Chị Nguyễn Thị Nhâm - Mẹ kế của Như và Phạm đã khuyên can chồng không nên đánh con, lén chồng mang quần áo cho con khi chúng bị bố bắt trần truồng đến lớp. Nhưng cũng giống như người vợ cũ, chị Nhâm đành bất lực trước cơn thịnh nộ của chồng...
Đánh con để…dạy?
Ngôi nhà nhỏ lọt thỏm giữa cánh đồng, cách xa khu dân cư là nơi ở của gia đình chị Nhâm. Khi chúng tôi đến, chị Nhâm đang cặm cụi bên chiếc máy may. Người phụ nữ này khá e ngại khi nói về câu chuyện của gia đình mình, nhưng rồi chị cũng mở lòng.
Chị Nhâm cho biết: "Trước khi lấy nhau, anh Ngữ đã nói với tôi đón con riêng của anh về sống cùng. Vì thương hoàn cảnh mẹ các cháu ở xa, tôi chấp nhận nuôi và coi các cháu như con đẻ của mình. Lúc đó, cháu Như mới học lớp 3, cháu Phạm còn chưa đi học. Nuôi các cháu mấy năm nay, tôi hiểu rõ tính chồng và con hơn ai hết. Bố thì nóng tính, các cháu lại trẻ con, đôi khi không nghe lời bố nên mới nên nỗi như thế".
Theo lời chị Nhâm, nguyên nhân của những trận đòn roi cũng chỉ vì bố muốn con ngoan, học hành giỏi nhưng chị em Như và Phạm lại không chịu học, hay viết sai. Năm cháu Phạm học lớp 3, anh Ngữ cũng đã một lần phạt Phạm cởi trần truồng đi từ nhà đến trường.
"Ở nhà bố nói gì các cháu làm theo y như thế. Khi bố nói "mày cởi quần áo trả tao" là răm rắp làm ngay, để trần truồng như thế đi học. Hôm cháu bị bố phạt lột quần đứng ở cửa nhà là cháu ngã bị rạn xương tay, anh Ngữ về có hỏi rồi bắt cháu xin lỗi, cháu không xin lỗi nên anh Ngữ bảo: "Bố mày không thèm đánh mày nữa cho bẩn tay, tốt nhất mày cởi quần ra trả bố rồi đứng ở cửa đấy. Cháu lập tức cởi quần chịu phạt". Đúng lúc ở làng có đám ma đi qua, tôi khuyên chồng cho con vào nhà kẻo đông người nhìn, con xấu hổ. Anh Ngữ bảo: "Có thế nó mới biết xấu hổ". Suy cho cùng, tất cả cũng chỉ vì muốn con ngoan, học hành tốt mà thành ra thế" - chị Nhâm kể.
Nhận xét về chồng, chị Nhâm cho biết: "Bình thường, anh Ngữ cũng là người đàn ông chịu khó. Thời gian này do không có nghề nghiệp nên anh Ngữ ở nhà. Khi thì thay vợ đi lấy hàng, vợ bận việc thì giúp làm việc nhà. Lúc nào anh ấy cũng chỉ hậm hực vì chuyện học hành của các con. Mà anh đã đe thì lời lẽ kinh khủng lắm. Khi các cháu về với chúng tôi, tôi đã thấy có những vết đó rồi (vết sẹo trên người chị em Như và Phạm). Từ khi về ở với tôi, các cháu cũng ít bị đánh đòn hơn, nhưng đánh trận nào thì ra trận đó" - Chị Nhâm thừa nhận.
Khi được hỏi về hành vi anh Ngữ bắt các cháu ăn phân chị Nhâm chỉ trả lời: "Các chị hỏi các cháu là ra hết. Tôi rất khó vì còn sống bên cạnh bố các cháu". Dù chị Nhâm không nói thẳng ra những hành động tàn độc của chồng nhưng mỗi khi nhắc đến các con riêng của chồng, chị Nhâm lại bảo thương chúng bởi anh Ngữ thường đánh quá tay hơn người khác.
Chặt đầu gà đe dọa mẹ vợ
Một người dân xin được giấu tên cho biết: Do bản tính hung hăng của Ngữ nên không ai dám can thiệp khi Ngữ hành hạ vợ con. Ngữ tàn bạo đến mức dù các con đau đớn thế nào cũng không được khóc. Người vợ kế cũng không chịu được sự ngược đãi này nên có nhiều lần phải bỏ trốn. Mỗi khi bị đánh cũng chỉ biết ngậm ngùi một mình không dám chia sẻ với ai vì anh ta dọa giết. Có lần chị Nhâm bỏ trốn, khi biết chuyện Ngữ đã đến nhà mẹ vợ chặt đầu gà... để đe nếu không đưa Nhâm về thì cũng sẽ "xử" như vậy. Từ đó chị Nhâm rất sợ Ngữ. Ngay cả con đẻ của chị Nhâm cũng phải đưa đi gửi nhà bác ở Phả Lại.
"2h chiều ngày 11/11 đang ngồi học thì Phạm gục xuống và nói "cô ơi, em cứ nhìn mọi vật một tí là đen sẫm lại". Lúc này tôi mới gọi điện cho gia đình rồi lên báo cáo hiệu trưởng. Mẹ kế cùng chị gái Phạm và tôi đưa cháu thẳng xuống bệnh viện đa khoa tỉnh, chụp XQ, cắt lớp… Trên đường đi, mẹ Phạm kể cháu hay bị bố đánh, thậm chí còn bắt cháu ăn phân 3 lần (một lần phân gà, 2 lần phân người). Hôm bị ngã rạn xương tay, bố đánh rồi bắt lột quần đứng trước cổng. Nhưng vì cứ đánh là đóng hết cửa nên không ai biết cả".
Cô Đoàn Thị Hòa - Giáo viên chủ nhiệm lớp 4B của Phạm - cho biết: "Bình thường Phạm khá nghịch ngợm nhưng không phải là học sinh cá biệt. Mấy năm nay, cháu vẫn là học sinh khá, ở lớp không có biểu hiện gì là vi phạm đạo đức cả. Chúng tôi mới phát hiện được cháu bị bạo hành hôm cháu bị ốm, gia đình và nhà trường kết hợp đưa đi viện. Trước đó, ngày 26/10, Phạm nghịch với bạn bị ngã rạn xương tay. Tôi cùng y tá nhà trường đưa cháu ra trạm y tế rồi gọi gia đình đến. Tan sở, tôi rẽ vào nhà Phạm để thăm cháu, gõ cửa mãi không thấy ai ra mở. Một lúc sau thấy cháu Như đi từ dưới ruộng lên. Sau đó nhìn thấy mẹ kế của Phạm, tôi hỏi thăm cháu rồi khuyên chị cho cháu đi học. Cháu bị đau tay trái, tay phải vẫn có thể viết, nghỉ lâu sợ cháu không theo được. Hai ngày sau vẫn không thấy Phạm đến trường, tôi mới cùng hội phụ huynh, hội chữ thập đỏ và học sinh lớp đến thăm cháu. Bố mẹ Phạm ra tiếp nhưng không cho Phạm ra ngoài. Đến ngày đi thi vẫn không thấy Phạm đến lớp. Khoảng 10 ngày sau kể từ khi bị ngã, Phạm mới đến lớp, than không nhìn rõ mọi vật rồi gục xuống bàn. Tôi gọi mẹ cháu đến để đưa đi bệnh viện. Tại đây chúng tôi mới biết học sinh của mình bị bạo hành". |
*Tên nhân vật đã được thay đổi