TIN TỨC » Hồ sơ tư liệu

Chuyện tình bi ai của Dương Quý Phi

Thứ năm, 31/05/2012 06:34

Cổ kim chỉ nhắc đến Dương Quý Phi với tội danh làm vua u mê, để triều Đường lâm vào cảnh khốn cùng…

Nhưng thực ra, nàng Ngọc Hoàn cũng chỉ là phận nữ nhi thường tình, khát khao một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc. Chuyện tình loạn luân Dương Quý Phi tên thật là Dương Ngọc Hoàn, sinh ra ở Vĩnh Lạc, Châu Bồ, nay thuộc huyện Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc), là con của Dương Huyền Diễm, một ti hộ (quan chức quản lý hộ khẩu) Châu Thục. Không chỉ có vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, thông minh Ngọc Hoàn còn đàn hay, múa đẹp, lại giỏi âm luật. Năm 734, nàng được tiến cung làm vương phi của Thọ vương Lý Mạo, con thứ 18 của Đường Huyền Tông. Sau khi ái phi của Đường Minh Hoàng là Vũ Huệ Phi mất, nhà vua ngày đêm thương nhớ rồi lập đài Tập Linh để cầu siêu cho vong linh của Vũ Huệ Phi được sớm siêu thoát.

Dương Quý Phi là một trong “tứ đại mỹ nhân” của Trung Hoa.

Người ta nói rằng, ngay từ lần gặp đầu tiên ở cung Ôn Tuyền, Đường Minh Hoàng đã chết mê chết mệt cô con dâu họ Dương. Đường Minh Hoàng rất muốn có được người đẹp, tuy nhiên, Ngọc Hoàn đã là gái có chồng, mà theo danh phận chính thức thì lại là con dâu của Huyền Tông. Vì vậy, thân là một Hoàng đế, Đường Minh Hoàng không thể ngang nhiên cướp vợ của con “giữa ban ngày” được. Nhưng cũng vì thế mà Huyền Tông lại đâm ra buồn phiền, mất ăn mất ngủ. Lúc này, Cao Lực Sĩ lại thay Huyền Tông nghĩ ra một cách “thập toàn thập mỹ”. Để tránh tiếng cha cướp vợ của con, Đường Minh Hoàng đã bắt Ngọc Hoàn làm đạo sĩ, lấy hiệu là Thái Chân, một thời gian sau mới đưa nàng vào cung, phong làm Quý phi. Quý phi chẳng những tuyệt đẹp, tư chất thông tuệ, lại còn biết làm thơ, giỏi âm nhạc và ca múa nên nhanh chóng chiếm được ̣lòng yêu của đấng quân vương . Nàng được sủng ái nhất trong cung, vua yêu nàng hơn hết thảy mọi vật quý trên đời nên thường nói với quần thần rằng : “Trẫm được Quý phi như được viên ngọc quý vậy”. Lúc mới vào cung, Dương Qúy Phi hay ghen, nói lời xúc phạm khiến Đường Minh Hoàng nổi giận, sai lấy xe trả nàng về nhà, nhưng rồi vua nhớ quá, sai Cao Lực Sĩ đến thăm, Quý phi cắt tóc gởi dâng vua. Vua trông thấy tóc thương quá, lại vời nàng vào cung.

Vẻ đẹp của Dương Quý Phi khiến hoa cũng phải “thẹn”. Thế nên người đời thường gọi mỹ nhân họ Dương là người đẹp “tu hoa”. (ảnh minh họa)

Kết cục bi ai thành nỗi hận ngàn năm Từ khi say đắm Dương Qúy phi, Đường Minh Hoàng chiều chuộng nàng rất mực. Ở núi Ly Sơn (tỉnh Thiểm Tây) có một suối nước nóng, nhiệt độ trung bình là 43 độ. Năm 644, dưới đời vua Đường Thái Tông, nơi đây được xây dựng thành Ôn Tuyền cung (cung suối nước nóng). Năm 747 vua Huyền Tông sai xây dựng, sửa chữa Ôn Tuyền cung và đổi tên là Hoa Thanh cung. Mỗi năm, cứ đến mùa đông, Đường Minh Hoàng lại đem ái phi của mình đến nghỉ ở đấy và nhà vua lấy làm vui thú khi thấy nàng thích tắm ở suối nước nóng này. Biết Dương Qúy phi rất thích ăn trái vải (lệ chi) mà vải ở miền Bắc không ngon bằng ở miền Nam nên cứ đến mùa vải là Đường Minh Hoàng sai quân phi ngựa đi lấy. Huệ Châu cách Quảng Đông khoảng 100 cây số, có thứ vải ngon mà Quý phi rất thích, đến nỗi mong ngóng từng ngày. Khi thấy bụi bay theo chân chàng kỵ sĩ, giai nhân đời Đường đã nở một nụ cười khoan khoái.

