Chân Lạc, tên khác là Chân Mật, nàng còn được gọi là Chân phu nhân, Văn Chiêu hoàng hậu, là vợ đầu của Ngụy Văn đế Tào Phi, hoàng đế đầu tiên của nhà Tào Ngụy. Sắc đẹp của nàng đã khiến biết bao nam nhân mê mẩn, trong đó có cả ba cha con nhà họ Tào là Tào Tháo, Tào Phi và Tào Thực.
Nàng Chân Mật đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”
Khi ấy, quan trấn thủ Trung Sơn là Chân Dật có người vợ Trương Thị nổi tiếng xinh đẹp khắp vùng. Họ có năm cô con gái và ba cậu con trai. Trong đó, cô con gái út tên Chân Mật, tỏ ra là người thông minh, nhanh nhẹn nhất, lại ham đọc sách, rất được cha yêu mến. Lên 9 tuổi, Chân Mật rất thích nghe lỏm các anh học bài, dùng bút viết lên nền nhà, các anh trai thấy thế đều cười trêu em gái “Em là con gái nên chăm chỉ học đàn hát, chứ học chữ làm chi?”. Cô bé đáp “Từ xưa tới nay, có hiền nữ nào mà lại không biết chữ. Sách dạy ta rất nhiều điều, dạy cách làm người, cách đối nhân xử thế. Đọc sách mới có thể hiểu được những gì tiền nhân đã trải qua? Không biết chữ làm sao mà đọc sách?”. Các anh trai nghe thấy những lời đó từ cô em gái 9 tuổi của mình thì vô cùng kinh ngạc! Có một lần bà Trương đưa Chân Mật đi xem bói, người thầy bói đã chỉ vào Chân Mật mà nói rằng “Cô bé sau này là người làm rạng rỡ gia đình, có tướng phú quý, nhưng chính cái họa lại ẩn trong cái phúc này!”
Cô bé Chân Mật càng lớn càng xinh đẹp hơn người. Nhắc đến vẻ đẹp của Chân Mật, người ta thường dùng những lời thơ miêu tả dung nhan nàng trong “Lạc thần phú” do Tào Thực viết để ca ngợi. Nàng được miêu tả có hình dáng nhẹ nhàng như con chim hồng giật mình tung cánh bay lên, rạng rỡ như hoa cúc mùa thu, đầy đặn như cây tùng mùa xuân tươi tốt. Nhìn từ xa sáng chói như vầng đông vừa nhô khỏi mây, nhìn gần tươi tắn như hoa sen vừa vươn lên khỏi mặt nước. Béo gầy vừa phải, cao thấp vừa tầm. Đôi vai xinh như gọt, eo nhỏ như nắm tơ mềm, cổ cao xinh xắn, không bao giờ cần đến phấn sáp. Đôi mày cong cong, môi son đỏ hồng, răng trắng thấp thoáng bên trong. Mắt sáng liếc nhìn, lúm đồng tiền trên đôi má. Có người còn nói, khi Chân Mật ngủ, dường như có ai đó đặp tấm ngọc lên mình nàng nên da nàng mới trắng nõn nà đến vậy.
Đến tuổi trăng trằm, Chân Mật nổi tiếng khắp vùng là cô gái xinh đẹp tài giỏi. Viên Thiệu, chúa tể Ký Châu, từ lâu đã nghe danh bèn đến hỏi Chân Mật về làm vợ cho con trai của ông là Viên Hy.
Người đẹp làm xiêu lòng 3 cha con họ Tào
Khi chiến sự nổ ra, họ Viên dần bị Tào Tháo triệt hạ. Năm 204, quân Tào chiếm được thủ phủ Ký Châu, bắt sống gia quyến họ Viên. Theo “Tam quốc diễn nghĩa”, khi thắng trận, Tào Phi (tức con trai lớn của Tào Tháo, khi ấy mới 19 tuổi) dẫn quân xông thẳng vào nhà họ Viên, thấy hai người phụ nữ đang ôm nhau khóc, hỏi ra thì là vợ và con dâu thứ ba của Thiệu Viên. Thấy Tào Phi nhìn Chân Mật không dời mắt, vợ Viên Thiệu bèn dâng cô con dâu cho Phi, mong thoát khỏi cái chết.
