Theo tìm hiểu của Thanh Niên, thời gian qua, nhà thầu này liên tục trúng thầu các gói thầu trọng yếu trên cả nước và đều thi công bê bối, gây ra các sự cố nghiêm trọng.
Bê bối hết lần này đến lần khác
CSCEC không phải là cái tên xa lạ, tại TP.HCM, nhà thầu này đã liên tục bị nhắc nhở khi thi công vô cùng ì ạch, bê bối tại gói thầu số 10 (cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) thuộc dự án Vệ sinh môi trường.
Đây được xem là gói thầu “xương sống” của toàn dự án, trong đó tiến hành nạo vét 1 triệu m3 bùn, gia cố đất và lắp đặt cừ bản ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhằm sạch hóa toàn bộ dòng kênh, phục vụ nhu cầu thoát nước và môi trường của hàng triệu người dân tại khu vực trung tâm TP.
Tuy nhiên, với kiểu thi công chây ì của CSCEC, toàn bộ gói thầu này đã không thể hoàn thành đúng thời hạn là tháng 8.2009, mà phải trì hoãn nhiều lần. Đến tháng 2.2010, CSCEC tiếp tục xin gia hạn tiến độ, song Ngân hàng Thế giới (WB - đơn vị tài trợ ODA cho dự án) đã có văn bản chính thức yêu cầu cắt hợp đồng do phát hiện CSCEC liên quan đến hối lộ trong một dự án cũng do WB tài trợ ở Philippines.
Tuy đã bị loại khỏi dự án, song hậu quả CSCEC để lại vô cùng nặng nề mà đến nay, sau 1 năm, chủ đầu tư vẫn chưa thể giải quyết xong. Bởi nhà thầu này đã kịp thời “gặm” hết phần công việc dễ dàng nhưng có giá trị cao và để lại các hạng mục “khó xơi” mà giá trị thấp. Điều này buộc chủ đầu tư phải tách phần việc còn lại của gói thầu ra thành 5 gói thầu khác để đấu thầu lại, đẩy kinh phí gói thầu tăng gấp nhiều lần. Chẳng hạn, hạng mục di dời đường ống cấp nước phi 2.000 mm (ở khu vực cầu Điện Biên Phủ) mà CSCEC chừa lại đã tăng gấp 10 lần lên 2 triệu USD sau khi tiến hành đấu thầu lại. Tình trạng bê bối ở gói thầu này cũng là một trong những nguyên nhân khiến tổng vốn đầu tư toàn dự án tăng vọt từ 200 triệu USD lên gần 320 triệu USD, làm tăng gánh nặng vốn vay ODA cho TP.HCM.
Một dự án trọng điểm khác là cầu Cần Thơ (nối Cần Thơ với Vĩnh Long) đến nay vẫn đang gánh chịu hậu quả nặng nề của nhà thầu CSCEC. Phần đường dẫn dài 7,69 km phía bờ Cần Thơ (gói thầu số 3) do nhà thầu này thi công hiện xuống cấp nghiêm trọng, phần lớn bị nứt, lún sụt, bong tróc, xuất hiện các kẽ hở, hang sâu trên đường gây nguy hiểm cho phương tiện lưu thông.
Đáng nói, không chỉ có vấn đề về chất lượng, mà CSCEC còn thi công hết sức chậm trễ. Đến tháng 8/2009, nhà thầu này chỉ hoàn thành hơn 70% (trong khi phần đường dẫn phía bờ Vĩnh Long do nhà thầu VN thi công hoàn thành đến 90%) nên chủ đầu tư buộc phải cắt hợp đồng.
Tương tự, tại dự án xây mới 16 cây cầu trên QL1 đoạn Cần Thơ - Cà Mau, CSCEC đã nghiễm nhiên trúng thầu đến 9 cây cầu (gói thầu 2A) cũng với chiêu giá rẻ. Dù khởi công rầm rộ từ đầu năm 2007, song sau hơn 3 năm thi công, CSCEC chỉ hoàn thành được 3 cầu, còn lại 6 cầu không nhúc nhích do càng thi công càng đuối vốn.
