Những ngày gần đây,câu chuyện về đôi vợ chồng già hơn 80 tuổi, mặc dù sinh hạ được 7 người con, nhưng cuối đời lại bị con cái hắt hủi, phải ở nhờ đình làng đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Bởi vì, sau câu chuyện khó tin này là hàng loạt những câu hỏi vì đâu mà những đứa con bất hiếu đều đuổi bố mẹ khỏi nhà cũng như vấn đề đạo hiếu trong xã hội hiện đại.
Để tìm hiểu kỹ hơn về những điều nói trên, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có mặt tại đình làng Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Hoài Đức, Hà Nội vào sáng mùng 7 Tết để tìm gặp những “nhân vật chính” trong câu chuyện. Tiếp chúng tôi trong gian nhà lụp xụp, thấp lè tè ở góc khuôn viên đình, ông Nguyễn Văn Qúy (84 tuổi) và bà Nguyễn Thị Chén (80 tuổi) tỏ ra rất niềm nở. Nhưng khi được hỏi về câu chuyện buồn của vợ chồng mình, cả 2 ông bà dường như khựng lại, bởi vì “nhắc đến chỉ thêm đau lòng” (lời bà Chén).
Nhưng sau vài ba câu chuyện thân tình, cuối cùng bà cũng mở lòng để kể về những đứa con của mình. Trong đó, điều khiến tôi cảm động nhất có lẽ là những ký ức về chuyện chăm sóc các con của vợ chồng bất hạnh. Dáng vẻ già nua, gầy guộc, run run trong từng câu nói, bà kể: Hai vợ chồng tôi đều xuất thân là trẻ mồ côi, nên lấy nhau, sinh con đẻ cái, gây dựng cơ nghiệp đều từ 2 bàn tay trắng. Lúc còn trẻ, vì nhà đông con, nên hầu như việc kiếm tiền, kiếm cơm cho các con đều do một tay ông lão làm hết, còn bà là người chăm bẵm các con.
Ngày còn đói kém, bữa nào bà cũng phải nấu độn cơm, ngô, sắn mới đủ cho các con ăn. Thế nhưng, vì thương con, nên bao nhiêu sắn, vợ chồng bà cũng giành ăn hết, để cơm với ngô cho các con. Nhà nghèo, nhưng ông bà đều cố gắng cho các con học cái chữ, cho bằng bạn, bằng bè. Thế nhưng, khi trưởng thành, “chúng nó” lại đối đáp với bố mẹ như những kẻ “mất dạy”.
Lúc ở cùng vợ chồng anh Nguyễn Văn Trượng (con trai cả), dù là ăn ở riêng, nhưng do không “vừa mắt”, muốn đuổi ông bà đi nên con dâu rút ngói trên mái nhà, để mưa chảy ướt giường nằm của bố mẹ chồng. Sau một gần 2 năm sống ở chuồng lợn, chịu không nổi, vợ chồng già phải chuyển sang ở với con trai út, anh Nguyễn Văn Đại. Sau khi cưới vợ, anh này “dỗ ngọt” bố mẹ bán mảnh đất khai hoang ở khu kinh tế mới đi, mua đất xây nhà 2 tầng ở Đồng Lư, anh này cũng trở mặt, ghè dao vào cổ, đuổi bố mẹ ra khỏi nhà.
Kể về kỷ niệm buồn này, ông Qúy ứa nước mắt: Đó là ngày giỗ cụ, ông mua được vài lạng lòng lợn về thắp hương cho vong hồn đỡ tủi. Nhưng hương vừa thắp lên, thì con trai út của ông kéo xuống, ném đồ ăn đi, kèm theo lời chửi rủa: “Chúng mày cút khỏi nhà ngay”. Ông lão bực mình, “tao không đi, mày thích chém giết thì tùy mày”. Bị thách thức, đứa con bất hiếu đã ghè dao vào cổ ông. Bà Chén sợ cảnh con giết cha, nên hô ầm làng nước lên, ngay lập tức thằng con đánh đạp bà túi bụi. Sau nỗi đau lớn lao cả về tinh thần lẫn thể xác, ông bà quyết định ra đình, xin làng cho tá túc tại căn nhà lụp xụp hiện tại.
Niềm vui lớn nhất của tuổi già chính là được con cháu phụng dưỡng, chăm nom. Thế nhưng, cuộc đời về già của đôi vợ chồng này không có phúc được hưởng điều đó. Trong quãng thời gian 9 năm sống ở đình làng, hầu hết các con ông đều rất ít ghé thăm, hỏi han sức khỏe bố mẹ. Người con gái út là người nghèo nhất trong số họ lại là người quan tâm, chăm sóc bố mẹ nhiều nhất.
Nói về cái tết buồn vừa qua, ông Qúy tâm sự: Duy chỉ có anh con trai thứ 2 mang cho bố mẹ mấy chiếc bánh trước tết, còn lại, không một người con nào ghé thăm, mừng tuổi bố mẹ. Chuyện ấy đã xảy ra gần 10 cái tết, nên vợ chồng ông cũng dần quen rồi. Sau này dẫu có chết đi, cũng chỉ nghĩ là nhờ dân làng đưa ra bãi tha ma chôn cất, chứ không còn nghĩ tới các con nữa.