TIN TỨC » Hồ sơ tư liệu

Bà hoàng đang tâm giết con chỉ vì hoan lạc tình ái

Thứ ba, 07/02/2012 09:18

Hồ thái hậu của nhà Bắc Ngụy không những câu kết với thân vương đại thần làm lũng đoạn triều chính mà còn đang tâm lập mưu giết chết con mình để có thể thỏa mãn dục vọng của bản thân…

1. Hồ thị vốn chỉ là một phi tần của Tuyên Vũ đế, có người con trai là Nguyên Hủ được phong thái tử. Trước đó, nhà Bắc Ngụy từng có trường hợp thái hậu lộng quyền, làm đảo điên triều chính nên mới có quy định giết chết mẹ thái tử để tránh lặp lại chuyện này. Tuy nhiên đến đời Tuyên Vũ Đế Nguyên Khác (499 - 515) lại quyết định bỏ lệ đó nên Hồ thị thoát chết. Hồ thị được cất nhắc từ bậc Thừa hoa lên Sung hoa.

Hồ thị lại được các hoạn quan Lưu Đằng, Hầu Cương cùng các đại thần Vu Trung, Thôi Quang ra sức bảo vệ nên tránh được lệ xử chết. Năm 515, Bắc Ngụy Tuyên Vũ Đế chết, con là Nguyên Hủ mới 6 tuổi lên thay, tức Bắc Ngụy Hiếu Minh Đế (515 - 528). Hồ thị được tôn làm Hoàng thái phi, rồi Hoàng thái hậu, nắm quyền điều hành triều đình. Nắm được quyền hành, Hồ Thái hậu mời các hoàng thân Cao Dương vương Nguyên Ung, Nhiệm Thành vương Nguyên Trừng, Thanh Hà vương Nguyên Dịch vào nắm quyền, rồi đẩy đại thần Vu Trung từng ủng hộ mình ra làm quan ở ngoài. Hồ Thái hậu cùng các thân vương đại thần ham hưởng lạc xa hoa, xây cất nhiều để thưởng ngoạn khiến dân bị lao dịch nặng. Hà Gian Vương Nguyên Thám của cải chất đống không ai đếm xuể, còn giàu hơn cả Thạch Sùng đời Tây Tấn.  Nguyên Thám cho xây Văn Bá đường tương tự như điện Huy Âm trong Hoàng cung. Trong nhà có giếng ngọc, chai vàng, ngay cả sợi dây thừng để múc nước giếng cũng làm bằng một loại vàng ngũ sắc. Nguyên Sâm lấy bạc làm máng ngựa, lấy vàng làm khâu mồm ngựa, khi có yến tiệc bày la liệt hơn 100 cái lọ vàng và hũ bạc, dùng bát thủy tinh, chén mã não, chén ngọc đỏ để uống rượu, khi ăn uống xong, dẫn khách đi xem các kho tàng chứa đầy vàng bạc châu báu và tơ lụa sản xuất ở các nơi. Trong nhà có hơn 300 kỹ nữ toàn người quốc sắc thiên hương. Chương Vũ Vương Nguyên Dung cũng giàu có không kém.

