Vở kịch dài đầy kịch tính
Một trang báo mạng đã ví von vụ việc cụ ông Ngô Vỹ Nhân (87 tuổi) bị các con đẩy ra nằm trên vỉa hè trên phố Núi Trúc (Hà Nội) ngày 7/9 chỉ là phần đầu tiên trong một vở kịch dài, đầy kịch tính. Bởi sau khi vụ việc đau lòng này xảy ra, dư luận liên tục được chứng kiến những phần tiếp theo do con cháu, dâu rể, trai gái của cụ Nhân không ngại ngần “vạch áo cho người xem lưng”, tự viết kịch bản và cũng... tự diễn.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, xuyên suốt vở kịch, những “nhân vật chính” là con gái, con dâu, cháu nội của cụ Nhân đều là những người có học thức nên rất biết cách giãi tỏ tâm trạng: “không thể làm khác được”, “buộc lòng phải làm vậy”, “chỉ thử lòng thôi… không ngờ lại”… với báo chí để biện minh cho hành động của mình.
Không khó để người ta “lờ mờ” nhận ra nguyên nhân sâu xa cho tất cả hành động của con cháu cụ Nhân đều là vì tranh chấp một ngôi nhà.
Chỉ một ngày sau khi hình ảnh cụ Nhân phải nằm phơi nắng, phơi mưa ở vỉa hè xuất hiện trên mặt báo, hàng loạt các diễn đàn, fanpage Facebook đã đăng tải lại hình ảnh xót xa này. Hàng nghìn dân mạng đã nhấn nút share, gửi phản hồi chia sẻ sự thương xót cảnh ngộ của ông cụ, đồng thời lên án dữ dội hành động bất nhân của các con ông.
Nickname Cogaid. bày tỏ: “Nhìn hình ảnh này không cầm được nước mắt. Sao có thể đối xử với đấng sinh thành của mình thế chứ. Các người con của cụ chắc chắn là có con hết rồi chứ. Cái gương cho các con sau nay các con của các người sẽ đối xử với các người như thế là đủ. Thật thương tâm quá, tháng này là tháng Vu lan báo hiếu đó mấy anh chị con của ông cụ ơi!”.
Nick Hoangn. có chung nhận định: “Dù có rau cháo tạm bợ, ở nhà thuê thì cũng xin đừng để người đã cho mình làm người trên cõi đời phải chịu cảnh như thế chứ. Cha mẹ nuôi con không kể tháng ngày. Con nuôi cha mẹ tính ngày tính giờ. Tội bất hiếu là tội lớn nhất . Mình người ngoài cuộc không biết hết tình cảnh thế nào nhưng dù sao không nên để ông cụ già nằm ngoài đường vỉa hè như vậy. Người già sống cuối đời cần những ngày tháng con cháu đông sum vầy, vui vẻ hiếu thảo. Vậy mà...".
Cho tới khi con dâu của cụ Nhân chính thức lên tiếng khẳng định rằng rất “thương bố, nhưng tôi không thể mở cửa được. Không kiên quyết mẹ con tôi ra đứng đường” và con gái cụ cho biết “chúng tôi chỉ thử lòng thôi”, thì mũi dùi dư luận lại hướng thẳng vào hai người phụ nữ này.
Độc giả có nickname Kansh. phản hồi gay gắt: "Chúng tôi thử lòng thôi" Các người thử lòng hay nhỉ! Vứt bố cả ngày ngoài hè đường không ngó ngàng đến rồi kêu là thử lòng!”.
Còn độc giả lấy nick Namph bức xúc comment: “Ngụy biện quá. Bạn nói bạn vì chăm sóc bố chồng mà sụt 7kg do phải chạy đi chạy lại. Bạn phải phụng dưỡng cả "mẹ chồng", bạn thương bố "nhưng không thể cho bố vào nhà"... thật nực cười. Tôi thấy bạn với cả hai cô em chồng bạn cũng vậy thôi chẳng ai "có hiếu" hơn ai cả”.
Đỉnh điểm cho làn làn sóng phẫn nộ trong dư luận về vụ việc của cụ Nhân là khi xuất hiện hình ảnh N.T.D.H. - cô cháu nội ngồi canh cửa không cho ông nội vào nhà. Trên một trang fanpage Facbook đã có tới 11.000 lượt like, 1.300 lượt chia sẻ và 10.932 comment bày tỏ thái độ phẫn nộ khi N.T.D.H ngồi trên ghế, ngoảnh mặt nhìn ra ngoài đường không hề quan tâm đến ông nội của mình đang bệnh tật, ốm yếu phải nằm trên manh chiếu cói ngoài vỉa hè.
