Người dân Trung Quốc mỗi khi nhận xét về ba cô con gái nhà họ Tống (Tống Ái Linh, Tống Khánh Linh và Tống Mỹ Linh) thường nói: "Cô cả yêu tiền, cô hai yêu nước, cô ba yêu quyền". Chính vì "yêu quyền" mà Tống Mỹ Linh đã dễ dàng từ bỏ mối tình đầu đầy thơ mộng với Lưu Kỷ Văn để cùng sánh vai với Tưởng Giới Thạch, trở thành Đệ nhất phu nhân quyền uy.
Mỹ Linh là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc hiện đại. Sinh năm 1897 tại Thượng Hải, qua đời năm 2003 tại Mỹ ở tuổi 106, bà là chứng nhân quan trọng của lịch sử cận đại và hiện đại Trung Quốc.
Bà có một vị thế đặc biệt: là phu nhân của Tưởng Giới Thạch, người lãnh đạo Quốc dân Đảng Trung Quốc thay thế Tôn Trung Sơn, nắm giữ chính quyền ở Trung Quốc.
Mỹ Linh là người con thứ 4 trong số 6 người con của gia đình ông Tống Diệu Như - một thương gia kiêm nhà truyền đạo Cơ đốc. Người anh cả, Tống Tử Văn, là một thương nhân rất thành đạt, từng được liệt vào danh sách những người giàu nhất thế giới. Ông nắm giữ chức Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính và Ngoại trưởng trong chính quyền Tưởng Giới Thạch ở những thời kỳ khác nhau. Hai người chị là Tống Ái Linh và Tống Khánh Linh, vốn nổi tiếng vì sắc đẹp và các cuộc hôn nhân với những người đàn ông có ảnh hưởng lớn nhất tại Trung Quốc thời kỳ trước Thế chiến II.
Chị đầu tiên là Ái Linh kết hôn với Khổng Tường Hy, một chủ nhà băng giàu có đồng thời là Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính của chính phủ Quốc dân Đảng. Hai vợ chồng kiếm lợi từ việc khéo léo lợi dụng các nguồn tin từ bên trong. Còn chị thứ hai Khánh Linh kết hôn với Tôn Trung Sơn, người lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc chủ nghĩa lật đổ đế chế phong kiến cuối cùng tại Trung Quốc năm 1911, sau này bà đi theo Đảng Cộng sản và trở thành Phó Chủ tịch nước CHND Trung Hoa cho đến khi qua đời.
Tống Mỹ Linh và mối tình đầu
Trước khi gặp Tưởng Giới Thạch, Tống Mỹ Linh đã đem lòng yêu Lưu Kỷ Văn, chàng trai đất Giang Tô có gương mặt thanh tú, phong thái lịch thiệp và lối sống thì đậm vẻ phương Tây. Cả hai đều du học ở Mỹ: Mỹ Linh học Trường Nữ học còn Kỷ Văn tu nghiệp tại Đại học Harvard. Hiện trong hồ sơ lưu trữ của Trường Nữ học còn ghi lại: "Vị hôn phu tương lai của cô Tống là một lưu học sinh Trung Quốc. Hai người sẽ chính thức kết hôn vào một thời điểm hiện còn chưa xác định".
Dĩ nhiên, với một con người đầy toan tính như Tống Mỹ Linh, "thời điểm... chưa xác định" đó đã chẳng bao giờ tới!
Trở về nước, đã mấy lần Lưu Kỷ Văn đề nghị tổ chức lễ cưới, nhưng cả mấy lần Mỹ Linh đều khéo léo gạt đi. Rõ ràng, trong suy xét của cô, Kỷ Văn tuy có nhiều nét đáng yêu song không phải là người chồng lý tưởng, khó có thể đáp ứng được những tham vọng đang chất chứa trong tâm hồn cô lúc đó.
