Trong xã hội phong kiến, một xã hội trọng nam khinh nữ, đàn ông có thể đường đường chính chính năm thê bảy thiếp. Trong khi đó, giống như một món đồ trong tay những người đàn ông, phụ nữ cùng với người, vài chục người, vài trăm người, thậm chí là vài ngàn người cùng chung một người đàn ông.
Thực tế, bản chất của vấn đề nằm ở một chữ “quyền”. Trong một xã hội nam quyền, những quyền lợi của người phụ nữ là do người đàn ông quy định và ban phát. Tuy nhiên, trong tiến trình lịch sử, cũng có lúc, đàn ông “ngủ gật” và người phụ nữ nắm giữ quyền lực.
Tuy nhiên, ngay cả những lúc ấy, do sự đè nén lâu dài của những quan niệm về lễ giáo truyền thống trong xã hội phong kiến, người phụ nữ cũng không hề dám khoa trương trong việc chiếm đoạt những người đàn ông giống như họ đã từng làm với phụ nữ.
Ngược lại, người phụ nữ lại luôn phải giấu giếm và vụng trộm. Chính vì thế, khi người phụ nữ đã cầm quyền thì việc tìm kiếm “nam sủng” hay nói cách khác là những tình nhân bí mật vẫn là phương thức tối ưu nhằm thỏa mãn những nhu cầu của họ.
Trong lịch sử, những người phụ nữ có quyền lực bí mật tuyển mộ nam sủng là chuyện không hiếm gặp. Chẳng hạn như hoàng hậu Giả Nam Phong thời Tây Tấn, không những dâm loạn với quan thái y Lệnh Trình Cứ mà còn sai người đi khắp nơi để tìm kiếm những “tiểu lại” (quan nhỏ, phụ việc) “có dùng mạo khôi ngô, tuấn tú và tráng kiện”.
Thời Bắc Ngụy cũng có Phùng Thái hậu, đầu tiên là sủng ái Dịch, sau đó lại cho phép Vương Duệ thoải mái ra vào phòng ngủ, tiếp đó, Lý Xung cũng được cho gọi vào diện kiến ở sau rèm. Thời Bắc Tề cũng có Hồ Thái hậu, “ngoại tình với cả sư tăng”…
So với những người phụ nữ này, Võ Tắc Thiên là người duy nhất lên ngôi hoàng đế, nghĩa là người phụ nữ duy nhất bước lên tới đỉnh cao của quyền lực thời phong kiến. Vì thế, việc chiêu nạp nam sủng của Võ Mị Nương cũng có chút khác biệt so với các bậc tiền nhân.
Có thể nói, Võ Tắc Thiên tuyển chọn nam sủng chủ yếu là nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu tình dục. Điều này có liên quan khá mật thiết tới đặc điểm nhu cầu tình dục khá lớn ở những người phụ nữ của gia tộc họ Võ. Khi mẹ ruột của Võ Tắc Thiên – Vinh Quốc Phu nhân (sau này đổi lại làm Thái Nguyên Vương phi) đã 88 tuổi nhưng nhu cầu tình dục vẫn rất lớn.
Tới mức, Vinh Quốc Phu nhân đã loạn luân với đứa cháu ngoại của mình là Hạ Lan Mẫn. Điều này được ghi chép rất rõ trong sách “Cựu Đường Thư”: “Mẫn tuổi còn trẻ lại khôi ngô tuấn tú, vì thế được đưa tới hầu hạ Vinh Quốc Phu nhân”.
Sách “Tân Đường Thư” cũng có ghi chép tương tự. Ngay cả một người chấp bút nổi tiếng cẩn thận như sử gia Tư Mã Quang cũng viết trong sách “Tư trị thông giám” rằng: “Mẫn khôi ngô tuấn tú vì thế được đưa cho Thái Nguyên Vương phi”.
Từ đó, có thể thấy, việc Vinh Quốc Phu nhân loạn luân với cháu bên họ ngoại của mình hoàn toàn không phải là chuyện bịa đặt. Một người phụ nữ khác trong gia tộc họ Võ tiêu biểu cho đặc điểm này chính là Thái Bình Công chúa, con gái ruột của Võ Tắc Thiên.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà những cuộc tình đình đám của cô công chúa nổi danh triều Đại Đường vẫn còn được lưu lại cho tới ngày nay. Ngoài ra, còn phải kể đến chị gái của Võ Tắc Thiên – Hàn Quốc Phu nhân, cháu gái Ngụy Quốc Phu nhân,…
Họ đều là những người phụ nữ không chịu sống trong cảnh chăn đơn gối chiếc, ngược lại, sẵn sàng vượt thoát khỏi mọi rào cản của lễ giáo để thỏa mãn những nhu cầu bản năng của một người phụ nữ. Trong một gia tộc như vậy, Võ Tắc Thiên hoàn toàn không phải là ngoại lệ.
Võ Tắc Thiên vào cung năm 14 tuổi. Sử chép: “Đường Thái Tông nghe tiếng Võ Mị Nương xinh đẹp, mới triệu vào cung”. Từ đây, có thể khẳng định, một ông vua xuất thân võ tướng như Đường Thái Tông tuyệt đối sẽ không bỏ qua một mỹ nữ xinh đẹp như Võ Mị Nương.
Tuy nhiên, Võ thị từ nhỏ tính cách đã mạnh mẽ khác người, hoàn toàn không có sự dịu dàng của những người phụ nữ bình thường do chẳng bao lâu sau, Võ Mị Nương đã bị Đường Thái Tông gạt sang một bên, phải chịu cảnh cô đơn ghẻ lạnh trong suốt hơn 20 năm.
Cũng chính vì thế, trong suốt 20 năm ấy, Võ Tắc Thiên không hề có con, tước vị cũng chỉ là tài nhân. Sau khi Đường Thái Tông chết, Võ Tắc Thiên xuất gia, sau đó cải giá lấy Đường Cao Tông. Đường Cao Tông có 8 người con trai, 4 người con gái.
Trong đó, 4 người con trai sau và 2 người con gái sau đều là do Võ Tắc Thiên sinh. Chỉ riêng số lượng con mà Võ Tắc Thiên sinh ra cũng đủ chứng tỏ nhu cầu chăn gối của Võ Thị không hề ít. Những năm cuối đời, Đường Cao Tông mắc rất nhiều bệnh, cơ thể suy nhược.
Điều này khiến nhu cầu chăn gối của Võ Tắc Thiên gần như không được đáp ứng. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ mà Võ Tắc Thiên dồn hết mọi tâm trí và sức lực cho việc đoạt quyền, chính vì thế, ở giai đoạn này, người ta chưa thấy Võ Tắc Thiên bộc lộ sự dâm loạn của mình.
Quyền lực là một thứ viagra đối với đàn ông, nhưng với phụ nữ, nó cũng là thứ thuốc kích thích rất mạnh. Một người quyền lực càng lớn, địa vị càng cao thì việc thể hiện dục vọng càng mãnh liệt. Năm Hoằng Đạo thứ nhất, tức năm 683, Đường Cao Tông bạo bệnh qua đời, Võ Tắc Thiên độc bá triều chính.
Lúc này, khi cuộc đấu tranh giành quyền lực đã kết thúc, cơ thể được thả lỏng, nhu cầu bản năng vốn trước kia bị khuất lấp bởi những kế hoạch, mưu mô nay lại trở về. Vì thế, có thể nói, việc tuyển chọn nam sủng là điều tất yếu đối với một quả phụ nữ Võ Tắc Thiên.
Tiết Hoài Nghĩa, Thẩm Nam Cù, Trương Dịch Chi, Trương Xương Tông,… lần lượt trở thành các sủng nam hầu hạ ngày đêm bên cạnh vị nữ hoàng duy nhất trong lịch sử. Dưới gầm trời này, không có đất nơi nào không thuộc về vua, dân dưới gầm trời này không có ai không phải là thần dân của vua.
Tuy nhiên, đàn ông trong thiên hạ Đại Đường lúc bấy giờ nhiều vô số kể và những người hy vọng có một ngày trở thành người tình bí mật của nữ hoàng họ Võ cũng không ít? Vậy, nữ hoàng Võ Tắc Thiên làm thế nào để chọn lựa cho mình một người tình xứng đáng trong vô vàn những ứng cử viên như vậy?
Những nam sủng của Võ Tắc Thiên tất thảy đều là những mỹ nam, nghĩa là những người đàn ông khôi ngô, tuấn tú. Từ những mô tả trong sử sách, có thể thấy rất rõ điều này. Tiết Hoài Nghĩa, người tình đầu tiên và cũng là một trong những người tình nổi tiếng bậc nhất của Võ Tắc Thiên được mô tả trong “Cựu Đường Thư” là một người đàn ông tướng mạo bất phàm, cao lớn, uy vũ hơn người.
Về Thẩm Nam Cù, sử liệu không ghi chép nhiều về dáng vẻ bề ngoài cũng như tướng mạo. Tuy nhiên, có thể đoán định rằng, họ Thẩm được lựa chọn vào chốn hậu cung để chuyên trị bệnh cho hoàng đế, hoàng hậu và những nhân vật hoàng thân quốc thích khác thì chắc chắn phải là một người đàn ông nho nhã, ôn hòa và đặc biệt là dịu dàng.
Về Chương Dịch Chi, sách “Cựu Đường Thư” có chép: “Tuổi ngoài đôi mươi, mặt đẹp, da trắng như con gái”. Về Trương Xương Tông, sách này cũng mô tả là “khuôn mặt đẹp tựa như hoa sen”. Có thể nói, anh em họ Trương là những người đàn ông rất điển trai, theo cách nói của người hiện đại. Ngoài ra, theo như sách Cựu Đường Thư thì:
“Thiên hậu (chỉ Võ Tắc Thiên) mệnh lệnh tuyển chọn những thiêu niên trắng trẻo, xinh đẹp để làm người hầu hạ bên cạnh mình”. Từ đây, có thể khẳng định, nguyên tắc số một để chọn mỹ nam của Võ Tắc Thiên chính là trẻ tuổi và có khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú.
Sủng nam của Võ Tắc Thiên đều là những người đàn ông khỏe mạnh. Sách “Cựu Đường Thư” có chép: Tiết Hoài Nghĩa “có tài đặc biệt, có thể phục vụ bên cạnh (thái hậu) được”. Vì thế, sau khi Võ Tắc Thiên thử qua đã “rất vui”. Tiết Hoài Nghĩa vì thế mà ngày càng được sủng ái.
Sau khi Tiết Hoài Nghĩa thất sủng, Thẩm Nam Cù chính là người thay thế. Sách “Đường sử diễn nghĩa” có chép: “Nam Cù có khả năng trong chuyện phòng the, không hề kém Tiết Hoài Nghĩa, Võ Tắc Thiên vì thế mà rất thích”.
Mặc dù đây chỉ là một cuốn “diễn nghĩa”, có nhiều chi tiết hư cấu, song theo lý thì việc Nam Cù có khả năng rất tốt trong chuyện phòng the là rất đáng tin. Tới lượt anh em họ Trương, Võ Tắc Thiên ban đầu rất vừa lòng với khả năng phòng the của Trương Xương Tông. Sau đó, nghe nói “khả năng” của Dịch Chi còn lợi hại hơn cả anh, Võ Tắc Thiên liền cho triệu kiến Xương Tông và ngay lập tức Trương Xương Tông được sủng ái.
Ngoài ra, sách “Cựu Đường Thi” cũng có chép: “Quan trưởng sử Hầu Tường Vân cơ thể khỏe mạnh, sức mạnh còn hơn cả Tiết Hoài Nghĩa, nhờ vậy mà được gọi tới phục vụ Võ Tắc Thiên”. Từ những ghi chép nêu trên, có thể khẳng định, Võ Tắc Thiên khi chọn “nam sủng” rất quan tâm tới khả năng chăn gối của các ứng viên.
Trẻ tuổi, khôi ngô, tráng kiện là ba nguyên tắc quan trọng số 1 trong việc tuyển chọn mỹ nam của Võ Tắc Thiên. Trước là vì nhu cầu, sau là để thỏa mãn sở thích. Tuy nhiên, điều đáng nói là, những người đàn ông đáp ứng đủ 3 điều kiện nêu trên liệu có thể trở thành nam sủng của nữ hoàng họ Võ hay không?
Câu trả lời không phải là chắc chắn. Chẳng phải nói đâu xa, đơn cử như văn nhân nổi tiếng đời Đường – Tống Chi Vấn đã bị Võ Tắc Thiên hắt hủi mặc dù hội đủ các tố chất cần thiết của một “nam sủng”. Sách “Tân Đường Thư” chép rằng, Tống Chi Vấn là một người tướng mạo khôi ngô, lại có tài hùng biện.
Có thể nói là tố chất của họ Tống không tồi, có thể đáp ứng được yêu cầu của nữ hoàng họ Võ. Vì thế khi Võ Tắc Thiên hạ lệnh tuyển chọn những thiếu niên khôi ngô, tuấn tú để làm người hầu hạ bên cạnh mình thì Tống Chi Vấn đã rục rịch muốn có ngày được “tựa mình rồng” nên đã viết một bài thơ để thể hiện sự ngưỡng mộ của mình với nữ hoàng.
Tuy nhiên, sau khi Võ Tắc Thiên xem xong bài thơ, lạnh lùng nói: “Ta không phải không biết Chi Vấn có tài, tuy nhiên, người này miệng có vấn đề”. Hóa ra, Tống Chi Vấn bị viêm lợi, miệng nói thường có mùi hôi khó chịu.
Vì thế, dù Tống Chi Vấn tuấn tú lại tài hoa, song Võ Tắc Thiên vẫn không chịu chọn họ Tống làm sủng nam của mình. Tống Chi Vấn vì thế mà cả đời cảm thấy hổ thẹn.
Thực tế, việc Võ Thiên từ chối Tống Chi Vấn, ngoài nguyên nhân “hôi miệng”, còn có nguyên nhân khác là do họ Tống quá lộ liễu. Võ Tắc Thiên lúc bấy giờ tuy đã là hoàng đế và dù có thích có sủng nam, song dù sao thì Võ thị vẫn là phụ nữ, do vậy vẫn muốn có sự kín đáo nhất định.
Tuy nhiên, Tống Chi Vấn lại là văn nhân, thích khoe khoang, cực đoan hóa mọi chuyện. Một người vừa có khiếm khuyết về mặt sinh lý, lại không biết kín miệng như vậy chẳng cần nói tới là Võ Tắc Thiên, một người phụ nữ thông thường dù có thích họ Tống thế nào đi nữa cũng không dám qua lại với ông ta.
Thực ra, không chỉ có Tống Chi Vấn, phàm là những người công khai tự tiến cử, bất luận là phụ thân tiến cử con hoặc tự mình tiến cử là “khôi ngô tuấn tú”, “tuổi trẻ tài cao” hay “công phu hơn người”,… đều bị Võ Tắc Thiên nhất loạt từ chối.
Ngay cả chiếu chỉ “tuyển chọn những thiếu niên xinh đẹp để đưa vào cung hầu hạ” sau khi bị các đại thần khuyên ngăn cũng đã được Võ Tắc Thiên hủy bỏ. Từ đó, có thể thấy, khi tuyển chọn nam sủng, Võ Tắc Thiên rất chú ý tới ảnh hưởng của nó tới uy tín và quyền lực của mình.
Do ảnh hưởng từ đặc tính di truyền của gia tộc, lại bị kích thích bởi việc quyền lực vô hạn của một nữ hoàng đế, nhu cầu gần gũi đàn ông của Võ Tắc Thiên những năm cuối đời rất lớn. Tuy nhiên, cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, Võ Tắc Thiên trước sau cũng chỉ có 4 nam sủng mà thôi.
Tiết Hoài Nghĩa là do cô con gái Thiên Kim Công chúa bí mật dâng tặng. Trương Xương Tông là do Thái Bình Công chúa tiến cử, Trương Dịch Chi là do chính Trương Xương Tông giới thiệu còn Thẩm Nam Cù chính là người tình bí mật của Võ Tắc Thiên.
Hơn nữa, sau khi 4người này nhập cung, hoàn toàn không gây ra bất cứ thiệt hại hay ảnh hưởng nào đáng kể đối với triều Đại Chu do Võ Tắc Thiên xây dựng. Ngược lại, nhờ chuyện chăn gối được thỏa mãn, Võ Tắc Thiên càng như trẻ mãi không già, thi triển được hết tài năng trị quốc của mình.
Trên thực tế, ngoài việc thỏa mãn những nhu cầu bản năng, việc chiêu nạp các nam sủng của Võ Tắc Thiên còn đáp ứng nhu cầu về mặt chính trị. Võ Tắc Thiên cả đời theo đuổi quyền lực, đặc biệt là giai đoạn trước khi xưng đế và giai đoạn về già.
Với một người ôm mộng nắm giữ quyền lực tối thượng như Võ thị, rất cần có những người tâm phúc giúp đỡ mình những công việc bí mật. Trong tình huống đó, những người đầu gối tay ấm với Võ Tắc Thiên không phải nghi ngờ gì chính là những người đáng tin nhất.
Chẳng hạn, Võ Tắc Thiên để cho Tiết Hoài Nghĩa giả làm tăng nhân, rồi lệnh cho Tiết viết “Đại Vân Kinh”, tuyên truyền rằng, Võ Tắc Thiên là do Di Đà sinh ra. Đây là bước đi nhằm xây dựng nền móng cho việc xưng đế một cách hợp lý của Võ Tắc Thiên.
Sau đó, Võ Tắc Thiên lại phong cho Trương Xương Tông làm Tu sử sứ, làm nhiệm vụ viết cuốn “Tam giáo chu anh”. Theo lệnh của Võ Tắc Thiên, Trương Xương Tông đã tập hợp 26 người, đều là những danh sĩ nổi tiếng đương thời để tổ chức biên soạn cuốn sách.
Thực tế, việc biên soạn cuốn sách chỉ là phụ, mục đích thật sự của Võ Tắc Thiên là muốn bồi dưỡng đội ngũ cận thần tương lai của triều Đại Chu…
Có thể nói, nếu như không có sự giúp đỡ của những “nam sủng”, Võ Tắc Thiên chưa chắc đã lên ngôi hoàng đế một cách dễ dàng. Không có nam sủng, Võ Tắc Thiên chắc gì đã giữ được sự trẻ trung, sức sống và tinh lực để làm những công việc vốn xưa nay chỉ dành cho đàn ông: Làm chúa tể thiên hạ.
Về điểm này, với tư cách là người hưởng lợi một cách trực tiếp, Võ Tắc Thiên biết rất rõ, do vậy mà càng thêm sủng ái, cưng chiều các nam sủng của mình. Đây cũng chính là lý do mà người ta thấy Võ Tắc Thiên không hề ngần ngại trong việc phong quan thưởng tước cho những tình nhân của mình.
Võ Tắc Thiên ban đầu phong cho Tiết Hoài Nghĩa làm Lương Quốc Công, sau đó lại đổi lại là Ngạc Quốc Công, ban tặng cho Tiết đủ thứ vinh hoa phú quý. Nếu như không phải vì Tiết Hoài Nghĩa ghen tuông, dùng lửa đốt cháy Minh Đường thì hẳn Võ Tắc Thiên không nỡ lòng nào xuống tay với y.
Về sau, khi anh em Trương Xương Tông và Trương Dịch Chi đắc sủng cũng quyền lực khuynh đảo triều chính một thời. Ngay cả Võ Thừa Tự, Võ Tam Tư là cháu ruột của Võ Tắc Thiên cũng phải tranh nhau cầm cương dắt ngựa cho hai anh em họ Trương. Có thể nói, Võ Tắc Thiên thực sự hết lòng hết nghĩa với những người tình của mình.
Tuy nhiên, cũng vì chuyện nam sủng, Võ Tắc Thiên bị người đời dị nghị. Nhiều người vì chuyện nam sủng mà gọi Võ Tắc Thiên là người phụ nữ dâm loạn, lăng loàn, thậm chí có người còn viết hẳn một cuốn sách nhằm bêu xấu Võ Tắc Thiên, xóa bỏ mọi công lao của Võ Tắc Thiên đã làm được.
Thực ra, dù nhu cầu về mặt sinh lý của Võ Tắc Thiên rất lớn, song trong suốt cả cuộc đời mình, mặc dù ngôi trên ngai vàng với quyền lực tột đỉnh, Võ thị cũng chỉ có 4 người tình. So với những Đường Thái Tông, Đường Cao Tông, Đường Huyền Tông thì đó chỉ là một số vô cùng nhỏ.
Thêm nữa, khi Võ Tắc Thiên chọn nam sủng, Đường Cao Tông đã qua đời. Võ Tắc Thiên lúc bấy giờ là quả phụ, độc thân, việc tìm kiếm một người bạn khác giới là chuyện bình thường, không thể nói như vậy là dâm loạn được.
Năm Thần Long thứ nhất, tức năm 705, Trương Dịch Chi phát động chính biến, giết anh em họ Trương, bức Võ Tắc Thiên phải thoái vị, nhà Đường của họ Lý được khôi phục trở lại. Sau hơn nửa thế kỷ đứng trên đỉnh cao của danh vọng và quyền lực, cuối cùng, Võ Tắc Thiên cũng không tránh được kết cục bi kịch.
Mất đi quyền lực, lại không có ai bên cạnh chăm sóc, an ủi, một phụ nữ đã ngoài 80 như Võ Tắc Thiên đương nhiên suy sụp rất nhanh. Tháng 11 năm đó, Võ Tắc Thiên bạo bệnh qua đời. Sau khi chết, Võ thị được chôn cùng với Đường Cao Tông trong Càn Lăng.
Trước cửa vào Càn Lăng có 2 tấm bia bằng đá, một tấm dành cho Đường Cao Tông và một tấm dành cho Võ Tắc Thiên. Tuy nhiên, tấm bia dành cho Võ Tắc Thiên không hề có chữ.
Người ta nói rằng, việc dành cho Võ Tắc Thiên một tấm bia không chữ là sự trừng phạt đối với những gì bà đã làm. Song điều đó cũng có nghĩa là, công hay tội của Võ Tắc Thiên sẽ do thời gian trả lời.