Chung Vô Diệm - vợ vua Tề Tuyên Vương
Người ta thường nói “Xấu như ma lem” để chỉ người xấu. “Ma lem” chính là Chung Vô Diệm (tên thật là Chung Li Xuân), người nước Tề thời Chiến Quốc. Do dung mạo xấu xí: đầu bẹt, mắt sâu, bụng to, mũi hếch, da đen như bồ hóng…, 40 tuổi bà chưa lấy được chồng.
Vua Tề Tuyên Vương khi đó không chú tâm vào chính sự, chỉ vui chơi hưởng lạc. Nàng đã xin yết kiến vua Tề, dùng những lời lẽ chân thành, chân thực làm cảm động vua Tề, khiến ông nhận ra cái sai của mình. Tuyên Vương rất cảm động, nhận lời can gián và lấy bà làm hoàng hậu. Và với sự phụ tá của bà, nước Tề trở nên cường thịnh. Người sau viết rất nhiều truyện về nàng Chung Vô Diệm để ca ngợi tài năng, đức độ và sự dũng cảm của nàng. Tuy nhiên phần cuối truyện có thay đổi, thêm vào nội dung sau khi Chung Vô Diệm giúp vua trị vì thiên hạ thành công, cuối cùng đã hóa thành người đàn bà đẹp như tiên và coi Chung Vô Diệm là tiên nữ bị đày xuống trần giúp vua.
Hoàng Nguyệt Anh - vợ của Khổng Minh Gia Cát Lượng
Có câu “tề gia trị quốc bình thiên hạ” quả thực không sai! Việc Khổng Minh Gia Cát Lượng (thời Tam quốc) lấy được người vợ dịu dàng, chu toàn, đã luôn là hậu phương vững chắc cho ông toàn tâm phò trợ Lưu Bị, lập nên nghiệp lớn. Người vợ ấy chính là Hoàng Nguyệt Anh. Tương truyền, bà là người phụ nữ hình dáng thô kệch, thấp bé đen gầy, khuôn mặt đầy rỗ, tuy nhiên lại tài giỏi phi thường. Khổng Minh đã bất chấp mọi tin đồn không hay về nhan sắc của bà và đến cầu hôn!
Tuy nhiên lại có thuyết kể rằng, Hoàng Nguyệt Anh thực ra là người phụ nữ vô cùng xinh đẹp. Nhưng mỗi khi ra ngoài, bà đều mang mặt nạ để tránh gây sự chú ý !
Mô Mẫu
Trong sách "Tứ tử giảng đức luận” của Vương Tứ Uyên đời Hán viết: “Mô Mẫu người lùn tịt, mặt rỗ chằng chịt”. Thậm chí, trung lịch sử Trung Hoa, người ta còn ví bà với quỷ Dạ Xoa, Nhưng bà là người hiền đức, thông minh hơn người. Chính vì vậy Hoàng Đế đã lấy bà làm vợ. Hoàng Đế là ông vua đầu tiên của dân tộc Trung Hoa, tương truyền Hoàng Đế đánh bại Viên Đế, diệt Si Vưu đều nhờ có bàn tay giúp sức của Mô Mẫu. Tương truyền, bà còn là người sáng tạo nên chiếc gương đầu tiên trên Thế giới!
Mạnh Quang
Tương truyền, Mạnh Quang là người phụ nữ xấu xí, vừa béo vừa đen, khỏe đến mức có thể bê được cối đá. Chồng nàng là Lương Hồng, là người rất có danh tiếng. Trước khi lấy vợ, rất nhiều nhà danh giá muốn gả con gái cho ông nhưng ông đều không đồng ý.
Trung Quốc có câu “Cử án tề mi” (dâng mâm lên ngang mày) chính là câu chuyện mỗi lần Lương Hồng đi làm về, nàng Mạnh Quang lo cơm nước chu tất, dâng thức ăn ngang mày mời chồng ăn. Sau ngày cưới, Mạnh Quang bỏ khăn che mặt, mặc quần áo hàng ngày để làm việc nhà. Sau đó, nàng cùng chồng lên núi ở, chồng cày cấy, vợ dệt vải, ngày ngày ngâm thơ đàn hát, sống cuộc sống thanh bần mà hạnh phúc.
Vợ Hứa Doãn
Hứa Doãn đời Đông Tấn lấy con gái Nguyễn Đức Uy, tên Nguyễn Thị làm vợ. Đêm động phòng hoa chúc, Hứa Doãn phát hiện ra con gái nhà họ Nguyễn xấu quá, vội chạy khỏi tân phòng, từ đấy trở đi không dám vào phòng vợ nữa.
Sau đó Hằng Phạm là bạn của Hữa Doãn đến thăm, nói với ông rằng “Nhà họ Nguyễn gả con gái họ cho anh là có lý do, anh thử hỏi xem”. Hứa Doãn nghe lời Hằng Phạm, cuối cùng đã chịu vào phòng. Nhưng vừa nhìn thấy dung mạo xấu xí của vợ, Hữa Doãn lại chạy ra ngoài, Nguyễn Thị giữ chồng lại. Hứa Doãn vừa giật tay áo vừa hỏi “Trong tứ đức thì nàng có mấy đức?” Nguyễn Thị trả lời “Thiếp chỉ thiếu đức dung. Người quân tử có 100 đức, chàng có được bao nhiêu đức?” Doãn Hứa trả lời: “Ta có đủ 100 đức”. Nguyễn Thị nói “Trong một trăm đức, chữ đức đứng đầu. Chàng ham sắc mà khinh tài, vậy có thể coi là đủ một trăm đức không?” Hứa Doãn không nói được gì. Từ đó về sau chàng rất yêu mến và quý trọng vợ.