Triều Nguyễn kể từ năm 1802 - 1945 truyền được 13 đời. Trong tất cả các vị vua, người ta thường nhắc đến nhiều nhất có ba người là Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân bởi đó là những vị vua yêu nước, có tư tưởng chống Pháp.
Trong đó, vua Hàm Nghi là người đã ban chiếu Cần Vương, kêu gọi dân chúng đứng lên chống Pháp khởi đầu cho một loạt các phong trào khởi nghĩa vùng dậy lên khắp nơi gây nhiều thiệt hại cho thực dân Pháp.
Hàm Nghi tên thật của là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, tên húy là Nguyễn Phúc Minh, sinh ngày 3/8/1871 tại Huế, con của Thuận Nghi Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hương Hội (Nguyễn Phúc Cai), là vị vua thứ tám của nhà Nguyễn. Ngài lên ngôi ngày 2/8/1884 tại Huế khi mới 13 tuổi, trong bối cảnh triều Nguyễn lúc đó việc lên ngôi vua không phải là danh chính ngôn thuận mà tất cả đều được sắp đặt từ trước bởi các quan đại thần phụ chính.
Vừa lên ngôi được chưa lâu thì xảy ra cuộc nổi dậy kháng Pháp của các quan đại thần, nhà vua và lưỡng cung chẳng hay biết. Đến khi cuộc nổi dậy bất thành, kinh đô Huế bị thất thủ ngày 23/5 năm Ất Dậu (1885). Vua Hàm Nghi theo phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết chạy ra Tân Sở và ban chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu và toàn thể dân chúng nổi dậy chống Pháp.
Ba năm cầm đầu ngọn cờ của toàn dân tộc đấu tranh kháng Pháp, công cuộc chưa thành thì cuối năm 1888 vua Hàm Nghi bị bắt nộp cho Pháp. Không thể mua chuộc được ông vua trẻ lúc ấy chỉ mới 18 tuổi, thực dân Pháp đã đưa vua xuống tàu La Comète vào Sài Gòn, rồi đưa qua tàu Biên Hòa, lưu đày biệt xứ sang Algerie. Trước đó, thực dân Pháp đã yêu cầu viên toàn quyền Algeria đối xử tử tế với toan tính có thể đưa Hàm Nghi trở lại ngai vàng một lần nữa...
Tháng ngày tại Algerie
Chiều chủ nhật ngày 13/1/1889, vua Hàm Nghi đến thủ đô Alger. Mười ngày đầu, nhà vua tạm trú tại L'hôtel de la Régence (Toà nhiếp chính). Sau đó, ông được chuyển về ở Villa des Pins (Biệt thự Hiên Tùng) cách Alger 5km. Tại đây, nhà vua được chính quyền tiếp đón đàng hoàng và được nhiều học sinh người Việt tìm đến viếng chào. Ông cũng được viên toàn quyền Pháp tại Algerie là Tirman tiếp kiến và mời cơm thân mật tại gia đình.
Ít ngày sau, qua Toàn quyền Tirman, nhà vua nhận được tin thân mẫu là Bà Phan Thị Nhàn (vợ thứ của Ngài Hồng Cai, Hoàng Tử thứ 26 của vua Thiệu Trị) đã từ trần vào ngày 21/1/1889 tại Huế. Thân phụ mất (1876) lúc Hàm Nghi mới 5, 6 tuổi. Đến nay lại được tin thân mẫu qua đời, nhà vua đau khổ vô cùng.
Gần mười tháng tiếp đó, cựu hoàng không chịu học tiếng Pháp. Ông cho rằng tiếng Pháp là thứ tiếng của dân tộc đã cướp nước Việt Nam. Mọi việc giao thiệp đều qua thông ngôn Trần Bình Thanh. Nhưng dần dần ông thấy người Pháp ở Algerie không phải là loại người Pháp thực dân ở xứ An Nam, không những họ không thù hận ông mà trái lại họ còn quý mến và giúp đỡ ông rất nhiều. Đến tháng 11/1889, cựu hoàng chịu học tiếng Pháp với giáo sư Néopol.
Dù ở Algerie nhiều năm, người dân Alger quen gọi vua Hàm Nghi với cái tên thân thiện là “ông hoàng An Nam” (Prince d'Annam), bởi nhà vua luôn nói tiếng Việt, đầu búi tó, đội khăn vành, vận áo dài đen, quần trắng, ăn các món ăn của người Việt do người Việt nấu. Đến năm 1904, khi đã 33 tuổi, vua cưới vợ là cô Marcelle Laloe, con gái ngài luật sư Laloe, chánh án tòa thượng thẩm Alger.