Cuộc hôn nhân với Tưởng Giới Thạch
Năm 1917, khi Mỹ Linh từ Mỹ về đến Thượng Hải thì cả hai bà chị của cô đã lập gia đình. Trong gia đình họ Tống, Mỹ Linh trở thành điểm thu hút chói sáng, hấp dẫn nhất. Với dung nhan yêu kiều, lại biết nhiều thứ tiếng, trình độ văn hóa sâu rộng, Mỹ Linh đã chiếm được cảm tình của không ít các nhân sĩ, học giả, chính khách thường lui tới ngôi biệt thự rộng lớn (có cả phòng nhảy) của gia đình cô ở đường Hàng Phi - Thượng Hải.
So với nhiều người thì Tưởng Giới Thạch thuộc vào dạng biết đến Mỹ Linh hơi... muộn, song đó lại chính là nhân vật vừa biết "tấn công" vừa biết "trường kỳ mai phục" một cách ngoan cường nhất.
Lần đầu tiên Tưởng bước chân vào tư dinh nhà họ Tống là vào một tối tháng 12 năm 1922. Bấy giờ, với danh nghĩa kẻ phò tá trung thành của Tôn Trung Sơn, Tưởng được mời tới dự buổi dạ hội do Tống Tử Văn (anh trai Tống Mỹ Linh) tổ chức. Tại đây, Tưởng được giới thiệu làm quen với Tống Mỹ Linh và ngay lập tức, nhan sắc và phong thái của tiểu thư họ Tống đã làm Tưởng mê đắm.
Từng là thư ký của Tổng Mỹ Linh, Trương Tử Cát đã viết cuốn sách “Những tháng năm bên cạnh Tống Mỹ Linh” và đem đến những câu chuyện mà ít người biết đến về người phụ nữ sắc sảo này.
Sau cuộc gặp “sét đánh” đó, hai người đã trao đổi số điện thoại và gửi thư cho nhau thường xuyên, tình cảm của họ cũng ngày càng sâu đậm.
Hơn thế, một phép tính hiện nhanh trong đầu ông ta: Đây là em vợ Tôn Tổng thống (Tôn Trung Sơn), gia đình tài lực hùng hậu, các anh rể và anh trai đều có ảnh hưởng chính trị rất sâu rộng...
Để đạt được mục đích, một mặt Tưởng khẩn cầu Tôn Trung Sơn - người đang có thiện cảm với ông ta - những mong ông lựa lời vận động vợ là Tống Khánh Linh, một mặt Tưởng năng đi lại chỗ Tống Ái Linh, hy vọng trong vai trò chị cả, bà sẽ có tác động phụ trợ.
Lần đó, qua sự sắp xếp của Tống Ái Linh, Tưởng Giới Thạch từ Quảng Châu lên Thượng Hải và gặp Tống Mỹ Linh ở một quán cà phê. Khi Mỹ Linh dùng những ngón tay thon thả xoay xoay tách cà phê thì Tưởng - từ bên kia bàn nắm chặt lấy bàn tay ấy. Là một tướng lĩnh quân sự, Tưởng Giới Thạch có cái bạo dạn, tự tin khác hẳn với sự nhẹ nhàng, điềm đạm của Lưu Kỷ Văn. Mỹ Linh rút mạnh tay, chăm chú nhìn ông ta, nói:
- Tôi không yêu ngài! Tôi đã có chồng chưa cưới. Anh ấy đang học để thi lấy học vị tiến sĩ tại Trường đại học Harvard... Chúng tôi đính hôn được 5 năm...
Nói đến đó, bỗng nhiên nước mắt Mỹ Linh trào ra.
Tưởng Giới Thạch lại một lần nữa nắm chặt tay Mỹ Linh, nói:
- Nàng khóc, cho thấy lòng nàng đang mâu thuẫn. Tôi không thể rút lui, tôi sẽ cạnh tranh với anh ta.
- Ngài không thể đoạt được cái mà người ta yêu - Mỹ Linh nghiêm khắc cảnh báo.
