Ludwig van Beethoven là nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Trước khi qua đời năm 1827, ông đã phải trải qua phần lớn cuộc đời trong sự hành hạ của bệnh tật, đau đớn. Vì vậy, việc ông thực sự chết vì bệnh gì rất được quan tâm. Bản thân Beethoven trước khi qua đời cũng gửi thư cho em trai, nhắn nhủ: “Nếu anh chết mà bác sĩ Schmidt còn sống, em dứt khoát phải nhờ bác sĩ khám phá ra nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của anh, và hãy để bức thư này cùng với giấy chứng tử của anh, để anh được trả lại sự trong sạch sau khi chết”. Và phải đến gần đây, sự thực về bệnh tình của nhạc sĩ thiên tài mới được sáng tỏ.
Nghi án giang mai
Sinh thời, Beethoven từng bị đồn là mắc bệnh giang mai. Vì thế sau cái chết của ông, rất nhiều người tin rằng, căn bệnh tai tiếng này chính là nguyên nhân khiến ông ra đi sớm như vậy. Ngoài một số lời đồn rằng ông lây bệnh từ các cuộc dan díu, lời đồn phổ biến nhất là ông mắc giang mai bẩm sinh do mẹ truyền cho. Theo giả thuyết này, mẹ Beethoven, bà Maria Magdalena Keverich, con gái một người đầu bếp cung đình, từng làm người hầu gái trong cung và kết hôn với một đồng nghiệp. Bà đã lây bệnh giang mai từ ông này và căn bệnh đã gây hậu quả đau thương cho những đứa con mà bà có với người chồng sau, ông Johann, trong đó có Beethoven. Bà sinh 6 người con với Johann thì ba người bị điếc (Beethoven cũng bị điếc rất sớm), hai bị mù và một bị thiểu năng trí tuệ, và cuối cùng chỉ ba người sống sót.
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã giải oan cho nhạc sĩ. Các nhà khoa học đã xét nghiệm tóc của Beethoven và khẳng định, ông không mắc bệnh giang mai. Tiến sĩ Walsh (Viện Nghiên cứu bảo vệ sức khỏe, bang Illinois, Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết nếu nhạc sĩ mắc bệnh giang mai, trong cơ thể ông phải có dư lượng lớn thủy ngân, chất được dùng phổ biến để chữa bệnh giang mai thời đó. Tuy nhiên kết quả xét nghiệm cho thấy, hàm lượng thủy ngân trong cơ thể nhạc sĩ không hề cao hơn người bình thường.
Chết vì ngộ độc mãn tính
Vậy nếu không phải giang mai thì căn bệnh nào đã cướp đi cuộc sống của Beethoven? Nhóm nghiên cứu của Walsh khẳng định, nhạc sĩ chết vì nhiễm độc chì nặng. Họ đã xét nghiệm 8 sợi tóc của Beethoven mà những người bạn của ông đã cắt trộm sau khi ông qua đời để giữ làm kỷ niệm, và nhận thấy lượng chì trong cơ thể nhạc sĩ thiên tài cao gấp hàng trăm lần so với người bình thường.
Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne ở Chicago, Mỹ cũng phân tích một mẩu xương sọ của nhà soạn nhạc và khẳng định, Beethoven đã bị nhiễm độc chì nặng rất nhiều năm, ngay từ tuổi 20.
Nghiên cứu bệnh án của Beethoven, các chuyên gia cũng tìm thấy rất nhiều triệu chứng điển hình của tình trạng nhiễm độc chì, xuất hiện ngay từ thời thanh niên: nhạc sĩ thiên tài thường xuyên đau bụng, tính tình cáu kỉnh, dễ bẳn gắt. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, có khả năng thính lực của ông giảm mạnh, nhanh chóng và dẫn đến điếc hẳn ở tuổi 30 một phần cũng do nhiễm độc chì.
Vậy tại sao Beethoven lại bị nhiễm độc chì? Đây cũng là điều gây nhiều tranh cãi và khiến nhiều nhà khoa học lao tâm khổ tứ tìm hiểu. Có người cho rằng, thứ kim loại nặng độc hại này có trong loại rượu vang mà nhạc sĩ thường uống, bởi chì vẫn có mặt trong những loại rượu được thanh lọc bởi litharge (protoxyde de plomb). Cũng có thể loại nước ở điểm tắm nước nóng mà các bác sĩ khuyên Beethoven uống để cải thiện tình trạng giảm thính lực cũng chứa hàm lượng chì lớn.
Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu tin rằng, Beethoven đã bị nhiễm chì do quá trình chữa trị, hay nói cách khác, chính vị bác sĩ chữa bệnh cho ông đã vô tình đẩy bệnh nhân vào chỗ chết. Nhiều loại thuốc chữa bệnh mà nhạc sĩ dùng chứa chất chì. Ngoài ra, do Beethoven bị xơ gan cổ trướng nặng, nên bác sĩ Andreas Ignaz Wawruch phải nhiều lần chọc dò để hút dịch trong ổ bụng cho ông. Sau mỗi lần làm thủ thuật này, bác sĩ đắp vào vết thương một loại thuốc. Theo các nhà nghiên cứu, loại thuốc này chứa hàm lượng chì lớn, mục đích sử dụng là giúp chỗ chọc dò nhanh liền sẹo.
Tiến sĩ Christian Reiter, thuộc đại học Vienne, đã phân tích kỹ các sợi tóc của Beethoven và phát hiện, nồng độ chì trong cơ thể nhạc sĩ cao vọt lên tương ứng với thời gian thực hiện các đợt chọc dò hút dịch được ghi trong bệnh án. Lượng chì trong thuốc lẽ ra không đến mức gây chết người, nhưng với Beethoven lại khác: gan của ông đã quá suy yếu nên không thể lọc, thải chất độc.