Về nước năm 1927, chàng Ba Huy - công tử Bạc Liêu lao vào những cuộc chơi khác người, khó ai theo kịp. Thấy con trai không lo làm ăn, hội đồng Trạch nghĩ ra cách giam lỏng cậu quí tử về điền Bàu Xàng thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu ngày nay trông coi điền sản. Hội đồng Trạch cứ tưởng đày được con trai đến xứ khỉ ho cò gáy, bốn bề là ruộng đồng thì không còn những cuộc chơi đốt tiền thâu đêm suốt sáng. Ông không ngờ, chính nơi đây lại làm nên bề dày ăn chơi có hạng của công tử Bạc Liêu.
Lễ Kỳ Yên mở mang tầm mắt dân quê của cậu Ba Huy
Thời điểm này ở Bàu Xàng, Trần gia có 3600 công ruộng, cho tá điền thuê mỗi năm 1,5 giạ lúa trên một công. Từ thời hội đồng Trạch, ông hội đã cho xây dựng một biệt thự kiểu Pháp ở giữa điền Bàu Xàng để nghỉ mát mỗi khi về đây thu thuế. Công tử Bạc Liêu về Bàu Xàng trên chiếc ghe hầu, trên mũi ghe có chạm trổ hình rồng phụng, trong ghe có sập gụ để uống trà, có bàn đèn để hút thuốc phiện.
Khác với các cậu ấm đương thời, công tử Bạc Liêu không áo bà ba lụa soan trắng mà lúc nào cũng comple: quần Tây, áo sơ mi, đội nón nỉ, đi giày da, lưng thắt đồng hồ quả quýt ăng - lê. Giữa vùng quê nghèo, lạc hậu, hắt hiu, dân thưa, ít học, Trần Trinh Huy xuất hiện như một ngôi sao từ thế giới khác vừa ghé qua Bàu Xàng.
Trần Trinh Trạch áp dụng chính sách thu nhiều hưởng nhiều, thu ít hưởng ít với Trần Trinh Huy. Nhưng với công tử Bạc Liêu thì thu ít thu nhiều chẳng ảnh hưởng gì vì có bao nhiêu cậu Ba Huy đều để dành đổ vào những cuộc ăn chơi chứ không hề nộp vào nhà lớn của ông Trạch đồng nào. Khi ông hội đồng Trạch hỏi đến thì Ba Huy bảo đã dùng vào việc mua thêm ruộng đất, phát triển điền sản cho gia tộc.
Theo thông tin của các cụ cao tuổi và một số tài liệu còn lưu trữ, khoảng những năm 1933- 1934, Công tử Bạc Liêu quyết định tổ chức những cái lễ để đời. Một trong những cái lễ ông chọn là lễ Kỳ Yên (diễn ra vào tháng Giêng mỗi năm) chấn động các tỉnh miền Tây một thời. Để có nơi tổ chức lễ Kỳ Yên, Ba Huy cho lấp ao sen lớn của làng Bàu Xàng rộng đến mấy chục ngàn mét vuông. Sau đó, ông cho xây dựng 5 dãy phố cho thuê bán hàng xén nhằm che mắt ông hội đồng Trạch nhưng thực ra Ba Huy dùng nơi đây để tổ chức lễ hội vào mỗi dịp tết hằng năm.
Các cụ cao tuổi ở đây, nhớ lại và hân hoan bảo rằng từ bé đến giờ mới thấy được lễ Kỳ Yên to đến vậy, cái lễ làm sáng mắt những người dân quê mùa, cục mịch, quanh năm chỉ biết vườn ruộng, cá tôm như chúng tôi. Ba Huy tổ chức lễ rất long trọng, mời các hương thân phụ lão có tiếng trong vùng đứng ra trụ trì. Bên cạnh phần lễ là phần hội, với Ba Huy đây là một phần quan trọng nhất, kỳ thực với Ba Huy hội là để vui chơi, mua sắm và là ngày trai gái làm quen.
Trần Trinh Huy cho mở chợ phiên bán suốt mùa cúng Kỳ Yên kéo dài cả tháng. Trong lễ hội đó, ông rước về ba gánh hát: Việt, Hoa, Khơ-me. Tiếng nhạc ngũ âm, tiếng trống chầu, tiếng đàn nhị réo rắt cả một góc trời lục tỉnh. Người dân ở khắp nơi ùn ùn kéo về tham dự hội đông nghịt.
Hội chợ được chia ra thành nhiều khu. Khu hàng hóa công nghiệp được mang về từ Sài Gòn, khu trưng bày nông sản địa phương, khu ẩm thực đặc trưng của Bàu Xàng như bún mắm, cháo gà, bánh cóng, hột é, bánh xèo. Khu thi đấu thể thao với các trò chơi dân gian như: đi cầu chơn, bịt mắt bắt vịt, kéo co, đá cầu và không thể thiếu các sòng bạc lớn nhỏ như đánh bài cào, xí ngầu.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt bậc nhất trong lễ Kỳ Yên của cậu Ba Huy là lần đầu tiên tổ chức đấu xảo sắc đẹp với mục đích chính là tìm người đẹp cho cậu công tử lắm tiền nhưng cũng nhiều tật.
Vắt vẻo giải cao để tìm người đẹp du xuân
Việc tổ chức cuộc thi sắc đẹp gặp rất nhiều khó khăn vì thời đó phụ nữ còn bị những tư tưởng phong kiến đè nặng. Họ không được ra khỏi xó bếp chứ đừng nói đến chuyện ra chợ, ra hội thi sắc. Nhưng không gì có thể làm khó được cậu Ba Huy, một tay chơi lắm tiền nhiều thế lực.
