TIN TỨC » Hồ sơ tư liệu

10 người đàn bà đẹp huyền thoại Việt Nam (2)

Thứ ba, 23/10/2012 09:09

Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân, nữ tướng Bùi Thị Xuân, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm… là những người đàn bà đẹp huyền thoại Việt Nam tiếp theo, mà chúng tôi giới thiệu tới độc giả.

Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân

Trong lịch sử Việt Nam, có một nhân vật nữ nổi tiếng, được sử sách nhắc nhiều nhất là công chúa Lê Ngọc Hân (1770 - 1799) - con gái thứ 9 của vua Lê Hiển Tông và đồng thời là Bắc cung hoàng hậu của Hoàng đế Quang Trung.

Nhiều sử gia cho rằng, Ngọc Hân lấy vua Quang Trung là cuộc hôn phối chính trị ở lúc thế nước chẳng đặng đừng. Vua Lê đã sử dụng con gái làm “mỹ nhân kế”, nhưng khi cuộc hạnh ngộ anh hùng - mỹ nhân diễn ra thì cuộc hôn nhân ép buộc đã trở thành mối tình đẹp nổi tiếng trong sử Việt.

Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Ảnh minh họa

Vì giỏi văn thơ, Ngọc Hân được Nguyễn Huệ yêu say đắm. Nguyễn Huệ cũng được Ngọc Hân xem như một vĩ nhân hiếm có. Không chỉ yêu vì nết, Nguyễn Huệ còn trọng Ngọc Hân vì tài, nên giao coi giữ các văn thư trọng yếu, phong cho chức nữ học sĩ, dạy dỗ các con cái và các cung nữ. Tuy nhiên, trong thực tế, Ngọc Hân còn trở thành người cộng sự đắc lực, tin cẩn về lĩnh vực văn hóa, giáo dục cho chồng; đồng thời khuyên giải cho chồng trong nhiều việc hệ trọng khác như khuyên chồng chấm dứt cuộc xung đột với Nguyễn Nhạc...

Minh chứng cho điều này, theo sách Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung, công việc của Bắc cung Hoàng hậu Ngọc Hân trong việc triều chính ở Phú Xuân lúc nhà vua còn sống, đã được ghi lại trong một số biểu văn đương thời. Cụ thể, một số bài biểu chúc mừng Ngọc Hân nhân dịp tết Đoan Ngọ (5 - 5 âm lịch) có đoạn như sau (Bài biểu do triều thần chúc tụng):

"…Kính nghĩ Hoàng hậu là ánh sáng toả lan của lá ngọc cành vàng, là chi nhánh của sông Ngân, sông phái. Lúc bà vu quy cung nhân theo thử bậc, thuận lòng giúp rập, giặt giũ áo xiêm, tiếng tột đã chói lọi, nên cung kính thuận hoà, khi đưa dâu theo hằng trăm cỗ.

Lúc gà gáy, nửa đêm, bà ân cần giúp hoàng đế mặc áo thêm để lo việc triều chính. Đặt nền tảng đầu tiên là bà, có một lần bà đã động viên nhắc nhở quân binh mang áo giáp ra chiến trường thì phải mang về chiến thắng.

Về tề gia trị quốc, Bà đã tham gia vào việc chiến chinh của hoàng đế. Bà khiêm nhường hoà nhã, vẫn phát huy mãi cái phẩm chất trong sáng tự nhiên”.

Một bài biểu khác chúc mừng Hoàng hậu Ngọc Hân có đoạn: “Kính nghĩ hoàng hậu bệ hạ là dòng dõi hoàng tộc, ân đức rạng rỡ. Đọc kinh Thư, giải kinh Dịch làm nền tảng cho việc đẹp đẽ dồi dào, siêng cần lo thành tựu nghiệp cả. Sinh nhà Hạ, hưng nhà Chu, tạo lập nên công nghiệp lớn”.

Theo sử sách, Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân từ  trần ngày mồng 4 tháng 12 năm 1799 tại Huế, khi mới 29 tuổi do căn bệnh hậu bối.

Nữ tướng Bùi Thị Xuân

Theo sách Danh tướng Việt Nam, Bùi Thị Xuân người làng Xuân Hòa, huyện Bình Khê (nay thuộc tỉnh Bình Định), sinh năm nào chưa rõ. Bà là vợ của Thiếu phó Trần Quang Diệu, vì thế người đời vẫn thường gọi là bà Thiếu phó.

