TIN TỨC » Hồ sơ tư liệu

Công chúa Việt bị xẻo má vì khuyên chồng không làm phản

Thứ ba, 20/03/2012 10:28

Do khuyên chồng không làm phản vua cha mà công chúa Phất Kim, con gái của vua Đinh Tiên Hoàng đã bị phò mã Ngô Nhật Khánh rút gươm xẻo má rồi đuổi về.

Giữ trọn đạo hiếu, lấy chồng theo lời cha

Đinh Tiên Hoàng, sinh vào ngày 22 tháng 3 năm 924 ở thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay thuộc xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình). Ông lên ngôi vua, trị vì từ năm  968 đến năm 979. Cha của ông là Đinh Công Trứ, nha tướng của Dương Đình Nghệ, giữ chức thứ sử Hoan Châu. Bởi Đinh Công Trứ mất sớm, Bộ Lĩnh theo mẹ về quê ở, nương nhờ người chú ruột là Đinh Thúc Dự. Ngay từ bé Đinh Bộ Lĩnh đã tỏ ra là người có khả năng chỉ huy, ông cùng các bạn chăn trâu lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau. Trong những người bạn tuổi thơ có Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ và Trịnh Tú, những người sau này cùng Đinh Bộ Lĩnh tạo nên sự nghiệp. Đinh Tiên Hoàng chính là vị vua sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam. Ông là người có công đánh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1.000 năm Bắc thuộc. Đại Cồ Việt là nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam. Sau hai vua nhà Tiền Lý xưng đế giữa thời Bắc thuộc rồi bị thất bại trước hoạ ngoại xâm thì 400 năm sau người cầm quyền Việt Nam mới thực sự vươn tới đỉnh cao ngôi vị và danh hiệu, khẳng định vị thế vững chắc của quốc gia độc lập, thống nhất qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần và buộc các điển lễ, sách phong của cường quyền phương Bắc phải công nhận là một nước độc lập. Từ Đinh Tiên Hoàng trở về sau, các Vua không xưng Vương hay Tiết độ sứ nữa mà đều xưng Hoàng đế như một dòng chính thống. Đinh Tiên Hoàng là vị hoàng đế đặt nền móng sáng lập nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam. Cũng vì thế mà Đinh Tiên Hoàng còn được gọi là người mở nền chính thống cho các triều đại phong kiến trong lịch sử. Mặc dù được đánh giá là vị vua anh minh nhưng trong vấn đề hôn nhân của các hoàng tử và công chúa thì Đinh Tiên Hoàng lại khá bảo thủ. Ông áp dụng nghiêm ngặt quy định cha đặt đâu con ngồi đấy. Vua Đinh Tiên Hoàng có ba con gái là Công chúa Minh Châu, công chúa Phất Ngân và công chúa Phất Kim. Công chúa Minh Châu được vua Đinh gả cho tướng Trần Thăng, em ruột sứ quân Trần Lãm, người đã trao nhường toàn bộ binh quyền Bố Hải Khẩu cho Đinh Bộ Lĩnh. Công chúa Phất Ngân sau này lấy Điện Tiền Chỉ huy sứ Lý Công Uẩn, người thay nhà Tiền Lê, sáng lập nên triều Lý vẻ vang trong lịch sử. Còn công chúa Phất Kim thì lấy sứ quân hàng đầu dòng dõi quý tộc Ngô Nhật Khánh. Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi chép về Ngô Nhật Khánh và cuộc hôn nhân của Nhật Khánh với Phất Kim như sau: “Ngô Nhật Khánh là bà con của Ngô Tiên Chúa (tức Ngô Quyền). Trước kia, Ngô Nhật Khánh từng xưng là An Vương, cùng trong số mười hai sứ quân giữ đất tranh hùng. Khi Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp được Ngô Nhật Khánh rồi, bèn lập mẹ của hắn làm hoàng hậu, hỏi em gái của hắn cho con mình là Nam Việt Vương Đinh Liễn, lại gả công chúa cho hắn nữa, thế mà Ngô Nhật Khánh vẫn không bớt oán hờn…”. Chuyện tình của Công chúa Phất Kim và Ngô Nhật Khánh bắt đầu từ đám cưới giữa Vua Đinh Tiên Hoàng với mẹ của Ngô Nhật Khánh. Trong đám cưới của mẹ mình với Vạn Thắng Vương - Đinh Tiên Hoàng, Ngô Nhật Khánh cũng miễn cưỡng cùng thuộc hạ của mình dự ngày hôn lễ của mẹ.

