LTS: Vụ 2 bảo mẫu hành hạ trẻ em tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh, tại quận Thủ Đức, TP.HCM đang là tâm điểm của mọi sự chú ý. Không ai có thể kìm lòng trước nỗi đau thể xác và tinh thần mà những đứa trẻ ngây thơ, vô tội kia ngày ngày phải hứng chịu.
Trong ngày qua, chúng tôi đã nhận được rất nhiều lá thư, ý kiến bình luận của độc giả xung quanh vụ việc này. Dưới đây, xin trích đăng một lá thư của người bố được gửi tới tòa soạn, bày tỏ nỗi đau và sự căm phẫn khi xem những hình ảnh bạo hành trẻ khủng khiếp ấy.
Hai bảo mẫu hành hạ trẻ em ở Thủ Đức, TP.HCM đã bị bắt, họ cũng sẽ phải trả giá cho những hành động dã man, vô nhân tính.
Hơn 5 năm trước, bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa ở Biên Hòa, Đồng Nai vì những hành động man rợ với trẻ em đã phải trả giá bằng 1 năm 6 tháng “ăn năn hối cải” trong 4 bức tường nhà giam. Bây giờ, có lẽ phía trước của 2 kẻ tàn ác này sẽ cũng là 4 bức tường như vậy, và thêm nữa, “nhà tù lương tâm” của toàn xã hội sẽ còn rất lâu nữa mới tha thứ cho họ.
4 bức tường công lý sẽ đáp trả 4 bức tường của căn nhà mà chúng đã dùng để để che mắt tất cả các bậc phụ huynh, che mắt những người sống gần nhất quanh đó, khiến họ phải thú nhận với báo chí là “không biết gì xảy ra bên trong”…
Nhưng sau đó sẽ là gì?
Cả xã hội sẽ rất hả hê? Đúng! Rất đáng! Sự hả hê của lòng thiện căm phẫn tột cùng đối với cái ác.
Bất kỳ ai, nhất là những người đang làm cha làm mẹ, khi xem clip chắc chắn sẽ cảm thấy từng cái tát, cái bóp cổ, cái gí đầu, cái bịt mũi mà chúng giáng vào các sinh linh bé nhỏ dường như cũng đang bóp nghẹt chính trái tim mình.
Tất cả xã hội, những người không máu mủ với các bé còn thấy như vậy, thì chính bố mẹ các con, khi tận mắt chứng kiến những cảnh đó, căm uất đến nhường nào?
Có người đã - như lời kể của nhân chứng gần ngôi trường địa ngục - sau khi xem truyền hình thì đến nắm lấy cái củ khóa, giật mạnh như muốn đạp đổ cổng sắt, để vào bên trong trút mọi căm hờn, và “nói dại” nếu hai “con mụ” đó có trước mặt họ, lỡ đâu điều đau đớn và bi kịch khác sẽ xảy ra… Nhưng cũng có người thì đứng từ xa, nhìn vào sâu bên trong nhà qua khe cửa, khóc rưng rức. Cái khóc bất lực và căm phẫn, nhưng có lẽ nhiều hơn cả là khóc vì thương con. Thương con sao kể xiết, cả tháng cả năm trời “chúng nó” hành hạ con mình, mà mình không bảo vệ con!
Hàng triệu trái tim đã rỉ máu vì phẫn nộ, trong đó có rất nhiều người đàn ông. Là một người làm bố, tôi tin chắc như vậy.
Hỡi những người bố! Đã ai từng thấy con ốm sốt, sài đẹn… mà muốn ôm tất cả những bệnh tật đớn đau đó trút vào mình, thay cho con? Và hỡi những người mẹ! Ai đã từng nghĩ rằng nếu cần thì mình sẵn sàng chết ngàn lần thay con cũng cam, miễn sao con được bình yên, khỏe mạnh?
Tất cả đều như vậy - là một người làm bố, tôi hiểu chứ!
Nhưng các đấng sinh thành kia ơi, vì lý do cơm áo gạo tiền, các vị đã hàng ngày ở bên con mà không “sống” cùng con, các vị có biết không?
Vì không lắng nghe những tiếng giật mình khóc thét trong đêm, tặc lưỡi khi “cô giáo” nói vết bầm tím trên cơ thể con là do nghịch ngợm, nhắm mắt bỏ qua khi thấy mắt con sưng tím bởi khóc và đánh, quay mặt vội vàng khi con gào khóc trước “cổng trường” đòi về… các vị đã vô tình đẩy con vào tay những kẻ “ác hơn cầm thú”.
Và hàng triệu đấng sinh thành khác ơi, những người cũng đang quay quắt vì lo cơm áo gạo tiền, các vị có giật mình lo sợ: biết đâu cái nơi mình đang gửi con bây giờ, khi đưa đi - con đòi ở nhà, khi cho ăn - con nôn trớ, khi nửa đêm con giật mình khóc thét, khi thấy con tím mắt lúc phát hiện con sưng người? Mong sao, không có thêm cha mẹ nào phải gặp cảnh như thế!
…………
Tối qua, khi đang chơi đùa với con (33 tháng tuổi), một cuộc điện thoại giữa tôi và người bạn vô tình nhắc đến chuyện thời sự: bắt 2 cô giáo tàn ác... Chúng tôi nói to, giọng đầy hả hê…
Bất ngờ, con tôi nói: “Không bắt cô giáo đâu”!
Ôi con tôi, nó còn rất nhỏ, chưa đủ lời để diễn tả hết mọi chuyện ở lớp học, nhưng tôi hiểu những “tiếng nói” ẩn sau ánh mắt, thái độ, tâm lý, và những tiếng “bi bô” như thế. May thay cho vợ chồng tôi, lúc vào lớp cô giáo đón con tôi bằng nụ cười đôn hậu thì khi trả con cho chúng tôi, con luôn nở những nụ cười tươi tắn, yêu đời, và vẫy tay chào cô quyến luyến…
Tôi biết, mình đang là một người cha được hưởng niềm hạnh phúc khi con được đối xử trong tình yêu thương. Có thể không ít bạn quen nghĩ: mức độ “con được yêu thương” còn tùy điều kiện… “cơm áo gạo tiền” của bố mẹ. Cũng đúng thôi!
Nhưng một điều chắc chắn là: Không cần “chết thay con” (vì điều đó thật ra chẳng bao giờ xảy ra cả), chỉ cần dám dũng cảm “sống cùng con” theo đúng nghĩa của những từ này, thì không “cô giáo” dám làm đau (chứ chưa nói là làm hại) con của chúng ta cả!
Hà Nội, sáng 18/12/2013