Để tổ chức được cuộc thi đấu xảo sắc đẹp, Ba Huy cho mời các chức sắc trong vùng đến thông báo và hỏi ý kiến. Với những lí lẽ thuyết phục, ông đưa ra lí do tổ chức cuộc thi chỉ để niềm vui đón xuân mới thêm trọn vẹn, để những cô gái quanh năm làm bạn với nắng mưa, ruộng đồng có dịp khoe sắc tỏa hương. Bên cạnh đó, giải thưởng ông treo ra cũng đủ hấp dẫn bất kỳ một cô nàng khó tính nào.
Theo đó: Giải nhất sẽ là một chiếc vòng kiềng vàng mười, nặng một lượng. Đây là loại kiềng đeo cổ, thời trang, được ưa chuộng nhất của phụ nữ quý tộc lúc bấy giờ. Đối với con em tá điền đó là món trang sức cả đời mơ cũng không được. Giải nhì là 200 đồng bạc và bộ lư trị giá 500 giạ lúa, giải ba thì thấp hơn, nhưng cũng đủ để người trúng giải sống an nhàn trong một thời gian dài.
Ngoài việc thông báo giải thưởng, ban tổ chức mà đứng đầu là Trần Trinh Huy còn đưa ra các thể lệ và đối tượng được tham gia cuộc thi như: Phụ nữ đi thi phải chưa chồng, có chiều cao và số đo ba vòng chuẩn như các cuộc thi hoa hậu lúc bấy giờ. Tuy nhiên thể lệ này vấp phải sự phản đối của các bậc hương lão hội tề trong vùng vì đã quen đánh giá phụ nữ đẹp qua gương mặt. Tuy nhiên, tất cả cũng không thể lay chuyển quyết định của cậu Ba Huy đi nhiều học cao.
Đến ngày khai mạc, người dân khắp nơi nô nức kéo đến xem cuộc thi người đẹp lần đầu tiên được tổ chức ở vùng sông nước Cửu Long. Có đến hàng trăm phụ nữ tham dự cuộc thi. Đánh giá về cuộc thi này cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Người ta tin vào tính chất mua vui, đề cao sắc đẹp của phụ nữ nhưng cũng có người kháo nhau đấy chẳng qua là một cuộc tuyển nhân tình nấp dưới cái danh của một cuộc thi sắc đẹp.
Tại nhà ngang của hội đồng Trạch, trước khoảng sân rộng, cậu Ba Huy cho thiết kế khán đài, phía trong đặt bàn cho ban giám khảo và ban chức hội tề ngồi. Ba Huy làm chánh chủ khảo. Ở giữa sân khấu là nơi các đóa hoa đồng nội khoe sắc, vòng ngoài để khán giả đứng xem. Trang phục của thí sinh là quần lụa áo bà ba. Cứ lần lượt 2 người đi ngang một vòng qua ban giám khảo rồi tới cặp khác. Cuộc thi cũng có ba vòng sơ tuyển, trung tuyển, chung kết, cuối cùng chọn ra 3 người đẹp nhất trao giải á hậu 1, 2 và hoa hậu.
Những người già ở làng Bàu Xàng vẫn nhớ rõ mặt người đẹp đoạt giải năm ấy được công tử Bạc Liêu chọn. Đó là bà Đầm có nét đẹp chim sa cá lặn đoạt giải hoa hậu, cùng có giải là một cô người Khơ -me vô cùng duyên dáng. Sau này, bà Đầm có quan hệ tình cảm với công tử Bạc Liêu và là người được yêu thương nhất.
Tuy không dẫn bà Đầm về ra mắt ông hội đồng Trạch, nhưng Ba Huy xem bà Đầm là vợ bé chứ không phải nhân tình. Mỗi lần vô điền thu thuế hay tham dự lễ hội Kỳ Yên, Trần Trinh Trạch đều ghé thăm và rước bà xuống ghe hầu qua tháp Vĩnh Hưng chơi. Bà có với ông một người con trai.
Để kỉ niệm những lần qua tháp Vĩnh Hưng, bà đặt tên con trai là Hưng. Mỗi tháng ông Trần Trinh Huy có cấp tiền cho con, nhưng số con bà mệnh bạc, năm lên 7 tuổi thì bị té sông chết. Ba Huy giận không thèm lui tới, bỏ bà bơ vơ. Mãi đến gần chục năm sau, bà mới nguôi ngoai tình cũ mà đi lấy chồng là một người thợ may.
Người già ở Bàu Xàng cho biết: Không chỉ bà Đầm mà hầu hết những người đẹp đoạt giải đều không thoát khỏi lưới tình của chàng công tử phong tình thái quá. Cuộc đời họ vướng vào cậu Ba chỉ sung sướng lúc đầu, về sau lận đận không kể siết, may mắn lắm mới lấy được chồng và có cuộc sống mới.
Những người tá điền cho con gái tham dự cuộc đấu xảo sắc đẹp mỗi năm vào dịp Tết Nguyên Đán, đều mong muốn nhờ cuộc thi mà đổi đời, sẽ lọt vào mắt xanh của các cậu ấm con nhà giàu có. Họ không ngờ cuộc đấu xảo sắc đẹp chỉ là phương tiện tìm kiếm người đẹp để công tử Bạc Liêu du xuân và thỏa mãn thú vui kì lạ của kẻ lắm tiền.