Tưởng Giới Thạch nói thẳng vào vấn đề:
- Anh ta mới chỉ là chồng chưa cưới của nàng. Tôi không làm điều gì vi phạm đạo đức. Nàng không thoát khỏi tôi đâu. Tôi nhìn thấy tâm sự của nàng, nàng có biết không? Tôi muốn thống nhất đất nước đang chia năm xẻ bảy của chúng ta. Tôi cần một người phụ nữ tốt giúp đỡ tôi và người đó là nàng. Lưu Kỷ Văn cao nhất chỉ có thể trở thành một học giả. Nàng là người thông minh, xin suy nghĩ cho kỹ!
Những lời Tưởng nói đã đánh trúng những điều Mỹ Linh đang còn phân vân. Cùng đặt Kỷ Văn lên bàn cân, rõ ràng Tưởng Giới Thạch nặng hơn nhiều.
Kể từ tháng 5/1924, sau khi được ủy nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Quân sự Hoàng Phố, con đường quan lộ của Tưởng Giới Thạch thăng tiến vùn vụt. Đến tháng 7/1926, ông ta đã vươn tới vị thế Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Trung ương Quốc dân Đảng, Tổng tư lệnh Bắc phạt quân, tập trung mọi quyền lực của Đảng, quân đội trong tay. Tháng 3/1927, Tưởng đưa quân tiến đến Nam Kinh, Thượng Hải. Tháng 4 năm đó, tại nhà họ Tống, một lần nữa Tưởng cầu hôn với Tống Mỹ Linh.
Để giải quyết sự việc, họ Tống mở hội nghị gia đình. Kết quả: Đại đa số vẫn không đồng ý.
Ngày 15/5 năm đó, dưới sự "hợp tác" của Tống Ái Linh, Tưởng cử đội vệ sĩ đến đón Tống Mỹ Linh đi Tiêu Sơn du ngoạn và nghỉ ngơi. Theo lệnh Tưởng, trong xe chất đầy hoa tươi. Bản thân Tưởng thì trút bỏ quân phục, mặc comple, đội mũ kiểu Ponama, đi giày trắng...
Cô gái đang độ xuân xanh, trong hơn mười ngày được tận mắt chứng kiến cảnh núi sông hùng vĩ, lại được Tổng Tư lệnh Tưởng trực tiếp đi theo "hướng dẫn", đã cảm thấy trong lòng nhiều phấn khích. Chuyến đi này quyết định vị thế "Đệ nhất phu nhân" của Tống Mỹ Linh.
Tháng 8/1927, do những mâu thuẫn dẫn đến công kích lẫn nhau giữa chính phủ Nam Kinh mà Tưởng đang cầm đầu và chính phủ Vũ Hán do Uông Tinh Vệ khống chế, Tưởng phải chịu nhiều áp lực trong Đảng. Với phương sách "lấy thoái để tiến", Tưởng tuyên bố từ chức. Ngày 13/8, Tưởng dẫn hơn hai trăm thân tín rời Nam Kinh, qua Thượng Hải, Ninh Ba về quê hương Khê Khẩu, ngụ trong chùa Tuyết Đậu. Chính tại đây, trong thân phận kẻ "võ nhân bãi chức, dứt khỏi việc đời", Tưởng đã viết cho người đẹp họ Tống một bức thư lời lẽ vô cùng tha thiết:
"Lâu nay chỉ lo việc quân cơ, mà lòng vẫn luôn nghĩ đến người đẹp nghiêng thành, trên đời này chỉ có mình em... Năm qua chiến sự giao tranh ác liệt, cứ tự trách mình chỉ lo công việc. Bây giờ nghĩ lại, mơ tưởng tới dung nhan kiều diễm của em mà lòng yêu thương không sao kìm nén. Nhưng không biết ở nơi xa xôi, em có hiểu được lòng tôi?".
Đến đây, có thể nói mọi nỗ lực theo đuổi của Tưởng Giới Thạch đã đạt kết quả. Mỹ Linh bị chinh phục hoàn toàn. Đối với cô, Tưởng là một con người có ý chí và ý chí ấy không dễ gì bị khuất phục.
