Người Trung Quốc thường truyền tai nhau câu thành ngữ "Từ nương bán lão, phong vận ưu tồn", ý chỉ già rồi mà vẫn đa tình. Căn nguyên câu thành ngữ này xuất phát chính từ chuyện trăng hoa của vương phi Từ Chiêu Bội - vợ cả của Lương Nguyên Đế Tiêu Dịch.
Gái già đa tình
Lương Nguyên Đế tên thật là Tiêu Dịch (sinh năm 508, mất năm 555), là vị vua thứ 3 của triều Lương thời Nam Bắc Triều trong lịch sử Trung Quốc. Ông được coi là một tài tử đa tài, rất coi trọng việc học hành. Bản thân ông là người hiểu biết rộng, viết chữ đẹp, giỏi thi phú, âm luật, bác cổ tinh kim.
Tuy nhiên, trái ngược với tài năng trời phú, ông lại bất tài trong việc trị quốc và sở hữu một ngoại hình không được hoàn hảo như những người bình thường. Ông bị hỏng một mắt nên có biệt danh là “độc nhãn long”.
Từ Chiêu Bội được biết tới là một mỹ nữ sắc nước hương trời, rất nhiều đàn ông khao khát. Bà được gả cho Tiêu Dịch khi ông vẫn chưa lên ngôi Hoàng đế. Nhưng cuộc hôn nhân của đôi trai tài - gái sắc này không được hạnh phúc.
Sự chênh lệch về ngoại hình khiến Từ Chiêu Bội luôn cảm thấy bất mãn với cuộc sống vợ chồng. Hai người sống với nhau mà không chút mặt nồng, đặc biệt là trong đời sống tình dục. Vị vương phi này chán chồng đến mức bà dám phát tiết ra bằng hành động. Mỗi lần gặp chồng, Từ Chiêu Bội luôn chỉ trang điểm một nửa khuôn, kể cả là khi lên giường.
Bà muốn mỉa mai Tiêu Dịch rằng ông chỉ có một con mắt nên chỉ trang điểm một nửa thôi, còn một nửa không cần. Sự chán nản của bà còn trút vào những chén rượu. Mỗi lần uống rượu say, Từ Chiêu Bội quay sang nôn mửa ra long bào của Tiêu Dịch…
Về phần Tiêu Dịch, ông thừa biết vợ cố tình giễu cợt mình nên cũng tức giận không kém và dần xa lánh vợ. Ông quay sang vui thú với các cung tần mỹ nữ khác. Vậy là người phụ nữ xinh đẹp Từ Chiêu Bội đã bị chồng cho thất sủng. Hai vợ chồng cứ thế xa cách dần nhau.
Nhưng ngay sau khi Tiêu Dịch xa lánh vợ, mải mê với các người đẹp khác, Từ Chiêu Bội lại thoải mái với cuộc sống tự do của mình. Bà không chịu nổi cảnh sống cô độc một mình nên đã bắt đầu tìm kiếm nhân tình để khỏa lấp nỗi cô đơn.
Các tình lang của Từ Chiêu Bội xuất thân từ rất nhiều tầng lớp khác nhau, từ các chàng trai trẻ phong lưu tuấn tú đến cả hòa thượng, thi sĩ... Ngay cả khi đã bước vào tuổi trung niên thì đam mê gối chăn của bà vẫn luôn rạo rực.
Vụ "bê bối tình ái" đầu tiên của Từ Chiêu Bội gắn liền với một hòa thượng phong lưu có tên là Trí Viễn ở chùa Dao Quang tại Kinh Châu, Hồ Bắc, Trung Quốc. Trước sự quyến rũ của quý phi xinh đẹp và đầy ham muốn, vị hòa thượng này đã không kiềm chế được bản thân. Hai người thường xuyên tìm cách tư thông với nhau.
Tuy nhiên, việc liên tục phải tìm cách ra khỏi cung để tìm tới chùa Dao Quang dần tỏ ra bất tiện bởi Từ Chiêu Bội lo sợ những ánh mắt nhòm ngó của người xung quanh. Bởi thế, không lâu sau, bà bắt đầu chuyển sang để mắt tới vị đại thần khác ngay trong triều là Quý Giang.
Khác hẳn với người chồng "độc nhãn" Tiêu Dịch, vị đại thần này sở hữu tướng mạo hết sức khôi ngô, tuấn tú. Và quan trọng hơn là tích cách đa tình, quyến rũ.
