Bí ẩn xung quanh Đại lộ số 16 hẻo lánh nối hai thành phố Price George và Prince Rupert ở tỉnh British Columbia, Canada khiến nhiều người nghĩ đến là rùng mình. Cung đường này giờ được mọi người gọi là “Đại lộ Nước mắt”. Nhiều người tin rằng những phụ nữ bị mất tích đã trở thành “con mồi” của một kẻ giết người hàng loạt chuyên săn lùng các thiếu nữ trẻ.
Tuy nhiên điều kỳ lạ là cảnh sát chưa bao giờ xác định được thậm chí chỉ là một kẻ tình nghi trong vụ án. Còn những người phụ nữ không may mắn khi đi qua tuyến đường này vẫn lần lượt biến mất không để lại một dấu vết. Gần đây nhất là trường hợp cô gái 20 tuổi Madison Scott biến mất gần Đại lộ Nước mắt vào ngày 28 tháng 5 năm 2011 sau khi tham dự một bữa tiệc dã ngoại. Cảnh sát đã tìm thấy lều trại và chiếc xe của nạn nhân, nhưng thiếu nữ trẻ thì mất tích không để lại dấu vết.
Một năm sau, bố mẹ của Madison vẫn không bỏ cuộc và tiếp tục đi tìm con gái. Họ thậm chí còn treo thưởng 100.000 USD cho ai cung cấp thông tin liên quan đến sự mất tích của cô gái trẻ.
Sandra Kelly Klassen, cô của Madison, đau đớn viết trên một trang web: “Sau một năm dài đằng đẵng đầy khó khăn, cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục. Gia đình, bạn bè vẫn không ngừng cầu xin sự giúp đỡ để mong tìm lại Maddy. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng thực sự nào cho biết điều gì đã xảy ra với con bé”.
Trong khi đó, Hannah White, phóng viên của tờ báo Vanderhoof Omineca Express, cho biết sự mất tích của Madison đã gây rúng động trong cộng đồng. Cả thị trấn đến giờ vẫn còn cảm thấy hoang mang và không biết điều gì đã xảy ra.
“Cô bé vẫn còn tỉnh táo trước khi mất tích. Chúng tôi không tin rằng cô gái đã ngã xuống hồ nước trong khi say rượu, điều đó rất vô lý. Tôi không biết liệu họ có thể tìm thấy cô bé cho đến thời điểm này nữa hay không”, Hannah White nói.
Mặc dù các nhà chức trách công bố số phụ nữ mất tích trên Đại lộ Nước mắt là 18 người, những tộc trưởng trong vùng khẳng định con số này là 43 người. Cảnh sát cho biết có 8 vụ mất tích trong số này có sự liên kết đặc biệt và có thể là do cùng một thủ phạm gây ra. Ánh sáng le lói duy nhất của hàng loạt vụ mất tích bí ẩn là khi cảnh sát đăng truy nã hình phác thảo một người đàn ông đứng tuổi đã cố gắng bắt cóc một cô gái 20 tuổi gần Đại lộ số 16. Tuy nhiên, người ta chưa bao giờ tìm thấy gã đàn ông này.
Rất nhiều phụ nữ bị mất tích trên con đường này là người sống trong các bộ tộc thổ dân và thường dùng cách vẫy xe dọc đường như một phương thức di chuyển. Theo cảnh sát, đây có thể là yếu tố khiến cho họ trở thành mục tiêu dễ ra tay của kẻ xấu. Khi các vụ mất tích liên tục diễn ra, những phụ nữ trong vùng đã không còn dám vẫy xe dọc đường nữa mặc dù ở vùng nghèo khó này, nhiều người không có đủ tiền để trang trải cho phương tiện đi lại. Chris Freimond, một đại diện của Ủy ban điều tra Các vụ mất tích phụ nữ, phân tích: “Có thể một số kẻ bệnh hoạn đã thấy những phụ nữ vẫy xe một mình là con mồi dễ săn. Các thị trấn nằm cách xa nhau và đoạn đường đi lại khá dài. Đôi khi, radio và điện thoại di động còn bị mất sóng”. Rất nhiều người tỏ ra bất bình vì các vụ mất tích ban đầu chỉ được điều tra một cách qua quít. Chỉ đến khi Nicole Hoar, một cô gái 25 tuổi mất tích vào năm 2002, khiến gia đình các nạn nhân bị mất tích trước đó lên tiếng chỉ trích thì vụ án mới bắt đầu được điều tra một cách kỹ lưỡng.
Những cuộc điều tra không mang lại kết quả khiến nhiều gia đình có người bị mất tích phải tự tìm cách vén màn bí ẩn. Ray Michalko, một thám tử tư có trụ sở đóng tại Vancouver, được thuê để bắt đầu điều tra các vụ mất tích từ năm 2006. Ông cho biết: “Cảnh sát đã không làm được gì nhiều. Tôi quan hệ tốt với những người dân trong vùng và tôi nghĩ rằng có thể việc điều tra sẽ hiệu quả hơn nếu không nhờ đến cảnh sát”. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của thám tử này vẫn chưa được đáp trả. Mặc dù bỏ ra đến 40 tiếng một tuần để lần theo manh mỗi, tấm màn bí ẩn không lời giải đáp vẫn bao phủ lên những vụ mất tích.