Vậy là Tống Mỹ Linh gật đầu. Vấn đề chỉ còn ở phía gia đình.
Phải nói ngay rằng, vợ chồng Tống Ái Linh - Khổng Tường Hy là những người ủng hộ cuộc hôn nhân của Tưởng Giới Thạch với em gái họ đầu tiên, vì họ rất tin vào "tiền đồ" của Tưởng.
Tống Tử Văn vì nể người bạn đồng học là Lưu Kỷ Văn nên lúc đầu còn kiên quyết phản đối, sau đổi ý kiến. Riêng Tống Khánh Linh thì trước sau như một, không bao giờ bà chấp nhận cuộc hôn nhân này (chỉ có điều, sau chính biến phản cách mạng 12 tháng 4, bà không đi chung một con đường với họ Tống nữa).
Người có quyền quyết định "tối cao" không ai khác là Nghê Quế Trân, mẹ của ba cô (ông Tống Gia Thụ, chồng bà đã mất từ năm 1918). Bà không tán đồng cuộc hôn nhân bởi ba lý do:
1- Tưởng là một quân nhân.
2- Tưởng đã từng kết hôn. Và bà lo ngại điều tiếng của thiên hạ về sự lăng nhăng của Tưởng.
3- Tưởng không phải là tín đồ Cơ đốc giáo.
Tuy nhiên, bởi con gái, con trai và các con rể đều ra sức thuyết phục, vun vén cho mối tình Tưởng Giới Thạch - Tống Mỹ Linh, thành thử về sau bà Quế Trân cũng không công khai phản đối cuộc hôn nhân này nữa.
Về phần mình, Tưởng Giới Thạch cũng đã hết sức cố gắng để giải quyết dứt điểm những điều bà mẹ vợ tương lai của mình còn do dự. Sự thực, trước khi lấy Tống Mỹ Linh, Tưởng đã có tới ba lần làm... chú rể.
Và những lần kết hôn sau, chẳng bao giờ ông ta làm thủ tục ly hôn người vợ trước. Lần này thì khác, Tưởng phải nghiêm túc tiến hành "thanh lý" nhà cửa với những thê thiếp cũ của mình. Hơn thế, để chứng thực với mọi người (trước nhất là với bà Quế Trân và chị em Tống Mỹ Linh), Tưởng ra tuyên bố cắt đứt quan hệ vợ chồng với vợ cả Mao Phúc Mai, với vợ hờ Diên Di Thành và vợ hai Trần Khiết Như. "Bằng chứng" là trước hôn nhân Tưởng - Tống, trên một tờ báo ở Thượng Hải đã đăng mẩu tin ly hôn: "Mao thị là vợ cả, đã ly dị từ lâu; hai họ Diêu - Trần, vốn không có khế ước".
Về vấn đề tín ngưỡng tôn giáo, để được kết hôn với Tống Mỹ Linh, Tưởng đã tự nguyện theo đạo, tự nguyện nghiên cứu Kinh Thánh. Điều này khiến bà Quế Trân lấy làm hài lòng và Mỹ Linh thì thực sự mãn nguyện.
Lễ thành hôn của Tưởng Giới Thạch - Tống Mỹ Linh được tổ chức vào ngày 1/12/1927 đã gây chú ý của dư luận trong nước cũng như trên thế giới. Không ít báo chí đã đưa tin, kèm ảnh cùng lời bình luận trái ngược nhau về sự kiện đặc biệt này.
Nhắc tới Tống Mỹ Linh, không thể không nhắc tới vị trí của bà trong lịch sử cận đại. Một người từ nhỏ đã chịu sự giáo dục của phương tây như bà đã trở thành một trong những huyền thoại cận đại và cuộc hôn nhân của bà với Tưởng Giới Thạch càng bị coi là cuộc hôn nhân có mục đích chính trị vì từ khi kết hôn hai người không hề sinh con. Tuy nhiên, trong cuốn nhật ký của Tưởng Giới Thạch từng ghi rằng “phu nhân bị sảy thai, bệnh nặng”, điều đó chứng tỏ rằng Tống Mỹ Linh đã từng mang thai. Ngoài ra, trong nhật ký của Tưởng Giới Thạch còn bày tỏ khát vọng có một đứa con.
