Như đã thông tin trên số báo hôm qua, tối 16/7, trên trang Facebook có tên Quang Nguyen Van xuất hiện những tấm ảnh ghi lại cảnh một nhóm thanh niên (được cho là quân nhân của một đơn vị đang làm đường) đang làm thịt, hành hạ hai con voọc... Những bức ảnh phản cảm ấy gây phẫn nộ lớn trong cộng đồng mạng. Trang Facebook này ngay sau đó đã được chủ nhân khóa lại, không thể truy cập.
Căn cứ vào những hình ảnh trên, các chuyên gia về động vật học khẳng định đây là voọc chà vá chân xám với số lượng cá thể trong tự nhiên còn rất ít, có nguy cơ tuyệt chủng cao, nằm trong nhóm IB, bị nghiêm cấm săn bắn.
Ông Phan Tuấn, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, cho hay địa bàn phân bố của loài voọc này nằm trong vành đai rừng khu vực tỉnh Quảng Nam - Tây Nguyên. Chi cục đã lập tức chỉ đạo các hạt kiểm lâm toàn tỉnh và phối hợp với công an tỉnh vào cuộc điều tra, xác định địa điểm voọc bị sát hại.
“Ban đầu chúng tôi nghi ngờ địa điểm hai con voọc bị giết nằm tại huyện Tây Giang. Tuy nhiên, sau khi chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Tây Giang và công an điều tra thì trên địa bàn không có đơn vị bộ đội nào đang làm đường. Các hạt kiểm lâm khác cũng xác nhận hai con voọc trên không bị giết hại tại Quảng Nam. Chúng tôi cho rằng nhóm người sát hại hai con voọc nói trên thuộc đoàn bộ đội công binh đóng ở Tây Nguyên” - ông Tuấn cho biết. Theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự, người nào săn bắt, giết động vật hoang dã quý hiếm bị cấm sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Nếu phạm tội có tổ chức thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Theo một luật sư, chưa rõ hành vi của các thanh niên trong ảnh là có tổ chức hay không nhưng căn cứ vào các bức ảnh, có thể nhận định hành vi giết hại con voọc có sự tham gia chứng kiến của nhiều người. Trên trang Facebook của Quang Nguyen Van có cả hình ảnh một người mặc quân phục đứng trước một chiếc xe mang biển số quân đội AC-4990. Đã có dư luận cho rằng người thanh niên này - trong thời điểm giết voọc, là quân nhân thuộc Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên). Lãnh đạo đơn vị này cho biết đã chỉ đạo xác minh, làm rõ. Theo quy định của Pháp lệnh về tổ chức điều tra hình sự, Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự, nếu người giết voọc là quân nhân thì thẩm quyền điều tra, xét xử sẽ thuộc cơ quan điều tra trong quân đội và tòa án quân sự. Nếu người giết voọc không còn phục vụ trong quân đội mà kết quả điều tra cho thấy hành vi của họ được thực hiện trong thời gian phục vụ trong quân đội thì việc xét xử sẽ do TAND xét xử, trừ khi hành vi đó liên quan đến bí mật quân đội.