Đến giữa năm 2010, chủ đầu tư là Tổng cục Đường bộ VN buộc phải làm một cuộc "giải cứu" chật vật bằng cách tách 6 cây cầu (chiếm 60% khối lượng) để đấu thầu lại, giao các nhà thầu trong nước thi công.
Cần đưa vào danh sách “đen”
Thạc sĩ Phạm Sanh (Đại học GTVT TP.HCM) cho rằng cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư các công trình xây dựng, nhằm thiết lập và cập nhật một danh sách “đen” trực tuyến bao gồm các nhà thầu bê bối. Điều này là để chủ đầu tư có cái nhìn toàn diện khi lựa chọn nhà thầu. Bởi thông thường, khi nộp hồ sơ mời thầu, nhà thầu bao giờ cũng chỉ đề cập đến thành tích của mình mà “lờ” đi các sai sót, sự cố.
“WB sau khi phát hiện CSCEC liên quan đến hối lộ trong một dự án tại Philippines đã ra quyết định cấm nhà thầu này tham gia tất cả dự án do WB tài trợ trên khắp thế giới. Điều này cho thấy các nước rất khắt khe với các nhà thầu đã có tiền lệ vi phạm, chứ không dễ dãi như nhiều chủ đầu tư VN. Chủ đầu tư có thể chủ động quy định trong hồ sơ mời thầu là không lựa chọn các nhà thầu đã bê bối tại 2 dự án trở lên và như vậy sẽ không có “cửa” cho nhà thầu dỏm chen chân vào dự án” - ông Phạm Sanh nói.
Đồng quan điểm, ông Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM - cho rằng, nếu không tỉnh táo loại nhà thầu bê bối ngay từ đầu sẽ gây những hậu quả rất nghiêm trọng cho dự án.
Từ hàng loạt dự án do CSCEC thi công, có thể thấy, “chiêu bài” của nhà thầu này là bỏ giá siêu rẻ để trúng thầu, sau đó thi công ì ạch, bê bối, lựa chọn những phần việc nhẹ nhàng để làm, hay nói cách khác là “gặm nạc, chừa xương”.
Đáng nói, nhà thầu này đã có sự tính toán phân bổ cơ cấu giá bỏ thầu để đảm bảo rằng dù bị loại vì bê bối thì họ vẫn có lợi nhuận cao nhất và đẩy thiệt hại cho chủ đầu tư. Chẳng hạn, CSCEC trúng thầu gói số 10 dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM (gồm 7 hạng mục) với tổng giá trị là 60 triệu USD.
Trong đó, CSCEC bỏ giá rất cao cho hạng mục xây tường cừ dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (gần 50 triệu USD, chiếm 82,5% giá trị toàn bộ gói thầu). Sau khi trúng thầu, nhà thầu này chủ yếu tập trung xây tường cừ và bỏ bê các phần việc khác. Bởi vậy, đến khi bị cắt hợp đồng, CSCEC đã kịp hưởng hơn 70% giá trị toàn bộ gói thầu.
Từng gây sập giàn giáo ở Phú Mỹ Hưng Trước đó, tháng 9/2010, CSCEC cũng từng gây ra một vụ sập giàn giáo kinh hoàng khác. Hơn 200m2 sàn bê tông của Trung tâm thương mại Crescent (thuộc khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM) đã bất ngờ đổ sập, gần 100 công nhân đang làm việc may mắn thoát chết. Nguyên nhân được xác định là do giàn giáo thi công của nhà thầu quá yếu. Tháng 10/2007, khi kiểm tra việc sử dụng lao động tại dự án cầu Cần Thơ, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH Cần Thơ đã phát hiện hàng loạt vi phạm của CSCEC. Cụ thể, nhà thầu này sử dụng rất nhiều nhà thầu phụ nhưng không cung cấp được đầy đủ hợp đồng với các nhà thầu phụ và danh sách sử dụng người lao động. Nhà thầu trì hoãn việc ký hợp đồng với người lao động mà chủ yếu thực hiện theo kiểu khoán việc. Ngoài ra, CSCEC cũng không đóng BHXH, BHYT cho một công nhân nào, dù trên hợp đồng lao động ghi rõ có trích lương của người lao động để nộp và nhà thầu cũng không giao hợp đồng cho người lao động... |