Sáng 30/6, anh Nguyễn Sỹ Chiến đưa vợ là chị Nguyễn Thị Tình vào Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) để chờ đón đứa con thứ 5 chào đời. Tối cùng ngày, anh được các bác sĩ thông báo con đã tử vong. Phần cổ của bé có 8 mũi khâu. Chuyện gì đã xảy ra trong gần 11 giờ chị Tình nhập viện?
Dựa trên báo của của Sở Y tế Hà Tĩnh gửi Bộ Y tế, chia sẻ của gia đình sản phụ, nội dung trả lời báo chí của Phó giám đốc Phạm Hồng Cường, bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Sản và hộ sinh Hoàng Thị Trinh, diễn biến vụ việc được tổng kết như sau:
Ngày 30/6
9h39: Sản phụ Nguyễn Thị Tình, 37 tuổi, trú tại thôn Long Hội, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, vào Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Lý do nhập viện: Thai 35 tuần, đau bụng, có dấu hiệu chuyển dạ, sinh lần 5.
Tình trạng lúc vào viện: Sản phụ tỉnh táo, thể trạng trung bình, cao 152 cm, nặng 60 kg, da niêm mạc bình thường, không phù, mạch 80 lần/phút, huyết áp 100/60 mmHg, nhiệt độ 36,8 độ C.
Khám sản: Vòng bụng 88 cm; chiều cao tử cung 28 cm; ngôi đầu; cơn co tử cung tần số 2/20 giây; cổ tử cung mở 4 cm, chờ sinh thường.
Sản phụ được chỉ định: Thực hiện xét nghiệm máu, tổng phân tích nước tiểu. Kết quả xét nghiệm: HC: 3,98 T/L; BC: 10,8 G/L; các chỉ số khác về huyết học và nước tiểu trong giới hạn bình thường. Theo dõi tim thai và cơn co tử cung.
12h: Cơn co tử cung tần số 2/20 giây, tiếp tục theo dõi.
15h: Cơn co tử cung tần số 2/20 giây.
Theo hộ sinh Hoàng Thị Trinh, quá trình vào chờ sinh, sản phụ Tình được thăm khám, nghe tim thai 3 lần vào 9h39, 12h và 15h. Cả ba lần tim thai đều đập bình thường, dao động từ 118-130 lần/phút.
18h35: Tim thai âm tính; cơn co tử cung tần số 5/50 giây; cổ tử cung mở hết; ối vỡ, nước ối có màu xanh; đầu lọt, nữ hộ sinh tiến hành đỡ đẻ ngôi đầu nhưng thế không xoay; ngay sau đó báo cáo trực lãnh đạo và bác sĩ chuyên khoa sản trực thường trú đến xử trí.
19h6: Bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Sản, đỡ đẻ ngôi đầu, sau đó đầu bị đứt lìa, phần da nổi phỏng nước, lầy da, các phần chi tím.
19h20: Anh Nguyễn Sỹ Chiến (chồng sản phụ Tình) nhận được thông báo của ê-kíp y bác sỹ là con đã tử vong với vết đứt dài được khâu lại trên cổ.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh gửi Bộ Y tế, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ đánh giá tình trạng thai nhi sau khi sổ: "Da đầu bị bong trợt; da bàn tay, bàn chân, bị bong tróc, phồng rộp; da bụng, da bìu bị bong trợt, hình ảnh của thai chết lưu trên 7 ngày".
Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Vietnamnet.
Ngày 1/7
Vụ việc được đăng tải trên báo chí.
Anh Nguyễn Sỹ Chiến, chồng sản phụ Tình phản ánh: "Lúc tôi vào phòng, con tôi đã được quấn khăn trắng kín cổ. Tôi xem thì thấy cổ con tôi có vết đứt dài. Tôi hỏi bác sĩ nói con tôi không ra được, phải kéo nên đứt cổ. Thai không thể chết lưu trước đó, vì bác sĩ chẩn đoán thai phát triển bình thường. Đây là lỗi của bác sĩ, thiếu kinh nghiệm nên kéo đứt cổ con tôi.
Ê-kíp tham gia theo dõi, đỡ đẻ cho sản phụ Nguyễn Thị Tình gồm hộ sinh Hoàng Thị Định, hộ sinh Hoàng Thị Trinh và bác sĩ Nguyễn Hữu Quyền, khoa Răng - Hàm - Mặt nhưng được phân công trực chính ở khoa Sản ngày 30/6.
Ông Phạm Hồng Cường, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, cho biết đơn vị sẽ tổ chức họp hội đồng chuyên môn để tìm nguyên nhân cái chết của trẻ sơ sinh.
Ngày 2/7
Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế Hà Tĩnh đề nghị cơ quan này kiểm tra ngay sự việc báo nêu và xử lý kỷ luật các cán bộ liên quan theo đúng quy định hiện hành nếu có sai phạm.
Bộ Y tế nhấn mạnh Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, các đơn vị liên quan phải cung cấp thông tin trung thực tới gia đình nạn nhân và cơ quan truyền thông.
Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ đã quyết định tạm đình chỉ kíp trực khiến trẻ sơ sinh đứt cổ.
Dù gia đình nạn nhân chưa có đơn tố cáo, Cơ quan điều tra Công an huyện Đức Thọ đã vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc. Những người được xác định liên quan, cụ thể là ê-kíp tham gia đỡ đẻ cho sản phụ, sẽ được triệu tập để lấy lời khai, phục vụ điều tra.
* TS.BS Bùi Chí Thương, Bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP.HCM nhận định: "Nếu thai lưu, tất cả hệ mạch máu không thể hoạt động được. Do đó, tuyệt đối không thể nhầm lẫn tiếng động mạch thai nhi thành tiếng tim. Đây là điều cần khẳng định rõ". * Sở Y tế Hà Tĩnh kết luận việc thăm khám, theo dõi, chăm sóc của kíp trực không đúng quy trình của Bộ Y tế dẫn đến việc không phát hiện thai chết lưu trước khi vào viện. Bác sĩ trực không chỉ định siêu âm thai dẫn đến không chẩn đoán được tình trạng của thai nhi. * ThS.BS Lê Thế Vũ, Trưởng khoa Sản nhiễm trùng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho rằng thai đã chết lưu 7 ngày rất khó để sản phụ có cơn co tự nhiên, chuyển dạ. Thông thường, các bác sĩ phải tiêm thuốc để sản phụ có cơn co, đẩy thai ra ngoài. * Một nữ bác sĩ cho rằng trẻ đã chết lưu vài ngày khác hoàn toàn với thai nhi mới tử vong. Nếu thai chết lưu lâu ngày được xổ ra ngoài trong tình trạng hoại tử, thối rữa khi bị tổn thương rất khó để khâu nối lại vì thịt đã mủn. |