Nhân dịp năm mới, mừng xuân Quý Tỵ, VTC News xin điểm lại 10 sự kiện lịch sử lẫy lừng qua các năm Tỵ, có ảnh hưởng sâu sắc tới lịch sử dân tộc ta.
1. Năm Tân Tỵ (981) và bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên
Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng và thế tử Đinh Liễn bị ám sát, Đinh Toàn ở tuổi lên 6 lên nối nghiệp họ Đinh. Nhà Tống nhân cơ hội đó không ngừng đe dọa xâm lược bắt ta phải thuần phục.
Trước họa xâm lăng, cuối năm 980, quân Tống chia làm nhiều mũi tiến đánh.
Đầu năm 981, sau một thời gian tổ chức kháng chiến, quân dân Đại Cồ Việt dưới sự chỉ huy của Lê Hoàn, phá tan được thủy quân giặc, do Lưu Trừng cầm đầu ở sông Bạch Đằng, đánh thắng lớn ở Bình Lỗ(vùng huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội), giết chết tướng giặc là Hầu Nhân Bảo, phá tan giặc ở Tây Kết (vùng Hiệp Hòa, Việt Yên, Bắc Giang), đuổi Trần Khâm Tộ chạy dài, bắt sống tướng giặc là Triệu Phục Hưng và Quách Quân Biện đem về giam tại Hoa Lư.
Quân Tống bị đánh bại, nhà Tống ra lệnh bãi binh. Quân dân Đại Cồ Việt giành thắng lợi rực rỡ. Cũng từ đây, bài thơ huyền thoại “Nam quốc sơn hà” ra đời gắn với chiến công hiển hách đánh tan quân Tống xâm lược lần thứ nhất của vua Lê Đại Hành. Theo năm tháng, bài thơ từ chỗ gắn liền với một thời đại, một nhân vật lịch sử đã trở thành bài thơ cho mọi thời đại, “có tính chất quốc thi, quốc thiều, có giá trị như Tuyên ngôn độc lập” của ta thời bấy giờ. 2. Năm Kỷ Tỵ (1149): Vân Đồn – Thương cảng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam Theo sử sách, mùa xuân năm Kỷ Tỵ (1149), vua Lý Anh Tông đã cho lập trang Vân Đồn - đánh dấu sự ra đời của thương cảng sớm nhất lịch sử Việt Nam. Giá trị lịch sử, văn hoá của thương cảng Vân Đồn và tầm ảnh hưởng của nó đến lịch sử Quảng Ninh nói riêng, đất nước nói chung, đã được nhiều nhà khoa học khẳng định. Lịch sử hình thành thương cảng Vân Đồn được Đại Việt Sử ký toàn thư ghi: “Kỷ Tỵ, (Đại Định) năm thứ 10 (1149), mùa xuân, tháng 2, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải Đông, xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa phương”. Cái tên Vân Đồn lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Việt Nam bắt đầu từ ấy.
Nhờ việc làm năm Kỷ Tỵ, Vân Đồn dần dần phát triển mạnh, trở thành thương cảng lớn ở phía Bắc đất nước suốt thời Lý, Trần và Lê sơ, chứng thực cho sự phát triển của hoạt động ngoại thương ở đất nước trọng nông Đại Việt thời bấy giờ. 3. Năm Đinh Tỵ (1257): Đánh thắng quân Mông Nguyên, giữ vững nền độc lập Năm 1257, quân Mông – Nguyên tiến xuống phương Nam, hòng xâm lược một đất nước nhỏ bé Đại Việt, trớ trêu thay trước sự dũng cảm của toàn quân, toàn dân ta, quân Mông – Nguyên đành phải dừng bước, tháo chạy về nước. Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống quân xâm lược Mông Cổ, Trần Thủ Độ có vai trò hết sức quan trọng. Tháng 12 năm Đinh Tỵ (tức tháng 1-1258), quân Mông Cổ, sau khi tiêu diệt nước Đại Lý (Vân Nam), đã tiến vào lưu vực sông Hồng. Thế giặc rất mạnh. Quân Đại Việt bị đánh lui, vua Thái Tông phải bỏ Thăng Long rút xuống phía nam. Vua ngự thuyền nhỏ đến thuyền em ruột là Thái úy Trần Nhật Hạo hỏi kế. Nhật Hạo lấy ngón tay chấm nước viết hai chữ 'Nhập Tống' ở mạn thuyền, ý khuyên vua nên chạy sang nhờ vả nước Tống. Vua bèn rời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ, Trần Thủ Độ quả quyết “đầu thần chưa rơi xuống đất, mong bệ hạ đừng lo” Vào lúc gay go nhất của cuộc kháng chiến, câu trả lời đanh thép ấy của ông đã giữ vững được tinh thần dám đánh và quyết thắng của quân dân Đại Việt trong cuộc phản công quyết liệt đánh vào Đông Bộ Đầu ngày 29-1-1258, buộc địch phải rút chạy về nước. Nhờ chiến thắng Đông Bộ Đầu cuối năm Đinh Tỵ (1257), đất nước Đại Việt có được mùa xuân thái bình ngay sau đó, tạo bàn đạp tinh thần và lực lượng vững chắc để về sau đối đầu với quân Nguyên trong hai lần xâm lược gần 40 năm sau. Và đến năm Ất Tỵ (1305), đất nước lại có một tin vui khác. 4. Ất Tỵ (1305): Huyền Trân công chúa, người con gái đầu tiên qua Hải Vân Sơn
Huyền Trân cũng là người con gái đầu tiên của nước Việt đã qua cửa ải ngăn cách giữ hai nước Đại Việt và Chiêm Thành để theo chồng. Nhờ vậy, quan hệ giữa hai nước ngày càng trở nên bền chặt. Năm Ất Tỵ (1305), cuộc hôn nhân Việt – Chiêm được chính thức tiến hành. 5. Quý Tỵ (1533): Lê Trung hưng- Triều đại dài nhất trong lịch sử các triều đại Năm 1428, Nhà Lê sơ thành lập, đất nước bước sang thời kỳ phát triển cực thịnh. Tuy nhiên, hai phương Nam – Bắc phân chia. Năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung lật đổ vua Lê Cung Hoàng, lập nên nhà Mạc. Tuy nhiên, Lê Trung hưng được tiếp nối ngay sau đó với vị vua Lê Trang Tông. Sự nghiệp Trung hưng nhà Lê được Đại Việt sử ký tiền biên ghi: “Quý Tỵ (1533). Mùa xuân, tháng giêng, vua lên ngôi ở Ai Lao (nước Lào ngày nay – tác giả), đặt niên hiệu là Nguyên Hòa, tôn Đại tướng quân Nguyễn Kim là Thượng phụ thái sư Hưng quốc công, chưởng nội ngoại sự, lấy trung nhân Đinh Công làm Thiếu Úy Hùng Quốc Công, còn lại, người nào cũng được phong thưởng để họ đồng lòng giúp rập”. Vua Lê Trang Tông với sự kiện lên ngôi ở Ai Lao năm Quý Tỵ (1533) cũng trở thành vị vua đầu tiên và duy nhất trong các vua Việt lên ngôi hoàng đế ở nước ngoài. Với sự kiện Quý Tỵ, nhà Lê Trung Hưng được lập nên, tồn tại cho đến năm Kỷ Dậu (1789), nhà Hậu Lê trở thành một triều đại tồn tại lâu dài nhất nước Việt. 6. Ất Tỵ (1785): Trận thủy chiến lẫy lừng trong lịch sử Đây là lần duy nhất chứng kiến sự hiện diện của quân đội phong kiến Xiêm La trên đất nước Đại Việt, và cũng là thất bại đau đớn cho mộng Đông tiến của triều đình phong kiến ngoại bang. Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đã nêu cao truyền thống thủy chiến lâu đời và ưu việt của quân dân ta, kế thừa, phát huy kinh nghiệm phong phú của những trận thủy chiến trước đây và cũng là trận thủy chiến lẫy lừng nhất trong lịch sử dân tộc.
