Phận số long đong
Cháu Khương Nguyễn Minh Khôi (2 tuổi, xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) đã bắt đầu hồi tỉnh. Đến thăm Khôi tại bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, vừa bước vào phòng bệnh đã thấy chị Khương Thị Tuyết Nhung (37 tuổi, mẹ cháu Khôi) túc trực ở đó.
Khôi còn đau, nên hay nhõng nhẽo và khóc quấy suốt. Chị Nhung dỗ con mà nước mắt tròn lăn. Chị Nhung nói: “Con đau em xót lắm. Mà nghĩ tới giờ này mẹ đang ở chỗ công an, đang bị thẩm vấn em lại càng đau thêm. Em không biết trách ai, chỉ tự trách sao số mình khổ quá”.
Chị Nhung kể, gia đình chị nghèo lắm. Con gái quê, chị không dám mơ ước gì nhiều, nên năm 19 tuổi, chị yêu rồi cưới một người đàn ông gia cảnh cũng nghèo như mình.
Chị sinh được hai con gái, cháu lớn năm nay 17 tuổi, cháu nhỏ 15. Nhưng cái nghèo cứ đeo đẳng, ám riết lấy cuộc sống gia đình. Túng bấn, ngột ngạt, vợ chồng chị Nhung cãi nhau luôn. Cơm không lành, canh không ngọt, anh chị quyết định ly hôn.
Một thân một mình, trong tay không hề có của nả, nhưng bản năng làm mẹ khiến chị giành cho bằng được quyền nuôi con. Chị Nhung tâm sự: “Con gái cần có bàn tay mẹ. Ảnh cũng không có nghề nghiệp gì ổn định, giao con cho ảnh, em không có yên tâm”.
Chị Nhung đưa hai con về nhà ngoại là bà Thạch Thị Sương (64 tuổi) để sinh sống. Vào khoảng năm 2011, có một người đàn ông đem lòng thương mến và theo đuổi chị Nhung. Không thể kìm lòng trước người phụ nữ duyên dáng, mặn mà, người này dẫu biết chị Nhung đã 2 con nhưng vẫn cương quyết không từ bỏ.
Cảm động trước ân tình đó, chị Nhung đồng ý về sống chung. Ăn ở với nhau được 1 mặt con là cháu Khôi thì gia đình lại đổ vỡ. Chị Nhung chưa kịp choáng váng vì phận số truân chuyên thì cái đói, cái nghèo đã ập tới ngay trước mắt. Một mình chị phải nuôi hết 3 đứa con, và người mẹ già tuổi đã ở ngưỡng muộn chiều.
Để lại đứa con trai nhỏ cho bà ngoại nuôi, chị Nhung một thân một mình lên thành phố Hồ Chí Minh tìm việc.
Bên mẹ, bên con
Cuộc sống dần ổn định, chị Nhung đưa con gái nhỏ lên thành phố. Chị Nhung định bụng để dành thêm chút đỉnh rồi đưa Minh Khôi, mẹ và con gái lớn lên để đoàn tụ gia đình.
Chị Nhung khóc: “Em nhớ con lắm! Khóc hoài, nhưng vì cuộc sống, em không biết phải làm sao. Mấy hôm trước khi xảy ra chuyện tự nhiên bụng dạ em nóng như lửa đốt.
Con gái em tự nhiên nói với mẹ: “Con nhớ em trai quá, mẹ sớm đưa em Khôi lên sống với mình. Chứ con sợ sau này khó gặp mặt em”. Em quở con gái nói năng xui xẻo, mà trong lòng lo lắm”.
Nào ngờ, chuyện không hay lại xảy ra thật. Ngày chị Nhung nhận được điện thoại của con gái lớn báo tin bà ngoại đánh Khôi nhập viện, công an tới bắt bà ngoại, chị Nhung như chết điếng.
Giờ, Khôi đã tỉnh. Đầu óc non nớt của Khôi không thể nào thuật lại được những gì đã xảy ra với mình. Nhưng may mắn là những ký ức dữ dội kia sẽ chẳng thể nào lưu lại được trong tuổi thơ của Khôi. Trẻ con chẳng hận thù ai bao giờ.
Nhưng bi kịch lại một lần nữa đổ lên vai chị Nhung. Con nằm viện, mẹ đang có nguy cơ rơi vào vòng lao lý, có người quan tâm, chị khóc như chưa từng được khóc.
Trước đó, vào ngày 6.12, cán bộ y tế xã Phong Thạnh Đông A đến khám sức khỏe và vận động tiêm ngừa cho cháu Khôi. Nhưng bà Sương không chịu cho nhân viên tiếp xúc với cháu ngoại. Thấy biểu hiện bà Sương bất thường, các bộ y tế bước vào nhà, thì phát hiện trên người cháu Khôi bị nhiều vết bầm tím, cháu nằm thiêm thiếp như sắp hôn mê.
Cán bộ xã liền đưa cháu vào bệnh viện huyện Giá Rai cấp cứu. Do thương tích khá nặng, cháu Khương Nguyễn Minh Khôi phải chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ. Công an huyện Giá Rai đã lấy lời khai của bà Thạch Thị Sương – người được cho là đã đánh cháu ngoại của mình nhập viện. Vụ việc bé 2 tuổi bị bà ngoại đánh nhập viện khiến dư luận vô cùng phẫn nộ
Tại cơ quan công an, bà Sương khai thương tích vùng đầu của cháu Khôi là do cháu tự té. Theo lời bà Sương, vào khoảng cách đây một tuần, trong lúc bà đang giặt đồ sau nhà thì Khôi ở nhà trên nghịch phá. Khôi trèo từ giường sang xe đạp để lấy remote ti vi nên bị té đập đầu xuống sàn.
Nghe tiếng khóc, bà Sương chạy lên thì thấy cháu Khôi bị kẹt trong khoảng trống của chiếc giường, tủ ti vi và chiếc xe. Bà Sương kéo Khôi ra, rồi vì giận quá nên đánh vào hai tay và hai chân.
Đến ngày 5.12, Khôi nghịch làm bể chai dầu gió, bà Sương lại tức giận đánh vào tay chân cháu khôi. Mắt cháu Khôi bầm tím sưng húp nghi do bà Sương bôi dầu gió vào mắt cháu. Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ vụ việc.
Hỏi chị Nhung có biết rõ về việc mẹ chị đánh cháu Khôi hay không, chị Nhung se sẽ gật đầu. Chị gạt bớt nước mắt nói: “Xin công an đừng phạt tù mẹ em. Xử phạt bao nhiêu em cũng chịu. Giờ mà mẹ đi tù, tuổi cao sức yếu chắc là không chịu nổi. Sau lần này, em đưa con lên Sài Gòn sống luôn, sẽ không xảy ra vậy nữa… Chỉ cầu xin cho mẹ em không phải vào tù”.