Mối tình giữa Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi là mối tình bi ai nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. (ảnh minh họa)

Năm 755, An Lộc Sơn khởi loạn, kéo quân về Nam, đánh chiếm Hà Bắc, Hà Nam, hãm thành Lạc Dương, tự xưng là Yên Đế rồi kéo quân về Trường An, thề quyết chiếm cho kỳ được Dương Quý Phi , nhưng Đường Minh Hoàng đã đem nàng chạy vào đất Thục. Đến Mã Ngôi, ba quân nổi giận, không chịu đi tiếp, bàn nhau giết bọn Dương Quốc Trung và ép vua thắt cổ Dương Quý phi vì cho rằng, chính anh em nàng là nguyên nhân của mối loạn này. Vua nghe nói, rụng rời tay chân, năn nỉ ba quân tha chết cho Dương Quý phi. Quân sĩ tung hô vạn tuế nhưng vẫn cứ đứng im, không chịu đi tiếp. Cao Lực Sĩ và tướng Trần Huyền Lễ phải hết sức khuyên vua nên dẹp bỏ tình riêng để chiều lòng ba quân, bằng không, giặc đuổi đến đây thì khó lòng toàn mạng. Vua đành chịu, chỉ đứng yên mà khóc. Cao Lực Sĩ đưa Qúy phi vào một ngôi chùa, chờ cho nàng lễ xong mới sai quân thắt cổ nàng trên một cành liễu trước sân chùa. Bấy giờ nàng mới 37 tuổi. Cái chết bi ai và mối thâm tình của Đường Minh Hoàng được các nhà thơ cùng thời cảm khái, ghi lại trong những vần thơ ai oán. Đỗ Phủ, Lý Thương Ẩn, Ôn Đình Quân và đặc biệt là Bạch Cư Dị với “Trường hận ca” đã diễn tả được nỗi nhớ thương vô tận của cặp tình nhân nổi tiếng này.

Sau khi Quý phi chết, Đường Minh Hoàng vẫn nhớ về Dương Quý Phi, dù khi đó đang ngắm cảnh sơn thủy, ngồi chơi ở đình đài trong cung điện, hay thưởng thức cỏ cây hoa lá. Ông vua đa tình tương tư không bao giờ dứt. Chiến tranh qua rồi, xe vua vẫn trở về điện Trường Lạc, tiếng chuông sớm ở lầu Cảnh Dương vẫn ngân nga, nhưng vua và Quý phi không thể nào gặp nhau trong cung Cam Tuyền được nữa. Trong cung, mọi việc vẫn như xưa, chỉ thiếu có một người! Tương truyền, tình cảm nồng nàn và chân thành của Đường Minh Hoàng cuối cùng cũng được an ủi. Trong một giấc mơ, Đường Minh Hoàng đã được lên cung quế gặp Dương Quý Phi. Cuộc gặp mặt ngắn ngủi trong giấc mộng càng làm cho vua thêm thương nhớ. Sau này, nhắc đến mối tình của Dương Quý Phi và Đường Minh Hoàng, người đời vẫn không quên hai câu thơ nổi tiếng: "Tại thiên nguyện tác tỷ dực điểu, tại địa nguyện vi liên lý chi", nghĩa là, dù trên trời hay dưới đất, hai người chúng ta đều phải làm chim liền cánh hoặc cây liền cành, đời đời bên nhau như một minh chứng cho tình yêu bền chặt và nỗi hận âm dương cách trở của ông vua và mỹ nhân nổi tiếng nhất đời Đường.

Mời các bạn đón đọc các bài viết về những nhan sắc một thời vào thứ 5 hàng tuần tại chuyên mục Eva Tám của Eva.vn.

Eva