Hồ thái hậu trên phim

Nhưng về mức độ giàu có và xa hoa thì tất cả đều không sánh được với Thừa tướng Cao Dương Vương Nguyên Ung (con thứ sáu của Hiến Văn Đế). Trong nhà của Cao Vương Dương Nguyên Ung có 6.000 gia nhân, 500 mỹ nữ,… Dinh thự của Nguyên Ung còn đẹp hơn cả Hoàng cung. Trong khi đó tài sản của Nguyên Ung lại sánh ngang với ngân khố quốc gia. Hà Gian vương Nguyên Thám cùng với Cao Dương vương Nguyên Ung thách nhau về sự giàu có như Thạch Sùng và Vương Khải nhà Tấn trước đây. Trong khi đó, Hồ Thái hậu còn bày ra việc dắt hơn 100 vương công đại thần tới xem kho vải rồi bảo ai muốn lấy bao nhiêu cứ lấy. Kết quả là Lý Sùng và Nguyên Dung vì tham lấy nhiều nên vác quá nặng và bị ngã. Lý Sùng bị vẹo lưng, còn Nguyên Dung bị trật chân, thành trò cười nổi tiếng ở kinh thành lúc đó. 2. Không chỉ sống một cuộc sống xa hoa, hưởng lạc cùng các vương thân, đại thần, Hồ Thái hậu còn có đời sống tình dục hết sức phóng khoáng và đầy dâm loạn. Ở cương vị Thái hậu nhưng Hồ thị mới chỉ có 33 tuổi. Vậy nên, Hồ thị quyết không chịu cảnh buồng the lạnh lùng nên ra sức “sưu tầm” tình nhân cho cuộc sống tình dục trong cung cấm của mình. Hồ Thái hậu còn dâm loạn đến độ “cưỡng bức” đàn ông. Những người được Hồ Thái hậu “ưng mắt” dù không muốn cũng buộc phải quan hệ trong sự ép buộc của Thái hậu. Về việc Hồ Thái hậu mê trai, ham mê tình dục, sách “Lương thư - Dương Hoa truyện” còn lưu truyền một câu chuyện về điều này. Chuyện viết rằng, Hồ Thái hậu hồi đó biết đến một mỹ nam tử nổi tiếng là Dương Hoa. Bà ra lệnh triệu chàng vào cung để ép chuyện mây mưa. Mỹ nam này nghe nói sợ quá đã phải bỏ trốn. Thái hậu tiếc đến nỗi sáng tác một khúc hát rất bi thiết có tên là “Dương Bạch Hoa ca từ”, bắt các cung nhân hát nỉ non suốt ngày. Tuy nhiên, Hồ Thái hậu không để tâm trí của mình chôn sâu trong nỗi đau thất tình với Dương Hoa mà nhanh chóng được khỏa lấp bằng những cuộc ăn chơi, hưởng lạc với các đại thần khác. Hoàng thân Nguyên Dịch được Hồ Thái hậu chọn làm người phục vụ chăn gối. Nguyên Dịch vừa đẹp trai vừa lắm tài, rất được lòng Thái hậu, lại có thân phận vương gia nên nhanh chóng trở thành đại thần phụ chính, quyền hành bao trùm trong triều đình, thậm chí là có phần lấn át cả hai đại thần vốn có thế lực rất lớn là hoàng thân Nguyên Xoa (hoàng thân họ xa đồng thời là em rể Hồ Thái hậu) và nội quan Lưu Đằng (người bảo vệ Hồ Thái hậu thời trước). Nguyên Xoa và Lưu Đằng căm ghét Nguyên Dịch. Tháng 7 năm 520, hai người cùng nhau bàn mưu nói Dịch mưu phản cướp ngôi, phát động chính biến, giết chết Dịch và bắt giam Hồ Thái hậu. Thứ sử Tương Châu Trung Sơn vương Nguyên Hy phản đối việc giết Nguyên Dịch, bèn dấy quân chống Nguyên Xoa nhưng bị thủ hạ phản lại nên bị Nguyên Xoa giết chết. Năm 521, tướng Hề Khang Sinh cùng phe với Hồ Thái hậu nổi dậy chống lại cũng bị giết. Để tạo vỏ bọc cho mình, Nguyên Xoa và Lưu Bằng mời Cao Dương vương Ung cùng nhiếp chính nhưng trên thực tế quyền hành chỉ tập trung trong tay Nguyên Xoa và Lưu Đằng. Hai người tham lam, ăn nhiều tiền đút lót để bán quan chức nên chính sự càng ngày càng rối. 3. Năm 523, Lưu Đằng chết. Bộ tộc Nhu Nhiên ở phía Bắc nhân lúc Bắc Ngụy rối ren bèn mang quân quấy phá. Dân chúng ở vùng biên bị đói, thỉnh cầu triều đình phát lương nhưng không được đáp ứng. Sáu trấn biên giới là Ốc Dã, Hoài Sóc, Vũ Xuyên, Phủ Minh, Nhu Huyền và Hoài Hoang bèn nổi dậy giết chết tướng sở tại Vu Cảnh mà khởi nghĩa. Năm 525, Hiếu Minh Đế  Nguyên Hủ đã 16 tuổi. Hồ Thái hậu bị giam cầm, năn nỉ vua con Nguyên Hủ nói với Nguyên Xoa cho ra ngoài.  Do đích thân Nguyên Hủ đề cập đến chuyện thả Hồ Thái hậu nên Nguyên Xoa không nghi ngờ, bèn thả Hồ Thái hậu ra. Ngay khi vừa được thả ra, hai mẹ con Hồ Thái Hậu, Nguyên Hủ liền đồng mưu với Cao Dương Vương Ung để đối phó với Nguyên Xoa. Cả ba người bày ra việc có người tố cáo Nguyên Xoa câu kết với quân sáu trấn làm phản. Kết quả Nguyên Xoa bị bắt rồi xử tử. Hồ Thái hậu trở lại nắm quyền hành. Cũng giống như trước khi bị giam cầm, Hồ Thái Hậu chỉ mải mê hưởng lạc, tư thông với đại thần Trịnh Nghiễm mà không hề chăm lo đến chính sự hay các vấn đề trong đời sống của người dân. Song, lúc này, Hiếu Minh Đế đã lớn, không cam chịu bị Hồ Thái hậu sai khiến. Cộng thêm với việc những hành động hưởng lạc tư tình của Hồ Thái hậu diễn ra quá công khai và ngày càng trụy lạc đã khiến cho Hiếu Minh Đế không thể chấp nhận được. Hồ Thái hậu thấy được ý phản đối của Hiếu Minh Đế, liền tìm cách gạt bỏ hoặc giết chết những người gần gũi với vua con nên quan hệ mẹ con ngày càng xấu. Nhà Lương ở phía Nam nhân lúc Bắc Ngụy khó khăn, Lương Vũ Đế Tiêu Diễn bèn tấn công lên phía Bắc. Năm 526, quân Lương chiếm 52 thành ở Thọ Dương của Bắc Ngụy, Triều đình Ngụy không có phương kế nào chiếm lại. Hiếu Minh Đế muốn dựa vào Tù trưởng bộ lạc Tú Dung Nhĩ Chu Vinh để chống lại phe Thái hậu. Tháng 1 năm 528, Nhĩ Chu Vinh nghe theo mưu kế của thủ hạ Cao Hoan, chuẩn bị dấy binh đánh vào Lạc Dương với danh nghĩa "dẹp trừ Trịnh Nghiễm để làm sạch chỗ bên cạnh vua". Tuy nhiên, Nhĩ Chu Vinh chưa kịp phát binh thì trong triều đình đã xảy ra chính biến. Hóa ra, Hồ thái hậu đã nhanh tay hơn người con trai của mình. Trong lúc Nhĩ Chu Vinh còn chưa kịp xuất quân thì bà đã hạ độc giết chết Nguyên Hủ và lập cháu nội Hiếu Văn Đế là Nguyên Chiêu mới lên 3 tuổi lên làm vua. Về chuyện này, có sách viết rằng, Hồ Thái hậu bị chê trách vì lối sống lăng loàn, đã lập mưu giết Nguyên Hủ để không còn bị cấm đoán. Vì bà tuyên bố nếu đưa lên bàn cân thì tình nhân của bà luôn quan trọng hơn đứa con ruột thịt. Để thực hiện âm mưu này, khi phi tần của Nguyên Hủ sinh con gái, Thái hậu vẫn công bố là con trai và ban lệnh đại xá thiên hạ. Một tháng sau, bà đầu độc Nguyên Hủ rồi thông báo đức vua băng hà vì bạo bệnh, lập thái tử nối ngôi. Được vài ngày, bà lại cho biết do phát hiện vua mới hóa ra là con gái nên phế bỏ, lập Nguyên Chiêu làm vua. Giết con chẳng những là hành động tàn ác của vị Thái hậu họ Hồ, mà còn là một việc làm ngông cuồng và ngu xuẩn. Việc làm đó khiến bà gặp họa sát thân. Nhĩ Chu Vinh đang sắp sửa kéo quân về Lạc Dương giúp Hoàng đế Nguyên Hủ thì nghe nói nhà vua đã bị đầu độc, bèn lập một vị vương gia là Nguyên Tử Du làm vua mới, khởi binh kéo đến kinh đô Lạc Dương để “làm rõ về cái chết của tiên đế”, hỏi tội Trịnh Nghiễm và Hồ Thái hậu. Thấy tình hình nguy cấp, Trịnh Nghiễm vội cao chạy xa bay, bỏ mặc người tình là Hồ Thái hậu bơ vơ. Bà sợ quá phải xuống tóc đi tu để trốn, nhưng vẫn bị Nhĩ Chu Vinh bắt được. Hồ Thái hậu và vị hoàng đế 3 tuổi do bà lập nên bị Nhĩ Chu Vinh dìm chết trên sông Hoàng Hà. Thế là người đàn bà nhiều dục tính mà ít nhân tính cuối cùng cũng gặp kết cục bi thảm, chỉ thương cho một cậu bé vô tội vì bà mà chết oan.
Phunutoday