Hôn nhân của Tống Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch có thể có mục đích chính trị từ đầu nhưng sự hâm hộ của Tưởng Giới Thạch với Tống Mỹ Linh là có thật vì trong đoạn nhật ký đã ghi “tài hoa, đức hạnh, thật khó quên”. Mặc dù tình cảm giữa hai người đã được bồi đắp sau khi kết hôn nhưng trong những lúc xuất hiện trước công chúng hai người luôn thân mật với nhau.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của hai người chỉ được một thời kỳ đầu hạnh phúc. Càng về sau, sóng gió càng nhiều, một phần do tính trăng hoa của Tưởng, một phần do tham vọng chính trị quá lớn của Mỹ Linh.
Đã từng có những lời đồn đại về các cuộc tình vụng trộm của Tưởng đến mức ông phải tổ chức một cuộc họp báo để bác bỏ việc có quan hệ với một nữ y tá riêng. Về phần mình, Tống Mỹ Linh đã phàn nàn với một tướng lĩnh trong quân đội Mỹ rằng bà không thể sống chung với Tưởng. Và cũng đã Mỹ Linh thú nhận bà “chưa bao giờ có quan hệ chăn gối với Tưởng”.
Trong suốt một thập niên Quốc dân Đảng lãnh đạo Trung Quốc từ 1927-1937, Mỹ Linh luôn bận rộn chuyện “chính sự”. Bà đảm đương rất nhiều công việc quan trọng như thúc đẩy sự phát triển của lực lượng không quân Trung Quốc, làm phiên dịch kiêm thư ký, cố vấn và tuyên truyền viên cho Quốc dân Đảng của chồng.
Là một nhà trung gian giữa Mỹ và Trung Quốc, Tống Mỹ Linh đã tiến hành vận động chính trị tại nhiều nơi trên đất Mỹ, tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Cairo (Ai Cập) giữa Thủ tướng Anh Winston Churchill, Tổng thống Mỹ Roosevelt và Tưởng Giới Thạch, khiến cho những người có mặt tại buổi họp băn khoăn tự hỏi liệu bà hay ông Tưởng đang đại diện cho Trung Quốc. Bà cũng nắm giữ sổ mật mã thông tin giữa Trùng Khánh (thủ phủ của chính phủ Tưởng Giới Thạch trong chiến tranh) và Nhà Trắng, đồng thời từng ám chỉ tới việc trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc.
Nhận biết được tham vọng của vợ, Tưởng Giới Thạch đã tìm cách hạn chế không cho bà can dự và giải quyết các vấn đề nội chính, điển hình là tách bà khỏi quân đội. Song tài năng thương thuyết và tầm ảnh hưởng của bà trong quan hệ với Mỹ khiến Tưởng không thể không cần đến bà. Điều này được thể hiện rõ nhất qua “Sự biến Tây An”.
Tháng 12/1936, sau khi lực lượng Quốc dân Đảng tại Tây An từ chối giao chiến với lực lượng của Đảng Cộng sản, Tưởng Giới Thạch tới khu vực này và ngay lập tức bị hai viên tướng dưới quyền âm mưu làm phản bắt giam. Tống Mỹ Linh đã nhanh chóng bay tới Tây An và tiến hành cuộc thương lượng thành công với các tướng đó. Kết quả là Tưởng Giới Thạch đã được trả tự do đúng vào ngày Noel năm đó.
Năm 1949, Đảng Cộng sản đã kiểm soát được hầu hết các thành phố lớn của Trung Quốc. Tưởng Giới Thạch cùng Tống Mỹ Linh đã phải rời khỏi Đại lục tháo chạy ra đảo Đài Loan. Thời kỳ này, uy tín của Tống Mỹ Linh trên chính trường vẫn rất lớn.
