TIN TỨC » Hồ sơ tư liệu

Cuộc đời bi thảm của mỹ nhân làm xiêu lòng 3 cha con họ Tào

Thứ tư, 14/11/2012 10:13

Nàng là Chân Mật, vợ của Tào Phi - ông vua đầu tiên nhà Ngụy, con dâu của Tào Tháo. Người đời vẫn coi nàng là một trong ba mỹ nhân đẹp nhất thời Tam Quốc.

Bậc “quốc sắc thiên hương”

Chân Mật còn có tên gọi khác là Chân Cơ. Nụ cười của nàng từng làm ngất ngây biết bao người, đến nỗi cả ba người đàn ông nhà họ Tào là Tào Tháo, Tào Phi và Tào Thực đều ngất ngây. Đến nay, người ta vẫn đánh giá Chân Mật là một trong 15 người đẹp nhất lịch sử Trung Hoa.

Không có nhiều tài liệu chính thức ghi chép lại cuộc đời của Chân Mật, nhưng nhan sắc lộng lẫy của nàng luôn được truyền tai nhau từ đời này sang đời khác. Vẻ đẹp của Chân Mật không thua kém hai nàng Kiều của Đông Ngô, thế nên thời Tam Quốc mới có câu: “Đông Ngô hữu nhị Kiều, bắc phương Chân Mật tiếu”.

Nàng sinh ra trong một gia đình danh giá, giàu có. Chân Mật vốn là con gái của Thượng Thái Lệnh Chân Dật, mẹ là Trương Thị, người phụ nữ đẹp nổi tiếng trong vùng. Trong khi phụ nữ đương thời thích thêu thùa, ít học hành thì ngày từ nhỏ, Chân Mật đã thích đọc sách, viết chữ, làm thơ, càng lớn nàng càng giỏi văn chương, biết thưởng thức âm nhạc và cả thổi sáo. Không chỉ nổi tiếng về nhan sắc mà Chân Mật còn là một tài nữ, học rộng, biết nhiều.

Bước vào độ tuổi thanh xuân, ai cũng tấm tắc ngợi khen nhan sắc của nàng quả không lời nào tả hết!

Xung quanh những giai thoại về vẻ đẹp của nàng, người đời còn thêu dệt thêm: khi Chân Mật ngủ, trong nhà phảng phất thấy như có ai đó đắp tấm ngọc lên mình nàng nên da nàng mới trắng nõn nà đến vậy.

Mỗi khi nhắc đến sắc đẹp kiều diễm, hấp dẫn của Chân Mật, người đời thường mượn những đoạn thơ miêu tả dung nhan nàng Chân trong "Lạc thần phú" do Tào Thực – con trai Tào Tháo - làm để ca ngợi vẻ đẹp của nàng. Trong đó, nàng được miêu tả có hình dáng nhẹ nhàng như con chim hồng giật mình tung cánh bay lên, rạng rỡ như hoa cúc mùa thu, đầy đặn như cây tùng mùa xuân tươi tốt. Nhìn từ xa sáng chói như vầng đông vừa nhô khỏi mây, nhìn gần tươi tắn như hoa sen vừa vươn lên khỏi mặt nước. Béo gầy vừa phải, cao thấp vừa tầm. Đôi vai xinh như gọt, eo nhỏ như nắm tơ mềm, cổ cao xinh xắn, không bao giờ cần đến phấn sáp. Đôi mày cong cong, môi son đỏ hồng, răng trắng thấp thoáng bên trong. Mắt sáng liếc nhìn, lúm đồng tiền trên đôi má…

Vẻ đẹp "chim sa cá lặn" của Chân Mật (ảnh minh họa)

Số phận bi thảm

Đến tuổi cập kê, Chân Mật được gả cho Viên Hy, con trai thứ hai của Viên Thiệu. Viên Thiệu, chúa tể Ký Châu, từ lâu đã nghe tiếng về tài sắc của Chân Mật nên có ý dạm hỏi cho con trai.