Câu hỏi về “nhân tính” và "mưu toan vụ lợi"
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia Xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Trưởng ban Thông tin và Phổ biến kiến thức, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thống và Phát triển – Liên hiệp Hội Việt Nam và chuyên gia Tâm lý Lê Khanh thuộc Trung tâm tư vấn tâm lý Gia đình và Trẻ em TP. HCM, để được nghe ý kiến đánh giá dưới góc độ những nhà tâm lý xã hội về vụ việc cụ Ngô Vĩ Nhân bị các con đẩy ra nằm vỉa hè.
Chuyên gia Tâm lý Lê Khanh cho biết: "Ca dao Việt Nam đã có câu: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng. Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày” cho thấy việc con cái phụ rẫy cha mẹ đã là một bi kịch có từ ngàn xưa. Thế nhưng qua câu chuyện của cụ Ngô Vỹ Nhân thì tôi vẫn giật mình bởi không đơn giản chỉ là sự bất hiếu. Mà nó còn phản ánh một sự suy đồi về nhân cách, sự hiếu nghĩa của con người. Trên hết, tôi nhìn thấy tính vụ lợi, xem giá trị của đồng tiền là trên hết.
Theo tôi, vụ việc cụ Nhân bị con cái đẩy ra đường là một tiếng chuông nối tiếp những báo động khác cho thấy sự tan rã của những mối quan hệ trong gia đình - đơn vị cơ bản của xã hội. Trường hợp này đã báo động đỏ về những lỗ hổng trong hệ thống gia đình và thống quản lý xã hội mà chúng ta phải quan tâm.
Cụ Nhân trong vụ việc này chỉ là một nạn nhân cho những tính toán vụ lợi giữa những người con ruột, con dâu và cả các đứa cháu nội dù còn trẻ tuổi nhưng cũng đã bị tính thực dụng ngấm sâu vào tư tưởng. Để rồi, họ chỉ biết đến quyền lợi bản thân mà không còn nghĩ đến tình nghĩa thiêng liêng cao quý trong một gia đình".
Chuyên gia xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh cũng bày tỏ: "Từ góc độ xã hội và văn hóa, có thể thấy đây là một trong những hành vi lệch chuẩn, thể hiện sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức của một số người. Vụ việc này không thua kém gì nhiều sự việc đau lòng khác xảy ra trong thời gian gần đây mà các nhà xã hội học tạm gọi là “nhiễu loạn giá trị”, “tha hóa giá trị” khi các chủ thể đánh mất cái phanh “văn hóa” trong việc kiểm soát ý thức và hành vi của mình.
Không chỉ gây ảnh hưởng và tác hại trực tiếp đến sức khỏe thể chất, tinh thần cụ Nhân, hành động “vứt bố ra đường” đã nêu gương xấu cho xã hội và thế hệ trẻ, cần phải có biện pháp xử lý cứng rắn để răn đe. Nghiêm trị những hành động vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức này, thay vì biện pháp chỉ có “hòa giải” do UBND Phường thực hiện.
Tôi không muốn đưa ra bình luận cụ thể về thái độ hành vi của các thành viên gia đình ông Nhân. Mỗi người đều có vô khối lý do biện minh cho hành động của mình và đẩy lỗi về phía người khác. Điều vi phạm pháp luật và đáng chê trách là ở chỗ, họ coi một cụ già (có tới 27 năm được hưởng những ưu đãi của Luật Người cao tuổi) trở thành một thứ đồ vật để gây sức ép với nhau, cùng những toan tính cá nhân, thủ đoạn và thái độ thờ ơ, vô cảm khó chấp nhận.
Thử hỏi nếu cụ Nhân là một người trẻ tuổi và khỏe mạnh thì đâu là cái để họ bê đi bê lại như thế. Điều tổn thương nhất đối với người cao tuổi là tinh thần, chứ không phải là thể xác. Tôi nghĩ trong những vụ việc tương tự, cần có sự trợ giúp và xử lý nhanh hơn của chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là Hội người cao tuổi".