TIN TỨC » Hồ sơ tư liệu

Chuyện Vua Trần Thái Tông gả vợ cũ cho trung thần

Thứ sáu, 27/01/2012 09:19

Để ghi công xứng đáng cho vị tướng tài Lê Tần, người có công đầu trong việc phò vua, cứu nước trong cuộc chống giặc Mông Thát lần thứ nhất, vị Hoàng đế đầu triều Trần đã có một hành động “vô tiền khoáng hậu”.

Đó là ban gả người vợ thuở nhỏ của mình, vị nữ vương duy nhất, cuối cùng của triều Lý, lúc bấy giờ đã trở lại là Chiêu Thánh Công chúa, cho tướng Lê Tần.

Đây là một quyết định vô cùng khó khăn và đầy ý nghĩa nhân văn của Trần Thái Tông: tái sinh hạnh phúc cho nàng và cũng là để thể hiện mối tình sâu kín của nhà vua với người vợ dấu yêu suốt đời.

Về đời nhà Trần, ngày 5.2.1258 dương lịch, chính là ngày Mồng Một tháng Giêng Tết Mậu Ngọ. Đúng vào ngày đầu năm ấy, có lệnh của vua Trần Thái Tông cho thiết Đại Triều ở Tòa Chính điện Thiên An, giữa Hoàng Thành Thăng Long, vừa được gấp gáp khôi phục sau những năm bị quân xâm lược Mông Thát (quân Nguyên- Mông) tàn phá.

Công chúa Chiêu Thánh được tái hiện

Trăm quan văn võ hồ hởi xúng xính trong những bộ lễ phục đẹp nhất, từ sáng sớm đã tề tựu đông chật cả chín gian đại điện. Vì đây vừa là buổi chầu đầu năm mới, vừa là ngày lễ ăn mừng đại thắng đánh đuổi quân Mông Thát. Ngày này cũng chính là ngày mừng thọ vua Trần vừa qua tuổi Tứ tuần đại khánh Vua Trần Thái Tông ung dung tự tại ngự trên ngai vàng, nhìn một lượt khắp quần thần và cố ý để các quan thấy ngài ngự đang nóng lòng tìm quan Ngự sử Trung tướng Lê Tần, người đã sát cánh xả thân giúp rập hoàng đế và lập công đầu trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên –Mông lần thứ nhất.

Quả nhiên, trong buổi đại triều đầu xuân 1258 ấy, Lê Tần đã được thưởng công hậu hĩ: thăng chức lên bậc Ngự sử đại phu, thêm tước Bảo Văn Hầu quí hiển. Và đặc biệt là được nhận những lời truyền chỉ vàng ngọc của Hoàng đế Đại Việt:

- Trẫm mà không có khanh thì đâu có ngày nay? Khanh hãy cố gắng, để cùng được trọn vẹn về sau!

Vị sử quan có mặt trong buổi Đại triều hôm ấy đã cẩn thận ghi lại từng lời của vua Trần Thái Tông, lưu vào kho Quốc sử viện. Thật ra, đó là hai câu, nói hai lần. Nhưng hơn 200 năm sau, sử thần Ngô Sỹ Liên đời Lê, khi làm bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” đã chép gộp thành một câu.

Bởi vì sau câu thứ nhất vua nói lời khen tặng chí lý và trước khi nói những lời ủy thác chí tình, ở câu thứ hai, đã có một hành động “vô tiền khoáng hậu” của vị hoàng đế đầu triều nhà Trần, không chỉ khiến quần thần có mặt ở buổi Đại triều đầu xuân ấy trầm trồ mà còn làm cả nhiều đời sau bàng hoàng, kinh ngạc. Ấy là vua ra lệnh chỉ đem Công chúa Chiêu Thánh ban gả cho Ngự sử Lê Tần!

Ngay đến Công chúa Chiêu Thánh, húy là Phật Kim, khi ấy cũng hết sức bàng hoàng. Nàng vốn là con gái út yêu quí của vua Lý Huệ Tông, đã được vua cha truyền ngôi vào năm 1224, sau khi lên ngôi lấy hiệu là Lý Chiêu Hoàng, vị vua cuối cùng của Vương Triều nhà Lý, cũng là vị vua nữ duy nhất trong lịch sử 900 năm triều đại phong kiến Việt Nam.

Nhưng chưa đầy hai năm sau khi đăng quang, lúc mới lên 7 tuổi (tính cả tuổi “mụ”), vào đầu năm 1226, do sự dàn xếp của Thái sư Trần Thủ Độ và Thái hậu Trần Thị, Lý Chiêu Hoàng đã cưới quan Chi hậu Trần Cảnh chỉ hơn mình 3 tháng tuổi - rồi nhường luôn ngôi cho chồng, trở thành hoàng hậu đầu tiên triều đại nhà Trần, vợ của hoàng đế Trần Thái Tông.

Đôi vợ chồng hoàng đế - hoàng hậu cùng mới 9 tuổi này chung sống với nhau cho đến năm 1233 thì được sử quan ghi vào sách vàng của hoàng tộc một câu mơ hồ, ngụ ý đã sinh hạ hoàng tử, đặt tên húy là Trịnh, nhưng mới lọt lòng đã yểu mệnh ngay! Cũng dễ hiểu, vì bấy giờ, kể cả tuổi mụ, họ cũng chỉ vừa 16 tuổi.