Bà từng được bầu làm Chủ tịch danh dự Cơ quan Cứu trợ Y tế Trung Quốc của Mỹ - một cơ quan đỡ đầu cho Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế và Chủ tịch danh dự Quỹ Cứu trợ Trung Quốc của Liên hiệp Anh. Suốt thời kỳ cuối thập niên 60, bà nằm trong danh sách 10 người phụ nữ được “ngưỡng mộ” nhất nước Mỹ.
Sau khi tới Đài Loan, Tống Mỹ Linh vẫn là người có địa vị cao trong ngoại giao với Mỹ nhưng quyền lực chính trị dần dần bị hạn chế, đối thủ lớn nhất của bà không phải là người ngoài mà chính là Tưởng Kinh Quốc, con trai cả của Tưởng Giới Thạch.
Tháng 5/1975, Tưởng Giới Thạch qua đời. Tưởng Kinh Quốc không chịu đứng sau quyền lực của Tống Mỹ Linh và muốn tạo ra kỷ nguyên của riêng mình. Bác sỹ riêng của Tưởng Kinh Quốc cho biết: “Kinh Quốc và Tống Mỹ Linh không thống nhất về quan điểm ngoại giao. Mỹ Linh đã nói với Kinh Quốc rằng nếu cứ kiên quyết theo ý mình thì sẽ cho Kinh Quốc tự quản, bà sẽ rời đi”.Từ đó, Tống Mỹ Linh tới New York và không bao giờ quay lại. Kinh Quốc cũng là người có cái tôi cá nhân lớn, khi đã quyết định chuyện gì thì nhất định sẽ làm và không thèm quan tâm tới ý kiến của Tống Mỹ Linh.
Trưa ngày 16/9/1975, Tống Mỹ Linh đã đáp máy bay tới Mỹ, trước khi đi bà đã để lại “thư động viên người dân” dài 3.000 chữ “Tôi đã kiên trì mạnh mẽ trong một thời gian dài và chịu nhiều đau khổ, bây giờ tôi cảm thấy mệt mỏi về thể xác và tinh thần, có lẽ tôi đã bị bệnh và cần đi điều trị gấp”.
Tống Mỹ Linh là người rất coi trọng việc giữ gìn nhan sắc và vóc dáng và tới cuối đời bà càng chăm chút hơn. Da của Tống Mỹ Linh cực kỳ nhạy cảm tới nỗi chỉ cần ăn chút hải sản hay có phấn hoa là bệnh tái phát và gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng tới nhan sắc của bà. Vì vậy mà những người phục vụ bà đều phải hết sức cẩn thận. Bà từng được mời tới làm khách tại Nhà Trắng, do da bà quá nhạy cảm nên mỗi ngày đều phải thay vài cái khăn trải giường. Những người phục vụ trong Nhà Trắng không biết chuyện nên đã than phiền vì thói quen này của bà.
Trong những ngày tháng sống ở tuổi 100, ngày nào Tống Mỹ Linh cũng đều trang điểm, nếu như người giúp việc trang điểm không kỹ hay chải đầu chưa gọn gàng thì nhất định bà sẽ không xuống lầu hoặc không bước ra cửa gặp ai. Tuy nhiên, lý do chủ yếu là Tống Mỹ Linh không muốn người khác nhìn thấy bộ mặt mộc của mình, thậm chí Tưởng Giới Thạch cũng hiếm khi được thấy Tống Mỹ Linh không trang điểm.
Trong những năm tháng cuối đời, Tống Mỹ Linh sống tại căn hộ ở hạt Manhattan, New York hoặc dinh thự của gia đình tại Lattingtown, khu ngoại ô Long Island dành riêng cho giới nhà giàu, cách New York 56 km về phía Đông và sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Tống Mỹ Linh từ chối viết nhật ký hay lưu giữ lại quá khứ của mình vì thế cuộc đời của bà tới nay vẫn còn nhiều bí ẩn.