Trận đánh diễn ra trên một đoạn sông Mỹ Tho vào lúc trời còn chưa sáng, ánh lửa đom đóm còn lập lòe trên những cây bần ven sông nhô ra mặt nước như một câu ca dao dân gian đã diễn tả: "Bần gie lửa đóm sáng ngời, Rạch Gầm soi dấu muôn đời uy linh" Và trận đánh kết thúc rất nhanh chóng trong ngày hôm đó, ngày 19/1/1785. Chỉ trong khoảng một ngày, khoảng 2 vạn quân Tây Sơn đã giao chiến và đánh tan tành hơn 5 vạn quân Xiêm - Nguyễn, tiêu diệt gần 4 vạn quân Xiêm và hàng nghìn quân Nguyễn. Từ chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút nơi đất Mỹ Tho ấy, thế và lực của nghĩa quân Tây Sơn ngày càng mạnh để sau này thanh thế mở rộng ra đến Phú Xuân, Bắc Hà, tạo điều kiện về sau đất nước được thống nhất thành hình chữ S hoàn chỉnh ở triều đại nhà Nguyễn. 7. Năm Kỷ Tỵ (1929): Ba tổ chức cộng sản ra đời Năm 1929, phong trào công nhân, phong trào nông dân và các tầng lớp khác cũng đã phát triển, kết hợp thành một làn sóng cách mạng dân tộc, dân chủ mạnh mẽ trong đó giai cấp công nhân đã trở thành lực lượng tiên phong. Từ ba đòi hỏi phải có một chính đảng vô sản lãnh đạo. Vào tháng 3/1929, những người con ưu tú nhất của giai cấp công nhân Việt Nam đã đứng ra thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại số 5D Hàm Long, Hà Nội. Không bao lâu sau, ngày 17-06-1929, Đông Dương cộng sản Đảng thành lập, rồi tháng 8 năm ấy thành lập An Nam cộng sản Đảng vào tháng 9/1929. Ba tổ chức cộng sản này hoạt động riêng rẽ và đả kích nhau, tranh giành ảnh hưởng của nhau. Từ đó manh nha xuất hiện một tổ chức cộng sản mới làm nhiệm vụ hợp nhất. Để rồi vào ngày 3-2-1930, ba tổ chức cách mạng Việt Nam nói trên đã họp tại Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc để hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. 8. Năm Tân Tỵ (1941): Bác Hồ về nước, trực tiếp chỉ đạo cách mạng Trải qua 30 năm bôn ba khắp các nước từ Châu Á đến Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ... Mùa xuân năm Tân Tỵ, đúng vào ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bí mật về nước qua ngả biên giới Việt - Trung thuộc Pắc Bó (Hà Quảng - Cao Bằng).
Tại đây, Bác đã bắt tay ngay vào việc xây dựng căn cứ địa, tổ chức các đoàn thể cứu quốc và chuẩn bị Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại núi rừng Pắc Bó hùng vĩ, Bác lại tiếp tục mở lớp huấn luyện về công tác Đảng, công tác quần chúng. Người cũng đã dịch cuốn “Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô”, dùng làm tài liệu quan trọng cho các lớp huấn luyện. Và sự ra đời của mặt trận Việt Minh (tháng 5/1941) cũng đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của cách mạng ViệtNam, mở đầu cho một cao trào mới: “đánh Pháp, đuổi Nhật”, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân. 9. Năm Đinh Tỵ (1977): Việt Nam chính thức là thành viên thứ 149 của Liên Hợp Quốc Hai năm sau khi Tổ quốc ta được thống nhất, cả nước ca khúc khải hoàn, bắt đầu thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế.
Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của Liên Hiệp Quốc. Sự kiện này đã mở ra một thời kỳ mới cho ngoại giao đa phương Việt Nam với những đóng góp quan trọng vào thành công của công cuộc ssooir mới, xây dựng và bảo về Tổ quốc. 10. Năm Kỷ Tỵ (1989): Những năm đầu tiên của công cuộc đổi mới Năm 1989, nền kinh tế đất nước đang đứng trước muôn ngàn khó khăn và thử thách. Trong hoàn cảnh đó, Đảng ta đã vừng tay chèo lái, đưa con thuyền dân tộc vượt qua sóng gió.
Theo thống kê, năm 1989, từ một nước thiếu gạo, dựa vào nguồn việc trợ của các nước trên thế giới, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới. Tình hình chính trị xã hội ổn định, vượt qua thách thức do tác động của khủng hoảng và sự sụp đổ của mô hình Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tạo tiền đề cho công cuộc đổi mới thắng lợi của dân tộc.