Tuy nhiên, vẫn theo lời ghi chép của sử cũ, thì đến năm 1237, khi vị hoàng hậu của họ Lý đã 20 tuổi mà vẫn không có con, theo sự quyết định của Thái sư Trần Thủ Độ và phu nhân Trần Thị (lúc này Thái hậu Trần Thị, mẹ của Lý Chiêu Hoàng, vợ góa của vua Lý Huệ Tông, sau khi bị (hay được) giáng làm Công chúa Thiên Cực, đã được gả cho Trần Thủ Độ, làm phu nhân của Thái sư nhà Trần từ năm 1226) - vua trẻ Trần Thái Tông buộc phải phế truất người vợ từ thuở nhỏ của mình, giáng nàng trở lại làm Công chúa Chiêu Thánh, và lấy chị ruột của nàng là công chúa Thuận Thiên, lúc này đã là vợ của Trần Liễu, anh ruột của Trần Cảnh.

Công chúa Thuận Thiên, lúc đó đang mang thai đứa con của Trần Liễu được ba tháng, được lập lên làm Hoàng hậu mới. Cả hai anh em Trần Thái Tông đều phản ứng dữ dội. Người thì bỏ cả ngai vàng và kinh đô, đi tu ở trên núi Yên Tử. Người thì dấy quân nổi loạn nhưng họ đã không thể xoay chuyển được tình hình. Thế là sau khi bị (hay được) rước từ Yên Tử trở lại Thăng Long, tiếp tục làm vua và cứu được anh ruột Trần Liễu khỏi bị giết vì tội nổi loạn, Trần Thái Tông đã có 12 năm chung sống với Hoàng hậu Thuận Thiên, trước khi bà được trưng tôn là Hiển từ Hoàng thái hậu vì qua đời vào năm 1248 (thọ 33 tuổi).

Hoàng hậu Thuận Thiên đã sinh hạ được những người con trai về sau sẽ là những trụ cột triều Trần vừa tài giỏi trong công cuộc vệ quốc, trị quốc, an dân, vừa là những nghệ sỹ tài hoa, văn chương lỗi lạc mà bút tích để lại nhiều đời sau còn truyền tụng. Đó là Tĩnh quốc Đại vương Trần Quốc Khang, Hoàng đế Trần Thánh Tông; Thượng tướng - Thái sư Trần Quang Khải…

Tuy nhiên, chắc chắn là trong suốt 12 năm kể từ khi phế truất Hoàng hậu đầu tiên và cả 10 năm sau khi Hoàng hậu Thuận Thiên thác, cho đến mùa xuân năm 1258, dù vô cùng bận bịu, lo lắng gánh vác các quốc gia đại sự, vị vua anh hùng đã dần trưởng thành, trí tuệ uyên bác mẫn tiệp, lòng dạ rất đỗi nhân từ khoan dung, không lúc nào thôi canh cánh trong tim những nỗi niềm về Công chúa Chiêu Thánh. Nàng không thể cứ phải chịu mãi phần nghiệt oan hiu hắt, chỉ vì trót sinh vào ngôi công chúa, làm vua và lấy chồng là Hoàng đế nhà Trần…

Thì đây, đầu năm 1258 đã đến! Đúng dịp trời đất và lòng người rộng mở, lại đúng lúc muôn nhà tưng bừng ăn mừng chiến thắng, và nhất là vua đã tìm ra được người xứng đáng để theo đúng cổ lệ thưởng công cho công thần, mà đổi đời cho người vợ từ thời còn thanh mai trúc mã.

Vua Trần Thái Tông đã có ngay một quyết định khó khăn nhưng đã được cân nhắc từ lâu, đúng với lòng mình. Vợ chồng một ngày cũng nên nghĩa, huống hồ đây là người vợ đầu tiên, người đã nhường ngôi cho chính Trần Thái Tông và hai người cũng đã có 10 năm chung sống. Gả chồng cho vợ cũ, có lẽ đây là một trong những quyết định khó khăn nhất của ông vua khai quốc triều Trần.

Đúng như kỳ vọng thâm trầm mà dậy sóng ấy của vua Trần Thái Tông, Công chúa Chiêu Thánh từ khi được về với Ngự sử đại phu Lê Tần, ở tuổi 41 đã tươi hồng lại sức sống mà sinh hạ được hai người con quí giá.

Một chính là Bảo Nghĩa hầu (cũng có tước hiệu mang chữ “Bảo” ở đầu, như tước Bảo Văn hầu của người cha lúc đang còn là quan Ngự sử Lê Tần), sau được tôn phong là Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng- chính là vị tướng quân anh hùng có câu mắng giặc nổi tiếng: “thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” vào năm 1285 trong cuộc chống xâm lược Mông- Thát lần thứ II. Một người con khác của cuộc hôn nhân kỳ lạ này là công chúa Ứng Thụy, người vợ hiền của Thượng tướng - Thái sư Trần Quang Khải…

Cũng là “cùng được trọn vẹn về sau”, khi đã đến tuổi 61, vào tháng Tư năm 1278, công chúa Chiêu Thánh mãn nguyện với cuộc đời mà về cõi vĩnh hằng. Còn vua Trần Thái Tông thì – xê xích tí chút - vào tháng 5 năm 1277, cũng thanh thản mà lìa đời, về yên nghỉ tại tòa lăng mộ, cũng có chữ “Chiêu” ở đầu, tên gọi là Chiêu Lăng.

Phụ Nữ Thủ Đô