Cả hai thường gặp nhau lén lút để thông gian mỗi dịp Quý Giang được mời vào cung hoặc Từ Chiêu Bội chủ động sai người hầu bí mật tới gặp Quý Giang rồi dẫn vào cung tình tự. Sự đam mê xuân sắc của Từ Chiêu Bội đã khiến Quý Giang phải thốt lên rằng: "Từ nương (Từ Chiêu Bội) tuy đã già nhưng vẫn còn đa tình lắm lắm".
Song danh sách người tình của vị vương phi này vẫn không dừng lại ở đó. Hết Quý Giang, Từ Chiêu Bội còn hẹn hò với một thi nhân nổi tiếng đương thời khác là Hạ Huy tại một am ni cô để mây mưa. Vốn đã bị nhà vua ghẻ lạnh từ lâu nên Từ Chiêu Bội cũng chẳng sợ gì danh tiếng bị vẩn đục mà công khai đi lại với người tình trước mắt bàn dân thiên hạ.
Kế hoạch trả thù của người chồng bị “cắm sừng”
Dù ngoại hình thua kém nhưng đường đường lại là vua một nước, quyền lực đầy tay, Tiêu Dịch nghĩ lẽ nào mình không bằng một gã hòa thượng vô danh tiểu tốt, để vợ "cắm sừng" lên đầu với hết người này người khác.
Ngay khi biết chuyện Từ Chiêu Bội tư thông với hòa thượng Trí Viễn, hoàng đế Tiêu Dịch đã nổi giận đùng đùng, sai người đốt chùa Dao Quang, giết chết tình địch.
Nhìn thấy người tình bị thiêu chết ngay trước mặt mình, Từ Chiêu Bội như phát điên. Kể từ đó, tâm lý của bà bắt đầu trở nên biến thái.
Mỗi lần chứng kiến những phi tần trong hậu cung bị Tiêu Dịch ruồng bỏ, Từ Chiêu Bội vui mừng khôn xiết vì những người phụ nữ kia cũng chung số phận bi đát như mình. Mặt khác, bà lại tỏ ra rất độ lượng, giúp đỡ họ, coi họ như tri kỷ của mình. Tuy nhiên, khi phát hiện ra có người phụ nữ nào trong cung mang thai, lập tức vương phi sẽ dùng dao giết chết.
Việc bị vợ cả “cắm sừng” ngày càng chất đầy thêm nỗi oán hận trong lòng Tiêu Dịch. Thêm vào đó, khi chứng kiến sự thay đổi tâm lý đến mức biến thái và tàn bạo của vợ, hoàng đế càng ngày càng chán ghét, căm phẫn. Ông lên kế hoạch quyết tâm trừ bỏ Từ Chiêu Bội để trả thù cho bản thân.
Lợi dụng cơ hội trong cung có một cung nữ bị chết vì bệnh, Tiêu Dịch đã vu cho Từ Chiêu Bội tội giết người vì ghen tuông rồi buộc bà phải tự vẫn. Biết mình không thể thoát khỏi cái chết, Từ Chiêu Bội đành phải nhảy xuống giếng chết, kết thúc cuộc đời mình trong bi thảm.
Tuy nhiên, kế hoạch trả thù của hoàng đế Tiêu Dịch vẫn chưa kết thúc ở đó. Sau khi vợ chết, Tiêu Dịch còn giận dữ sai người cho vớt xác Từ Chiêu Bội lên rồi đem trả về nhà mẹ đẻ. Ông công bố với thiên hạ là mình “xuất thê” (trả vợ về “nơi sản xuất”).
Tiếp đó, ông vua đam mê văn thơ này còn tự tay viết một cuốn sách kể lại toàn bộ hành vi dâm đãng vụng trộm của Từ Chiêu Bội. Sau đó, ông sai người đi dán khắp nơi để thiên hạ được biết, như một cách để giải tỏa mối hận bị “cắm sừng” của mình.
Theo cách nhìn nhận của người thời nay thì hành động lừa dối, “cắm sừng” chồng của hoàng hậu Từ Chiêu Bội có nguyên nhân sâu xa là do bà bị ức chế, đời sống gối chăn không được thỏa mãn. Tuy nhiên, sống trong thời đại bấy giờ, hành động của bà đã gây chấn động cả lịch sử và bà buộc phải trả giá cho lỗi lầm của mình.