Đền thờ công chúa Phất Kim

Bữa yến tiệc diễn ra, vua Đinh Tiên Hoàng đã cố tình khéo léo sắp xếp cho người con gái kiều diễm của mình là công chúa Phất Kim ba lần đến chúc rượu Nhật Khánh. Ngay từ phút đầu tiên trông thấy nàng, Nhật Khánh đã bang hoàng trước vẽ đẹp kiều diễm của nàng. Đến lần chúc rượu thứ hai, Nhật Khánh giơ tay đón ly rượu, vờ nắm vào bàn tay tháp bút của công chúa. Phất Kim e lệ sẽ sang rút tay lại. Nhật Khánh hỏi: “Quý danh của nàng liệu ta có biết được chăng?”. “Dạ thưa tướng quân, tên thiếp là Phất Kim”, Phất Kim công chúa bẽn lẽn trả lời. “A! Phất Kim”, Nhật Khánh nói như reo. Đến lần chúc rượu thứ ba, Nhật Khánh táo tợn hỏi: “Ta muốn cùng nàng sum vầy gia thất, liệu nàng có bằng long không?”. Phất Kim đáp lễ: “Cảm ơn tướng quân đã có lòng hạ cố” và rảo bước không dám ngoái lại nhìn. Đinh Tiên Hoàng đã biết rõ Nhật Khánh rất mê đắm công chúa Phất Kim, ngưới con gái yêu của mình. Nhà vua vẫn không hề nói gì, cứ mặc cho Nhật Khánh theo đuổi.