Năm 1771, khi Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa ở Tây Sơn, Bùi Thị Xuân là một trong những người nhiệt liệt tham gia hưởng ứng đầu tiên. Trong khởi nghĩa Tây Sơn nói riêng và lịch sử quân sự Việt Nam nói chung, Bùi Thị Xuân là một hiện tượng rất đặc biệt. Bà đã góp công lớn trong những chiến thắng lẫy lừng của đội quân áo vải, tiêu biểu là chiến thắng trước 2 vạn quân Xiêm ở trận Rạch Gầm - Xoài Mút (Tiền Giang) vào năm 1785; trận đại phá quân Thanh tại Ngọc Hồi - Đống Đa vào đầu xuân Kỷ Dậu 1789. Từ một phụ nữ bình thường, bà trở thành một danh tướng được đời đời kính trọng.

Nữ tướng Bùi Thị Xuân. Ảnh: Internet

Sử sách chép, sau khi vua Quang Trung băng hà, chúa Nguyễn Phúc Ánh được mật báo nội bộ nhà Tây Sơn lục đục, liền tổ chức ngay các cuộc tấn công. Vào tháng 1/1802, Bùi Thị Xuân tham gia trận Trấn Ninh chống lại cuộc phản công của Nguyễn Phúc Ánh. Vì lực lượng ngày một rệu rã, mưu lược, lòng dũng cảm và tài cầm quân của bà cùng với các tướng lĩnh trung thành còn lại không đủ để chống chọi, nên Nguyễn Ánh đã chiếm được Trấn Ninh.

Cùng năm, dọc đường rút quân ra Bắc, bà cùng chồng và con gái bị quân Nguyễn Ánh bắt tại Nghệ An. Tương truyền, chúa Nguyễn đã sai người áp giải bà đến trước mặt rồi hỏi với giọng đắc chí: “Ta và Nguyễn Huệ ai hơn?”. Bà trả lời: “Chúa công ta, tay kiếm tay cờ mà làm nên sự nghiệp. Trong khi nhà người đi cầu viện ngoại bang, làm tan nát cả sơn hà, cũng đều bị chúa công ta đánh cho không còn manh giáp. Đem so với chúa công ta, nhà ngươi chẳng qua là ao trời nước vũng”.

Chúa Nguyễn gằn giọng: “Ngươi có tài sao không giữ nổi ngai vàng cho Cảnh Thịnh?”. Bà đáp: “Nếu có một nữ tướng như ta nữa thì cửa Nhật Lệ không để lạnh. Nhà ngươi khó mà đặt chân được tới đất Bắc Hà...”.

Khi chúa Nguyễn hỏi bà có muốn xin ân xá không, nữ tướng đã nói dõng dạc: “Ta đâu có sợ chết mà phải chịu nhục, hạ mình trước một kẻ tiểu nhân đắc thế?”.

Như vậy, trước khí phách ngất trời của Bùi Thị Xuận, Nguyễn Phúc Ánh đã bắt bà chịu hình phạt thảm khốc nhất. Có thuyết nói bà và con gái bị xử tội lăng trì (tức là xẻo thịt từng miếng cho đến chết), nhưng cũng có thuyết rằng, cả hai mẹ con bà bị đem ra cho voi giày.

Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm

Đoàn Thị Điểm (1705-1748), hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, là tác giả tập truyện Truyền kỳ tân phả và dịch giả bản Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã viết về bà: “Những câu thơ đẹp và bậc nhất trong thơ Việt Nam đã được viết ra từ ngọn bút của người phụ nữ tài hoa lỗi lạc này”.

Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Ảnh minh họa

Là người có tài trí và nhan sắc hơn người, Đoàn Thị Điểm nổi tiếng từ hồi trẻ. Đến năm 37 tuổi, bà mới nhận lời làm vợ kế của binh bộ tả thị lang Nguyễn Kiều. Về các sáng tác của bà, Gia phả nhà họ Đoàn chép: “Trong khi nhàn hạ, ngâm nên thiên hay, câu đẹp; kể đã hàng chục, hàng trăm”. Đó là nhắc tới sáng tác thơ khi bà chưa lấy chồng. Sau khi lập gia đình, theo lời kể của ông Nguyễn Kiều trong bài văn tế thì sáng tác vẫn là công việc chính yếu của bà” “Việc bút nghiên, tài lạ hằng chuyên xếp đặt thơ văn thành tập”. Thế nhưng, cho đến nay, số lớn các tác phẩm của bà đều đã bị thất lạc.

Liên quan tới bản dịch Chinh phụ ngâm của bà, theo Bách khoa toàn thư mở, hiện nay chưa khẳng định là bản nào. Nhiều người cho rằng, đó là bản đang lưu hành rộng rãi, nhưng có ý kiến nói bản đó là của Phan Huy Ích, còn bản của nữ sĩ họ Đoàn là khác. Tuy nhiên, GS. Nguyễn Lộc cho rằng: "Một điều có thể khẳng định được là bản dịch Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm là bản dịch đầu tiên của tác phẩm này".

Kiến thức