TIN TỨC » Dòng sự kiện

Vụ Cát Tường: Thôi miên giúp tìm xác nạn nhân?

Thứ hai, 16/12/2013 13:41

Chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân nghi ngờ rằng, thông tin bác sĩ Cát Tường đưa ra chưa đủ chi tiết, nên chưa tìm thấy xác nạn nhân. Trong trạng thái thôi miên, sẽ giúp lấy được thông tin từ trong tiềm thức con người.

Sau gần 2 tháng, chị Lê Thị Thanh Huyền bị chủ cơ sở thẩm mĩ viện Cát Tường làm chết, ném xác xuống sông Hồng, đến nay việc tìm kiếm chưa có kết quả. Đã có rất nhiều phương án tìm kiếm được áp dụng như ngoại cảm, thuê thợ lặn, dùng máy bức xạ từ của GS Vũ Bằng... tất cả đều chưa cho thấy tác dụng. Nay có thể thêm một phương pháp, đó là áp dụng thôi miên vào điều tra vụ việc.

Áp dụng thôi miên vào điều tra hình sự

Thạc sĩ thôi miên Nguyễn Mạnh Quân - Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu và ứng dụng khoa học thôi miên VN, thành viên của Tổ chức thôi miên quốc tế... cho biết, ở các nước châu Âu như Đức, các cơ quan điều tra đều có chuyên gia thôi miên hỗ trợ.

Cụ thể, thôi miên sử dụng trong điều tra sẽ tạo điều kiện cho nhân chứng nhớ lại cụ thể, chính xác hơn vụ việc. Thực tế có nhiều người muốn làm chứng nhưng không nhớ được chi tiết... khiến các nhà điều tra không thể dựng lại vụ án.

Nếu đưa nhân chứng vào trạng thái thôi miên, họ có thể nhìn lại đúng như khi chứng kiến sự việc. Cụ thể, chi tiết đã quên thì giờ đây nhớ lại hết. Thậm chí, có thứ vụt qua, chẳng hạn như có một chiếc xe chạy qua, nhân chứng không để ý biển số xe, vào “trạng thái” sẽ thấy biển số xe.

Ông Quân giải thích, nhân chứng không để ý biển số, nhưng thực tế là có nhìn, chẳng qua không lưu trong bộ não. Đưa nhân chứng vào trạng thái thôi miên, có thể soi lại, như thước phim quay chậm, sẽ nhìn ra biển số xe.

Nhà thôi miên Nguyễn Mạnh Quân

Cũng như vậy, một ví dụ khác, tại thời điểm này, người trưởng thành rất khó nhớ được ngày đầu tiên đi học mẫu giáo. Nhưng vào trạng thái thôi miên, có thể kể rõ ngày đó ai đưa đi, mặc quần gì, áo gì, khóc thế nào...

Chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân lí giải, tần số não trong trạng thái bình thường không giúp con người lấy được thông tin dạng tiềm thức. Nói cách khác, ở tần số não bình thường, con người không thể nhớ những việc “không để ý” đến.

Nhưng trong trạng thái thôi miên, tần số não hạ xuống, sẽ giúp lấy được thông tin từ trong tiềm thức con người.

Còn đối với tội phạm, nếu họ muốn kể lại sự việc nhưng quên một vài chi tiết, thôi miên sẽ giúp nhớ lại.

Ông Quân khẳng định: “Thôi miên không thể bắt ép hay điều khiển hung thủ khai ra toàn bộ vụ án, nếu họ không muốn. Vì vào trạng thái thôi miên, con người trở nên tỉnh táo, thông minh hơn”.

Do vậy, đối với tội phạm, nhà thôi miên chỉ có thể sử dụng các câu hỏi và làm cho tội phạm tự nguyện kể vụ án.

“Sẽ làm “đau” bác sĩ Tường”

Nói về sự bế tắc trong tìm xác nạn nhân vụ TMV Cát Tường, chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân nghi ngờ rằng, thông tin bác sĩ thẩm mĩ viện Cát Tường đưa ra “chưa đủ chi tiết”.

Bởi nếu chị Huyền đã bị ném xuống sông như lời nghi can, đến nay đã có thể tìm thấy xác. Ông đưa ra các lí giải như: khả năng xác bị cát vùi thấp, vì dòng chảy yếu; nếu có buộc đá nặng theo xác sẽ càng dễ tìm vì xác không trôi đi...

Đối tượng Nguyễn Mạnh Tường bị áp giải lên cầu Thanh Trì để thực nghiệm lại quá trình vứt xác bệnh nhân phi tang

Theo thạc sĩ Quân, chỉ có một trường hợp ngoại lệ, đó là khi: Người ta vừa lấy cát xong, tạo thành một hố sâu. Xác chị Huyền được ném xuống trúng chỗ đó rồi bị lớp cát dày hàng chục mét phủ lên. Nhưng trường hợp này khó xảy ra.

Theo suy luận của thạc sĩ Quân, có thể bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường hiểu rằng, sẽ không thể có án tử cho mình nếu không khai hết. Bởi không có cách gì chứng minh Tường giết người. Giả thiết thứ hai, có thể Tường nghĩ rằng, nếu không tìm thấy xác nạn nhân, tội của mình sẽ nhẹ hơn.

Theo ông Quân, thời gian qua, dư luận đã lên án bác sĩ Tường quá nhiều. Chính vì thế, đối với anh ta, tất cả đã mất. Nếu tiếp tục quy tội, Tường sẽ bắt buộc phải giữ “bí mật” cần phải giữ. Muốn Tường kết hợp, phải đứng cùng chiến tuyến, cảm thông với Tường. Việc Tường đúng hay sai hãy để tòa án kết tội.

Chuyên gia thôi miên cho rằng, trong trường hợp này, nhà thôi miên có thể dùng lời nói, câu hỏi của mình là cho bác sĩ Tường "đau". Nhà thôi miên sẽ khiến Tường đang nghĩ rằng mình mất tất cả, tài sản, danh vọng, sự nghiệp... Nỗi đau của Tường đều có nguyên nhân từ cái chết của chị Huyền - cái chết ngoài dự định của Tường.

Có thể nhận định, nỗi đau nhất của Tường là cái chết của chị Huyền”, ông Quân phân tích.

Nếu vào cuộc, nhà thôi miên sẽ đưa bác sĩ Tường vào trạng thái thôi miên bằng lời nói, câu hỏi làm cho Tường biết, anh ta đang đau cái gì? muốn gì?

Ông Quân nói: “Tôi khẳng định Tường muốn đổi tất cả để chị Huyền sống lại. Nhưng anh ta biết, không thể làm được nữa rồi. Vậy anh ta sẽ cố gắng làm phần còn lại, để chạy trốn nỗi đau. Hãy cho anh ta biết, không tìm được xác, anh ta sẽ đau hơn”.

Bên cạnh đánh vào “nỗi đau”, chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân sẽ đánh vào sự mê tín của người Việt. Ông cho biết, nếu gặp Tường, ông sẽ đặt những câu hỏi về mê tín như “bàn thờ tổ tiên đặt ở đâu? thờ những ai? Bố mẹ mất ngày nào?...”. Điều này cũng sẽ động vào lòng trắc ẩn của Tường.

Theo Khampha.vn