Nhật Khánh đã nhiều lần ngỏ lời nhưng đều bị Phất Kim từ chối. Đoán biết Nhật Khánh bề ngoài nói cười vui vẻ nhưng trong lòng vẫn ngấm ngầm tính chuyện khởi sự. Vua Đinh bèn gọi công chúa đến dạy bảo: “Tướng quân Ngô Nhật Khánh là người thao lược vào bậc nhất nhưng chưa thực sự tận trung vì sự nghiệp của cha, giặc Tống và Giặc Chiêm đang lăm le bờ cõi, nếu được Nhật khánh giúp thêm vây cánh thì Đại Cồ Việt ta còn gì bằng”. Công chúa Phất Kim lặng lẽ nghe theo cha truyền bảo, Vua Đinh lại tiếp lời: “Cha muốn con ưng thuận lời thỉnh cầu của Nhật Khánh, để lấy tình phu phụ thuyết phục Nhật Khánh giữ trọn đạo hiếu trung”. Phất Kim nghe lời cha dạy bảo liền nhận lời cầu hôn của Khánh. Thế là tả đô úy Nhật Khánh trở thành phò mã của Vua Đinh sau việc tái giá của mẹ với Đinh Tiên Hoàng. Ban đầu Nhật Khánh sống hạnh phúc với Phất Kim và không còn ý định tạo phản nữa. Và nỗi đau của nàng công chúa bạc mệnh Cuộc hôn nhân của Phất Kim công chúa và Ngô Nhật Khánh trong những ngày đầu đã diễn ra êm ấm và hạnh phúc. Nhưng rồi một hôm, có một người lái buôn phương Bắc sau khi bán cho Nhật Khánh một đôi ngọc lưu ly vô cùng quý hiếm, cứ nhìn Khánh chằm chằm, nói điều to nhỏ. Người lái buôn này cũng trao cho Khánh một phong thư. Nhật Khánh xem thư xong rồi bỏ vô miệng nhai nuốt luôn. Hai ngày sau, phò mã đô úy Nhật Khánh xin Phép vua cha cho mình cùng công chúa Phất Kim đi kinh lý Ái Châu bằng đường thủy. Ngô Nhật Khánh cũng xin Đinh Tiên Hoàng cấp năm chiến thuyền hộ tống công chúa và phò mã. Đinh Tiên Hoàng đồng ý. Thuyền suôi dòng Vân Sàng, qua Ngọc Thỏ cảng, vượt cửa Thần Phù rồi ra biển Đông. Ngồi trên thuyền Phất Kim hỏi chồng rằng: “Chúng ta đi đâu?”. Nhật Khánh lúc này nghĩ Phất Kim là phận gái, đã theo chồng nên nói dỗ dành: “Chúng ta sẽ vượt quan nam giới chạy sang cầu cứu vua Chiêm. Người Tống đưa đường và sẽ giúp chúng ta. Việc thành, nàng sẽ trở thành chính cung hoàng hậu của nước Đại Cồ Việt”. Tuy nhiên, không như những gì Ngô Nhật Khánh mong muốn, Phất Kim một lòng cương quyết: “Không! Chúng ta không bao giờ được phản bội phụ vương, phụ bạc kinh thành Hoa Lư và nước non Đại Việt!”. Nhật Khánh lại nói thêm: “Hôm vừa qua, viên khánh thương nhà Tống đã báo cho ta biết sứ giả nhà Tống đợi ta đến yết kiến vua Chiêm. Vua Chiêm có nhiệm vụ cấp cho ta binh lính và chiến thuyền tấn công Đại Cồ Việt bằng đường thủy. Còn về đường bộ, vua Tống đã hứa giúp đội quân mạnh nhất, có nhiều dũng tướng giỏi, đành bằng được Đại Cồ Việt. Nàng không nghe ta thì sau có hối sẽ là muộn”. Công chúa Phất Kim giọng tha thiết nói: “Thiếp theo lệnh vua cha đã cho xuất giá để theo minh công. Trọn đời này, kiếp này chỉ biết có minh công mà thôi. Nhưng chàng phải hồi triều, không thể nào phản lại vua cha để mang tội bất hiếu, bất trung và mang tội phản lại dân tộc”.  Nghe những lời tâm huyết đó, dường như Nhật Khánh cũng nao lòng. Song sang ngày hôm sau, khi thương nhân phương bắc lại tiếp tục nhỏ to với Nhật Khánh thì Nhật Khánh tiến đến phía trước công chúa Phất Kim với bộ mặt giận dữ mà nói rằng: “Cha mi đã lừa dối, ức hiếp mẹ con ta. Lẽ nào ta vì yêu quí ngươi mà quên tội của cha mi hay sao? Mau, mi hãy trở về. Còn ta sẽ đi con đường của ta”. Nói rồi Khánh rút dao xẻo má công chúa một cách lạnh lùng, tàn nhẫn. Sau đó sang thuyền chiếnn cạnh đó, hối thúc quân chèo thuyền đi, bỏ lại thuyền công chúa với người hầu. Phất Kim được đưa về kinh thành Hoa Lư chạy chữa thuốc men. Tuy vết thương trên mặt đã lành nhưng vết sẹo trên má không bao giờ có thể làm nguôi được nỗi đau đớn, tủi nhục trong lòng của một người vợ có chồng là tướng quốc, là phò mã mà lại theo giặc ngoại bang để chống lại vua cha. Cuối cùng, công chúa Phất Kim đã xuống tóc đi tu trong một ngôi chùa ở Kinh thành Hoa Lư. Mặc dù vậy, nỗi đau của người công chúa bất hạnh vẫn chưa dừng ở đó. Trong lúc nỗi đau tưởng chừng đã lên tới đỉnh điểm thì vua cha Đinh Tiên Hoàng và anh cả Đinh Liễn lại bị nghịch thần là Đỗ Thích sát hại. Triều đình trở nên rối ren. Các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lê Hoàn đang dàn quân đánh nhau.

Đinh Tiên Hoàng

Cuối cùng, Lê Hoàn lên ngôi vua, hoàng hậu Dương Vân Nga làm nhiếp chính. Cùng lúc đó, Phất Kim lại nghe tin Ngô Nhật Khánh và vua Chiêm Thành dẫn hơn một nghìn chiến thuyền thuỷ quân xuất chinh theo hai cửa biển Đại Ác và Thần Phù vào đánh Đại Cồ Việt thì bị phong ba nổi lên, nhấn chìm hết cả thuyền bè và chết đuối. Công chúa Phất Kim càng trở nên đau đớn, xót xa và tủi nhục đến tuyệt vọng. Không chịu nổi nỗi đau, công chúa đã nhảy xuống giếng nước lầu Vọng Nguyệt, phía Tây Bắc kinh thành Hoa Lư tự vẫn. Nhân dân Kinh Thành Hoa Lư vô cùng cảm phục, tiếc thương, lập đền thờ nàng công chúa bất hạnh ngay trên nền nhà của cung Vọng Nguyệt, nơi trước đây nàng đã ở.  Chiếc giếng nàng nhảy xuống tự vẫn đến nay vẫn còn trước của đền. Các triều đại sau đều sắc phong cho nàng là Tiết liệt trung trinh.

Phunutoday