Nhiều sách kể rằng, họ Viên dần dần bị Tào Tháo triệt hạ. Năm 204, quân Tào Tháo chiếm được thủ phủ của Ký Châu, Chân Mật đã lọt vào tay quân Tào. Khi thắng trận, Tào Phi - con trai Tào Tháo - dẫn quân xông thẳng vào nhà họ Viên thì thấy vợ Viên Thiệu và Chân Mật đang ôm nhau khóc. Thấy đầu bù, mặt nhọ, Tào Phi đã kéo nàng Chân lại gần, dùng ống tay áo nhẹ nhàng lau mặt cho nàng và tự nhiên xúc động thốt lên “Thật là một tiên nữ!”. Sau đó, Tào Phi hứa sẽ bảo toàn cho cả gia đình.

Ngay cả Tào Tháo cũng nghe đồn về nhan sắc "chim sa cá lặn" của nàng dâu nhà họ Viên đã lâu và bản thân rất khát khao được gặp nàng, có ý định chiếm lấy nàng về mua vui. Không may, Tào Phi đã sớm si mê nhan sắc của nàng và ngỏ ‎ý muốn lấy làm vợ. Tào Tháo bực tức vì bị Tào Phi cướp mất người đẹp của mình, nhưng lại nghĩ phận làm cha, lẽ nào tranh với con mình một người con gái.

Và Chân Mật trở thành vợ của Tào Phi. Năm đó, Tào Phi mới 19 tuổi, còn Chân Mật đã 24. Mặc dù sở hữu sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành nhưng từ đây, cuộc đời Chân Mật bắt đầu chuỗi ngày bi thảm.

Sau khi kết hôn với Tào Phi, Chân Mật hạ sinh con trai đặt tên là Tào Tuấn. Nhưng vì sinh non nên nàng bị dèm pha rằng đó là con của Viên Hy chứ không phải giọt máu nhà họ Tào. Chính những thị phi đó đã dần khiến Chân Mật bị thất sủng, dù cho sau khi Tào Tháo mất, Tào Phi lên ngôi và nàng trở thành vợ vua, mẹ của thái tử Tào Tuấn.

Điều bất hạnh nhất đã đến với Chân Mật khi Tào Phi si mê người đẹp họ Quách. Ghen ghét Chân Mật bởi nàng là vợ cả lại có nhan sắc nổi trội nên Quách Thị luôn tìm cách hãm hại, vu khống cho nàng. Đỉnh điểm nhất trong mối quan hệ này là Quách Thị cố tình đặt bùa trong phòng của Chân Mật rồi vu cho nàng đã yểm bùa hãm hại chồng.

Vốn tính đa nghi, Tào Phi cho người điều tra và quả nhiên tìm thấy tượng gỗ có khắc tên mình trong phòng của Chân Mật. Chứng cớ rành rành, nàng bị Tào Phi ra lệnh cho uống thuốc độc tự tử. Thảm thương hơn, khi chết, nàng còn bị nhét đầy cám vào mồm, rũ tóc che khuất mặt mới được mai táng. Vậy là kết liễu cuộc đời mỹ nữ lừng danh thời Tam Quốc ở tuổi 39.

Riêng về mối quan hệ giữa Tào Thực – em trai Tào Phi – với Chân Mật, nhiều sách vở cho biết, từ lâu họ đã có tình cảm sâu nặng song “mặt ngoài còn e”. Đây có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân khiến Tào Phi ghét cay ghét đắng và ra sức chèn ép Tào Thực. Sẵn có tài văn thơ, lại là người học rộng biết nhiều, Tào Thực dễ khiến tâm hồn Chân Mật rung động. Còn Tào Thực thì xiêu lòng trước sắc đẹp và vẻ dịu dàng, hiền hậu của chị dâu, lại xót thương cho tình cảnh bất hạnh của Chân Mật nên hai người đã cảm mến nhau.

TTVN
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới