TIN TỨC » Hồ sơ tư liệu

Bạch công tử và những cuộc tình lưu truyền hậu thế

Thứ hai, 22/04/2013 16:42

Bạch công tử nổi tiếng Nam Kỳ những năm 1920 với phong cách ăn chơi phong lưu quý tộc phương Tây, thời đó có không ít giai nhân tài sắc vây quanh.

Bạch công tử tên thật Lê Công Phước (1901-1950), tên Tây là George Phước, một tay chơi nổi tiếng ở miền Nam những năm đầu thế kỷ 20. Cậu George Phước cao lớn, trắng trẻo, đẹp trai, nên người đời gán cho cậu mỹ danh “Bạch công tử” để phân biệt với Hắc công tử Trần Trinh Huy (Công tử Bạc Liêu) có nước da hơi ngăm đen. Lê Công Phước để lại nhiều giai thoại về ăn chơi hoang phí, nhưng ông cũng là người có rất nhiều đóng góp cho nghệ thuật cải lương ở miền Nam thời đó.

Bạch công tử và hoa khôi Nam Kỳ

Các nhà văn, nhà báo tiền bối mô tả cô Ba Trà như “ngôi sao” Sài Gòn, “hoa khôi” Nam Kỳ, và sắc đẹp của cô Ba Trà từng là niềm mơ ước của tất cả người Sài Gòn, Lục tỉnh. Nhà văn, hoạ sĩ lão thành Phạm Thăng kể rằng: “Hồi trước tôi có được xem một tấm hình huê khôi Ba Trà, là một thiếu nữ đẹp tuyệt trần, đài các như một bà hoàng, quần áo lụa cùng màu, có quàng khăn voan mỏng, ngồi trên xe mui trần lượn trên đường phố Sài Gòn, đăng trên bìa một tờ báo”.

Cô ba Trần Ngọc Trà còn được mệnh danh bà hoàng vũ trường, sòng bài Sài Gòn hồi cuối thế kỷ 19. Những bậc “máu mặt” đều biết rất rõ, cô Ba Trà chỉ thích chia cho mỗi ngưòi một mảnh tình “gặm” chơi đỡ buồn, chứ đừng ai mong lấy được “ngôi sao” Sài Gòn làm của riêng hay làm người yêu vĩnh viễn vì cô Ba đã lập gia đình vài ba lần và rồi tan vỡ.

Cô ba Trần Ngọc Trà còn được mệnh danh bà hoàng vũ trường, sòng bài Sài Gòn hồi cuối thế kỷ 19.

Với nhan sắc hiếm có cộng với trí thông minh của mình, cô không chỉ lần lượt “đốn ngã” hàng loạt những tay chơi hào hoa giàu có bậc nhất Sài Gòn, mà cả Nam Vang , Băng Cốc.

Cậu Phước George gặp cô Ba Trà trong sòng bạc, khi cô thua sạch túi. Dịp đó, cậu Tư rủ cô nên đi miền Tây chơi một chuyến cho giải buồn, và tìm sòng khác gỡ lại. Chiếc xe sport Fiat của cậu Tư chở cô Ba Trà thẳng xuống Cần Thơ và nghỉ tại khách sạn Hôtel de L'Ouest của nhà tư sản Trần Đắc Nghĩa, nằm trên đại lộ Delanoue, dân chúng địa phương cũng gọi là đường “Kinh lấp” vì nơi đây thường tổ chức hốt me lậu.

Vào khách sạn, cậu Tư đi tắm cho mát, cởi chiếc cà rá hột xoàn trị giá 3.000 đồng thời đó để trên bàn, bước vô phòng tắm. Lúc ra, thấy cô Ba Trà đã đeo chiếc cà rá vào ngón tay vừa cười vừa nói:  “Anh Tư coi vừa ngón tay em quá nè!”, cậu Tư vui vẻ: “Vừa thì đeo luôn đi, anh cho em đó”.

Trong khi đó, công tử Ba Qui cũng quen biết, “phải lòng” và đang theo tìm dấu cô Ba Trà. Khi thấy chiếc xe cậu Tư đậu trước khách sạn, cậu Ba Qui liền lên lầu kiếm. Chạm mặt cậu Tư đang hôn cô Ba Trà, cậu Ba Qui không tỏ ra khó chịu hay ghen tương gì cả. Hai bên tay bắt mặt mừng, tỏ ra cao thượng và quí phái. Mấy hôm sau, về Sài Gòn, cậu Ba Qui dẫn cô Ba Trà đến tiệm bán hột xoàn danh tiếng trên lầu thương xá Charner, mua cho cô Ba Trà chiếc nhẫn hột xoàn lớn gấp đôi chiếc của cậu Tư.

Cô Ba Trà cũng chỉ là người tình một thời của Bạch công tử vì giai nhân Sài Gòn coi đời “lạnh như băng”, yêu nhiều người nhưng không gắn bó với ai cả.

Người tình quý tộc Princesse Olga

Theo lời người thân của gia đình tiết lộ, trong thời gian gần hai năm du lịch và ăn chơi bên Pháp (1931-1932), cậu Tư có một người tình quý tộc, đó là Princesse Olga, người thuộc dòng dõi Nga Hoàng Nicolai II. Lúc ấy dân ăn chơi quý tộc, gọi cậu là "Ông Hoàng xứ Galles" (Prince de Galles), là tước hiệu của Thái tử Charles sau này.

Trong lần gánh Phước Cương qua Pháp biểu diễn ra mắt khán giả Pháp và Việt kiều với các vở: “Phụng Nghi Đình”, “Xử án Bàng Qúy Phi”, và "Tứ Đổ Tường". Sau đó gánh hát Phước Cương còn đến diễn tại hội chợ Vincennes, Bảy Nhiêu, danh tài số 1 đóng cặp với đào Năm Phỉ đang hồi sáng chói. Mỗi vở hát chỉ diễn một màn tiêu biểu... được khán giả Pháp Việt rất hoan nghênh.

Chân dung Bạch công tử.

Ở Paris, mỗi ngày cậu Tư đều mặc một bộ đồ khác nhau, có khi cậu mặc habit hay smoking. Lúc nào Phước George cũng đội nón Flécher, ngậm xì-gà, tay cầm ba-ton bằng gỗ mun bịt vàng. Mùa lạnh cậu có thêm áo khoác ngoài. Hằng ngày, cậu và nhóm bạn chỉ ăn uống tại các nhà hàng danh tiếng vào buổi tối, còn buổi trưa ăn tại khách sạn do người bếp cậu đưa từ Việt Nam sang nấu.

Cậu cũng có mặt thường xuyên tại nhà hàng Table des Mandarins. Những đêm đi dạ hội, cậu hay khoác tay người tình là công chúa Olga đến các hộp đêm Palermo ở khu Montmartre hay khu Saint Germain des Prés, khu Champs Élysée... Cậu Tư thật sự là một ông hoàng, cùng công chúa Olga, cây đinh của những buổi tiệc tùng sang trọng.

Trong 18 tháng ăn chơi ở Âu Châu, "ông hoàng xứ Galles", cậu Tư Phước George có một lịch trình hưởng các lạc thú khắp nơi trên đất Pháp. Hầu hết các chuyện ăn chơi đều có công chúa Olga đồng hành. Các tháng mùa Hè, cậu Tư cùng các bạn lái xe xuống phía Nam, nghỉ hè tại các thành phố biển danh tiếng như Canne, Nice... nằm ven bờ Địa Trung Hải. Có khi cao hứng, cậu Tư cùng Olga vượt rặng Pyrénées qua Tây Ban Nha xem đấu bò, hoặc khiêu vũ. Ban ngày cậu Tư tắm biển, ngồi du thuyền câu cá. Về đêm, cậu và nhóm bạn bè có mặt tại các hộp đêm sang trọng. Mùa Đông, sau khi hưởng trọn vẹn lễ Giáng Sinh tại Paris, cậu Tư thường đưa Olga đi trượt tuyết ở núi Alpes, và đến các khu du lịch, thể thao.

“Tiếng sét ái tình” với cô đào Bảy Phùng Há

Bạch công tử vốn là người rất mê cải lương nên có một thời công tử trúng “tiếng sét ái tình” của cô đào Bảy Phùng Há.

Cô Bảy Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh ngày 30/4/1911, tại làng Điều Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh  Tiền Giang). Thân phụ của bà là ông Trương Nhân Trưởng, người gốc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, còn thân mẫu bà là Lê Thị Mai, người tỉnh Mỹ Tho. Bà là người con thứ bảy trong gia đình, tên Phụng Hảo được phát âm theo âm Quảng Đông là Phùng Há, vì vậy mà từ nhỏ bà đã được gọi là Bảy Phùng Há, sau này trở thành nghệ danh theo suốt cuộc đời nghệ sĩ của bà.

Cô Bảy Phùng Há khi xưa.

Năm lên 9 tuổi, cha qua đời, gia đình lâm vào cảnh nghèo khó nên cô Bảy Phùng Há phải sớm nghỉ học đi làm kiếm tiền phụ gia đình. 13 tuổi, cô làm công trong một lò gạch, vừa đi làm vừa tập hát với mất chú công nhân trong lò gạch và tiếng hát cô Bảy Phùng Há vô tình được ông bầu của gánh hát Nam Đồng Ban chú ý. Cô được mời làm đào chính của gánh hát Tái Đồng Ban năm 13 tuổi. Hai năm sau thì kết hôn với nghệ sĩ Tư Chơi chính là người “thầy tuồng” của cô.

Sau khi kết hôn được ba năm, cô Bảy Phùng Há gặp Bạch công tử. Bạch công tử làm quen và say mê tiếng hát của cô, đêm nào cũng ngồi thưởng thức tài ca diễn của cô Bảy Phùng Há. Cũng vì mê tiếng hát và trúng “tiếng sét ái tình” của cô đào Phùng Há, Bạch công tử quyết đầu tư vào sân khấu cải lương. Sau này hai người kết hôn và thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ. Hoạt động được ít lâu, do bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, gánh hát Huỳnh Kỳ cũng giải tán.

Bạch công tử chia tay cô Bảy Phùng Há, rồi tiếp tục u mê trong chốn ăn chơi sa đọa. Còn cô Bảy Phùng Há đã đứng dậy làm lại từ đầu và bà đã trở thành người đóng góp nhiều nhất cho sân khấu cải lương trong thế kỷ 20.

Theo Kienthuc.net.vn