Được biết, thực ra từ lâu Tào Tháo đã nghe danh nhà họ Viên có cô con dâu Chân Mật vô cùng xinh đẹp, khi trinh phạt thủ phủ Ký Châu cũng đã có ý định sẽ cướp Chân Mật cho riêng mình, nhưng không ngờ Tào Phi lại nhanh chân hơn tới trước.Tào Tháo đành ngậm ngùi nhường miếng mồi ngon cho con trai.
Những ngày làm dâu nhà họ Tào, oan trái hơn nữa khi Chân Mật cùng với Tào Thực (con trai thứ ba của Tào Tháo) lại này sinh tình cảm, dù chỉ là đong đưa qua ánh mắt. Chân Mật vốn bị Tào Phi bắt về làm vợ nên không hề có tình cảm. Đến khi nàng và Tào Thực gặp nhau, một người thì cảm mến vì sắc đẹp và sự dịu dàng, một người thì cảm mến bởi tâm hồn thi nhân bay bổng. Tuy Tào Thực kém Chân Mật tận 9 tuổi, nhưng giữa họ đã có những rung động sâu kín. Chuyện tình này được chứng thực hơn nữa bởi những bài thơ dạt dào tình cảm Tào Thực viết khi Chân Mật đã chết.
Chân Mật, hồng nhan bạc mệnh
Là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, thế nhưng từ ngày làm dâu nhà họ tào, Chân Mật chưa từng một ngày được sống thực với tình yêu của mình, và cuối cùng, nàng cũng chết trong nỗi oan thấu trời.
Năm 204, Tào Phi mới 19 tuổi, Chân mật 24 tuổi, khi ấy đoạt được người đẹp, Tào Phi vô cùng sủng ái. Nhưng những bất hạnh của nàng cũng bắt đầu từ đó. Sau 8 tháng về làm dâu họ Tào, Chân Mật hạ sinh một người con trai đặt tên là Tào Tuấn. Nhưng vì nàng sinh non nên nhiều người đặt chuyện nói rằng đó là con của Viên Hy chứ không phải Tào Phi. Mặc dù nàng đã nhiều lần giải thích rằng Viên Hy đã rời vợ đi trấn thủ U Châu gần năm trời, đứa bé không thể là con của Viên Hy. Nhưng Tào Phi, một phần tin những lời dèm pha, một phần vì đã có được người đẹp nên tình cảm ngày càng lạnh nhạt. Nhất là khi người đẹp tên Quách Thị xuất hiện, cô ta để lấy lòng Tào Phi đã tìm mọi cách hãm hại người vợ cả là Chân Mật.
Tào Tháo mất, Tào Phi kế nghiệp làm Ngụy Vương. Được ít lâu, Tào Phi bức Hán Hiến đế nhường ngôi, trở thành hoàng đế đầu tiên nhà Ngụy.
Bày mưu tính kế chán chê, Quách Thị nghĩ đến một chiêu bài vô cùng “cũ”, nhưng cũng vô cùng “độc”, cô ta lén vào phòng Chân Mật, đặt con búp bê hình người có châm kim xuống nệm rồi nói với Tào Phi rằng Chân Mật làm bùa hãm hại ông. Tào Phi lúc đầu không tin rằng cô gái hiền lành như Chân Mật lại có thể làm ra những việc như vậy, nhưng khi kiểm tra phòng, nhìn thấy hình nộm, mặc cho nàng có ký giải thế nào, Tào Phi vẫn nổi trận lôi đình, ban cho nàng thuốc độc tử tự. Không những thế, Chân Mật còn bị nhét hết cám vào mồm, rũ hết tóc che khuất mặt mới được mai táng. 5 năm sau, Tào Phi chết, Tào Tuấn lên ngôi, phong cho mẹ danh hiệu an ủi là “Văn Chiêu hoàng hậu”.
Sau này, người đời còn kể lại một câu chuyện hư cấu rằng: Một lần Tào Thực ru ngoan sông Lạc Thủy, gặp lại Chân Mật, nàng sau khi chết đã hóa thân thành nữ thần sông này. Hai người gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi, bao nhiêu thương nhớ lần đầu được vỡ òa khi giữa họ không còn sự ngăn cản nào nữa. Họ tâm sự cùng nhau đến sáng, trước phút chia lìa, Chân mật tặng Tào Thực một chiếc gối còn vương mùi hương của mình để mãi nhớ về nhau. Dù chỉ là một giai thoại nhưng cũng đã phần nào làm thể hiện lòng tiếc thương của người đời sau dành cho người con gái bạc mệnh và sự hy vọng vào công bằng và chân lý.