Mối tình vua Hàm Nghi với người con gái quý tộc Pháp
Ngài Laloe góa vợ, có một con gái duy nhất, là người rất được trọng vọng đối với dân bản xứ. Ông chỉ có một cô con gái tên là Marcelle Laloe, lúc vua Hàm Nghi sang Algerie mới khoảng 16 tuổi. Là một trong những trí thức lớn, một viên chức đứng đầu của ngành Tư pháp ở xứ thuộc địa, trong quãng thời gian sống ở Algerie, ông Francois Laloe thường xuyên góp mặt vào những buổi sinh hoạt văn hóa-văn nghệ dành cho giới thượng lưu ở Thủ đô Alger được tổ chức tại gia đình bà Nam tước De Vialar. Đây là một gia đình rất thân thiết và quý mến Vua Hàm Nghi, nơi Vua Hàm Nghi thường xuyên qua lại, thậm chí còn sinh hoạt ở đó.
Nhờ mối quan hệ thân tình này, cũng vốn là người được số đông trong giới thượng lưu ở Alger yêu quý, nên vua Hàm Nghi và gia đình ông Francois Laloe nhanh chóng trở nên thân thiết với nhau. Là người có tư tưởng tiến bộ, ông Francois Laloe đã rất khuyến khích cô con gái trẻ tuổi của mình trò chuyện giao lưu với Vua Hàm Nghi – một người dân một nước thuộc địa của Pháp đang bị lưu đày nhưng có xuất thân hoàng tộc cao quý và hơn cả là có một nhân cách đẹp, một tâm hồn đẹp.
Tuy Vua Hàm Nghi hơn Marcelle Laloe 13 tuổi, nhưng không vì thế mà khoảng cách tuổi tác trở thành rào cản đối với họ. Được tiếp xúc với Vua Hàm Nghi nhiều lần trong những buổi sinh hoạt tại biệt thự của bà Nam tước De Vialar, Marcelle Laloe ngày càng có cảm tình với Vua Hàm Nghi. Dần dần, tình cảm của Marcelle Laloe và Vua Hàm Nghi ngày càng trở nên sâu đậm.
Tuy ông Francois Laloe có xuất thân quý tộc Pháp, nhưng mối quan hệ này của cô con gái duy nhất được ông vô cùng ủng hộ. Chỉ một thời gian sau đó, ông Francois Laloe đã đồng ý cho con gái Marcelle Laloe làm lễ đính hôn với Vua Hàm Nghi.
Ngày cưới, vua Hàm Nghi vẫn phục sức kiểu Việt với áo dài, khăn đống, búi tóc cổ truyền, đi trên chiếc xe song mã rước vị hôn thê đến nhà thờ làm lễ. Những bức ảnh tư liệu cho thấy hàng nghìn người đã theo dõi lễ cưới của vị vua An Nam, và đây trở thành một sự kiện văn hóa của người dân trong vùng. Vợ theo Thiên Chúa giáo, vua Hàm Nghi tuy không theo đạo nhưng rất tôn trọng vợ, thỉnh thoảng có đến nhà thờ, và hai người sống với nhau rất hạnh phúc cho đến cuối đời.
Nhà vua có ba người con, con đầu lòng là hoàng nữ Như Mai (1905), năm 1908 có thêm cô con gái kế là Như Lý và đến năm 1910 sinh con trai út Minh Đức. Ông thường bảo: “Các con chưa thể được làm người dân Việt Nam tốt thì hãy là những người Pháp tốt”. Khi Bảo Đại qua Alger thăm vua Hàm Nghi có mang cho ông một số tiền. Nhưng vua Hàm Nghi khuyên nên đem tiền về cho dân nghèo. Ở xứ người xa xôi, vua Hàm Nghi vẫn giữ trọn vẹn với đất nước.
Ý thức về sự đày ải suốt cuộc đời, biệt thự Hiên Tùng được vua đổi tên thành biệt thự Gia Long, trong đó xây một cổ lâu theo kiểu kiến trúc Việt truyền thống, biến thành nơi để thờ phụng, tế tự dòng tộc nhà Nguyễn.
Vua mất vào ngày 14/1/1944, tại biệt thự Gia Long và an táng ngay tại đây. Đến năm 1962, khi Algerie độc lập thì biệt thự Gia Long được trả về cho Algerie và ba năm sau di hài nhà vua được chuyển về cải táng ở khu lăng mộ tại làng Thonac, trong khu vực lâu đài của trưởng nữ Như Mai ở tỉnh Dordogne.