Phê phán thầy là thảm hoạ
Học sinh có nick name “Fame Love” cho rằng: “Cái gì cũng tương đối, em không bênh chú Tuấn nhưng không ghét chú Tuấn. Từ lúc chú mở lớp đến giờ thì khoá bọn em là nghịch nhất, hư nhất nhưng lại được chú quý nhất. Mọi hình phạt từ 10 cái tát, 20 roi mây, kể cả học dưới ánh đèn đường đến 3h sáng em nếm hết rồi. Suy cho cùng cũng chỉ vì cái chữ mà thôi. Vì cái chữ của chú Tuấn mà em nên người đó!”.
Đa số học sinh đều tỏ ra đồng tình và công nhận mình đã tiến bộ vượt bậc nhờ học tại trung tâm.
Bạn đọc có nick name "Nhóc Twin" cho rằng, hiếm có trung tâm nào quan tâm học sinh như ở đây: “Hồi trước mình đi học bị mắc mưa, đến nơi ướt như chuột lột, chú lấy mấy cái khăn khô để mấy đứa lau đầu rồi nói: Lau khô đi không chút nữa đau đầu không học được! Mình ngại ngại, tay cứ lóng ngóng, chú quát: Lau nhanh không ngấm nước mưa bây giờ! Đến tận bây giờ kiến thức cấp 2 mình vẫn nhớ như in. Không có chú thì giờ mình đã không nên người như thế này! Rất cảm ơn chú!”.
Sau khi đọc bài viết: ”Những điều chưa biết về TT “tra tấn” HS”, độc giả Diệu Hồng chia sẻ: “Em cũng từng là học sinh của thầy Tuấn và từng bị phạt. Trước đó, thực sự em không coi ai ra gì cả. Nhưng sau vài lần bị ăn roi và nghe lời khuyên của thầy cô, em hiểu ra nhiều điều và thích học hơn. Đối với những bạn chăm học và nỗ lực, em khẳng định không bao giờ bị đánh. Nhưng với những bạn lười học, chống đối thì em nghĩ ăn roi là xứng đáng.”
Có bạn học sinh đã hô hào nhau cùng góp sức để “nói lên sự thật” và động viên thầy trong thời gian khó khăn này.
Bạn đọc có nick name Dương Bé viết: “Chú Tuấn mình bản lĩnh lắm. Mọi người cứ bình tĩnh đi. Chú được học sinh và phụ huynh ủng hộ mà…”.
Bạn Lưu Mạnh Đức dựa vào đề văn khối D năm nay để “chế” câu nói: “Học thầy Tuấn đô thị là một nét đẹp văn hoá, phê phán thầy là một thảm hoạ”.
Thậm chí bạn có tên facebook Shinno Suke còn hô hào các bạn cựu học sinh của thầy Phạm Minh Tuấn làm một clip minh oan cho thầy.
Bạn Lê Cao Lâm đã đưa ra nhìn nhận khách quan sau khi đọc qua rất nhiều ý kiến trái chiều. “Mình rút ra một nhận xét: Ai chưa từng học thì đều cho là “dã man”, bạo hành trẻ em nhưng ai đã từng học thì đều ra sức bảo vệ thầy, luôn nhớ công ơn thầy, nhờ cách dạy của thầy mà nên người. Nói chung lúc xin vào học thì ai cũng biết sẽ bị như thế rồi, nên ai thích thì học, không thì thôi. Mình thì mình không thích nên không học, chứ mình cũng không phản đối”.
Bé không vin, lớn… gãy cành
Sau khi đăng tải bài viết Điều chưa biết về trung tâm “tra tấn” HS, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả.
Độc giả có địa chỉ email: phadach@gmail.com đồng tình với phương pháp dạy học cứng rắn: “Mọi người có nhớ câu 'bé không vin lớn gãy cành' không? Cái quan trọng là làm sao cho trẻ em nên người. Chúng ta nên hiểu rộng rằng cần phải 'nuôi dạy' chứ không chỉ là 'nuôi dưỡng'. Khi cần thiết cũng phải vụt vài roi vào mông trẻ để trẻ ngoan hơn. Không nên quá nặng nề, cứng nhắc với nguyên tắc 'quyền trẻ em'".
