoài chuyện không hiểu sao chồng gây nên tội ác tày trời như vậy thì chị vẫn còn một điều day dứt. Đó là việc chị chưa có cơ hội bù đắp những ngày được Hoài quan tâm, lo lắng. "Hai vợ chồng em được bố mẹ cho ra ở riêng từ sớm. Đúng lúc khó khăn nhất thì em mang bầu nên mọi việc từ lớn bé anh Hoài đều làm cả. Sáng nào anh ấy cũng phải dậy từ 3-4h sáng để đi đổ hàng cho các quán. Thương chồng, em chẳng dám đòi hỏi hay ăn uống gì cao sang, nhưng cứ làm được bao nhiêu tiền anh ấy lại mua đồ về cho hai mẹ con em ăn uống rồi còn mắng em vì tiết kiệm".

Đi tìm câu trả lời cuối cùng sau vụ thảm án

Người vợ tội nghiệp này cho biết, từ khi xẩy ra chuyện đến giờ và đặc biệt là sau phiên phúc thẩm, chị không thể nghĩ được gì khác. Mấy ngày gần đây, cứ chợp mắt là chị thấy hình ảnh chồng. Lúc là nụ cười khó hiểu khi đón nhận án tử hình ở phiên phúc thẩm, lúc lại là hình ảnh chồng vật vã khóc than ở phiên sơ thẩm, có lúc thì thấy mặt chồng bê bết máu, mặt mũi loang lổ chẳng thể nhận ra. Cũng có lúc, trong giấc mơ của người phụ nữ này hiện lên hình ảnh người chồng hiền lành, chăm sóc vợ và con trai từng ly từng tý. "Nhưng cứ mở mắt ra hình ảnh đẹp đẽ đó lại biến mất nhường chỗ cho thực tế khiến tôi chẳng thể chợp được mắt", chị Trúc thành thật kể.

Cũng theo lời chị Trúc, bình thường Hoài không bao giờ đi đâu một mình mà không có vợ. Chị Trúc kể: "Anh ấy vốn là người rất yêu con, chăm con từng li từng tí. Cứ đi đổ hàng thì chớ, về nhà là lại lao vào ôm ấp, nựng nịu con. Anh ấy đặt tên cho con là Đặng Minh Thắng cũng là mong sau này lớn lên sẽ là người luôn sáng suốt, thắng lợi. Dù con mới sinh nhưng anh ấy đã đi mua một cái tông-đơ và bảo để sau này tự tay cắt tóc cho con chứ sợ đưa ra quán người ta làm không cẩn thận và cắt không đẹp". Mặc dù thừa nhận những gì Đặng Trần Hoài gây ra đã "hai năm rõ mười" qua hai phiên tòa xử nhưng điều mà người vợ trẻ này vẫn băn khoăn là tại sao một con người lại có thể thay đổi đột ngột đến mức không thể tưởng tượng nổi như vậy. "Bình thường chồng tôi rất hiền. Càng không thể là một người cuồng dâm điên loạn đến mức đi hiếp một bé gái. Dẫu thế nào, tôi vẫn tin rằng thứ rượu anh Hoài uống lúc ở đám cưới có chất gì đó khiến anh trở thành một con người điên loạn như vậy", chị Trúc khẳng định.

Sau nhiều lần đắn đo, tôi thẳng thắn đặt câu hỏi liên quan đến hành vi tình dục của Đặng Trần Hoài. Bình thường, đây là một câu chuyện tế nhị và không nên đưa ra công luận, tuy nhiên trong vụ việc này, theo quan điểm cá nhân tôi có thể gợi mở thêm về nguyên nhân sâu xa của tội ác kinh khủng này. Thiết nghĩ đó cũng là điều cần thiết để có thể ngăn chặn những vụ việc đau lòng khác. Sau phút suy nghĩ, chị Trúc khó khăn tiết lộ: "Anh ấy rất biết giữ cho vợ, ba tháng đầu khi em mang thai, một tháng chúng em chỉ quan hệ hai lần. Ba tháng sau thì anh ấy bảo phải giữ cho vợ không sợ ảnh hưởng đến con. Nhiều lần thương anh, sợ anh quá sức chịu đựng em đều chủ động nhưng anh từ chối, anh bảo phải giữ gìn cho vợ, sinh xong phải 4 tháng mới tính. Trước đây, anh ấy cũng rất điều độ và hiền lành trong chuyện chăn gối, chưa bao giờ có cách hành xử cuồng bạo hay đại loại như thế".

Mặc dù tòa đã tuyên mức án cho Đặng Trần Hoài xứng đáng với điều hắn gây ra, nhưng sau cuộc gặp với người vợ, có lẽ tôi đã tìm được câu trả lời cuối cùng trong vụ án này cho cá nhân mình. Tôi thầm nghĩ, những tình cảm của người vợ trẻ với gã sát thủ cuồng dâm là điều chẳng khó hiểu bởi họ cùng sống chung dưới một mái nhà nhưng nếu đứng vào vai của người thân hoặc thậm chí là một người dưng khi nhìn những gì mà Đặng Trần Hoài gây ra cho các nạn nhân, có thể người phụ nữ này sẽ nghĩ khác. Tại tòa đã chứng minh Đăng Trần Hoài không bị tâm thần và qua câu chuyện người vợ cũng có thể khẳng định hắn không có tiền sử bị bệnh về tình dục. Dù có "uống thứ gì trong rượu" thì hắn cũng phải chịu trách nhiệm về những hệ quả mà nó gây ra-một hệ quả khủng khiếp. Hy vọng người vợ trẻ của tên sát thủ này sớm tìm lại sự bình yên để nuôi con-một đứa trẻ vô tội nhưng đã phải chịu giông tố từ khi mới chào đời. Và tôi cũng mong đến một ngày người phụ nữ này sẽ hiểu chồng mình phải nhận sự trừng phạt thích đáng với những gì hắn đã gây ra bởi có những ranh giới mà một con người không thể bước qua. Và khi đã bước qua thì cũng có nghĩa là họ đã tự loại mình ra khỏi xã hội loài người.

Gia Đình