Theo dự kiến thì vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường sẽ được đưa ra xét xử lần 2 vào ngày 4/12/2014. Nhiều bạn đọc đã đặt ra câu hỏi: vậy trước ngày diễn ra phiên tòa các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại, cũng như bị can đã chuẩn bị như thế nào để bảo vệ tốt nhất cho thân chủ của mình? Và liệu tại phiên tòa sẽ có những chứng cứ mới giúp việc xác định tội danh của Nguyễn Mạnh Tường được dễ dàng, thoả đáng hơn? Để trả lời những thắc mắc trên độc giả Phóng viên báo Câu chuyện pháp luật đã có cuộc trò chuyện với các vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho cả hai bên bị hại và bị cáo.
Nguyên nhân tử vong chưa làm rõ
Để rộng đường dư luận phóng viên Báo Câu Chuyện Pháp Luật trao đổi với luật sư Tạ Anh Tuấn – Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) về quan điểm vụ án trên.
Theo luật sư Tạ Anh Tuấn, bản cáo trạng của VKSND TP. Hà Nội trước đây cũng như bản cáo trạng bổ sung vẫn chưa làm rõ được nguyên nhân tử vong của nạn nhân nên không có cơ sở vững chắc truy tố Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh về tội “Vi phạm các quy định về khám chữa bệnh…” theo Điều 242 và tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả…” điều 242 BLHS, và rất có thể phiên tòa sắp tới tiếp tục phải tạm dừng trả lại hồ sơ cho VKS, Cơ quan điều tra để làm rõ nguyên nhân tử vong của chị Huyền.
Luật sư Tuấn nhấn mạnh “ Điểm mấu chốt trong vụ án này cần thiết phải trưng cầu giám định quy trình phẫu thuật hút mỡ, nâng ngực, cách thức pha chế thuốc gây tê để tìm nguyên nhân gây ra cái chết của chị Huyền, tức là xác định hành vi của bác sỹ Tường. Theo phân tích của luật sư Tuấn, hồ sơ vụ án thể hiện, quá trình làm phẫu thuật thẩm mỹ cho chị Huyền, Nguyễn Mạnh Tường phát hiện có biến cố như chị Huyền bị sùi bọt mép, co giật. Lẽ ra Tường phải dừng lại và thực hiện các biện pháp cấp cứu nhưng Tường vẫn bỏ mặc và tiếp tục tiến hành làm phẫu thuật. Như vậy, theo luật sư Tuấn, hành vi này dẫn đến hậu quả chị Huyền tử vong nên được xác định là lỗi cố ý gián tiếp.
Về nguyên tắc xử lý đối với người thực hiện hành vi phạm tôi do lỗi cố ý gián tiếp, luật sư Tuấn cho rằng, hậu quả của lỗi này đến đâu thì xử lý đến đó. Nếu gây thương tích, người có lỗi này sẽ bị xử tội “Cố ý gây thương tích”; nếu dẫn đến hậu quả chết người, chủ thể cần bị truy tố tội “Giết người”.
“Hiện nay, việc có thay đổi tội danh của bác sỹ Tường hay không còn phải chờ phiên tòa sắp tới. HĐXX cần làm rõ quá trình phạm tội của Tường, như việc pha chế thuốc gây tê tại chỗ trong phẫu thuật thẩm mỹ có phù hợp với quy định của Bộ y tế hay? Có ảnh hưởng đến tính mạng nạn nhân? Ý thức chủ quan của Tường trong suốt quá trình thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ để xác định là lỗi cố ý hay vô ý, …” - luật sư Tạ Anh Tuấn nói.
Đối với tội “Trộm cắp tài sản” Khánh bị truy tố, luật sư Tuấn cho rằng không thỏa đáng. Theo luật sư Tuấn, thời điểm xảy ra vụ án, Nguyễn Mạnh Tường đã chỉ đạo nhân viên tẩu tán tài sản, vật chứng, trong đó có chiếc điện thoại iPhone 5 của chị Huyền.
“Theo bản cáo trạng và tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, hành vi của Khánh không có dấu hiệu “lén lút” đối với chủ tài sản mà Khánh đã ngang nhiên lấy trước mặt nạn nhân, khi ấy đã tử vong, tài sản là chiếc iPhone 5 tại thời điểm này không có ai trong thẩm mỹ viện quản lý, do vậy không đủ cở sở truy tố Khánh về tội danh này”- luật sư Tuấn phân tích.
Phạm tội “Vô ý làm chết người” ?
Theo nhận định của Luật Sư Lê Văn Đài – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội về vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường: Trong trường hợp này, không thể xác định được tội danh “Giết người” theo điều 93 Bộ luật Hình sự đối với bị can Nguyễn Mạnh Tường bởi bản thân Tường là một bác sĩ, mở thẩm mỹ viện để kinh doanh, không ai mong muốn bệnh nhân của mình chết sẽ làm ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của mình. Để xác định được tội “Giết người”, theo căn cứ của cơ quan điều tra để xác định được hành vi giết người phải làm rõ động cơ, có mục đích cụ thể.
Có chăng cơ quan điều tra chỉ có thể xác định tội danh cho Tường vào tội “Vô ý làm chết người”, do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính theo khoản 1 điều 99 bộ luật hình sự. Bởi hành vi cẩu thả, lỗi nghề nghiệp làm chết người ngoài ý muốn.
Tại khoản 1 điều 99 BLHS quy định: Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
Về quan điểm tăng khoản tội danh của Tường về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” – điều 242 Bộ luật Hình Sự, từ khoản 1 lên khoản 3, Luật sư Lê Văn Đài cho rằng việc nâng khoản tội danh này là chưa hợp lý. Bởi theo khoản 1 điều này đã quy định rõ: Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá an tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Trong trường hợp này, tại khoản 1 điều 242 BLHS đã quy định rõ, làm chết một người mới bị xử phạt. Vậy nâng lên khoản 3 của điều này là phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ 7 đến 15 năm là không đủ căn cứ. Bởi chết 1 người khoản 1 đã quy định rõ, ở đây không phải làm chết nhiều người nên việc nâng khoản không đủ căn cứ.