Đồng quan điểm này, độc giả từ địa chỉ email huynhthanhle88@gmail.com chia sẻ sự khó khăn khi dạy dỗ con trẻ: “Nuôi một người thì dễ nhưng để dạy một người thì rất khó. Đánh để cho tốt hơn cũng bị gọi là tra tấn? Không thấy tội nghiệp người thầy tốt sao. Đừng quá cứng nhắc, hãy cho trung tâm hoạt động bình thường”.
Nhiều độc giả bày tỏ quan điểm không nên giáo dục nặng về lý thuyết mà cần phải có các biện pháp rõ ràng. Độc giả Trần Văn Toản liên hệ với câu chuyện của GS Tôn Thất Bách: Các bạn hãy tìm và đọc lại bài viết của giáo sư Tôn Thất Bách: “Nếu không có đòn roi của cha tôi, sẽ không có tôi ngày hôm nay”. Tôi rất tâm huyết với cách làm của thầy Tuấn. Trẻ con sinh ra tính bản thiện. Môi trường giáo dục khác nhau sẽ tạo nên những tính cách khác nhau. Các vị phụ huynh cứ xót con nhiều quá sau này sẽ khổ chúng”.
Độc giả có địa chỉ email soigia1@yahoo.com còn khẳng định muốn cho con mình theo học ở trung tâm như thế: “Trẻ con bây giờ có điều kiện ăn học đầy đủ hơn, văn minh hơn nhưng không vì thế mà xa rời giáo dục truyền thống. Đồng ý rằng đánh trẻ là không nên nhưng với đứa trẻ bướng bỉnh nếu không được rèn, lớn lên sẽ trở thành gánh nặng xã hội. Nếu như có một trung tâm như thế ở địa phương mình, tôi cũng sẽ cho con theo học”.
Từ vấn đề này, nhiều độc giả suy rộng ra thực trang của học sinh hiện nay. Là một giáo viên, độc giả Nguyễn Trọng Thiều bày tỏ sự lo lắng: “Tôi cũng là một giáo viên, tôi thấy nước mình cần có những thay đổi trong luật giáo dục. Các thế hệ học sinh trước đây rất tôn trọng giáo viên. Hiện nay càng ngày càng có nhiều học sinh vô lễ với thầy cô giáo, rồi chuyện bạo lực học đường, tình cảm lệch lạc… Nguyên nhân thì có từ nhiều phía nhưng có một phần vì phụ huynh nuông chiều con cái, đáp ứng mọi đòi hỏi của chúng. Mà động đến vấn đề gì thì đòi kiện, con hư cũng đổ lỗi cho giáo viên. Thời nay thầy cô không dám la học sinh, càng không được đánh học sinh, làm sao bảo chúng nghe được?”.
Độc giả tại địa chỉ chilingsteel@gmail.com cho rằng, ngày càng có nhiều tội phạm hình sự tuổi teen một phần là do giáo dục: “Thầy giáo đánh để rèn học trò bị coi là phạm pháp mà tội phạm hình sự là học sinh ngày càng nhiều. Học sinh ra khỏi lớp là chúi đầu vào các tiệm net, quán game, quên luôn chuyện bài vở. Ở nhà cha mẹ không có thời gian giám sát, chỉ bảo con cái thường xuyên. Đến lớp, thầy cô cũng chỉ giảng xong bài rồi về, không đôn đốc học sinh. Vì thế, việc thầy giáo có cho học sinh mấy roi vào mông để học sinh chăm chỉ hơn, học tốt hơn, ngoan hơn cũng là việc nên làm chứ?”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản đối gay gắt, độc giả có địa chỉ emai kieu@gmail.com cho rằng đánh học trò là không thể chấp nhận được: “Đành rằng các vị phụ huynh đồng ý cho đánh con mình nhưng các vị đâu biết chỉ là để thoả mãn yêu cầu của bố mẹ. Các vị có biết con em mình sẽ bị tổn thương không? Chúng sẽ suy nghĩ gì về hình ảnh người thầy? Nhất là khi trung tâm có nhiều giáo viên chưa qua giảng dạy mà đứng lớp”.